Phát hiện ‘chủng người lạ’ sinh sống tại Hy Lạp từ 700.000 năm trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại Megalopolis của Hy Lạp, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều dụng cụ sinh hoạt bằng đá của 3 nhóm người có niên đại 280.000 năm, 450.000 năm, và 700.000 năm. Trong khi đó loài người Homo sapiens chúng ta mới xuất hiện trên Trái đất cách đây 300.000 năm.

Megalopolis của Hy Lạp, được biết đến với những câu chuyện thần thoại và địa danh nổi tiếng như: Mycenae, Olympia và Pylos, nơi đã tồn tại sự giao lưu giữa các vị Thần Hy Lạp cổ đại với người dân ở đây.

Tuy nhiên, một cuộc khai quật kéo dài 5 năm ở đây, dẫn đầu bởi Bộ Văn hóa và Thể thao Hy Lạp và Trường Nghiên cứu cổ điển Mỹ tại Athens (Hy Lạp) đã có những phát hiện mới có thể làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc nhân loại.

Như chúng ta đã biết, chủng người Homo sapiens đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất chỉ hơn 300.000 năm trước, vì vậy các di chỉ là các dụng cụ sinh hoạt bằng đá của con người, được cho là dùng cho các hoạt động như mổ thịt động vật và chế biến gỗ hoặc thực vật, có niên đại trên 300.000 năm thì chắc chắn không thể do tổ tiên chúng ta tạo nên.

Vậy trước khi loài người chúng ta xuất hiện trên Trái đất thì đã có những chủng người khác từng tồn tại, họ là ai?

Các nhà khảo cổ học đã điều tra tỉ mỉ 5 địa điểm trong khu vực Megalopolis. Địa điểm Choremi 7 có niên đại khoảng 280.000 năm, nơi duy nhất có thể thuộc về chủng người Homo sapiens, chứa các công cụ bằng đá và xương hươu có dấu hiệu của các vết cắt mổ.

Địa điểm Tripotamos 4, 400.000 năm tuổi, có nhiều công cụ đá với phương pháp chế tác hoàn hảo hơn so với các dụng cụ ở Choremi 7.

Marathousa 2, 450.000 tuổi, cho thấy dấu hiệu về một "chủng người lạ" đã từng giết và ăn thịt hà mã. Trong khi đó, ở địa điểm Marathousa 1 cùng niên đại cho thấy bằng chứng về việc mổ thịt voi.

Đáng chú ý nhất, di chỉ Kyparissia 4, 700.000 tuổi, chứa kho công cụ đá lớn nhất và hài cốt của các loài đã tuyệt chủng có họ hàng với hươu, hà mã, tê giác, voi và khỉ ngày nay. Hầu hết các động vật này đều to lớn hơn so với những động vật cùng loài hiện nay.

Đây là khu vực duy trì được độ ấm áp hiếm hoi ở châu Âu trong "thời kỳ băng hà lớn", diễn ra từ 500.000 đến 300.000 năm trước.

Các công cụ đào được ở Choremi 7 . Ảnh: Bộ Văn hoá và Thể thao Hy Lạp

Nghiên cứu chứng minh rằng khu vực này như nơi ẩn náu của nhiều loài người cổ đại trong thời kỳ khắc nghiệt của châu Âu. Mặt khác, nơi đây cũng có điều kiện bảo quản các di chỉ hơn hẳn so với các khu vực khác, nhà cổ sinh vật học Katerina Harvati từ Đại học Tubingen (Đức), người đứng đầu phần nghiên cứu của dự án nói với Live Science.

Các phân tích sâu hơn đang được tiến hành để tinh chỉnh niên đại và làm sáng tỏ thêm những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và hành vi của ‘chủng người lạ' xuất hiện trước loài người chúng ta. Các nhà khoa học nhận ra tầm quan trọng to lớn của khu vực Megalopolis trong việc tìm hiểu các cuộc di cư của các chủng người cổ đại đến châu Âu và sự tiến hóa của loài người nói chung.

Những bộ xương khổng lồ thời tiền sử được tìm thấy ở Megalopolis thậm chí còn liên quan đến huyền thoại về một chủng tộc người khổng lồ đã biến mất, đã chiến đấu với các vị thần của đỉnh Olympus.

Megalopolis, với kho tàng địa chất phong phú và các lớp lịch sử, tiếp tục làm sáng tỏ những bí mật của quá khứ, định hình lại hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc của nhân loại.

Theo Greekcitytimes



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện ‘chủng người lạ’ sinh sống tại Hy Lạp từ 700.000 năm trước