Tài liệu 'cơ mật' cho thấy Huawei tham gia vào nhiều dự án giám sát của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ The Washington Post đưa tin hôm thứ Ba (ngày 14/12) rằng, sau khi xem xét hơn một trăm bài thuyết trình (Powerpoint – PPT) của công ty Huawei, phát hiện Huawei đã tham gia nhiều vào nhiều chương trình giám sát của chính phủ Bắc Kinh. Nhiều tài liệu trong số này được đánh dấu là "cơ mật".

Trước giờ, Huawei luôn tránh né những nghi ngờ về vai trò của mình trong hệ thống giám sát quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Công ty này tuyên bố rằng chỉ bán các thiết bị mạng thông dụng.

Trước đó, những tài liệu này đã được Huawei công bố trên một trang web công khai, nhưng sau đó bị xóa vào cuối năm 2020. Thời gian tạo các slide (trang trình bày trong PPT) hầu hết là ngày 23/9/2014 và bản sửa đổi mới nhất được thực hiện vào năm 2019 hoặc 2020.

Các slide này cho thấy, Huawei tham gia vào các dự án giám sát của ĐCSTQ như: xác định các cá nhân thông qua giọng nói, giám sát và theo dõi các nhân vật chính trị được quan tâm, quản lý giáo dục tư tưởng và thời gian biểu lao động của những người bị giam giữ ở Tân Cương, giúp các công ty sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt để theo dõi nhân viên và khách hàng.

Bài báo viết, Huawei từng công khai phủ nhận rằng họ không biết các khách hàng sử dụng công nghệ của họ như thế nào, nhưng những slide này đều có dấu hiệu hình mờ (Watermark) của chính công ty Huawei. Những tài liệu này mô tả chi tiết cách công nghệ của họ được sử dụng vào hoạt động giám sát.

The Washington Post cho biết họ đã kiểm tra hơn 3.000 trang slide của Huawei và chọn ra 5 trang trong số đó. Có thể thấy, mỗi slide đều trình bày cách Huawei và đối tác sử dụng công nghệ của hai công ty để tạo ra hệ thống giám sát.

Hợp tác với công ty bị Mỹ xử phạt, giám sát qua cơ sở dữ liệu lớn về giọng nói

Tệp slide năm 2018 đã giới thiệu "Nền tảng quản lý giọng nói iFlytek", do Huawei và công ty trí tuệ nhân tạo iFlytek của Trung Quốc cùng phát triển. Hệ thống này có thể nhận dạng giọng nói của cá nhân bằng cách so sánh nó với một cơ sở dữ liệu lớn về ngữ âm và giọng nói (voiceprint).

Trang slide của Huawei cho thấy, công nghệ quản lý cơ sở dữ liệu bằng ngữ âm và giọng nói mà họ đang quảng bá có mục đích là hỗ trợ các mục tiêu an ninh quốc phòng của chính quyền.

An ninh quốc phòng, đôi khi được gọi là an ninh quốc gia, được Trung Quốc vô cùng chú trọng. Mục tiêu thường là những người bất đồng chính kiến, đoàn thể tôn giáo, chính sách Hong Kong và Đài Loan, quan hệ giữa các dân tộc và ổn định kinh tế.

IFlytek là một trong 28 thực thể bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ trừng phạt vào tháng 10/2019 vì xâm phạm nhân quyền của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Trước đó, người Duy Ngô Nhĩ báo cáo rằng họ bị buộc phải ghi âm lời nói của mình.

Tham gia vào giám sát nhà tù và cơ sở giam giữ

Trang slide thứ hai được The Washington Post tiết lộ là Huawei đã giúp thiết kế kỹ thuật cho các dự án cải tạo và cưỡng bức lao động gây tranh cãi.

Trang trình bày cho biết, các sản phẩm của Huawei là nền móng cơ sở cho nền tảng tích hợp nhà tù thông minh.

"Nền tảng đám mây riêng của Huawei cung cấp một bản dựng tổng hợp cho nền tảng tích hợp nhà tù thông minh. Nền tảng liên lạc của Huawei và nền tảng bảo mật khẩn cấp của Hewei đã đạt được sự hợp nhất”, trong slide viết.

Bắt đầu từ năm 2017, việc ĐCSTQ bắt giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã làm dấy lên sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Những người Duy Ngô Nhĩ từng bị bỏ tù và hiện đang sống ở nước ngoài đã làm chứng rằng, họ bị giam giữ không thông qua xét xử và bị tra tấn; họ cũng được yêu cầu làm việc trong các nhà máy như một điều kiện để được trả tự do.

Một cơ sở được cho là trại tập trung, nơi giam giữ hầu hết người dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Artux, Tân Cương, Trung Quốc
Một cơ sở được cho là trại tập trung, nơi giam giữ hầu hết người dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Artux, Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 2/6/2019. (Greg Baker / AFP / Getty Images)

Theo giới thiệu trong slide, ngoài các điều khiển vật lý như camera theo dõi và cửa thông minh, họ còn cung cấp phần mềm quản lý lịch trình hàng ngày của những người bị giam giữ, bao gồm cả việc họ tham gia các lớp giáo dục tư tưởng và luân ca lao động trong tù.

Slide này còn đề cập đến "ví dụ thành công" của hệ thống này. Công nghệ này đã được áp dụng trong các nhà tù ở khu tự trị Nội Mông và tỉnh Sơn Tây, và trong các trung tâm cai nghiện ở Tân Cương – các trung tâm giam giữ dành riêng cho tội phạm ma túy.

Dùng dữ liệu lớn giúp cảnh sát định vị và theo dõi đối tượng

Trong slide mang tên "Khả năng mới cho mô hình dữ liệu", Huawei nói rằng họ có thể xác định vị trí của nghi phạm bằng cách phân tích một loạt dữ liệu giám sát, sau đó sử dụng định dạng khuôn mặt để giúp xác định nghi phạm.

"Đối với những người bị nghi ngờ là khủng bố hoặc gây nguy hiểm cho trật tự công cộng, những nhân vật chính trị trọng điểm, bệnh nhân tâm thần đã gây ra tai nạn và những người có tiền án, v.v., chúng tôi có thể theo dõi điện tử, theo dõi biển số xe, theo dõi hình ảnh khuôn mặt, theo dõi tên thật và mạng lưới mối quan hệ, v.v. Như vậy có thể bỏ hình thức ‘nằm vùng theo dõi’”, trang trình bày của Huawei cho biết.

Wi-Fi và MAC được đề cập trong slide. Các chuyên gia giám sát nói rằng, có thể họ dùng địa chỉ MAC (mã duy nhất được gán bởi nhà sản xuất cho từng phần cứng mạng như cạc không dây hoặc cạc Ethernet) để theo dõi vị trí của điện thoại thông minh. Các địa chỉ này có thể bị chặn qua WiFi bằng thiết bị đặc dụng của cảnh sát.

Slide cho biết, công an Quảng Đông đang sử dụng hệ thống này.

Huawei phát triển "Máy báo động Duy Ngô Nhĩ"

Ngoài ra còn có một slide trình bày chi tiết cách Huawei tiến hành công việc giám sát ở khu vực Tân Cương thuộc vùng Tây Bắc của Trung Quốc.

Slide này trích dẫn một trường hợp có thật. Công nghệ này đã được sử dụng để bắt giữ một nghi phạm chạy trốn 20 năm trước.

"Từ năm 2017 đến nay, hệ thống khuôn mặt biến động của Đội điều tra hình ảnh kỹ thuật số thuộc Công an Urumqi đã hỗ trợ công an thành phố truy bắt thành công một số nghi phạm và phá được hàng chục vụ án hình sự... Kết quả rất rõ ràng, bắt được một kẻ tình nghi đã bỏ trốn 20 năm trước", slide viết.

Hình ảnh cảnh sát đứng trước ga xe lửa Urumqi ở Tân Cương. (Goh Chai Hin / AFP / Getty Images)

Trang trình bày cũng liệt kê rằng, trong năm 2016, hệ thống này đã phủ sóng tất cả các đầu mối giao thông xung quanh Urumqi; năm 2017, hệ thống đã thực hiện hơn 50 triệu lượt so sánh với những người trong kho dữ liệu; năm 2018, hệ thống đã đưa ra hàng nghìn cảnh báo chính xác.

Tờ The Washington Post từng đưa tin về "Máy báo động Duy Ngô Nhĩ" của Huawei vào năm 2020. Bài báo này đã gây sốc và khiến một quan chức cấp cao của Huawei phải ra đi.

Huawei có một số báo cáo nêu bật các dự án giám sát của họ ở Tân Cương. Và mỗi slide đều có logo Huawei, mặc dù người Duy Ngô Nhĩ không được đề cập trong các trang trình bày đó. Đồng thời, năm 2017 cũng trùng hợp là thời điểm người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị giam giữ trên diện rộng.

Giải pháp nhận dạng khuôn mặt được gọi là "một người, một tệp" này do Huawei và công ty công nghệ Deep Glint đồng phát triển. Sau đó, Deep Glint đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ xử phạt vào tháng 7/2021 vì bị cáo buộc xâm phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Ngoài ra, Huawei còn có phần mềm được thiết kế cho doanh nghiệp. Đó là phần mềm ghi lại hành vi lười biếng của nhân viên hoặc phần mềm xác định khách hàng.

Tuy nhiên, Huawei phủ nhận việc tham gia vào các dự án giám sát nhạy cảm của ĐCSTQ. “Huawei không biết gì về các dự án được đề cập trong bài báo của The Washington Post”, Huawei trả lời.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Tài liệu 'cơ mật' cho thấy Huawei tham gia vào nhiều dự án giám sát của Bắc Kinh