Nga cảnh báo có thể tấn công các vệ tinh thương mại của phương Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, các vệ tinh thương mại của Mỹ và các đồng minh có thể trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga nếu các vệ tinh này tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine.

Tờ TASS dẫn lời ông Konstantin Vorontsov, Phó Giám đốc Bộ Ngoại giao Nga về không phổ biến vũ khí và kiểm soát vũ khí, cho hay, việc Mỹ và đồng minh sử dụng các vệ tinh của phương Tây để hỗ trợ cho Ukraine là "một xu hướng cực kỳ nguy hiểm".

"Cơ sở hạ tầng bán dân sự có thể là mục tiêu hợp pháp cho một cuộc tấn công trả đũa. Hành động của phương Tây gây nguy hiểm đến sự ổn định của các hoạt động không gian dân sự, cũng như các hoạt động kinh tế xã hội trên mặt đất. Điều đó ảnh hưởng đến hạnh phúc của người dân, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển", ông Vorontsov phát biểu trước Ủy ban Thứ nhất của Liên Hợp Quốc, đồng thời nói thêm rằng, việc phương Tây sử dụng các vệ tinh như vậy để hỗ trợ Ukraine là "hành động khiêu khích".

Liên Hợp Quốc đã lập ra nhiều diễn đàn nhằm giải quyết các vấn đề giải giáp vũ khí đa biên. Các diễn đàn chính là Ủy ban Thứ nhất của Đại hội đồng và Cao ủy về Giải giáp vũ khí Liên Hợp Quốc.

"Chúng tôi đang nói về sự can dự của các thành phần của cơ sở hạ tầng không gian dân sự (bao gồm cả thương mại) của Mỹ và các đồng minh trong các cuộc xung đột vũ trang", ông Vorontsov nói tại Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, ông Vorontsov không đề cập đến bất kỳ vệ tinh cụ thể nào.

Tỷ phú công nghệ Elon Musk đã tặng các thiết bị đầu cuối Starlink trị giá 80 triệu USD cho Kyiv kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào cuối tháng Hai, biến hệ thống này trở thành công cụ liên lạc chính cho các lực lượng của Ukraine.

Starlink đã cung cấp thông tin cho những vùng đất đen tối của đất nước bị chiến tranh tàn phá, gồm hàng trăm bệnh viện và trạm y tế. Nó cho phép máy bay không người lái của quân đội Ukraine nhắm mục tiêu chính xác vào xe tăng và vị trí của Nga một cách hiệu quả.

Starlink của SpaceX là một mạng lưới vệ tinh tư nhân đang được triển khai, bay lơ lửng trên quỹ đạo thấp nhằm cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao trên khắp thế giới. Hiện có hơn 1.500 vệ tinh Starlink đang hoạt động.

Trong khi đó, ông Elon Musk hôm 15/10 cho biết, ông sẽ tiếp tục tài trợ cho dịch vụ Internet Starlink ở Ukraine bất chấp thua lỗ. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi ông chủ SpaceX nói rằng ông không còn đủ khả năng để cung cấp dịch vụ miễn phí cho Ukraine. Vị tỷ phú công nghệ cũng cáo buộc Nga đang cố gắng tiêu diệt dịch vụ vệ tinh Starlink.

"Mặc dù Starlink vẫn đang thua lỗ và các công ty khác thì đang nhận được hàng tỷ USD tiền thuế, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tài trợ miễn phí cho chính phủ Ukraine", ông viết trên Twitter.

Cùng ngày, tờ RT đưa tin, ông Elon Musk đã đổ lỗi cho Nga vì nước này đã nỗ lực vô hiệu hóa dịch vụ vệ tinh Starlink của ông.

“Nga đang tích cực tìm cách tiêu diệt Internet vệ tinh Starlink”, Elon Musk nói.

Trước đó một ngày (14/10), Elon Musk cho biết SpaceX không thể tài trợ vô thời hạn cho dịch vụ Starlink ở Ukraine. Starlink đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cho quân đội và người dân Ukraine duy trì hoạt động trực tuyến.

Khi một người dùng Twitter nói với Musk rằng "Đúng là làm ơn mắc oán" (No good deed goes unpunished), ông Musk trả lời "Dù vậy, chúng ta vẫn nên làm những việc tốt".

Năm 1957, Nga đã phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào không gian có tên Sputnik 1. Năm 1961, Nga lần đầu tiên đưa con người vào không gian. Năm 2021, Nga tiếp tục phóng tên lửa chống vệ tinh để phá hủy một trong những vệ tinh của chính mình. Với những ưu thế này, Nga được coi là đối thủ cạnh tranh số 1 của Mỹ và Trung Quốc, theo tờ Reuters.

Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, phá hoại sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và gây ra cuộc đối đầu gay gắt nhất với phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Lam Giang

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Nga cảnh báo có thể tấn công các vệ tinh thương mại của phương Tây