Sự khó chịu trong công việc phần nhiều là do tính cách - Tính cách nào dẫn đến thành công?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công việc là nơi tốt nhất để tu luyện tinh thần. Một chủ đề được thảo luận rất nhiều: Tại sao có những người IQ và EQ trung bình, lại có thể đạt được thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc trong cuộc sống?

Trong khi một số người trông buồn bã khi đối mặt với công việc, và cuối cùng họ chỉ có thể sống trong thầm lặng qua đi mà không có thành tích gì? Câu trả lời là: tính cách khác nhau.

Nhà tâm lý học nổi tiếng Adler từng nói: Dưới sự chi phối của tính cách tích cực, con người có thể khơi dậy tiềm thức sâu thẳm trong lòng, phát huy hết khả năng làm việc của mình.

Ngược lại, dưới sự chi phối của tính cách tiêu cực, tâm trạng hàng ngày của bạn sẽ rơi vào uể oải, làm việc gì cũng gặp nhiều phiền phức. Vì vậy, hầu hết sự khó chịu trong công việc đều bắt nguồn từ tính cách.

Thói quen phàn nàn phá hủy sự nhiệt tình của bạn

Câu chuyện về một chàng trai trẻ như sau.

Anh gia nhập một công ty nổi tiếng sau khi tốt nghiệp đại học, điều này làm dấy lên sự ghen tị của các bạn cùng lớp. Chàng trai trẻ tự tin nói: “Cứ chờ xem, một ngày nào đó công ty sẽ tự hào về tôi”.

Những tưởng công ty sẽ bố trí anh vào vị trí người quản lý, nhưng không ngờ anh lại được phân công xuống xưởng làm công nhân bảo trì. Công việc bảo trì bẩn, mệt mỏi và không được tử tế, sau vài ngày làm việc, anh bạn trẻ bắt đầu phàn nàn: "Làm loại công việc này thật sự là quá tầm thường với tài năng của tôi!"

Vài tháng sau, một đồng nghiệp cùng xưởng được đề bạt lên vị trí quản lý, và chàng trai trẻ lại bắt đầu phàn nàn: "Tại sao ông chủ không coi trọng tôi? Khi nào tôi có thể cởi bộ quần áo dính đầy dầu mỡ bẩn này?"

Sau đó, công ty nhận được một đơn đặt hàng lớn, yêu cầu công nhân phải bảo trì thiết bị và không được để xảy ra sai sót hay thiếu sót nào. Trong khi phàn nàn rằng cường độ làm việc quá cao, anh chàng trẻ tuổi lại làm việc chiếu lệ.

Cuối cùng, thiết bị bị lỗi trong quá trình sản xuất và công ty bị lỗ nặng. Người thanh niên bĩu môi: "Đều là thiết bị đã cũ kỹ, nên không ai có thể làm gì chúng."

Vậy là đến cuối năm công ty có đợt sa thải, và thanh niên trẻ này nằm trong số đó, đúng là không tình cờ. Lúc này, anh vẫn đang phàn nàn với những người xung quanh: "Tại sao lại là tôi?"

Nhưng không ai quan tâm đến anh nữa.

Trong cuộc sống, có thể bạn đã gặp những tình huống tương tự hoặc gặp những người tương tự như thế. Họ luôn cảm thấy cách đối xử của công ty không xứng đáng với công sức của mình nên họ luôn phàn nàn trong công việc:

  • "Tại sao tôi lại làm việc cho công ty này không biết nữa?"
  • "Tại sao tôi lại gặp một ông chủ như thế này?"
  • "Tại sao tôi làm nhiều việc như vậy mà lại được trả ít như vậy?"

Những lời phàn nàn như thế này được nói ra mọi lúc ở nơi làm việc, nhưng những hành vi như vậy có thể nhận lại được gì?

Một nhà văn nói: "Người thích phàn nàn suốt ngày chỉ có một khuôn mặt cay đắng và một cơ thể không hồn, những điều này sẽ chỉ dẫn anh ta từng bước đến tuyệt vọng bế tắc, nhưng chính anh ta cũng không biết điều đó".

Đôi khi, bạn cũng nghĩ rằng phàn nàn chỉ là một kiểu xả năng lượng tiêu cực. Nhưng trên thực tế, một khi con người đã quen với việc phàn nàn, họ sẽ chìm trong tình trạng khó khăn giống lời họ nói.

Phàn nàn giống như một liều thuốc độc, nó phá hủy sự nhiệt tình của bạn, làm giảm ý chí của bạn và cuối cùng khiến bạn chẳng đạt được gì cả. Điều cấm kỵ nhất ở nơi làm việc là phàn nàn về người khác.

Phàn nàn giống như một liều thuốc độc, nó phá hủy sự nhiệt tình của bạn. (Ảnh pixabay)

Ma sát bên trong liên tục, làm cạn kiệt năng lượng của bạn

Tại nơi làm việc, điều đáng sợ hơn cả xung đột là xích mích nội bộ. Những người dễ mâu thuẫn bên trong, họ sẽ hay bị quấy rầy bởi một vài lời nói và sự xáo trộn từ thế giới bên ngoài. Họ luôn sống theo ý kiến ​​của người khác, vướng bận nhiều trong tâm, chuốc lấy đau khổ cho bản thân.

Một cô gái như vậy. Khi đang báo cáo công việc, cô thấy sếp cau mày và tự hỏi liệu mình có nói quá lời hay không;

Khi thấy đồng nghiệp gọi trà sữa mà không gọi cho mình, cô cảm thấy mọi người trong công ty đang cô lập mình;

Cô phát hiện ra rằng công việc cô đang làm đã được giao cho một người mới, và cô tự nghĩ liệu mình có thể đã làm không tốt... Tất cả những điều này khiến cô cảm thấy vô cùng mệt mỏi trong công việc.

Nhưng trên thực tế? Người lãnh đạo cho rằng cô ấy đã làm việc rất tốt, và cái nhíu mày chỉ là hơi ngứa trên mặt của họ;

Đồng nghiệp gọi trà sữa quên mất cô nhưng họ quay ra mời cô ấy ăn lẩu;

Công việc được giao cho một người mới vì cô ấy sắp được thăng chức và tăng lương, và cô ấy phải đảm nhận một công việc thử thách hơn.

Đây là trường hợp của những nhân vật dễ xảy ra mâu thuẫn nội tâm, họ đã quen với việc diễn giải quá mức mọi động thái của thế giới bên ngoài.

Lâu dần, sự tích tụ những cảm xúc tiêu cực trong lòng, cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng tiêu hao năng lượng nghiêm trọng.

Nhà văn Nhật Watanabe Junichi nói: "Chỉ bằng cách bỏ qua tất cả các loại vấn đề khó chịu và đối mặt với chúng một cách bình tĩnh, chúng ta mới có thể sống vui vẻ và rộng lượng."

Khi chúng ta có thể tập trung làm những việc trước mắt mà không sợ những ánh mắt của thế giới bên ngoài, công việc của chúng ta sẽ trở nên suôn sẻ và dễ dàng.

Một cô gái làm thư ký trong một công ty khi cô mới ra trường. Khi mới vào nơi làm việc, cô thường bị đồng nghiệp chế giễu vì không thạo nghiệp vụ. Nhưng cô không quan tâm, cô ấy chỉ tập trung vào làm tốt việc của mình mỗi ngày.

Trong một tháng, cô đọc tất cả các loại kinh điển về nghề thư ký, và sau đó vận dụng khéo léo các kiến ​​​​thức đã học được vào công việc của mình. Khi các đồng nghiệp thấy rằng cô ngày càng trưởng thành và có năng lực hơn trước, thì những lời bàn tán sau lưng cô ấy tự nhiên dần dần biến mất.

Trong thế giới của người trưởng thành, nếu bạn gặp phải một chút bất bình, bạn sẽ suy đoán và suy nghĩ rất lâu, cuối cùng chỉ khiến bạn kiệt quệ về thể chất và tinh thần.

Nếu bạn tỉnh táo hơn đến mọi thứ, công việc của bạn sẽ suôn sẻ hơn. Khi bạn đặt hết tâm trí vào bản thân công việc, bạn sẽ thấy những lời đàm tiếu từ thế giới bên ngoài chẳng có gì đáng sợ.

Những người không hay đấu tranh nội tâm là những người thông minh ở nơi làm việc.

Luôn lấy lòng người khác có thể làm hỏng sức mạnh tinh thần của bạn

Trong công việc, có loại người luôn tìm cách làm vừa lòng người khác. Loại người này thường có hai biểu hiện trong công việc:

  1. Làm bất cứ việc gì cũng sẽ cân nhắc đến cảm nhận của những người xung quanh, họ hi vọng có thể làm hài lòng người khác.
  2. Đối nhân xử thế không có nguyên tắc, không có đặt tâm, cũng không bao giờ bày tỏ sự không hài lòng.

Họ luôn cẩn thận để phục vụ mọi người, bất kể hoàn cảnh của họ đang như thế nào. Nó có vẻ là một buổi biểu diễn cho đám đông, khi thời gian trôi qua, nó sẽ chỉ khiến bản thân họ ngày càng trở nên nhún nhường và mệt mỏi.

Đáng sợ hơn nữa là bởi vì không tự ngã và cá tính riêng của bản thân, nên sẽ mọi người sẽ không quan tâm đến tính cách của họ. Họ sẽ trở thành một sự vô hình không tồn tại trong nhóm, dần dần bị nhạt nhoà và bị gạt ra bên ngoài.

Trong bộ phim truyền hình "Nữ tâm lý học", Mạc Vũ là một "anh chàng tốt" nổi tiếng trong công ty.

Rõ ràng đã tan làm, một đồng nghiệp nhờ anh quay lại công ty giúp gửi email, anh nói "Được";

Rõ ràng là ngày nghỉ, lãnh đạo yêu cầu anh ta quay lại làm thêm giờ, anh ta nói "Được";

Cuộc hẹn cho bữa tối đã bị đồng nghiệp cố tình thay đổi địa chỉ để khiến anh mất mặt, nhưng anh ta vẫn miễn cưỡng đồng ý nói "Được".

Mặc dù đến ngày tổ chức tiệc, các đồng nghiệp vẫn chưa thấy anh ta đến, nhưng họ vẫn không nghĩ gì đến anh. Để không làm đồng nghiệp cảm thấy xấu hổ và áy náy, anh đành phải đã nói ngụy biện rằng: “Có chuyện đột xuất nên tôi đến muộn”.

Như vậy vẫn chưa đủ, ngày hôm sau anh còn mang đến cho đồng nghiệp món trà sữa mà họ yêu thích, hy vọng sẽ làm mọi người hài lòng.

Nhưng sự thỏa hiệp như vậy, không những không nhận được sự tán thưởng của đồng nghiệp mà còn khiến cuộc sống của anh rơi vào tình trạng khó khăn hơn.

Mỗi ngày khi đi làm, Mạc Vũ luôn bận rộn với những vấn đề nhỏ nhặt giữa các cá nhân, và anh ấy thậm chí không thể quan tâm đến công việc của mình.

Thời gian trôi qua, bất cứ khi nào anh ấy nghĩ đến việc đi làm, anh ấy sẽ cảm thấy mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần, và anh ấy luôn cảm thấy không có gì phải vội vàng trong công việc.

Nhưng trên thực tế, bản thân công việc không mệt mỏi, cái mệt mỏi chính là cái tâm muốn lấy lòng mọi người.

Bạn biết đấy, điều bạn phấn đấu ở nơi làm việc không phải là sự thân thiện và tử tế mà là năng lực thực sự.

Một thương nhân nói: Bạn không đến làm việc để khiến người khác thích bạn mà bạn đến làm việc để khiến người khác tôn trọng bạn.

Và lý do khiến người khác tôn trọng bạn chắc chắn không phải vì bạn nói đồng ý với mọi thứ. Lý do khiến người khác tôn trọng bạn chỉ có thể là kiến ​​thức chuyên môn và tinh thần dám nghĩ dám làm, cũng như những đóng góp của bạn cho cộng đồng và doanh nghiệp.

Hãy luôn nhớ rằng sự thỏa hiệp và xu nịnh mù quáng sẽ không được công nhận và tôn trọng. Bạn không cần phải làm hài lòng bất cứ ai trong công việc, bạn chỉ cần là chính mình.

Sự thỏa hiệp và xu nịnh mù quáng sẽ không được công nhận và tôn trọng. (Pexels)

Sự lười biếng lâu ngày sẽ cản trở sự tiến bộ của bạn

Carnegie nói: "Một người đàn ông không bao giờ chủ động làm điều gì trừ khi được người khác yêu cầu, thì anh ta sẽ không đạt được thành tích gì."

Những người như vậy không phải là hiếm trong công việc.

Anh Giang tốt nghiệp từ một trường danh tiếng và đã làm việc trong công ty được 5 năm. Ban đầu, các đồng nghiệp đều ngưỡng mộ nhân viên kỳ cựu này, cho rằng anh ta có năng lực và triển vọng.

Nhưng chẳng mấy chốc mọi người phát hiện ra rằng anh Giang luôn kêu ca mong muốn được thăng chức, và khi bắt tay vào công việc thực sự, anh ta chỉ đang cưỡi ngựa xem hoa.

Ngày thường, anh ta luôn ám chỉ việc tăng chức, một khi cấp trên sắp xếp đi công tác, thì anh ta hoặc là nói ở nhà có chuyện, hoặc là viện cớ không được khỏe.

Anh ấy ngồi trước máy tính mỗi ngày, có vẻ nghiêm túc vẽ tranh, nhưng thực chất lại lén chơi game và xem video.

Nửa năm đầu công ty tăng lương tập thể, đồng nghiệp nào cũng có phần, ngoại trừ anh Giang.

Một đồng nghiệp bối rối và hỏi riêng ông chủ, nhưng tất cả những gì anh ta nhận được là câu này:

“Những người như cậu Giang ngày ngày làm qua quýt, luôn cho rằng tôi không biết, nhưng thực ra tôi cái gì cũng biết.

Hiện tại, thu nhập của công ty rất tốt, và những người như cậu Giang không bị sa thải là còn may. Còn chuyện thăng chức, tăng lương thì hoàn toàn không dành cho anh ta".

Một chuyên gia nổi tiếng cho biết: Khi bạn uể oải trong công việc, thực ra bạn đang lãng phí thời gian của mình. Vì bạn nghĩ rằng thời gian của bạn là vô giá trị, làm sao để lương của bạn có thể đạt được cao?

Một người có thể dành cả ngày để khất lần trì hoãn, nhưng kiểu hành vi lười biếng này sẽ chỉ khiến cuộc sống của bạn trở nên trì trệ. Một người thực sự xuất chúng biết cách không ngừng tiến bộ trong công việc và rèn giũa trí óc để nhận ra giá trị của cuộc sống.

Schwab - Chủ công ty thép Bethlehem Steel Corp Hoa Kỳ, đến làm việc trong một công ty xây dựng do Carnegie điều hành khi ông chỉ mới 18 tuổi.

Vào thời điểm đó, những người xung quanh ông không thích công việc mệt mỏi và mức lương thấp, nhưng Schwab không nghĩ thế. Ông đã làm việc chăm chỉ để hoàn thành tốt công việc của mình mỗi ngày, và cố gắng đạt được sự hoàn hảo đến từng chi tiết.

Sau giờ làm, đồng nghiệp tụ tập hút thuốc, đánh bài nhưng ông vẫn âm thầm tự học các kiến ​​thức về xây dựng và quản lý. Nhiều người không hiểu hành vi của ông và nghĩ rằng đó là một điều rất ngu ngốc khi làm việc chăm chỉ cho ông chủ.

Nhưng Schwab đã trả lời: Khi giá trị tôi tạo ra vượt xa mức lương tôi nhận được, tôi chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Chắc chắn thế, ở tuổi 25, khi ông còn trẻ đã được thăng chức làm tổng giám đốc của công ty. Còn những công nhân lầm lũi ngày ấy vẫn ở vị trí ban đầu với đồng lương ít ỏi.

Rockefeller ông trùm kinh doanh và nhà từ thiện người Mỹ từng nói: “Nếu bạn coi công việc là nghĩa vụ thì cuộc sống chính là địa ngục. Ngược lại, nếu bạn coi công việc là một cơ hội, thì cuộc sống là Thiên đường".

Là một con người, thay vì tiêu xài hàng ngày một cách uể oải, tốt hơn hết là bạn nên ổn định và làm việc chăm chỉ để đạt được điều gì đó. Khi bạn làm việc chăm chỉ cùng với sự bền bỉ và khéo léo, tự nhiên công việc sẽ mang lại cho bạn những thành tựu và những điều bất ngờ như bạn mong muốn.

Inamori Kazuo người sáng lập công ty gốm Nhật Kyocera đã nói trong “Quy luật sống”: "Con người đâu cần lánh xa thế gian trần tục? Công việc là nơi tốt nhất để thực hành tu tâm dưỡng tính".

Nếu bạn thực sự làm việc chăm chỉ mỗi ngày và phát triển một tính cách cao thượng, thì một cuộc sống tốt đẹp sẽ nằm trong tầm tay của bạn. Ý nghĩa của công việc nằm ở trách nhiệm, sứ mệnh và sự rèn luyện.

Nó tôi luyện tâm trí con người và không ngừng cải thiện tính cách cũng như cách ứng xử của chúng ta trong những thử thách hàng ngày. Cấp độ cao nhất của tự giác kỷ luật đối với người trưởng thành là tu tâm dưỡng tính khi gặp gỡ mọi người ở nơi làm việc và tu dưỡng tính cách khi gặp vấn đề.

Vương Hoà - Aboluowang / Nguồn: Insight

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sự khó chịu trong công việc phần nhiều là do tính cách - Tính cách nào dẫn đến thành công?