Nhiễm vi khuẩn ăn thịt ngày càng gia tăng: Cách để nhận biết các triệu chứng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thời gian gần đây, một loại "vi khuẩn ăn thịt" có tên Vibrio vulnificus đang gây chú ý do sự gia tăng đáng kể các trường hợp lây nhiễm ở Mỹ, một số trường hợp đã tử vong trong khi có bệnh nhân phải làm phẫu thuật cắt chi để kiểm soát nhiễm trùng. Vậy Vibrio Vulnificus là gì? Liệu chúng có thực sự ăn thịt như trong phim kinh dị?

Các trường hợp vi khuẩn ăn thịt đang gia tăng

Vibrio vulnificus là một loại vi khuẩn ăn thịt có thể gây nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Nhiễm trùng do vi khuẩn này rất hiếm nhưng đang gia tăng.

Nhà vi trùng học và giáo sư nổi tiếng Rita Colwell từ Đại học Maryland, với kinh nghiệm 50 năm nghiên cứu vi khuẩn Vibrio, cho biết trong những thập kỷ gần đây, các trường hợp nhiễm trùng đã tăng gấp nhiều lần.

Khoảng 150 đến 200 trường hợp nhiễm V. vulnificus được báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) mỗi năm. Khoảng 20% bệnh nhân chết trong vòng một hoặc hai ngày sau khi bị nhiễm khuẩn.

Vibrio vulnificus phát triển mạnh ở vùng nước ấm, mặn và lợ. Do đó, nhiễm trùng V. vulnificus được báo cáo phổ biến nhất ở các bang Bờ Vịnh như Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama và đặc biệt là Florida, nơi có đường bờ biển dài nhất Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, cũng có sự gia tăng các báo cáo về V. vulnificus dọc theo Bờ biển phía Đông.

Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư về y tế dự phòng và chính sách y tế tại khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, nói với The Epoch Times: “Các bác sĩ dọc Bờ Vịnh đã quen với chủng loại vi khuẩn này. Nhưng hiện nay Vibrio đang di chuyển lên Bờ Đông, tôi nghĩ các bác sĩ ở đó – đặc biệt là những người làm việc trong phòng cấp cứu – đang phải tìm hiểu thêm về nó”.

Theo một bài báo gần đây do bà Colwell dẫn đầu, từ năm 1992 đến năm 2022, số ca nhiễm V. vulnificus đã tăng gấp 5 lần ở Florida và 8 lần ở các bang miền đông từ năm 1988 đến năm 2018.

Bài báo đã điều tra các vùng nước ven biển để tìm V. vulnificus và V. parahaemolyticus, một loại vi khuẩn có liên quan trong cùng chi, sau cơn bão Ian. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, bão và lũ lụt có thể làm tăng sự phổ biến của V. vulnificus ở vùng nước ven biển.

Vì V. vulnificus hiếm hơn ở vùng nước ven biển nên bà Colwell rất ngạc nhiên trước nồng độ vi khuẩn được phát hiện trong các mẫu nước.

Bão Ian đã tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn Vibrio phát triển.

Bà nói thêm: "Sự hỗn loạn do cơn bão tạo ra, khiến các trầm tích bị cuốn và nổi lên - dòng chảy sẽ cuộn các chất dinh dưỡng nổi lên bề mặt từ nước ngầm. Điều này mang hỗn hợp dinh dưỡng vừa đa dạng vừa phong phú cho quần thể sinh vật phù du (mà vi khuẩn Vibrio bám vào)".

"Với nhiệt độ của nước ấm hơn rất nhiều, bạn sẽ có được sự kết hợp lý tưởng của các yếu tố để thúc đẩy sự gia tăng số lượng của vi khuẩn cũng như khả năng lây nhiễm của chúng”.

Vi khuẩn này ăn thịt như thế nào?

Thông thường, nếu hàng rào bảo vệ da còn nguyên vẹn thì vi khuẩn không thể gây nhiễm trùng.

Vi khuẩn ăn da thường xâm nhập qua vết nứt, chẳng hạn như vết xước, vết cắt hoặc vết thương, gây chết mô nhanh chóng và tiến triển do vi khuẩn giải phóng độc tố phá vỡ các cơ, dây thần kinh và mạch máu gần đó. Chúng cũng có thể xâm nhập vào thành bụng, vùng quanh hậu môn và vùng háng, thường ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.

Phản ứng miễn dịch của cơ thể cũng góp phần làm cho mô bị nhiễm bệnh trở nên tồi tệ hơn. Khi có nhiều tế bào miễn dịch tham gia vào các mô bị nhiễm bệnh, áp lực và không khí tích tụ trong cơ, càng đẩy nhanh quá trình chết của các mô cơ, dây thần kinh và mạch máu.

Sự chết mô nhanh chóng này được gọi là viêm cân hoại tử và tạo cảm giác rằng vi khuẩn đang ăn mòn thịt.

Một số vi khuẩn khác cũng có thể gây viêm cân hoại tử. Thủ phạm phổ biến nhất đằng sau tình trạng này là Streptococcus nhóm A hoặc strep nhóm A.

Sự gia tăng các trường hợp nhiễm Vibrio vulnificus, đặc biệt với các bang từng ít ghi nhận sự xuất hiện của nó, đã cảnh báo các cơ quan y tế và chính quyền địa phương.

Dấu hiệu nhiễm trùng

Viêm cân hoại tử hoặc đau dữ dội ở vùng bị nhiễm trùng do áp lực và tổn thương mô.

Tiến sĩ H. Dele Davies, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa, đồng thời là phó hiệu trưởng cấp cao về các vấn đề học thuật và trưởng khoa nghiên cứu sau đại học tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, nói với The Epoch Times: “Cơn đau khủng khiếp là một trong những điểm bùng phát”.

Một số bệnh nhân không có dấu hiệu tổn thương thực thể vì vi khuẩn có khả năng đã xâm nhập vào qua các lỗ. Điều này có xu hướng xảy ra ở những người bị suy giảm miễn dịch.

Ngay cả khi vi khuẩn xâm nhập qua vết thương trên da, nhiễm trùng chưa chắc sẽ xuất hiện ở vị trí đó. Bệnh nhân cũng có thể bị mẩn đỏ hoặc phồng rộp gần vết thương.

Tiến sĩ Davies nói: “Thỉnh thoảng… bạn sẽ thấy một vết phồng rộp có máu hoặc máu đen bên dưới, nhưng triệu chứng chủ yếu là rất nhiều đau đớn, thường không thể giải thích được nguyên nhân của nỗi đau đó”.

Đỏ, sưng và hình thành mủ cũng có thể xảy ra.

Cắt cụt chi không phải lúc nào cũng cần thiết

Tiến sĩ Davies cho biết can thiệp phẫu thuật là bước quan trọng nhất trong bệnh viêm cân hoại tử.

Bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện phẫu thuật cắt cân, mở da ở vùng đau để giải phóng áp lực. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật kiểm tra cơ, cân và mô mềm để tìm dấu hiệu của mô chết. Sau đó, loại bỏ chúng và rửa vết cắt hở bằng nước vô trùng để tiêu diệt vi khuẩn còn sót lại.

Thuốc kháng sinh cũng được tiêm vào máu để hỗ trợ. Tuy nhiên, bác sĩ Davies cho biết kháng sinh không thể xâm nhập vào màng tế bào nên chỉ được dùng để ngăn ngừa nhiễm trùng máu.

Dần dần, nhiễm trùng ở các chi có thể xâm nhập vào mạch máu, dẫn đến nhiễm trùng huyết. Điều này có thể khiến các cơ quan hoạt động kém và bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp nghiêm trọng, gây tổn thương phổi, thận, gan và các cơ quan khác, có khả năng dẫn đến tử vong.

Các triệu chứng của nhiễm trùng huyết bao gồm sốt, run rẩy, ớn lạnh, tụt huyết áp và bệnh nhân trông rất ốm yếu.

Cắt cụt chi bị nhiễm trùng là biện pháp cuối cùng nếu nhiễm trùng lan rộng. Thông thường, các bác sĩ đã cố gắng loại bỏ các mô bị tổn thương và kê đơn thuốc kháng sinh ở giai đoạn này, tuy nhiên tình trạng nhiễm trùng không khỏi hoặc trở nên trầm trọng hơn.

Tiến sĩ Davies so sánh việc nhiễm vi khuẩn với tình trạng rỉ nước trong bồn rửa, cho biết: “Nếu bệnh nghiêm trọng đến mức mỗi khi kiểm tra máu, vi khuẩn vẫn ở trong đó, điều đó có nghĩa là bạn đã bật vòi ở đâu đó. Nếu không tắt vòi nước đó, cho dù bạn có cho bao nhiêu thuốc kháng sinh đi chăng nữa, thì việc đó cũng giống như lau sàn trong khi vòi đang bật. Vì vậy, một phần lý do khiến bệnh nhân phải cắt cụt chi là để tắt lượng nước cơ bản đi vào bồn rửa".

Cách giảm nguy cơ nhiễm trùng

Theo CDC, người ta có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng cách tránh xa nước mặn hoặc nước lợ khi họ bị vết thương do phẫu thuật, xỏ khuyên hoặc xăm mình.

Vết thương cũng phải được băng lại bằng băng chống thấm nếu có nguy cơ tiếp xúc với nước mặn, nước lợ hoặc hải sản sống, nấu chưa chín và nước ép của nó.

Cũng cần rửa kỹ các vết thương và vết cắt bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với bất kỳ thứ nào trong số đó. Tiến sĩ Davies cho biết, mặc dù điều này có thể không loại bỏ hết vi khuẩn nhưng nó có thể giúp giảm tổng số lượng vi khuẩn và làm cho tình trạng nhiễm trùng trở nên dễ kiểm soát hơn.

Ông nói: “Trong bối cảnh này, đây là một tình trạng hiếm gặp. Hầu hết những người ở nước lợ hoặc nước mặn đều sẽ ổn”. Tuy nhiên, bất kỳ ai mắc bệnh gan tiềm ẩn, tiểu đường, ung thư hoặc đang trong tình trạng suy giảm miễn dịch nên đảm bảo rằng họ không có bất kỳ vết cắt hoặc vết bầm tím nào trước khi xuống nước.

Nấu kỹ hàu trước khi ăn

Ít phổ biến hơn, V. vulnificus cũng có thể gây ngộ độc thực phẩm do ăn động vật có vỏ và hàu sống.

Vibrio parahaemolyticus chiếm phần lớn các trường hợp nhiễm trùng do thực phẩm do vi khuẩn Vibrio gây ra. Hầu hết những người bị nhiễm Vibrio có xu hướng bị tiêu chảy, co thắt dạ dày và nôn mửa trong ba ngày trước khi hồi phục.

Trong những trường hợp hiếm gặp hơn, người ta có thể chết vì nhiễm trùng đường ruột. Hơn 95% số ca tử vong do ăn hải sản là do V. vulnificus gây ra.

Nhiễm trùng có thể xảy ra do ăn hàu và động vật có vỏ sống hoặc chưa chín khiến vi khuẩn bám vào.

Tuy nhiên, những người khỏe mạnh thường không bị nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng do ăn động vật có vỏ sống (hoặc nấu chưa chín) bị nhiễm Vibrio, Tiến sĩ Schaffner cho biết.

Những người bị suy giảm miễn dịch và những người bị xơ gan hoặc nồng độ sắt cao trong máu đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh. Đối với những người bị nhiễm trùng đường ruột, nếu nhiễm trùng không được loại bỏ, vi khuẩn có thể xâm nhập vào niêm mạc ruột đến mạch máu, gây nhiễm trùng máu, có thể gây tử vong.

Tiến sĩ Schaffner cho biết: “Điều này không làm phiền những người bình thường [nhưng] những người bị suy giảm miễn dịch được khuyên không nên ăn hàu sống”.

Theo Marina Zhang - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Marina Zhang là cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, có trụ sở tại New York. Cô ấy chủ yếu đưa tin về các câu chuyện về COVID-19 và hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời có bằng cử nhân y sinh học tại Đại học Melbourne.



BÀI CHỌN LỌC

Nhiễm vi khuẩn ăn thịt ngày càng gia tăng: Cách để nhận biết các triệu chứng