38.600 trẻ vị thành niên đã ‘chạy trốn’ từ Hong Kong đến Vương quốc Anh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo chương trình thị thực BNO, khoảng 142.000 người Hong Kong đã được chấp thuận di cư đến Vương quốc Anh; ⅓ trong số họ là trẻ vị thành niên. Con số này khiến người ta phải sửng sốt. Rất nhiều người nói rằng họ di cư là để tránh bị tẩy não.

Kể từ khi chính phủ Anh triển khai chương trình thị thực BNO - chương trình mở rộng quyền hạn hộ chiếu cho công dân Anh hải ngoại - vào tháng 01/2021, khoảng 142.000 đơn đăng ký đến từ Hong Kong đã được chấp thuận vào cuối tháng 6 năm nay. Phần lớn những người nộp đơn ở độ tuổi từ 24 đến 54. Khoảng ⅓ số đơn đăng ký là của những người dưới 18 tuổi.

Chia theo các nhóm tuổi, những người nộp đơn dưới 18 tuổi chiếm nhiều nhất - 38.600 người; tiếp đến là nhóm từ 35 đến 44 tuổi - 32.600 người.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Raymond (Wong Yuk Man) gọi những con số này là đáng kinh ngạc. Những người dưới 18 tuổi là các nhà lãnh đạo của tương lai; trong khi nhiều người trong nhóm từ 35 đến 44 tuổi có thể là chuyên gia, tầng lớp trung lưu và có con vẫn còn đi học.

“Tất cả đều vội vã chạy trốn hơn là ở lại chờ bị tẩy não?”.

Ông Raymond cũng chỉ trích người thuộc phe thân chính phủ (phe thân Trung Quốc) là đạo đức giả. “Một mặt khen chủ, một mặt lẻn đi cửa sau” - họ sắp xếp cho người nhà ra nước ngoài hoặc cho con cái đi học tại trường quốc tế nếu chưa thể ra nước ngoài.

Ông cũng thấy lạ khi trong một môi trường như vậy, chính quyền vẫn nói rằng họ muốn và có thể “cuỗm nhân tài” từ bên ngoài vào Hong Kong.

Số lượng lớp học giảm mạnh

Số lượng lớp học tại các trường công lập ở Hong Kong tiếp tục giảm. Theo Hồ sơ về Trường tiểu học 2022, sau khi giảm 55 lớp trong năm học vừa qua, khối tiểu học năm nay giảm thêm 62 lớp. Ở khối trung học cơ sở, năm học trước giảm 8 lớp, năm nay giảm 22 lớp và sẽ tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, Phòng Giáo dục vẫn hạ thấp những lý do thực sự dẫn đến việc các lớp học bị cắt giảm. Thay vào đó, họ viện dẫn những lý do sau: sự thay đổi về dân số trong độ tuổi đi học; sự di chuyển của học sinh - bao gồm việc đến nơi ở mới, lựa chọn của phụ huynh (trong đó có việc chuyển từ các trường công lập sang các trường tư thục/quốc tế); cũng như sự thay đổi số lượng học sinh do các em chuyển đến hoặc rời khỏi Hong Kong, v.v..

Trong một bài viết hồi tháng 9, nhà bình luận các vấn đề thời sự Lưu Nhuệ Thiệu (Johnny Lau Yui-siu) đã đặt câu hỏi về tính nghiêm túc của chính quyền khi đối mặt với những vấn đề nảy sinh. Ông chỉ ra rằng chính quyền đã sử dụng chiến thuật giữ kín mọi thứ hoặc chuyển hướng chú ý khỏi các vấn đề nóng bỏng. Nhưng đó chắc chắn không phải là cách đúng đắn để giải quyết mọi chuyện; nó giống như quét tàn thuốc lá đang cháy vào dưới tấm thảm. Kết quả cuối cùng có thể xảy ra là một trong hai hướng, “(i) tàn thuốc có thể bị dập tắt hoặc (ii) chúng có thể bắt đầu bùng cháy dữ dội”. Theo ông Lưu, nếu Hong Kong đủ hấp dẫn để các bậc cha mẹ ở lại và nếu họ sẵn sàng cho con cái họ tiếp tục học ở đây, thì sẽ không có tình trạng giảm lớp nhiều như vậy. Ông đặt câu hỏi: “Những cá nhân giàu có và có chức sắc thì cho con học ở đâu?”.

Cách đây vài ngày, HSBC đã công bố kết quả một cuộc khảo sát, trong đó cho thấy hơn ⅓ các gia đình trung lưu có kế hoạch cho con đi du học. Trong cuộc khảo sát được tiến hành hồi tháng 05/2022 này, HSBC đã phỏng vấn hơn 1.000 người có thu nhập trung bình - với tài sản hiện tại là hơn 1 triệu đô-la Hong Kong (khoảng 128.000 USD); 35% cho biết họ dự định cho con đi du học. Khoảng 40% ưa thích Vương quốc Anh, tiếp theo là Canada, Úc và New Zealand, chiếm từ 16-17% mỗi quốc gia.

Ngoài ra, trong “Bài phát biểu về chính sách” do Trưởng đặc khu Hong Kong Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) đưa ra trước đó, ông Lý thừa nhận rằng lực lượng lao động đã giảm 140.000 người trong 2 năm qua, trong đó hơn 60% là những người có tay nghề cao. Vào thời điểm đó, một nguồn tin chính phủ cho biết những người trẻ từ 25 đến 39 tuổi chiếm phần lớn trong số lao động rời đi, lên tới 78.000 người.

Dữ liệu do chính phủ công bố trước đó cho thấy Hong Kong đã xảy ra tình trạng di cư ròng trong năm thứ ba liên tiếp, với 113.000 người Hong Kong vĩnh viễn rời đi trong năm ngoái.

Chương trình thị thực BNO mở rộng sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 11

BNO (Quốc tịch Anh ở hải ngoại) là danh tính do Vương quốc Anh cấp cho cư dân Hong Kong trước khi chuyển giao chủ quyền Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997. Khoảng 3,4 triệu người Hong Kong có BNO, nhưng vào thời điểm đó, họ không có quyền cư trú tại Anh.

Sau phong trào chống dẫn độ năm 2019 và sau khi ĐCSTQ áp đặt “Luật An ninh Quốc gia Hong Kong (NSL)” năm 2020, chính phủ Vương quốc Anh coi đó là hành vi vi phạm “Tuyên bố chung Trung - Anh” ký năm 1984. Trên cơ sở đó, Anh đã đưa ra chương trình thị thực BNO để cung cấp cho tất cả những người có BNO quyền cư trú, làm việc và học tập “5+1” năm, sau đó họ có đủ điều kiện để đăng ký quốc tịch Anh.

Khi mới khởi động chương trình thị thực BNO, đã xuất hiện nhiều ý kiến ​​rằng biện pháp này không quan tâm đến những người Hong Kong sinh ra sau khi Anh bàn giao chủ quyền của Hong Kong vào năm 1997, đặc biệt là những người trẻ tuổi phản đối phong trào chống dẫn độ năm 2019 - nhiều người trong số họ sinh sau năm 1997. Vào thời điểm đó, những người trẻ không thể tham gia chương trình thị thực BNO với tư cách là người nộp đơn độc lập; số phận của họ sẽ phụ thuộc vào ý định đi hay không của cha mẹ họ.

Để mở đường cho những người trẻ tuổi này, chính phủ Anh vào đầu năm nay quyết định mở rộng phạm vi của chương trình thị thực “5+1”. Chương trình mở rộng cho phép người trẻ tuổi sinh vào hoặc sinh sau ngày 01/07/1997, đủ 18 tuổi, nộp đơn với tư cách độc lập, miễn là cha hoặc mẹ của họ có BNO. Quy định mới, sẽ có hiệu lực vào ngày 30/11 tới đây, được cho là có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm dân số tại Hong Kong.

Xuân Hoa

Theo Ying Cheung, Nie Law & Harry McKenny - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

38.600 trẻ vị thành niên đã ‘chạy trốn’ từ Hong Kong đến Vương quốc Anh