Phát hiện bất ngờ: Một ‘tiểu hành tinh sát thủ' có thể va chạm với Trái đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà thiên văn vừa mới phát hiện ra 3 tiểu hành tinh ẩn mình trong ánh sáng chói của Mặt trời, một trong số đó có khả năng va chạm với Trái đất trong tương lai.

Nhóm các nhà thiên văn học đã công bố những phát hiện này vào ngày 29 tháng 9 trên The Astronomical Journal (Tạp chí Thiên văn học) trong một nghiên cứu có tiêu đề “Khảo sát sâu và rộng trong chạng vạng với các tiểu hành tinh bên trong Trái đất và sao Kim”.

Các nhà thiên văn đã phát hiện 3 tiểu hành tinh gần Trái đất (NEA) ẩn mình trong ánh sáng chói của Mặt trời thông qua quan sát lúc chạng vạng bằng Máy ảnh Năng lượng tối của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ tại Đài quan sát liên Mỹ Cerro Tololo ở Chile.

Họ đã phát hiện ra ba NEA ẩn mình bên trong Hệ Mặt trời, nằm trong khu vực bên trong quỹ đạo của Trái đất và sao Kim.

Một trong những NEA này là một tiểu hành tinh rộng 1,5 km được gọi là 2022 AP7, mà các nhà nghiên cứu cho rằng "có khả năng là Tiểu hành tinh nguy hiểm lớn nhất (PHA)". Tiểu hành tinh này có quỹ đạo mà một ngày nào đó có thể nó sẽ va chạm với Trái đất.

Tiểu hành tinh này mất khoảng 1.830 ngày hoặc khoảng 5 năm để quay quanh Mặt trời và cách quỹ đạo Trái đất 0,05 đơn vị thiên văn (AU) tại điểm gần nhất của nó, theo Space Reference, có nghĩa là có một ‘khoảng cách khá rộng’ giữa tiểu hành tinh và Trái đất.

“Dựa trên độ sáng và cách nó phản chiếu ánh sáng, AP7 2022 có thể có đường kính từ 1,011 đến 2,260 km, có nghĩa là nó lớn hơn 99% các tiểu hành tinh khác. Nó có kích thước tương đương với Lầu Năm Góc của Hoa Kỳ”, theo Space Reference.

Tuy nhiên, thời điểm chính xác khi nào 2022 AP7 có thể va chạm với Trái đất vẫn còn là điều khó đoán đối với các nhà khoa học.

Hai tiểu hành tinh khác, được gọi là 2021 LJ4 và 2021 PH27, có quỹ đạo "nằm hoàn toàn ở phía bên trong quỹ đạo của Trái đất". Đó là những quỹ đạo an toàn với Trái đất.

Quỹ đạo của Tiểu hành tinh 2021 PH27, nằm hoàn toàn ở phía trong quỹ đạo của Trái đất so với Mặt trời.
Quỹ đạo của Tiểu hành tinh 2021 PH27, nằm hoàn toàn ở phía trong quỹ đạo của Trái đất so với Mặt trời. Ảnh: Tạp chí Thiên văn học

‘Những hành tinh sát thủ'

Scott S. Sheppard, nhà thiên văn học tại Phòng thí nghiệm Trái đất và Hành tinh thuộc Viện Khoa học Carnegie, Hoa Kỳ và là tác giả chính của bài báo mô tả công trình này cho biết trong một thông cáo báo chí của SpaceRef. “Cho đến nay, chúng tôi đã tìm thấy hai tiểu hành tinh lớn gần Trái đất có chiều ngang khoảng 1 km, kích thước mà chúng tôi gọi là những hành tinh sát thủ”.

Việc tìm kiếm các tiểu hành tinh trong Hệ Mặt Trời là một nhiệm vụ đầy thách thức đối với các nhà thiên văn học. Họ chỉ có 10 phút ngắn ngủi mỗi đêm để quan sát chúng, trong khi phải đối mặt với ánh sáng chói của mặt trời. Đó là thứ ánh sáng che chắn họ khỏi các quan sát của kính thiên văn.

Ngoài ra, kính thiên văn của họ phải tập trung rất gần đường chân trời, có nghĩa là họ phải nhìn qua một lớp dày của khí quyển Trái đất, do đó có thể làm mờ và làm sai lệch các quan sát của họ.

Sheppard cho biết thêm: “Có khả năng chỉ còn một số ít NEA với kích thước tương tự, có quỹ đạo bên trong quỹ đạo của Trái đất và sao Kim, có thể sẽ được tìm thấy. Chỉ có khoảng 25 tiểu hành tinh có quỹ đạo nằm hoàn toàn ở phía trong quỹ đạo của Trái đất (so với Mặt trời) được phát hiện cho đến nay, do chúng bị che chắn bởi ánh sáng chói của Mặt trời”.

Phát biểu với CNN, Sheppard nói rằng một tiểu hành tinh sát thủ có kích thước 1 km hoặc lớn hơn "sẽ có tác động tàn phá đối với cuộc sống của chúng ta", với bụi và chất ô nhiễm tràn ngập bầu khí quyển trong nhiều năm, làm hành tinh bị lạnh đi và ngăn ánh sáng mặt trời chiếu tới Trái đất. Ông nói: “Đó sẽ là một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt chưa từng thấy trên Trái đất trong hàng triệu năm”.

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện bất ngờ: Một ‘tiểu hành tinh sát thủ' có thể va chạm với Trái đất