Phố Wall quay đầu tăng điểm mạnh nhất trong nhiều năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chỉ số chứng khoán của phố Wall đã quay đầu tăng điểm sau đợt giảm giá mạnh vào buổi sáng thứ 5 (13/10) - khi báo cáo về lạm phát Mỹ được công bố. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones quay đầu tăng điểm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020. Các thị trường khác trên thế giới cũng chứng kiến sự biến động mạnh mẽ tương tự.

Chứng khoán phố Wall quay đầu tăng mạnh

Phố Wall đã có sự quay đầu tăng điểm lớn nhất trong nhiều năm vào thứ 5 (13/10), khi chứng khoán tăng trở lại sau những đợt giảm giá mạnh vào buổi sáng do một báo cáo tồi tệ hơn mong đợi về lạm phát.

Chỉ số S&P 500 đã có mức tăng 2,6%, một sự đảo ngược đáng kinh ngạc sau khi trước đó đã giảm tới 2,4% và chạm mức thấp nhất trong gần hai năm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tăng hơn 1.500 điểm từ mức thấp lên mức cao. Sự quay đầu là lớn nhất đối với mỗi chỉ số kể từ tháng 03/2020.

Các thị trường khác trên thế giới cũng chuyển đổi mạnh mẽ từ sụt giảm sang tăng, trong khi các nhà phân tích đưa ra những lý do có thể giải thích cho sự đảo chiều nhưng ít có lý do nào xác đáng.

Bên cạnh cổ phiếu, giá ban đầu cũng giảm đối với trái phiếu và tiền điện tử trong phản ứng bột phát trước một báo cáo đáng thất vọng từ chính phủ Mỹ, cho thấy lạm phát đang lan rộng hơn trên toàn nền kinh tế. Một thành phần trong báo cáo lạm phát, thứ được các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư theo sát, đã tăng tốc lên mức nóng nhất trong 40 năm (chỉ lạm phát lõi đạt đỉnh 40 năm).

Điều đó buộc các nhà đầu tư phải sẵn sàng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất mạnh để kiểm soát lạm phát, cũng như khả năng suy thoái tiềm tàng mà những động thái đó có thể tạo ra. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 549 điểm ngay sau khi báo cáo được công bố và Nasdaq giảm tới 3,2%.

Sự sụt giảm không kéo dài. Cổ phiếu tăng mạnh, khiến chỉ số Dow Jones tăng 827,87 điểm, tương đương 2,8%, lên mức 30.038,72. Nasdaq tăng 232,05 điểm, tương đương 2,2%, lên 10.649,15. Chỉ số S&P 500, tăng những 3% trong một khoảng thời gian ngắn, tăng 92,88 điểm và đóng cửa ở mức 3.669,91. Mức tăng đã chấm dứt chuỗi sáu ngày giảm điểm của S&P 500 và Nasdaq.

Cổ phiếu của các công ty nhỏ hơn cũng tăng sau một đợt trượt giá ban đầu. Chỉ số Russell 2000 tăng 40,65 điểm, tương đương 2,4%, đóng cửa ở mức 1.728,41.

“Bất kỳ ai có hy vọng về sự xoay chuyển hoặc tạm dừng hoặc chậm lại trong việc thắt chặt chính sách của Fed cho cuộc họp tiếp theo, điều đó đã bị tiêu tan trong ngày hôm nay”, bà Liz Young, chiến lược gia đầu tư chính tại SoFi, cho biết. “Tôi thực sự thậm chí không thể hiểu logic sẽ là gì để mua [cổ phiếu] dựa trên bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của Fed”.

Chứng khoán ở châu Âu cũng quay đầu sau khi sụt giảm do dữ liệu lạm phát của Mỹ. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tụt xuống một chút sau khi tăng mạnh ban đầu. Giá trị của đồng USD so với các loại tiền tệ khác đã giảm sau mức tăng ban đầu.

Phố Wall quay đầu tăng điểm mạnh nhất trong nhiều năm
Một nhân viên bảo vệ đứng bên cạnh logo của London Stock Exchange Group bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán ở London, Vương Quốc Anh, ngày 29/12/2020. (Ảnh: TOLGA AKMEN / AFP qua Getty Images)

Lãi suất, lợi tức và các thị trường

Đây là những động thái lên xuống lộn xộn mới nhất đối với các thị trường, vốn đang dao động mạnh do tất cả những sự không chắc chắn về các nền kinh tế trên thế giới và cách mức lãi suất cao hơn sẽ tác động xấu đến các nền kinh tế như thế nào.

Hầu hết các nhà đầu tư vào buổi sáng hôm thứ 5 đều chờ đợi Fed sẽ tăng lãi suất quan trọng qua đêm thêm 3/4 điểm phần trăm vào tháng tới, đây sẽ là lần tăng thứ tư liên tiếp, với quy mô gấp ba lần mức thông thường.

Nhưng dữ liệu đáng thất vọng hôm thứ 5 (13/10) đã khiến một số nhà đầu tư kỳ vọng mức tăng thứ năm như vậy trong tháng 12, làm tiêu tan hy vọng rằng Fed có thể sớm bắt đầu quay đầu chính sách. Mức đặt cược tăng cao ủng hộ việc Fed kéo lãi suất qua đêm lên trên 5% vào đầu năm tới. Tỷ lệ quỹ liên bang bắt đầu năm nay gần như bằng không.

Lãi suất cao hơn làm cho việc mua nhà, xe hơi hoặc bất cứ thứ gì khác được mua bằng tín dụng trở nên đắt hơn, và người ta hy vọng là điều đó sẽ làm chậm nền kinh tế và thị trường việc làm đủ để giảm lạm phát. Nhưng lãi suất tăng cao hơn rõ ràng mất một thời gian dài để có hiệu lực đầy đủ, và Fed có nguy cơ gây ra suy thoái nếu cơ quan này đi quá xa trong việc tăng lãi suất.

Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu chi tiết về báo cáo lạm phát, các nhà phân tích cho biết có lẽ họ đã nhìn thấy một số tia hy vọng le lói. Mặc dù cái được gọi là lạm phát lõi đã tăng mạnh vào tháng trước, lạm phát tổng thể bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng chậm lại một chút.

Chỉ số giá tiêu dùng tổng thể, còn được gọi là CPI, tăng cao hơn 8,2% vào tháng 9 so với một năm trước đó, so với mức lạm phát 8,3% của tháng 8.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm một chút so với bước tăng vọt đầu tiên vào sáng sớm, giảm bớt một chút áp lực lên cổ phiếu.

Lợi tức của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, giúp thiết lập lãi suất cho các khoản thế chấp và nhiều khoản cho vay khác, đã tăng lên 3,96% từ 3,90% vào cuối ngày thứ 4 (12/10). Vào sớm ngày thứ 5 (13/10), nó đã tăng lên trên 4%.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm, phụ thuộc nhiều hơn vào kỳ vọng về hành động của Fed, đã tăng từ 4,29% lên 4,48%. Nó đã vượt trên 4,50% vào sớm hơn vào buổi sáng thứ 5.

Lợi tức cao hơn gây áp lực lên nền kinh tế không chỉ bằng cách làm cho các khoản vay đắt hơn và tăng trưởng chậm lại. Chúng cũng kéo tụt giá cổ phiếu, tiền điện tử và gần như mọi khoản đầu tư khác xuống vì chúng có nghĩa là trái phiếu đang trả lãi nhiều hơn, điều này kéo một số lượng tiền USD ra khỏi các khoản đầu tư khác.

Các khoản đầu tư được coi là rủi ro nhất, tốn kém nhất hoặc buộc các nhà đầu tư phải chờ đợi lâu nhất để chứng kiến được sự tăng trưởng lớn là những khoản đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự gia tăng tỷ giá trong năm nay.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Phố Wall quay đầu tăng điểm mạnh nhất trong nhiều năm