Tại sao Nga khó thành công nếu tấn công các vệ tinh Starlink của Elon Musk?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã cho thấy khả năng hỗ trợ chiến tranh mạnh mẽ của các vệ tinh thương mại. Và điều này khiến chúng trở thành các mục tiêu có thể bị tấn công.

Tờ TASS dẫn lời ông Konstantin Vorontsov, Phó Giám đốc Bộ Ngoại giao Nga về không phổ biến vũ khí và kiểm soát vũ khí, cho hay, việc Mỹ và đồng minh sử dụng các vệ tinh của phương Tây để hỗ trợ cho Ukraine là "một xu hướng cực kỳ nguy hiểm".

Phát biểu trước Ủy ban Thứ nhất của Liên Hợp Quốc, Vorontsov cho biết: "Cơ sở hạ tầng bán dân sự có thể là mục tiêu hợp pháp cho một cuộc tấn công trả đũa".

Trong khi quân đội và cơ quan tình báo Mỹ vẫn sở hữu vệ tinh của riêng họ trên quỹ đạo, thì một thế hệ các nhà khai thác vệ tinh tư nhân cũng đang cung cấp thông tin liên lạc và viễn thám cho binh lính Mỹ và các đồng minh. Các vệ tinh này đã theo dõi quân đội Nga bằng các cảm biến quang học, radar và radio, và cung cấp thông tin liên lạc cho các lực lượng Ukraine.

Sự việc trên đã khiến Nga để ý. Các tác nhân do Moscow hậu thuẫn đã cố gắng làm nhiễu đường truyền từ các vệ tinh liên lạc và tín hiệu định vị GPS, đồng thời tấn công vào các mạng vệ tinh tư nhân đó. Tuy nhiên, những cuộc tấn công "không tiếp xúc" (non-kinetic) như vậy đã không thực sự thành công trong việc ngăn chặn các tài sản không gian hỗ trợ Ukraine. Do đó, những tranh luận việc sử dụng tên lửa để phá hủy các vệ tinh trên quỹ đạo, hay các mối đe dọa tiếp xúc, đã diễn ra.

Nga hoàn toàn có khả năng tiến hành các cuộc tấn công kiểu đó. Vào tháng 11/2021, nước này đã phá hủy một trong những vệ tinh của họ nhằm biểu dương lực lượng. Tuy nhiên, các mảnh vỡ từ vệ tinh đó đã trở thành rác vũ trụ, và khiến Trạm Vũ trụ Quốc tế phải né tránh.

Tại sao rất khó để phá hủy một mạng lưới vệ tinh hiện đại?

Thực ra, vấn đề đối với Nga là hầu hết các vệ tinh do tư nhân chế tạo đều nhỏ và tương đối rẻ tiền, hoạt động theo một mạng lưới với hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn chiếc bay cách nhau nhiều dặm. Việc phá hủy một hoặc thậm chí một số vệ tinh này có thể làm suy giảm khả năng của cả mạng lưới, nhưng không thể hoàn toàn khiến nó ngừng hoạt động. Mặt khác, việc chế tạo và phóng các tên lửa dẫn đường chính xác cần thiết để tiêu diệt vệ tinh rất tốn kém. Điều này càng trở nên khó khăn trong thời điểm mà các lệnh trừng phạt khiến Nga khó nhập khẩu được các thành phần quan trọng như chip silicon và cảm biến con quay hồi chuyển.

Vì vậy, việc mạng Starlink của SpaceX liên tục cung cấp thông tin liên lạc cho các máy bay chiến đấu của Ukraine đã thuyết phục quân đội Mỹ rằng cách sử dụng nhiều vệ tinh nhỏ là khôn ngoan hơn so với cách tiếp cận truyền thống, phóng các vệ tinh lớn và đắt tiền lên quỹ đạo cao xung quanh Trái đất.

Hiện tại, về mặt pháp lý, việc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự chưa được quy định rõ ràng. Các bên ký kết Hiệp ước Không gian Bên ngoài của Liên Hợp Quốc, bao gồm Nga, đã cam kết thăm dò không gian một cách hòa bình và không triển khai vũ khí hạt nhân trên quỹ đạo. Tuy nhiên, trong đó không có hạn chế nào về hành động quân sự. Do đó, vũ khí chống vệ tinh đã được một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ thử nghiệm. Chúng không được sử dụng để chống lại các mục tiêu của kẻ thù vì may mắn thay, các cường quốc không gian đã không trực tiếp gây chiến với nhau.

Giờ đây, với việc các vệ tinh dân sự đang cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người dùng có mục đích quân sự, thì thật dễ hiểu tại sao Nga coi các vệ tinh này có thể trở thành mục tiêu. Nếu trong một cuộc xung đột nào đó trong tương lai, một mạng lưới vệ tinh do tư nhân xây dựng của Trung Quốc hỗ trợ quân đội nước này trong một cuộc xung đột chống lại đồng minh của Hoa Kỳ, thì tình thế sẽ ngược lại.

Tuy nhiên, có một lý do khác để các bên thận trọng với các cuộc tấn công trên quỹ đạo Trái đất: Việc phá hủy một vệ tinh sẽ tạo ra các mảnh vỡ đe dọa các tàu vũ trụ khác, đó là lý do tại sao Mỹ và các quốc gia khác đang thúc đẩy lệnh cấm thử nghiệm loại vũ khí này. Bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào để phá hủy một chòm vệ tinh sẽ dẫn đến nhiều cuộc phản công và hậu quả không thể lường trước. Các vệ tinh khác và Trạm Vũ trụ Quốc tế cũng sẽ bị đe dọa. Do đó, bất kỳ quốc gia nào đã đầu tư vào các tài sản không gian nên suy nghĩ kỹ về rủi ro khi thực hiện một cuộc tấn công lớn trên quỹ đạo.

Văn Thiện

Theo Quartz

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Tại sao Nga khó thành công nếu tấn công các vệ tinh Starlink của Elon Musk?