Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Hơn 34.000 người chết và còn tiếp tục tăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tính đến ngày 13/2, số người chết trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt quá 34.000 người, theo đài CNN.

Sáu ngày sau một trong những trận động đất tồi tệ nhất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, hôm Chủ nhật (12/2), lực lượng cứu hộ đã giải cứu thêm nhiều người sống sót nữa ra khỏi đống đổ nát. Trong khi đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách duy trì trật tự trên toàn khu vực thảm họa và bắt đầu hành động pháp lý đối với một số tòa nhà bị sập.

Trước cơ hội tìm thấy nhiều người sống sót ngày càng xa vời, số người chết ở cả hai quốc gia sau trận động đất hôm 6/2 và các cơn dư chấn lớn đã vượt quá con số 33.000 người và có vẻ sẽ tiếp tục tăng. Đây là trận động đất kinh hoàng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939.

Những người dân bị mất nhà ở tâm chấn Kahramanmaras (thành phố ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ), cho biết họ đã dựng lều tại nơi gần nhất có thể với những ngôi nhà bị hư hại, hoặc bị phá hủy của họ nhằm ngăn chặn nguy cơ bị cướp phá.

Đối mặt với những câu hỏi về phản ứng sau trận động đất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hứa sẽ bắt đầu tái thiết quốc gia trong vòng vài tuần.

Tại nước láng giềng Syria, thảm họa gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng Tây Bắc do quân nổi dậy kiểm soát. Thảm họa đã khiến nhiều người một lần nữa trở thành người vô gia cư. Những người này đã phải di dời nhiều lần do cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ của đất nước. So với các khu vực do chính phủ kiểm soát, khu vực này nhận được rất ít viện trợ.

"Cho đến nay, chúng ta đã khiến người dân ở Tây Bắc Syria thất vọng. Họ cảm thấy thực sự bị bỏ rơi. Họ trông mong sự giúp đỡ quốc tế nhưng vẫn chưa thấy", Giám đốc viện trợ của Liên Hợp Quốc (LHQ) Martin Griffiths viết trên Twitter khi đang ở giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Nơi này chỉ có một cửa khẩu biên giới được mở để tiếp nhận hàng viện trợ của LHQ.

Ông Griffiths cho biết, ông sẽ nhanh chóng tìm cách giải quyết những vấn đề này.

Hơn sáu ngày sau trận động đất đầu tiên, lực lượng cứu hộ đã giải cứu thêm được một số người vẫn gắng sức sống sót dưới đống đổ nát của những tòa nhà - nay đã trở thành mồ chôn của hàng nghìn người.

Ông Malik Milandi, 54 tuổi, người Syria, đã được giải cứu ở Antakya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, sau 156 giờ bị vùi lấp dưới đống đổ nát.

Những kỳ tích như vậy ngày càng trở nên hiếm hoi khi số người chết tiếp tục tăng.

Tại một đám tang gần Reyhanli, nhiều người phụ nữ đấm ngực và che mặt khóc khi chứng kiến cảnh thi thể được dỡ xuống khỏi xe tải. Vài thi thể thì nằm trong quan tài gỗ đóng kín, số khác nằm trong quan tài không có mái che, và có thi thể chỉ được quấn chăn.

Một cư dân Kahramanmaras nói rằng anh vẫn chưa chôn cất người thân của mình vì không có đủ vải liệm để quấn cho thi thể. Trên một con đường dẫn vào thị trấn, có một chiếc xe tải lớn chất đầy quan tài bằng gỗ.

Những lo ngại về an ninh và bắt giữ

Men theo con đường chính dẫn vào thị trấn cổ Antakya, vẫn còn sót lại vài tòa nhà chằng chịt vết rạn nứt và lồi lõm. Thi thoảng lực lượng cứu hộ yêu cầu mọi dừng lại và giữ im lặng để họ nghe ngóng xem có tiếng kêu cứu nào dưới đống đổ nát hay không.

Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một trong những quốc gia có hoạt động địa chất mạnh nhất thế giới vì nước này nằm trên mảng Anatolian, ở giữa hai đường đứt gãy lớn. Do đó, chất lượng xây dựng ở quốc gia này đã trở thành tâm điểm chú ý sau trận động đất.

Cuối ngày 11/2, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết, nước này đã ban bố lệnh bắt 131 người phải chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng nghìn toà nhà bị sập ở 10 tỉnh bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

“Chúng tôi sẽ theo dõi vụ việc một cách tỉ mỉ cho đến khi quá trình tư pháp cần thiết được hoàn tất, đặc biệt là đối với những tòa nhà bị thiệt hại nặng nề và gây ra thương vong”, ông nói.

Trận động đất xảy ra trong bối cảnh ông Erdogan đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến diễn ra vào tháng 6. Ngay cả trước khi thảm họa xảy ra, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Erdogan đã suy giảm do lạm phát tăng vọt và đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ (lira) lao dốc.

Một số người sống sót sau trận động đất và các chính trị gia đối lập đã cáo buộc chính quyền ông Erdogan vì cứu trợ chậm chạp và không đầy đủ ngay từ đầu. Thậm chí, những người chỉ trích đã đặt câu hỏi tại sao quân đội, vốn đóng vai trò then chốt sau trận động đất năm 1999, lại không được điều động sớm hơn.

Đáp lại, ông Erdogan đã thừa nhận mọi sai sót, chẳng hạn như khó khăn trong việc vận chuyển hàng viện trợ. Mặc dù các tuyến giao thông bị hư hại, nhưng ông tuyên bố tình hình hiện đã được kiểm soát. Ông đã kêu gọi đoàn kết và lên án những quan điểm tiêu cực.

Tổng thống Erdogan cảnh báo, những kẻ cướp bóc sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Trong số các xe viện trợ đang tiến về Kahramanmaras, cảnh sát dẫn đầu một đoàn xe gồm 8 xe quân đội.

Gizem, một nhân viên cứu hộ từ tỉnh Sanliurfa phía đông nam nước này, cho biết, cô đã nhìn thấy những kẻ cướp bóc ở Antakya. "Chúng tôi không thể can thiệp quá sâu vì hầu hết bọn cướp đều mang theo dao".

Một cư dân lớn tuổi ở Kahramanmaras cho biết, đồ trang sức bằng vàng trong nhà ông đã bị đánh cắp. Trong khi đó, ở thành phố cảng Iskenderun, cảnh sát được triển khai tại các ngã ba đường, nơi có nhiều cửa hàng điện thoại và trang sức.

Hôm 11/2, hai tổ chức cứu hộ của Đức đã dừng công việc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ trích dẫn báo cáo về các cuộc đụng độ giữa 2 nhóm người có vũ trang và nêu bật những lo ngại về an ninh tại các khu vực bị động đất tàn phá.

Viện trợ tại Syria vấp phải khó khăn

Tại Syria, sự thù địch đã chia cắt đất nước trong suốt 12 năm nội chiến, giờ đây nó lại tiếp tục gây cản trở công tác cứu trợ.

Ngày 12/2, phát ngôn viên của LHQ Jens Laerke cho biết, viện trợ của chính phủ Syria cho lãnh thổ do lực lượng đối lập kiểm soát đã bị trì hoãn. Điều này xảy ra do vấp phải sự ngăn cản của nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - lực lượng hiện đang kiểm soát phần lớn khu vực.

Theo ông, LHQ hy vọng sẽ mở rộng các hoạt động xuyên biên giới bằng cách mở thêm hai điểm biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và vùng lãnh thổ bên Syria do phe đối lập nắm giữ để chuyển hàng viện trợ.

Cũng trong ngày 12/2, chuyến hàng cứu trợ động đất đầu tiên của châu Âu đến các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Syria đã đến Damascus.

Giám đốc viện trợ của LHQ Griffiths sẽ tới thành phố Aleppo phía bắc Syria vào hôm nay (13/2) để khảo sát thiệt hại và đưa ra lời kêu gọi của LHQ cho Syria. Ông hy vọng cả khu vực kiểm soát của chính phủ và phi chính phủ đều sẽ tiếp nhận lời kêu gọi này.

Trận động đất được xếp hạng là thảm họa thiên nhiên chết chóc thứ sáu trên thế giới trong thế kỷ này. Ít nhất 24.617 người Thổ Nhĩ Kỳ và 3.500 người Syria đã thiệt mạng.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 80.000 người đang được điều trị trong bệnh viện, với hơn 1 triệu người ở nơi trú ẩn tạm thời.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Hơn 34.000 người chết và còn tiếp tục tăng