Ông Tập Cận Bình muốn Macau thay thế Hồng Kông? "Khó hơn lên trời"

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ ngày 18/12, chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Macau trong ba ngày. Để tăng cường an ninh cho chuyến thăm, tuyến đường sắt Taipa vừa được khai trương chưa đầy một tuần đã thông báo sẽ ngừng vận chuyển trong ba ngày từ 18 đến 20/12. Theo thông tin độc quyền của hãng Reuters, trong chuyến thăm tới Macau này, có thể ông Tập Cận Bình sẽ công bố một loạt các chính sách "ban ân huệ cho Macau", với ý định biến Macau thành một trung tâm tài chính thay thế Hồng Kông.

Nhưng ngay trước chuyến đi của ông Tập Cận Bình, ngày 17/12 cơ quan đánh giá tín dụng quốc tế Fitch đã công bố một báo cáo đánh giá triển vọng của Macau từ mức "ổn định" hạ xuống "tiêu cực", xếp hạng phát hành ngoại tệ dài hạn (IDR) vẫn được duy trì ở mức "AA".

Fitch hạ xếp hạng Macau

Hôm qua, Fitch, một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới, cho biết trong một báo cáo rằng họ đã hạ xếp hạng triển vọng của Macau. Fitch tin rằng dù các nhân tố được cân nhắc cho xếp hạng lĩnh vực tài chính công và các lĩnh vực khác vẫn không thay đổi, nhưng GDP của Macau trong năm gần đây “hết sức chập chờn” và các nguồn lực kinh tế hạn hẹp đã ảnh hưởng đến xếp hạng. Bởi vì hoạt động kinh doanh sòng bạc Macau chủ yếu phụ thuộc vào khách du lịch từ đại lục, nhưng trong những năm gần đây tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị chững lại đã ảnh hưởng đến doanh thu sòng bạc.

Trong 11 tháng đầu năm nay, doanh thu sòng bạc đã giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái và doanh thu kinh doanh phòng VIP, trong giai đoạn nhạy cảm của kinh tế Trung Quốc, có nhiều khả năng bị sụt giảm hai chữ số. Fitch dự đoán rằng nền kinh tế của Macau sẽ suy thoái mạnh trong năm nay, với biên độ 2,5%.

Vào tháng 2 năm ngoái, Fitch đã nâng mức đánh giá của Macau lên một cấp, từ "AA-" lên "AA". Chỉ trong hơn một năm, Fitch nhận định xếp hạng tín dụng của Macau đã giảm.

Fitch cho rằng nguyên nhân Macau bị hạ xếp hạng cũng giống với Hồng Kông. Chủ yếu vì Macau đã có quan hệ chính trị, tài chính và xã hội ngày càng mật thiết hơn với Trung Quốc đại lục.

Tháng 9 năm nay, Fitch đã hạ xếp hạng của Hồng Kông từ "AA+" xuống "AA" với triển vọng xếp hạng là tiêu cực. Báo cáo của Fitch nói rằng đây là lần đầu tiên sau 24 năm, xếp hạng tín dụng của Hồng Kông đã bị hạ vì ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Hồng Kông ngày càng sâu sắc hơn.

Ngoài ra, Fitch cho biết trong một báo cáo mới vào ngày 12 vừa qua rằng không có bằng chứng nào cho thấy các cuộc biểu tình ở Hồng Kông có tác động tiêu cực đến vị thế của Hồng Kông và vai trò trung tâm tài chính của Hồng Kông không thay đổi.

Chuyến đi chưa bắt đầu đã bị lúng túng

Theo truyền thông của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình sẽ đến thăm Macau vào ngày 18/12, tham dự lễ kỷ niệm 20 năm chuyển giao chủ quyền ở Macau cùng các hoạt động nghi lễ của chính phủ Macau. Theo tin tức độc quyền của hãng Reuters các quan chức Trung Quốc tiết lộ trong quá trình ông Tập Cận Bình thị sát Macau, một loạt các chính sách mới sẽ được công bố nhằm dẫn dắt Macau chuyển từ ngành công nghiệp sòng bạc sang trung tâm tài chính.

Và Fitch đã hạ xếp hạng Macau ngay đêm trước chuyến thăm Macau của ông Tập Cận Bình. Không đợi tới khi Bắc Kinh công bố các chính sách có lợi cho Macau, Fitch đã giáng một gậy cảnh tỉnh trước. Cùng với việc hạ thấp xếp hạng của Hồng Kông vào tháng 9, có khả năng việc hạ xếp hạng của Macau lần này cũng là do ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với Macau ngày càng lớn và sâu sắc hơn.

Điều đó có nghĩa là, Bắc Kinh càng can thiệp vào Macau và càng kiểm soát Macau, nó sẽ càng ảnh hưởng đến xếp hạng của Macau. Điều này khiến giới quan sát quan tâm. Sự việc đẩy Bắc Kinh lâm vào tình thế lúng túng, không biết liệu có tiếp tục công bố các chính sách mới hay không.

Bắc Kinh tìm lốp xe dự phòng?

Các nguồn tin cho biết “gói quà lớn" của Bắc Kinh dành cho Macau bao gồm: chuẩn bị lập một sàn giao dịch chứng khoán bằng đồng nhân dân tệ tại Macau và hai quan chức được cho là đã giúp phát triển Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã vào Macau. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị thúc đẩy nhanh trung tâm thanh toán nhân dân tệ đã được triển khai, và cũng đang chuẩn bị giao một số đất cho Macau khai thác phát triển, v.v.

Một quan chức ĐCSTQ giấu tên tiết lộ rằng "trong quá khứ, các hoạt động kinh doanh tài chính được dành riêng cho Hồng Kông và tất cả các chính sách ưu đãi đều trao cho Hồng Kông." Nhưng bây giờ Bắc Kinh "hy vọng đa dạng hóa kinh tế của Macau", tương lai tập trung phát triển du lịch và tài chính, biến nó thành một trung tâm hội nghị quốc tế như Singapore...

Các kế hoạch như vậy của Bắc Kinh được giới quan sát cho là "ý định trừng phạt Hồng Kông", và thậm chí còn có kế hoạch sử dụng Macau thay thế vị trí trung tâm tài chính của Hồng Kông.

Cuộc đấu tranh dân chủ "chống cực quyền" đang diễn ra ở Hồng Kông hơn nửa năm qua. Đây là cuộc giằng co giữa người dân với chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh. Trước người dân Hồng Kông không chịu khuất phục và không sợ hãi, Bắc Kinh và chính phủ Hồng Kông dường như không tìm được giải pháp nào khác ngoài việc sử dụng vũ lực ngày càng leo thang.

Sự leo thang vũ lực của Bắc Kinh và chính phủ Hồng Kông không những không có tác dụng đối với người dân Hồng Kông, mà còn thu hút sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt Hoa Kỳ đã thi hành các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức của ĐCSTQ và Hồng Kông, khiến họ không dám trắng trợn vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông như trước đây.

Trong tình huống khó xử, đánh cũng không đánh được, bỏ đi cũng không bỏ được, việc Bắc Kinh tìm kiếm ‘lốp xe’ dự phòng cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, đó chỉ là mong muốn của Bắc Kinh, việc lấy Macau thay thế Hồng Kông chỉ là giấc mơ, thực sự "khó hơn lên trời".

Lấy Macau thay thế Hồng Kông, "khó hơn lên trời"

Chuyên gia tài chính Hồ Thái Bình đã chỉ ra rằng "tính đe dọa của loại tin tức này cũng giống như giải phóng quân muốn tiến vào Hồng Kông tàn sát đẫm máu, nó chỉ dọa được kẻ nhát gan thôi". Bà cho biết không cần phải để tâm tới tin kiểu này, bởi vì "nó khó hơn lên trời".

Bà Hồ Thái Bình, người từng làm việc ở đại lục trong 10 năm, nói rằng ngày đầu tiên bắt đầu công việc, bà đã nghe nói rằng Bắc Kinh muốn Thượng Hải thay thế vị trí trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông, đến giờ vẫn không thay thế nổi. Để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, "phải có đủ các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các hoạt động tài chính". Các hoạt động tài chính muốn phát triển lại cần có chính sách ngoại hối và cơ chế ổn định tỷ giá hối đoái đủ cởi mở.

Bà tuyên bố trên trang facebook cá nhân rằng liệu có thể trở thành một trung tâm tài chính hay không là thước đo của sự chín muồi xã hội. "Một xã hội có cơ chế ra quyết sách đủ chín, hợp thức và thậm chí hơi lạnh lùng là cách duy nhất để vận hành một trung tâm tài chính". "Thượng Hải và Thâm Quyến hoàn toàn không thể," Macau thậm chí càng vọng tưởng hơn.

Mặc dù Hồng Kông và Macau đều là đặc khu hành chính, nhưng về bản chất chúng khác nhau. Luật cơ bản Hồng Kông quy định rõ rằng người dân Hồng Kông có thể bầu cử phổ thông Trưởng đặc khu và các thành viên của Hội đồng Lập pháp, trong khi Luật cơ bản Macau không có cam kết này.

Theo phân tích của truyền thông kinh tế và tài chính đại lục, hệ thống pháp luật của Hồng Kông là một "hệ thống luật phổ thông", nhấn mạnh nguyên tắc tối đa vốn chủ sở hữu. Tư pháp có tính độc lập cao, bảo vệ tài sản tư hữu và tự do hợp đồng không chịu sự can thiệp của nhà nước. Bài báo nói rằng không có hệ thống luật phổ thông thì không có hệ thống tài chính.

Macau tuân theo "hệ thống luật đại lục" thuộc cơ cấu chính phủ. Về độc lập, chủ động ​​tư pháp và các phương diện khác không thể so sánh với "hệ thống luật phổ thông" của Hồng Kông.

Giảng viên cao cấp tại Đại học Baptist, ông Lữ Bỉnh Quyền nói với Đài Châu Á Tự do rằng Macau rất khó thay thế vị trí tài chính của Hồng Kông bất kể về phương diện pháp trị, kinh nghiệm và các cơ sở đồng bộ. Quyết định này không phải phụ thuộc vào Bắc Kinh, mà do quốc tế công nhận.

Một nhà bình luận thời sự, Lư Phong có bài viết trên tờ Apple Daily cho rằng Macau chỉ có thể là Macau, không thể thay thế Hồng Kông và nó không có khả năng thay thế Hồng Kông. Ý tưởng kỳ cục này của Bắc Kinh chỉ là "uổng công suy nghĩ".

Minh Thanh

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập Cận Bình muốn Macau thay thế Hồng Kông? "Khó hơn lên trời"