Quân đội Trung Quốc vẫn mua được chip Nvidia bất chấp lệnh cấm của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một loạt các cơ quan quan trọng của chính quyền Trung Quốc, bao gồm cả các đơn vị quân đội, vẫn có được chip Nvidia trong bối cảnh sản phẩm của hãng này bị Mỹ cấm xuất khẩu sang Trung Quốc. Cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng, và nhiều sự chú ý đang tập trung vào cách Bắc Kinh có thể lách các lệnh trừng phạt.

Các cơ quan quân sự Trung Quốc, các trường đại học và các viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của nhà nước tại Trung Quốc trong năm qua đã mua một lượng nhỏ chất bán dẫn từ Nvidia, các sản phẩm vốn bị Mỹ cấm xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là điều được phát hiện sau khi Reuters xem xét các tài liệu đấu thầu.

Hoạt động bán chất bán dẫn của các nhà cung cấp Trung Quốc hầu như chưa được biết đến làm nổi bật những khó khăn mà Washington phải đối mặt, bất chấp lệnh cấm, trong việc cắt đứt hoàn toàn khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các con chip tiên tiến của Mỹ, thứ có thể thúc đẩy những đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống máy tính tinh vi cho quân đội của Trung Quốc.

Mua hoặc bán chip cao cấp của Mỹ không phải là bất hợp pháp ở Trung Quốc và các tài liệu đấu thầu được công bố công khai cho thấy hàng chục thực thể Trung Quốc đã mua và nhận được chất bán dẫn của Nvidia kể từ khi các hạn chế xuất khẩu được áp dụng.

Chúng bao gồm chip A100 và chip H100 mạnh hơn - các sản phẩm bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong vào tháng 9/2022 - cũng như các chip A800 và H800 chậm hơn mà Nvidia sau đó đã phát triển cho thị trường Trung Quốc nhưng vào tháng 10/2023 cũng bị cấm.

Các bộ xử lý đồ họa - một loại chip - do Nvidia chế tạo được nhiều người coi là vượt trội hơn nhiều so với các sản phẩm đối thủ trong việc phục vụ AI vì chúng có thể xử lý hiệu quả hơn lượng dữ liệu khổng lồ cần thiết cho các tác vụ học máy.

Nhu cầu tiếp tục sử dụng các chip Nvidia bị cấm cũng cho thấy các tổ chức Trung Quốc đang thiếu các lựa chọn thay thế tốt bất chấp sự phát triển non trẻ của các sản phẩm đối thủ từ Huawei và các hãng khác. Trước lệnh cấm, Nvidia chiếm 90% thị phần chip AI của Trung Quốc.

Các bên mua bao gồm các trường đại học ưu tú cũng như hai đơn vị bị Mỹ hạn chế xuất khẩu - Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc, vốn bị cáo buộc có liên quan đến các vấn đề quân sự hoặc có liên kết với một cơ quan quân sự không có lợi cho lợi ích quốc gia của Mỹ.

Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân đã mua 6 chip Nvidia A100 vào tháng 5/2023 để đào tạo mô hình học sâu. Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc đã mua một sản phẩm A100 vào tháng 12/2022. Mục đích của nó không được xác định.

Việc rà soát của Reuters cho thấy cả Nvidia và các nhà bán lẻ được công ty công nhận đều không nằm trong số các nhà cung cấp được xác định. Không rõ các nhà cung cấp đã mua chip Nvidia để bán lại như thế nào.

Tuy nhiên, sau các biện pháp hạn chế của Mỹ, một thị trường ngầm cho những con chip như vậy ở Trung Quốc đã mọc lên. Các nhà cung cấp Trung Quốc trước đây cho biết họ đã có được lượng hàng dư thừa tìm được đường ra thị trường sau khi Nvidia vận chuyển số lượng lớn các sản phẩm cho các công ty lớn của Mỹ hoặc họ đã nhập khẩu hàng thông qua các công ty được thành lập tại địa phương ở những nơi như Ấn Độ, Đài Loan và Singapore.

Nvidia cho biết họ tuân thủ tất cả các luật kiểm soát xuất khẩu hiện hành và yêu cầu khách hàng của mình cũng tuân thủ.

Người phát ngôn của công ty cho biết: “Nếu chúng tôi phát hiện ra rằng khách hàng đã bán lại [sản phẩm] một cách bất hợp pháp cho bên thứ ba, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp và ngay lập tức”.

Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận. Chính quyền Mỹ cam kết sẽ lấp đầy các lỗ hổng trong các hạn chế xuất khẩu và đã chuyển sang tìm cách hạn chế quyền tiếp cận chip của các đơn vị của các công ty Trung Quốc nằm bên ngoài Trung Quốc.

Ông Chris Miller, giáo sư tại Đại học Tufts và là tác giả của “Cuộc chiến chip: Cuộc chiến vì công nghệ quan trọng nhất thế giới”, cho biết thật phi thực tế khi nghĩ rằng các hạn chế xuất khẩu của Mỹ có thể kín kẽ vì chip có kích thước nhỏ và có thể dễ dàng bị buôn lậu.

Ông nói, mục đích chính là “đẩy cát vào bánh răng phát triển AI của Trung Quốc” bằng cách gây khó khăn cho việc xây dựng các cụm chip tiên tiến lớn có khả năng đào tạo các hệ thống AI.

Các động thái của NVIDIA cũng gây được sự chú ý. Sau khi Washington cấm NVIDIA bán card đồ họa RTX 4090 cho Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái, mặc dù hãng này đã tung ra phiên bản RTX 4090D được sản xuất đặc biệt cho Trung Quốc vào tháng trước nhưng theo khảo sát thực tế của China Super Network (Expreview) thì 4090D trung bình chỉ chậm hơn phiên bản gốc có 5%.

Quân đội Trung Quốc vẫn mua được chip Nvidia bất chấp lệnh cấm của Mỹ
Ông Hoàng Nhân Huân (Jensen Huang), Giám đốc điều hành của NVIDIA, phát biểu trong cuộc họp báo tại Computerx 2023 ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 30/5/2023. (Ảnh: SAM YEH/AFP qua Getty Images)

Những thông tin chi tiết

Cuộc rà soát của Reuters bao gồm hơn 100 cuộc đấu thầu trong đó các cơ quan nhà nước Trung Quốc đã mua chip A100 cùng hàng chục cuộc đấu thầu kể từ lệnh cấm tháng 10/2023 cho thấy việc mua A800.

Các hồ sơ đấu thầu được công bố vào tháng trước cũng cho thấy Đại học Thanh Hoa đã mua 2 con chip H100 và một phòng thí nghiệm do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc điều hành đã mua 1 con.

Các bên mua cũng bao gồm một đơn vị giấu tên của Quân đội Giải phóng Nhân dân có trụ sở tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, theo hồ sơ đấu thầu từ cơ sở dữ liệu quân sự. Đơn vị này đã tìm mua 3 chip A100 vào tháng 10/2023 và 1 chip H100 trong tháng này.

Các cuộc đấu thầu quân sự ở Trung Quốc thường được kiểm duyệt và chỉnh sửa rất nhiều và Reuters không thể biết ai thắng thầu hoặc lý do mua hàng.

Hầu hết các cuộc đấu thầu đều cho thấy các con chip đang được sử dụng cho AI. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm trong hầu hết các giao dịch mua đều rất nhỏ và còn xa mới đạt mức cần thiết để xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn AI tinh vi từ con số 0.

Theo công ty nghiên cứu TrendForce, một mô hình tương tự như GPT của OpenAI sẽ cần hơn 30.000 thẻ Nvidia A100. Nhưng một số lượng ít các sản phẩm từ Nvidia có thể giúp chạy các tác vụ học máy phức tạp và nâng cao các mô hình AI hiện có.

Trong một ví dụ, Viện Trí tuệ Nhân tạo Sơn Đông đã trao hợp đồng trị giá 290.000 CNY (nhân dân tệ) (40.500 USD) cho 5 con chip A100 cho Công ty Công nghệ Điện tử Shandong Chengxiang vào tháng trước.

Nhiều hồ sơ thầu quy định nhà cung cấp phải giao hàng và lắp đặt sản phẩm trước khi nhận thanh toán. Hầu hết các trường đại học cũng công bố thông báo cho thấy giao dịch đã hoàn tất.

Đại học Thanh Hoa, được mệnh danh là Viện Công nghệ Massachusetts của Trung Quốc, rất tích cực phát hành hồ sơ mời đấu thầu và đã mua khoảng 80 chip A100 kể từ lệnh cấm năm 2022.

Vào tháng 12/2023, Đại học Trùng Khánh đã công bố một lời mời thầu để mua 1 con chip A100, trong đó tuyên bố rõ ràng rằng nó không thể là đồ cũ hoặc bị tháo rời mà phải “mới tinh”. Việc giao hàng đã được hoàn thành trong tháng này, một thông báo cho thấy.

Làm thế nào Huawei có được chip của TSMC?

Máy tính xách tay Qingyun L540 mới ra mắt gần đây của Huawei (gã khổng lồ công nghệ đa quốc gia của Trung Quốc) chứa chip 5 nanomet, và điều này đã thu hút sự chú ý đặc biệt. Một cuộc mổ xẻ chiếc máy tính đã tiết lộ rằng con chip 5 nanomet của nó thực sự đến từ gã khổng lồ sản xuất chip Đài Loan TSMC. Phát hiện này đã phá tan tin đồn cho rằng công nghệ chip do Trung Quốc sản xuất đã tạo ra bước đột phá khác.

Bloomberg News đã đề nghị cho công ty nghiên cứu TechInsights tháo dỡ thiết bị và phát hiện ra rằng máy tính xách tay Qingyun L540 sử dụng chip 5 nanomet do TSMC sản xuất vào năm 2020. Cùng năm đó, Mỹ tiếp tục thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Huawei, cắt quyền tiếp cận chip của hãng này đối với các nhà sản xuất chip lớn như TSMC.

Huawei thừa nhận lệnh cấm của Mỹ là một thảm họa đối với công ty. Điều này cũng làm dấy lên các cuộc thảo luận về việc liệu Huawei có thể tiếp tục sử dụng hàng tồn kho trong bao lâu.

Quân đội Trung Quốc vẫn mua được chip Nvidia bất chấp lệnh cấm của Mỹ
Logo Huawei trong Triển lãm Điện tử Tiêu dùng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 2/8/2019. (Ảnh: FRED DUFOUR/AFP qua Getty Images)

Việc mổ xẻ laptop Qingyun L540 đã phá tan tin đồn rằng đối tác SMIC (Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn) của Huawei có thể đã đạt được bước nhảy vọt lớn trong công nghệ sản xuất chip.

Sự xuất hiện của máy tính xách tay mới diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ Trung Quốc nhằm thay thế công nghệ nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm. Một số nhà bán lẻ trực tuyến đã khoe khoang rằng máy tính xách tay mới của Huawei được thiết kế đặc biệt để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt gần đây của Trung Quốc về bảo mật dữ liệu nhạy cảm của chính phủ. Trang web chính thức của Huawei nêu bật các tính năng bảo mật của thiết bị nhưng không đi sâu vào chi tiết.

Trong lần mổ xẻ mới nhất, TechInsights đã phát hiện ra bộ xử lý Kirin 9006C được sản xuất theo quy trình 5nm của TSMC, được lắp ráp và đóng gói vào khoảng quý III năm 2020.

Trước đó, các chuyên gia trong ngành suy đoán rằng SMIC đã tìm ra cách đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và đạt được cột mốc sản xuất chip 5 nanomet, cho phép Huawei ra mắt Qingyun L540. Nếu suy đoán này trở thành hiện thực, nó sẽ đánh dấu một tiến bộ công nghệ khác của SMIC.

Sau khi kết quả mổ xẻ thiết bị được công bố, giá cổ phiếu của SMIC đã giảm 2% tại Hong Kong vào thứ 6 (5/1).

Trước khi Mỹ siết chặt lệnh trừng phạt, TSMC vốn đã cung cấp cho Huawei chip 5 nanomet tiên tiến.

Không rõ bằng cách nào Huawei có được bộ vi xử lý được sản xuất cách đây hơn ba năm, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Sau khi Huawei được đưa vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ vào năm 2019, hãng này bắt đầu tích trữ số lượng lớn chip quan trọng. Mỹ đã thắt chặt hạn chế xuất khẩu đối với Huawei vào năm 2020. Để tuân thủ các hạn chế thương mại của Mỹ, những gã khổng lồ sản xuất chip như TSMC sau đó đã bắt đầu ngừng nhận đơn đặt hàng từ Huawei.

Quân đội Trung Quốc vẫn mua được chip Nvidia bất chấp lệnh cấm của Mỹ
Một nhà máy của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tại Khu Khoa học Trung tâm Đài Loan ở Đài Trung, Đài Loan, vào ngày 25/03/2021. (Ảnh: Sam Yeh / AFP qua Getty Images)

Cuộc chiến chip Mỹ - Trung đã kéo dài từ thời chính quyền Trump đến chính quyền Biden. Vào tháng 10/2022, chính quyền Biden đã công bố các hạn chế xuất khẩu chip toàn diện và nghiêm ngặt nhất sang Trung Quốc. Các quy định không chỉ hạn chế xuất khẩu chip mà còn lần đầu tiên mở rộng sang các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn người Mỹ hỗ trợ sự phát triển hoặc việc sản xuất một số loại chip cao cấp nhất định của Bắc Kinh mà không có giấy phép.

Nhật Bản và Hà Lan sau đó đã tham gia cùng với Mỹ nhằm áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, tiếp tục ngăn chặn khả năng tiếp cận chip cao cấp của đất nước này.

Trước đó, Huawei đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu vào tháng 9/2023 khi công bố bước đột phá đáng kể về chất bán dẫn 7 nanomet, điều có vẻ như đã thách thức các lệnh trừng phạt của Mỹ. Chip điện thoại thông minh - được đặt tên là Kiri 9000S - tích hợp quy trình và các thành phần để kết nối 5G.

Con chip này được sản xuất bởi SMIC của Trung Quốc, và công ty này nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ được công bố năm 2020. Các công ty trong danh sách này bị cấm mua và sử dụng các công nghệ xuất phát từ Mỹ.

Con chip Kirin 9000s mới nằm điện thoại Mate 60 Pro của Huawei. Dù chưa đạt tới trình độ tiên tiến nhất nhưng việc ra mắt chip Huawei Kirin 9000S vẫn đặt ra câu hỏi liệu có phải Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã né tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ hay không.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Quân đội Trung Quốc vẫn mua được chip Nvidia bất chấp lệnh cấm của Mỹ