Ngoại cảm (ESP): Hiện tượng huyền bí đang chờ khoa học chứng minh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoại cảm hay Nhận thức ngoại cảm (Extrasensory Perception - ESP) là một khả năng đặc biệt của con người, mà cho tới bây giờ chưa được khoa học chứng minh. Thuật ngữ này để biểu thị các khả năng tâm linh như nói chuyện với người đã khuất, thần giao cách cảm, đọc được tâm lý, thấu thị và dự đoán tương lai. 

Người có khả năng ngoại cảm không sử dụng những giác quan bình thường, mà có khả năng cảm nhận bằng ‘giác quan thứ sáu’ rõ ràng và liên tục hơn những người khác.

Nhận thức ngoại cảm (ESP) vi phạm sự hiểu biết của chúng ta về các nguyên lý khoa học cơ bản. Tuy nhiên, các ước tính cho thấy khoảng 2/3 người dân Mỹ tin vào sự tồn tại của nó, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Europe’s Journal of Psychology vào năm 2019. Ngay cả trong giới học thuật, ESP đã tạo nên một cuộc tranh luận khoa học nghiêm túc.

Những khả năng đặc biệt của con người

Khả năng tiên tri

Người có khả năng tiên tri có thể nhìn thấu được tương lai. Thời Trung Quốc cổ đại từng xuất hiện khá nhiều người có khả năng tiên tri như Lưu Bá Ôn, Viên Thiên Cang, Gia Cát Lượng… Ở châu Âu cũng xuất hiện một số người được cho là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng này, chính là nhà tiên tri Vanga hay Nostradamus, cả hai từng có nhiều tiên đoán nổi tiếng đã trở thành sự thật.

Trí nhớ siêu phàm

Chúng ta từng thấy có người có khả năng đọc tên từng người trong một đám đông, có người có trí nhớ siêu phàm, có thể nhớ cụ thể mọi chuyện trong quá khứ, có khả năng tính toán cực kỳ nhanh.

Khả năng thấu thị

Đó là khả năng nhìn bằng con mắt thứ ba. Con mắt thứ ba là thuật ngữ tiếng Việt để chỉ một trong những khả năng tâm linh của những người có khả năng đặc biệt, có thể nhận biết được hình ảnh của đồ vật hay sự kiện diễn ra trong quá khứ, hiện tại hay tương lai không bằng thị giác thông thường.

Con mắt này nằm ở khu thiên mục trong não bộ. Từ ngoài nhìn vào, con mắt này nằm giữa giao điểm của đường thẳng nối hai chân mày và đường thẳng dọc sống mũi lên trán. Điển hình có thể kể đến Hoa Đà nhìn thấy khối u trong não Tào Tháo.

Khả năng chịu đựng và điều tiết

Một số nhà yoga Ấn Độ có thể cởi trần ngồi thiền ngoài trời trên núi cao Hymalaya dưới tuyết rơi dày đặc nhiều ngày không ăn. Họ cũng đã từng thực nghiệm sử dụng một lượng oxy tối thiểu nhưng vẫn duy trì được sự sống trong nhiều ngày, bằng cách nằm vào quan tài để mọi người đóng nắp kín lại và chôn xuống đất sâu sau 7 ngày đưa lên, khi mọi người mở nắp quan tài ra thì họ tự dậy và rời khỏi quan tài bình thường.

Khả năng ngoại cảm

Với khả năng này một người có thể truyền tải tin tức, thông điệp, suy nghĩ… thông qua tư tưởng tâm linh của mình đến người khác. Đặc biệt khả năng này trở nên rõ ràng hơn với những người có cùng tư tưởng hay trong cùng một khoảng không gian nhất định. Ngoại cảm là khả năng đặc biệt như các nhà tiên tri, có thiên nhĩ thông hay đọc được ý nghĩ người khác và chữa bệnh không dùng thuốc. Nhiều năm qua, khả năng ngoại cảm là đối tượng nghiên cứu quan trọng nhất trong các khả năng đặc biệt của con người.

Lịch sử của Ngoại cảm - ESP

Theo Đại học Canterbury ở New Zealand, sự hứng thú của con người với ESP bắt nguồn từ phong trào duy linh ở Anh và Mỹ vào thế kỷ 19. Khi đó, các thành viên của tầng lớp thượng lưu thường tổ chức các buổi lễ gọi hồn (séances) nhằm cố gắng giao tiếp với người đã khuất thông qua các dụng cụ và phương tiện, theo Live Science.

Đến cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học và các nhà tư tưởng bắt đầu tham gia vào những hội nhóm không chỉ quan tâm đến việc giao tiếp với các linh hồn mà còn quan tâm đến một loạt các hiện tượng huyền bí khác, bao gồm thần giao cách cảm và thôi miên. Năm 1882, Hội Nghiên cứu Tâm linh đã ra đời tại London (Anh), và một tổ chức tương tự đã được thành lập tại Mỹ vào năm 1885. Cả hai tổ chức này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Hình minh họa về khả năng đọc suy nghĩ vào cuối thế kỷ 19 này đã được đăng trên tờ Illustrated London News vào ngày 19 tháng 10 năm 1889.
Hình minh họa về khả năng đọc suy nghĩ vào cuối thế kỷ 19 này đã được đăng trên tờ Illustrated London News vào ngày 19 tháng 10 năm 1889. (Hình ảnh: Getty Images/Hulton Archive)

Thuật ngữ “nhận thức ngoại cảm” không được sử dụng rộng rãi cho đến những năm 1930, khi nhà tâm lý học J.B. Rhine tại Đại học Duke (Mỹ) mở một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về giác quan thứ sáu. Ông trở nên nổi tiếng với các thí nghiệm liên quan đến một bộ bài gồm 25 tấm thẻ Zener [các tấm thẻ này do nhà tâm lý học Karl Zener thiết kế]. Mỗi tấm thẻ in hình một trong năm biểu tượng: vòng tròn, dấu cộng, hình vuông, ngôi sao và ba đường lượn sóng đặt cạnh nhau.

Rhine yêu cầu những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu xác định biểu tượng trên mỗi tấm thẻ bài mà không trực tiếp nhìn thấy nó. Về mặt lý thuyết, một người bình thường có 1/5 cơ hội, hoặc 20% cơ hội đoán đúng biểu tượng trên mỗi tấm thẻ bài.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, mọi người luôn đoán đúng với xác suất lớn hơn 20%, và ông cho rằng đây chính là bằng chứng về ESP. Ông xuất bản công trình nghiên cứu của mình trong cuốn sách có tựa đề “Extrasensory Perception” (Nhận thức ngoại cảm) vào năm 1934.

Nghiên cứu của Rhine đã thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực cận tâm lý học mới. Năm 1957, ông thành lập Hiệp hội Cận tâm lý học, một tổ chức chuyên nghiên cứu các trải nghiệm tâm linh, và tổ chức này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Ngoại cảm (ESP) có tồn tại không?

Kể từ khi lĩnh vực cận tâm lý học ra đời, một số nhà khoa học đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để điều tra sự tồn tại của ESP. Từ năm 1972 đến năm 1995, CIA và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) chi tổng cộng 20 triệu USD cho các nỗ lực nghiên cứu liên quan đến ESP tại Viện Nghiên cứu Stanford, theo một bài báo đăng trên tạp chí SAGE Open vào năm 2015.

Chương trình này, sau đó có biệt danh là “Stargate”, đã khai thác khả năng tâm linh nhằm phục vụ mục đích quân sự và tình báo trong thời kỳ căng thẳng của Chiến tranh Lạnh.

Vào thập niên 1970, giới khoa học bắt đầu tiến hành các thí nghiệm Ganzfeld nhằm chứng minh khả năng thần giao cách cảm của con người. Trong thí nghiệm, những người tham gia sẽ ngồi trong phòng tối, bịt mắt và ‘lắng nghe’ các thông tin từ người gửi tin. Mục đích là để loại bỏ kích thích giác quan của những người tham gia, giúp họ dễ dàng tập trung vào các thông điệp ESP hơn.

Các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia thí nghiệm tập trung vào bất kỳ hình ảnh nào xuất hiện trong tâm trí của họ, trong khi một “người gửi thông tin” ngồi ở căn phòng khác xem một hình ảnh ngẫu nhiên và cố gắng truyền thông tin cho người tham gia trong phòng tối. Sau đó, những người tham gia sẽ xem một số hình ảnh, một trong số đó là hình ảnh mà người gửi cố gắng truyền đạt. Nếu họ lựa chọn chính xác hình ảnh này, họ đã có một “lựa chọn đúng”.

Tương tự kết quả nghiên cứu trước đó của Rhine, những người tham gia lựa chọn đúng hình ảnh với tỷ lệ cao hơn so với xác suất thông thường dựa trên khoa học cơ hội. Một nghiên cứu đánh giá tổng hợp về kết quả của hàng chục thí nghiệm Ganzfeld đã được công bố trên tạp chí American Psychologist vào năm 2018.

Ngày nay, nghiên cứu về Ngoại cảm - ESP xuất hiện cùng với nghiên cứu tâm lý học chính thống trên các tạp chí nổi tiếng được bình duyệt ngang hàng, bao gồm American PsychologistJournal of Personality and Social Psychology.

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại cảm (ESP): Hiện tượng huyền bí đang chờ khoa học chứng minh