Nhà kinh tế hai lần được đề cử giải Nobel: Sự sụp đổ của Trung Quốc giống Liên Xô, là khó tránh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà kinh tế học Dương Tiểu Khải (Xiaokai Yang), người hai lần được đề cử giải Nobel, đã đưa ra quan điểm về kinh tế Trung Quốc vào những năm 1990 và 2000, chỉ ra xung đột lợi ích và 'tử huyệt' trong cách nền kinh tế tìm kiếm tăng trưởng, chứng minh rằng nếu Bắc Kinh không thay đổi, sự sụp đổ như Liên Xô là tất yếu. Nhưng thời điểm đó, tiếng nói của ông đã bị át đi bởi những lời lẽ xu nịnh của các học giả thuộc chính quyền. Quan điểm của ông Dương như một lời tiên tri, giờ đây thời gian ứng nghiệm ngày một gần.

Có những lời tiên tri từ ánh sáng của tri thức chứ không phải từ thế giới huyền bí đã trở thành sự thật. Lời tiên tri của nhà kinh tế học người Trung Quốc, người đã hai lần được đề cử giải Nobel Kinh tế học, Giáo sư Dương Tiểu Khải, đã trở thành sự thật. Lời tiên tri ông để lại từ thập niên 1990 và gần nhất là năm 2004, trước khi ông qua lời không bao lâu, giờ dường như đã trở thành sự thật.

GS. Dương Tiểu Khải, từ góc nhìn thể chế kinh tế, đã chứng minh rằng nguồn lực khan hiếm của kinh tế Trung Quốc đang nằm trong tay nhà nước (qua DNNN vốn kém hiệu quả hơn nhiều so với tư nhân), các doanh nghiệp thì theo chủ nghĩa tư bản thân hữu, trong khi các quan chức được phép kinh doanh.

Tất cả sẽ đi đến một kết cục không thể trách khỏi: tài sản quốc gia tập trung vào một nhóm lợi ích đặc hữu, xung đột lợi ích ở khắp mọi ngõ ngách của thể chế, xung đột xã hội trở nên gay gắt hơn, sức mạnh tiêu dùng của người Trung Quốc ngày càng suy giảm. Khi tài sản chỉ tập trung vào một nhóm đặc hữu, thì tiết kiệm (vốn cao nhất thế giới của người Trung Quốc, là nguồn vốn tái đầu tư lớn nhất thế giới) bị suy giảm. Từ lô-gic này về kinh tế học, tất yếu mà Trung Quốc phải đối mặt là sự suy giảm tăng trưởng không thể tránh khỏi, sự phung phí nguồn lực quốc gia, sự đầu cơ vào thị trường tài chính và bất động sản kiếm lời, nó sẽ dẫn tới khủng hoảng và sự sụp đổ; một kết cục giống với Liên Xô vào thập kỷ 90 là khó tránh.

Về vấn đề này, phóng viên của Vision Times đã trao đổi với ông Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), một luật sư nhân quyền nổi tiếng và là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nhân quyền thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ.

Phóng viên: Trong nghiên cứu của mình, ông Dương Tiểu Khải đã so sánh các doanh nghiệp nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với các doanh nghiệp do thương nhân đầu tư nhưng chính phủ quản lý trong cuối thời nhà Thanh. Ông rút ra kết luận là, khi chế độ chưa cải cách thì những phát triển kinh tế do kỹ thuật mang lại chỉ càng khuếch đại chủ nghĩa cơ hội của chính phủ.

Nói cách khác, khi nền kinh tế phát triển dưới chế độ độc tài, nó lại càng khiến các nhà độc tài tin vào cái gọi là ưu thế của nước phát triển muộn. Tuy nhiên, tác động này chỉ có một kết quả duy nhất, đó là về góc độ kinh tế, không những các doanh nghiệp tư nhân không phát triển được mà sức sống chung của cả đất nước, trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước, sẽ bị ăn mòn.

Đặt quan điểm này vào thời điểm hiện tại, trước các suy thoái hiện nay ở Trung Quốc, càng có thể chắc chắn rằng trong tương lai không xa sẽ xảy ra bi kịch lớn.

Luật sư Trần Quang Thành: Sự độc tài của Bắc Kinh khiến đất nước mất đi sức sống, đây đã là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa, tình trạng này hiện đang diễn ra, còn nhiều bi kịch khác đang đến. Việc chế độ Bắc Kinh diệt vong là số mệnh tất yếu.

Trong nước, nền kinh tế đang suy thoái mạnh, nhìn vào tỷ giá hối đoái gần đây của đồng nhân dân tệ so với USD, chúng ta có thể thấy rằng các nước trên thế giới đã mất niềm tin vào chế độ Bắc Kinh.

Cùng lúc đó ở bên ngoài, động thái ông Tập gặp ông Putin càng cho thấy Bắc Kinh ủng hộ cuộc xâm lược của Nga, ĐCSTQ vẫn đang bành trướng nhưng cũng là đang tăng tốc đi đến chỗ chết.

Phóng viên: Hiện nay, giới trí thức và những người tỉnh táo ở Trung Quốc đều rất bất lực, họ nhìn thấy đất nước đang rơi xuống vực thẳm nhưng không ai có thể ngăn cản. Ngay cả việc nói ra sự thật cũng không được phép, phải nói rằng đây là nỗi bi ai lớn nhất.

Luật sư Trần Quang Thành: Chế độ Bắc Kinh là điển hình của việc người ngoài nghề lãnh đạo người trong nghề. Những người leo lên được vị trí cao trong đảng sẽ quyết định vận mệnh của Trung Quốc, bao gồm cả vận mệnh kinh tế và các phương diện khác. Ví dụ, một bí thư thị trấn có thể được chuyển đến làm chánh án của một tòa án, hiện tượng này rất phổ biến, như vậy hệ thống pháp luật còn hy vọng không?

Chỉ cần đến Đại học Thanh Hoa lấy chứng chỉ rồi trở về lãnh đạo đất nước, xung quanh lại có rất nhiều người xu nịnh, dưới tình huống như vậy chế độ không sụp đổ nhanh chóng đã là một kỳ tích rồi.

Phóng viên: Ở Trung Quốc năm nào cũng xuất hiện những sự việc kỳ quái. Ví như năm nay, Công ty Buýt Lan Châu ở Cam Túc không có khả năng trả lương do làm ăn thua lỗ, giải pháp mà công ty này đưa ra là cho nhân viên tự đến ngân hàng vay tiền để tự trả lương cho chính mình. Chuyện này trước nay chưa từng có.

Luật sư Trần Quang Thành: Nhân viên đi vay để trả lương cho chính họ, câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ là người trả lãi? Lẽ ra, công ty buýt phải thế chấp tài sản để vay tiền trả lương cho nhân viên, nhưng họ lại đẩy trách nhiệm cho nhân viên, công ty buýt có bù đắp được thâm hụt hay không thì còn là ẩn số. Để cá nhân đi vay là việc hoang đường, không hợp pháp, lại càng không hợp tình.

Điều đáng chú ý là, công ty xe buýt không hẳn là một tổ chức dựa vào lợi nhuận kinh doanh để duy trì hoạt động. Các tổ chức như vậy, kể cả ở phương Tây, đều dựa vào trợ cấp tài chính của chính phủ, và ở Trung Quốc cũng vậy. Công ty xe buýt không phải là một tổ chức kiếm tiền, cho nên việc Công ty Buýt Lan Châu rơi vào cảnh này kỳ thực là do hệ thống kinh tế địa phương xảy ra vấn đề lớn. Nếu đây không phải sự việc ngẫu nhiên thì hậu quả sẽ khôn lường.

Phóng viên: Từ những năm 1990, nhà kinh tế [Dương Tiểu Khải] đã dự đoán xu hướng không thể tránh khỏi của chế độ Bắc Kinh, và bây giờ lại xảy ra chuyện khó tin là công ty buýt kêu nhân viên tự trả lương bằng cách vay nợ. Tương lai của những người Trung Quốc bình thường sẽ đi về đâu?

Luật sư Trần Quang Thành: Chế độ Bắc Kinh nợ máu nhân dân Trung Quốc rất nhiều, tuyệt đối không đáng tin cậy. Đừng nghe những lời tuyên truyền của chế độ này. Để đối phó với những điều bất trắc, lúc này ai có tiền (nhân dân tệ) trong tay, hãy nhanh tay đổi lấy ngoại tệ phòng khi cần đến.

ĐCSTQ sẽ không thể tránh khỏi một cuộc sụp đổ toàn diện như Venezuela. Đồng nhân dân tệ sẽ mất giá tới mức độ nào, có lẽ vác một túi tiền đi nhưng không mua nổi một chiếc bánh mì.

Ví dụ, trước đây khi tôi liên lạc với những người bạn ở Trung Quốc, họ rất đắc ý mà nói rằng tôi “nói xấu” Trung Quốc nhiều năm như vậy, kết quả là kinh tế Trung Quốc ngày càng tốt hơn.

Nhưng gần đây phát hiện ra rằng, tâm lý của người dân Trung Quốc đã thay đổi, trước đây vốn tràn đầy tự tin thì nay không còn vậy nữa. Ngay cả các ông già bà già trên đường lớn ngõ nhỏ đều biết kinh tế Trung Quốc không ổn rồi. Sở dĩ tôi chia sẻ câu chuyện này với mọi người là để nói rằng, vấn đề kinh tế Trung Quốc bất ổn là chuyện nhà nhà đều biết.

Càng trong thời điểm khó khăn, mọi người lại càng phải đề cao cảnh giác, nắm chặt nguồn lực trong tay. Dù đó là bất động sản hay tiền mặt, đừng để chính quyền tước mất với bất cứ lý do gì, trong tương lai chúng có thể là sợi dây cứu sống bạn, đừng dễ dàng từ bỏ những thứ có thể cứu mạng mình.

Về nhà kinh tế Dương Tiểu Khải

Theo thông tin công khai, ông Dương Tiểu Khải (1948-2004) là một nhà kinh tế học người Úc gốc Hoa. Ông là một nhà lý luận hàng đầu thế giới về phân tích kinh tế, và là một nhà vận động có ảnh hưởng cho nền dân chủ ở Trung Quốc.

Sinh ra ở Trung Quốc, do là con của quan chức nên ông Dương được hưởng nền giáo dục đặc biệt từ bé. Sau này, ông trở thành Hồng vệ binh trong thời Cách mạng Văn hóa, nhưng rồi lại có chuyển biến về tư tưởng khi cho rằng xung đột cốt yếu ở Trung Quốc là giữa "giai cấp tư bản đỏ" mới (bao gồm các cán bộ ĐCSTQ cùng gia đình của họ) và quần chúng nhân dân Trung Quốc. Đây là tư tưởng đáng kinh ngạc và táo bạo so với quan điểm chính thống của chủ nghĩa Mao rằng xung đột ở Trung Quốc về cơ bản là giữa Mao và kẻ thù của ông ta.

Ông bị bắt và đi tù 10 năm, trong thời gian này ông đã nỗ lực học tiếng Anh và giải tích toán học. Sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế ở Trung Quốc, ông lấy bằng tiến sĩ kinh tế học ở Đại học Princeton và nhận học bổng sau tiến sĩ tại Đại học Yale. Năm 1988, ông chuyển đến Úc và đảm nhận vị trí giảng viên tại Đại học Monash.

Năm 1993, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Úc. Ông đã hai lần được đề cử giải Nobel Kinh tế vào năm 2002 và 2003.

Ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi vào năm 2001 và qua đời vào năm 2004. Cuộc đời đầy biến cố của ông được mô tả trong cuốn hồi ký có tên “Captive Spirits: Prisoners of the Cultural Revolution” (Những linh hồn bị giam cầm: Những tù nhân của Cách mạng Văn hóa).

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhà kinh tế hai lần được đề cử giải Nobel: Sự sụp đổ của Trung Quốc giống Liên Xô, là khó tránh