Gia tăng đột biến các trường hợp ngừng tim ở Úc: Liệu có liên quan đến vaccine?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nghiên cứu đã cho thấy mối quan hệ nhân quả giữa vaccine và bệnh viêm cơ tim — nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột phổ biến ở người trẻ tuổi.

Trong hai năm qua, số ca ngừng tim ở bang Victoria, Australia đã có sự gia tăng đáng kể. Từ năm 2021 đến năm 2022, số ca bệnh đã tăng 5,8% so với năm trước, đạt mức cao lịch sử. Những con số này đã dấy lên mối lo ngại của công chúng về tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine.

Theo báo cáo thường niên của Cơ quan ghi nhận ngừng tim trên xe cấp cứu của bang Victoria, 6.934 trường hợp đã được ghi nhận từ năm 2020 đến năm 2021, tăng 2,5% so với năm trước và đánh dấu số ca ngừng tim cao nhất ở bang này vào thời điểm đó. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ 2021 đến 2022, số ca bệnh đã tăng lên 7.361 vụ— đạt mức cao mới trong lịch sử.

Liệu có mối liên hệ giữa tình trạng ngừng tim và vaccine hay không?

Nhiều nghiên cứu toàn diện đã chỉ ra rằng viêm cơ tim là nguyên nhân chính gây đột tử ở người lớn dưới 40 tuổi. Tỷ lệ mắc viêm cơ tim ngày càng tăng ở người trẻ tuổi có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch nghiêm trọng khác như ngừng tim và hội chứng vành cấp.

Theo trang web theo dõi vaccine COVID-19 của Úc, CovidBaseAU, tính đến ngày 1 tháng 9 năm 2023, 97,53% người từ 16 tuổi trở lên ở Úc đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Chính phủ Úc đã báo cáo các trường hợp viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim liên quan đến vaccine mRNA và vaccine Nuvaxovid (Novavax). Có khoảng 3 đến 4 trường hợp viêm cơ tim được báo cáo và 13 trường hợp viêm màng ngoài tim được báo cáo trên 100.000 liều vaccine Nuvaxovid đã sử dụng.

Viêm màng ngoài tim được ghi nhận phổ biến ở nam giới từ 18 đến 49 tuổi, với ước tính khoảng 27 trường hợp trên 100.000 liều vaccine đã sử dụng. Chính phủ Úc tuyên bố rằng viêm cơ tim là một tác dụng phụ đã biết của vaccine mRNA nhưng rất hiếm gặp.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 năm nay đã chỉ ra rằng viêm cơ tim (với tỷ lệ mắc chung khoảng 1,62%) đã được xác định là biến cố tim mạch phổ biến nhất sau khi tiêm vaccine COVID-19. Đồng thời báo cáo cho biết các trường hợp viêm cơ tim phổ biến hơn ở nam giới và sau khi dùng liều thứ hai. Ngoài ra, vaccine sử dụng mRNA và vector, ngược với các loại vaccine bất hoạt, có tỷ lệ giảm tiểu cầu và tắc mạch phổi do vaccine cao hơn.

Các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ mắc biến cố tim mạch sau tiêm vaccine COVID-19 thấp và chủ yếu ở mức độ nhẹ. Nếu tiêm liều thứ hai cách liều vaccine đầu tiên hơn 30 ngày thì nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim có thể sẽ thấp hơn.

Vào năm 2022, bác sĩ Eli Jaffe, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản lý chăm sóc sức khỏe và cấp cứu ở Israel, cùng với các tác giả khác, đã công bố một nghiên cứu đáng kinh ngạc trên tạp chí Scientific Reports.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ Cơ quan Y tế Khẩn cấp Quốc gia Israel cho thấy rằng từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2021, số cuộc gọi khẩn cấp liên quan đến ngừng tim và hội chứng mạch vành cấp (một bệnh lý mạch vành nặng) đã tăng hơn 25% ở những người ở độ tuổi 16 đến 39, so với cùng kỳ năm 2019 và 2020.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự gia tăng các cuộc gọi khẩn cấp do vấn đề tim mạch có liên quan đến việc sử dụng vaccine COVID-19 và không liên quan đến quá trình lây nhiễm virus COVID-19.

Các tác giả của bài báo chỉ ra rằng kết quả nghiên cứu đã làm dấy lên mối lo ngại về các tác dụng phụ đối với tim mạch nghiên trọng chưa được phát hiện của vaccine. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng có mối quan hệ nhân quả giữa vaccine và bệnh viêm cơ tim, nguyên nhân phổ biến gây ngừng tim đột ngột ở người trẻ.

Nghiên cứu này phù hợp với các hệ thống báo cáo tác dụng phụ và các bằng chứng lâm sàng ở nhiều quốc gia khác nhau, nêu bật nhiều tác dụng phụ đa dạng liên quan đến vaccine COVID-19. Một trong những tác dụng phụ này có thể sẽ ở mức độ nghiêm trọng.

Một nghiên cứu khác, cũng được thực hiện tại Israel, chỉ ra rằng, so với tỷ lệ mắc dự kiến dựa trên dữ liệu lịch sử, tỷ lệ viêm cơ tim ở nam thanh niên (16 đến 19 tuổi) tăng 13,6 lần sau khi tiêm liều vaccine thứ hai.

Những quan ngại về tác dụng phụ của vaccine

Một tổ chức đã tổng hợp dữ liệu về các tác dụng phụ liên quan đến vaccine COVID-19 được báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cho thấy rằng tính đến ngày 27 tháng 10 năm 2023, 1.605.764 người đã báo cáo các phản ứng bất lợi sau tiêm chủng.

Con số này bao gồm 36.501 trường hợp tử vong đã được báo cáo, 20.983 trường hợp đau tim và 27.655 trường hợp viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim. Chúng ta không thể xem nhẹ số lượng các ca tử vong và phản ứng bất lợi do vaccine gây ra. Điều này khiến các nhà nghiên cứu, cơ quan y tế rất quan ngại.

CDC đã tuyên bố trên trang web rằng “hầu hết bệnh nhân bị viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vaccine COVID-19 đều đáp ứng tốt với thuốc và nghỉ ngơi, sau đó nhanh chóng cảm thấy khỏe hơn”.

Tuy nhiên, vào tháng 2 năm 2022, ba nhà khoa học đã công bố một bức thư gửi cho biên tập viên của tạp chí Clinical and Translational Discovery. Kết luận được các nhà khoa học này rút ra là: “Khi chúng ta tiêm chủng cho 100.000 người, chúng ta có thể cứu được 5 mạng sống nhưng có nguy cơ gây tử vong cho từ 2 đến 4 người”.

Stuart Fischbein, bác sĩ sản khoa cộng đồng làm việc tại Nam California, nói với The Epoch Times rằng một khi bạn mất niềm tin vào CDC, bạn sẽ bắt đầu nhìn lại mọi thứ, đặc biệt là khi nói đến vaccine phòng Covid-19. “Không có nghiên cứu an toàn lâu dài. Bất cứ ai nói với các vị phụ huynh học sinh rằng vaccine an toàn chính là đang nói một điều chưa được xác thực. Sự thật là chúng ta chưa biết. Tuy nhiên, chúng ta đang ghi nhận một số lượng lớn các tác dụng phụ được báo cáo. Thành thật mà nói, có thể bạn sẽ phải đeo kính che mắt để không thấy được những tổn thương do vaccine gây ra”, bác sĩ Fischbein cho biết.

Ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu đánh giá kỹ dữ liệu và công bố kết quả nghiên cứu, bày tỏ lo ngại về các tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine COVID-19. Niềm tin vào các cơ quan y tế công cộng và các chương trình tiêm chủng sẽ chỉ được khôi phục khi người dân được tiếp cận với thông tin y tế chính xác, dù tích cực hay tiêu cực.

Quy trình cấp cứu ngừng tim

Trên toàn cầu, số ca tử vong do ngừng tim đã vượt qua tổng số ca ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, viêm phổi, HIV, cúm, tai nạn ô tô, cháy nhà và súng cộng lại. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong do ngừng tim vượt quá 90%.

Các nghiên cứu trước đây về ngừng tim đã xác định được những triệu chứng như đau ngực, khó thở, choáng váng, đánh trống ngực và ngất xỉu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tìm ra các phương pháp hiệu quả để dự đoán hoặc ngăn ngừa tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng này.

Khoảng một nửa số bệnh nhân báo cáo các triệu chứng trong vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần trước khi ngừng tim. Thậm chí một số người từng liên hệ với các cơ quan chăm sóc sức khỏe một tuần trước khi bị ngừng tim, nhưng thật không may, phần lớn bệnh nhân và người nhà không xử lý đúng với những tín hiệu cảnh báo sớm này. Tỷ lệ sống sót sau khi ngừng tim cao hơn gấp 5 lần ở những người gọi 911 trước khi ngã quỵ.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, Thống kê về Bệnh tim và Đột quỵ năm 2023 cho thấy trong số hơn 356.000 trường hợp ngừng tim ngoại viện, 40,2% trường hợp được người khác hô hấp nhân tạo. Ngừng tim ngoại viện thường xảy ra nhất ở nhà hoặc nơi cư trú (73,4%), tiếp theo là nơi công cộng (16,3%) và viện dưỡng lão (10,3%).

Hồi sức tim phổi là một thủ thuật cấp cứu khi ngừng tim. Theo dữ liệu từ năm 2021 đến năm 2022 của bang Victoria, Úc, khi chứng kiến một trường hợp ngừng tim, người dân đã thực hiện hô hấp nhân tạo trong 79% trường hợp, đánh dấu mức tăng so với 77% trong năm trước (2020 đến 2021). Đáng chú ý, những bệnh nhân được người khác thực hiện CPR có tỷ lệ sống sót cao hơn là 11%, ngược lại những bệnh nhân không được thực hiện CPR chỉ có tỷ lệ sống sót là 5%.

Chính phủ Úc khuyến nghị sử dụng ba bước sau để cấp cứu: Gọi (quay số 000), Đẩy (thực hiện hô hấp nhân tạo) và Sốc (sử dụng máy khử rung tim ngoài tự động).

Theo The Epoch Times

Đức Nhân biên dịch

Tác giả: Ellen Wan

Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản tiếng Nhật của The Epoch Times từ năm 2007.



BÀI CHỌN LỌC

Gia tăng đột biến các trường hợp ngừng tim ở Úc: Liệu có liên quan đến vaccine?