Những “Hỏa Diệm Sơn” phiên bản đời thực khiến nhân loại sửng sốt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi xem bộ phim Tây Du Ký nổi tiếng, ai cũng vẫn còn nhớ chi tiết bốn thầy trò Đường Tăng khi đi Tây Thiên thỉnh kinh đã phải đi qua Hỏa Diệm Sơn - con đường duy nhất dẫn đến Tây Thiên. Trong tác phẩm, Hỏa Diệm Sơn được miêu tả là "lửa bốc ngùn ngụt tám trăm dặm, bốn phía xung quanh một tấc cỏ cũng không mọc được. Đi qua ngọn núi ấy, dù có mình đồng da sắt cũng chảy thành nước hết". 

Nhưng chúng ta có biết rằng Hỏa Diệm Sơn là một địa điểm có thật? Núi Hỏa Diệm ngày nay nằm ở rìa phía bắc của lưu vực Turpan, Tân Cương, Trung Quốc. Người dân địa phương gọi Hỏa Diệm Sơn này là "Kiziltag", có nghĩa là "Núi Đỏ". Ngoài ra, còn có những phiên bản đời thực khác của Hỏa Diệm Sơn, nơi thật sự quanh năm bốn bề rực lửa.

Ngọn núi lửa âm ỉ 300 năm trên núi Hạ Lan, Trung Quốc

Trung Quốc là đất nước rất giàu trữ lượng than. Đặc biệt, núi Hạ Lan (贺兰山), nằm giữa Ninh Hạ và Nội Mông, có điều kiện địa chất đặc biệt nên chất lượng than ở đây có thể nói là ‘độc nhất vô nhị’.

Than ở đây không chỉ thải ra ít tro và lưu huỳnh mà gần như không có khói và tỏa ra nhiệt lượng cao, với trữ lượng lên tới tới 1,5 tỷ tấn. Có thể nói, than ở núi Hạ Lan là nguyên liệu hóa học rất lý tưởng. Vì thế nó được mệnh danh là “vua than”.

Than ở núi Hạ Lan rất quý nhưng các vỉa than của nó lại bị cháy một cách lãng phí. Có tài liệu cho rằng, chúng đã tự cháy trong 300 năm, từ thời nhà Thanh. Người ta ước tính núi Hạ Lan đã đốt hơn 34.000 tấn than mỗi năm trong các vỉa than tự phát, thiệt hại lên đến một tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 3.600 tỷ đồng) mỗi năm.

Diện tích khu vực cháy tự phát từ 3,3 km ban đầu đang lan rộng với tốc độ 14-16 mét mỗi năm. Theo hướng này, trong vòng chưa đầy 50 năm nữa, vùng Thái Tây thuộc khu vực mỏ than Nhữ Cơ Câu sẽ bị đốt cháy và biến mất hoàn toàn.

Hiện tại, tổng trữ lượng than được thống kê ở Thái Tây là 580 triệu tấn. Sau hơn 300 năm khai thác, chỉ còn lại 270 triệu tấn. Trữ lượng than nằm trong khu vực cháy tự phát ở đây lên tới 67 triệu tấn.

Theo thống kê, diện tích vỉa than núi Hạ Lan cháy tự phát lên tới 16 ha, đám cháy vẫn đang tiếp tục mở rộng. Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối vì nguồn than quý đang bị mất đi mà không thể tái tạo được.

Than trên núi Hạ Lan có hai đặc tính, đó là hàm lượng khí và hoạt tính cao. Đặc điểm này khiến chúng không khác gì chiếc “cầu chì”. Khi vỉa than phía trên bị đốt cháy tự nhiên, nhiệt độ sẽ dễ dàng chạm đến các mỏ than sâu hơn. Khi nhiệt độ lên đến 300°C - 700°C, than ở những khu vực lân cận cũng sẽ bốc cháy theo.

Các ghi chép cho biết từ cổ xưa đã có những lò nhỏ hoặc xưởng nhỏ khai thác than. Đến năm 1990, hoạt động khai thác ở núi Hạ Lan bùng nổ. Do việc khai thác không đạt tiêu chuẩn dẫn đến các vỉa than tiếp xúc với không khí tạo ra phản ứng với oxy và tự bốc cháy. Khu vực này cũng có vô số lỗ hổng do khai thác quá mức và bừa bãi. Đây cũng là một phần nguyên nhân gây ra ngọn lửa dai dẳng suốt 300 năm qua.

Than vẫn tiếp tục cháy mỗi ngày tại ‘Hỏa Diệm Sơn’ ngày nay trên núi Hạ Lan ở Trung Quốc.
Than vẫn tiếp tục cháy mỗi ngày tại ‘Hỏa Diệm Sơn’ ngày nay trên núi Hạ Lan ở Trung Quốc. (Ảnh: sohu)

Việc than cháy liên tục không chỉ mang lại các khí độc hại như: carbon dioxide, carbon monoxide và nitơ oxit mà còn trực tiếp tiêu diệt các sinh vật trong vùng lân cận. Điều này còn khiến chất lượng không khí địa phương trở nên tồi tệ hơn, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Tác hại khó lường

Các số liệu thống kê liên quan chỉ ra rằng khu vực lò than tự phát ở núi Hạ Lan thải ra 12.900 tấn hạt và 5.324 tấn carbon dioxide mỗi năm. Lượng khí thải như vậy gấp 269 lần so với một nhà máy nhiệt điện. Theo báo cáo, người dân ở đây có tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, ung thư cao hơn so với những nơi còn lại.

Biến đổi không khí và địa chất ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của động vật và thực vật. Bởi vì các chất độc hại thải ra khi đốt các vỉa than sẽ được cây cỏ hấp thụ và động vật cũng bị ảnh hưởng khi chúng ăn các loại thực vật này. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh nhiễm fluor ở cừu tại dãy núi Hạ Lan.

Không dừng lại ở đó, các hốc núi do khai thác quá mức dễ gây sạt lở, nứt núi, sụt địa tầng. Cùng với sự cằn cỗi của đất đai, nhiều sinh vật gần khu vực khai thác không thể tồn tại, và nhiều thảm thực vật bị chết, điều này làm trầm trọng thêm tình trạng xói mòn nước và đất trong mùa mưa.

Theo thống kê, từ năm 2012 đến 2015, ở Trung Quốc đã xảy ra gần 20 vụ nổ khí quy mô lớn ở núi Hạ Lan, và có tới 9 vụ là do vỉa than tự phát, gây thiệt hại lớn về người. Ngọn lửa âm ỉ ở đây năm nào cũng mang lại thiệt hại nghiêm trọng và đã diễn ra liên tục hơn 300 năm nhưng vẫn chưa thể dập tắt. Tại sao vậy?

Trước hết, than ở núi Hạ Lan rất dễ bén lửa. Do đó, ngọn lửa có thể phát tán sang các vỉa than bên cạnh. Tình trạng này dẫn đến các vỉa than cháy tự phát ngày càng nhiều nên xác suất có thể dập tắt là rất nhỏ.

Ngoài ra, khai thác than “thâm canh” đã đẩy nhanh tốc độ tiếp xúc của các vỉa than. Khi bề mặt tiếp xúc giữa các vỉa than dưới lòng đất và ôxy ngày càng tăng, nguy cơ bén lửa cũng tăng lên.

Ngoài ra, còn một Hỏa Diệm Sơn phiên bản đời thực khác đã tồn tại suốt hàng nghìn năm qua, bất chấp cả những ngày mưa tuyết cũng không bị dập tắt.

“Hỏa Diệm Sơn” bốc cháy không ngừng nghỉ suốt 4.000 năm bất chấp mưa tuyết

Hỏa Diệm Sơn này nằm ở Azerbaijan, nơi được mệnh danh là “Vùng đất lửa”. Đất nước này được lấp đầy bởi những nguồn khí ngầm dưới lòng đất. Ở một số nơi, thậm chí chỉ cần một tia lửa vô tình nào đó cũng có thể đốt cháy khí phía dưới cho tới lúc cạn kiệt hoàn toàn.

Xưa kia, người dân ở Azerbaijan tôn thờ lửa. Mọi người tin rằng, lửa là biểu tượng của sức mạnh thần thánh. Và khi nhắc tới “Vùng đất lửa” Azerbaijan, người ta thường nghĩ ngay đến “ngọn lửa vĩnh cửu” Yanar Dag đã bùng cháy suốt từ thời cổ đại cho đến nay mà chưa từng bị dập tắt.

Du khách tại một khu vực ở ‘Hỏa Diệm Sơn’ ngày nay tại Yanar Dag, Azerbaijan.
Du khách tại một khu vực ở ‘Hỏa Diệm Sơn’ ngày nay tại Yanar Dag, Azerbaijan. (Ảnh: wiki-travel)

Yanar Dag trong tiếng Ả Rập, có nghĩa là “ngọn núi đang cháy”. Địa điểm này nằm trên bán đảo Absheron cách thủ đô Baku của Azerbaijan chừng 25 km về phía đông bắc, ở độ cao 115m, thuộc địa phận làng Mehemmedi. Nằm trên nguồn khí ga tự nhiên khổng lồ nên ngọn lửa ở Yanar Dag đôi khi bốc cao tới 3m, không ngừng cháy theo những hình thù kỳ dị xuyên qua lớp sỏi đá, vì thế mà không khí xung quanh khu vực núi Yanar Dag luôn nồng nặc mùi ga.

Hàng nghìn năm nay, Yanar Dag bốc cháy quanh năm bất kể mưa tuyết. Về đêm, cảnh tượng này thêm huyền bí và ngoạn mục, thu hút rất nhiều du khách tò mò đến khám phá và trải nghiệm.

Trước kia, ngọn lửa ở Yanar Dag chỉ âm ỉ, nhưng bắt đầu bùng phát kể từ những năm 1950 khi một người chăn cừu vô tình châm lửa. Kể từ khi đó, lửa rực lên bất kể ngày đêm cũng như mưa tuyết. Các nhà khoa học từng thực hiện một số biện pháp dập lửa nhưng nguồn khí ga bên dưới Yanar Dag quá dồi dào nên không thành công.

Không chỉ gây cháy ở Yanar Dag, lửa còn lan tới những con suối ở khu vực lân cận. Người bản địa còn gọi đó là “dòng suối bốc cháy” và cho rằng có tác dụng chữa bệnh nên thường tới ngâm chân.

Trải nghiệm ấn tượng nhất khi đến với Yanar Dag chính là vào những ngày gió thổi mạnh hay tuyết rơi. Khi đó, những bông tuyết tan chảy nhanh chóng dưới sức nóng bốc lên mà chưa kịp chạm rơi xuống đất.

Ngọn lửa tự nhiên ở Azerbaijan còn là khởi nguồn cho đạo thờ lửa tại khu vực này cách đây chừng 2.000 năm. Một đền thờ lửa nằm ở phía đông với ngọn lửa tự nhiên bốc cháy tại đền chính cho tới năm 1969. Sau này, ngọn lửa cháy nhờ nguồn cung cấp ga và chỉ đốt lên để du khách tới chiêm ngưỡng.

Những Hỏa Diệm Sơn nói trên khiến cho những người được chứng kiến đều cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Ngày nay, con người muốn cải tạo tự nhiên, muốn thiên nhiên khuất phục mình, nhưng sức người có hạn còn thế giới tự nhiên lại có sức mạnh vô song không gì ngăn cản được, và thực tế đã quá nhiều sự kiện chứng minh rằng việc đấu trời - đấu đất - đấu người của một số quốc gia đã chuốc lấy những thảm họa kinh hoàng cho cuộc sống loài người. Có lẽ vì vậy mà cổ nhân dạy rằng: phải hòa hợp với tự nhiên, phải biết mượn sức thiên nhiên để vun đắp cho cuộc sống con người. Và ngày nay, sau bao trải nghiệm đau đớn, con người dường như đã rút được bài học cho mình.

Mộc Trà

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Những “Hỏa Diệm Sơn” phiên bản đời thực khiến nhân loại sửng sốt