Dư âm cuộc họp Mỹ - Trung tại Alaska: Một nước Mỹ yếu nhược dưới thời Biden

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc họp giữa nước chủ nhà Hoa Kỳ và phái đoàn chính quyền Bắc Kinh tại Alaska tuần trước đã gây ra nhiều tranh cãi tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới. Đặc biệt là thái độ ngạo mạn của phái đoàn ĐCSTQ trước những quan chức chủ nhà Hoa Kỳ.

Một vị khách hống hách và ngạo mạn ngay trên đất Hoa Kỳ

Trong cuộc họp này phía ĐCS Trung Quốc đã phá vỡ quy tắc ngoại giao, khi phát biểu dài 16 phút thay vì 2 phút như quy định tại sự kiện. Trong bài phát biểu này, nhà ngoại giao hàng đầu, và Ủy Viên Bộ chính trị ĐCSTQ, ông Dương Khiết Trì đã lên giọng phê phán Mỹ là không có tư cách để dạy bảo Trung Quốc. Ông Dương nói:

“Chúng tôi nghĩ quá tốt cho các vị, chúng tôi cho rằng các vị sẽ tôn trọng lễ tiết ngoại giao cơ bản, bây giờ tôi nói một câu, các vị không có tư cách nói trước mặt Trung Quốc rằng các vị xuất phát từ vị thế sức mạnh để nói chuyện cùng Trung Quốc”.

Nước chủ nhà Mỹ đã bị khách lên giọng ngay tại quốc gia của mình. Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ vẫn "ngoan ngoãn" ngồi đó và lắng nghe đến cuối. Nhà bình luận bảo thủ người Mỹ Jack Posobiec đã tweet: “Rõ ràng là đáng lẽ ông Blinken và ông Sullivan phải đứng lên bảo vệ Hoa Kỳ và yêu cầu phái đoàn ĐCSTQ dừng cuộc họp khi bị [đối xử] thiếu tôn trọng như thế. Nhưng đã không xảy ra như vậy. Ngày mai họ sẽ quay lại để bị mất mặt hơn nữa. Thật không còn điều gì tồi tệ hơn thế đối với Hoa Kỳ".

Việc chỉ trích phái đoàn chủ nhà Hoa Kỳ một cách công khai của ông Dương Khiết Trì đã bị một số nhà lập pháp Hoa Kỳ, cũng như cựu quan chức của Hoa Kỳ chỉ trích nặng nề. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã tuyên truyền rằng cuộc gặp này là một chiến thắng ngoại giao lớn cho Bắc Kinh. Tờ Thời Báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận diều hâu của ĐCS Trung Quốc, gọi đây là “một cuộc phô trương sức mạnh lớn của Trung Quốc”.

Dương Khiết Trì phê phán nước chủ nhà Mỹ tại Alaska (Photo by Frederic J. BROWN / POOL / AFP) (Photo by FREDERIC J. BROWN/POOL/AFP via Getty Images)

Miles Yu, một học giả gốc Hoa, người đã giúp định hình chính sách Trung Quốc của chính quyền Trump, cho biết phái đoàn ĐCS Trung Quốc không đến Alaska với mục đích giải quyết các vấn đề cơ bản của mối quan hệ song phương, mà là để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của chế độ ĐCS Trung Quốc với mục đích là tuyên truyền cho chế độ này.

Thậm chí một số tờ báo diều hâu tại Trung Quốc còn nói cuộc họp trên đã xóa nỗi nhục 120 năm trước, khi Triều đình nhà Thanh Trung Quốc đã bị liên quân 8 nước bắt ký vào hiệp ước Tân Sửu năm 1901 mà Bắc Kinh coi là đầy bất công.

Điểm yếu của chính quyền Biden là gì?

Tại sao ĐCSTQ có sự thay đổi thái độ đột ngột giữa 2 chính quyền của Hoa Kỳ như vậy? Từ một chính quyền Trung Quốc im ắng và luôn bị lép vế dưới thời ông Trump, thì đây quả là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược dưới thời ông Biden.

Trong đàm phán, có một số nguyên tắc quan trọng là, biết thế mạnh của mình, đoán được ý định đối thủ và điểm yếu của đối thủ để đạt được những điều khoản có lợi cho mình.

Qua cuộc đối thoại này, chúng ta sẽ tự đặt câu hỏi là điểm yếu của chính quyền Biden là gì mà bị Bắc Kinh lấn lướt như vậy?

Một học giả nghiên cứu về Trung Quốc nêu quan điểm rằng ĐCS Trung Quốc dùng cuộc họp này để thử Hoa Kỳ và phương Tây, từ đó muốn thay thế vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Điểm yếu của chính quyền Biden là gì? Biến đổi khí hậu chăng, nhập cư bất hợp pháp chăng? Hay còn có một điều gì đó không thể nói ra.

Lãnh đạo ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình trong một dịp gặp mặt ông Biden tại California vào năm 2012 (Photo by Jay L. Clendenin-Pool/Getty Images)

Nên nhớ, ông Biden là người luôn ủng hộ chính quyền Trung Quốc trong những năm ông làm Thượng nghị sỹ và Phó tổng thống dưới thời Obama. Con trai bê bối của ông vẫn có cổ phần trong công ty Trung Quốc. Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan, một trong 2 người dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ trong cuộc họp đã từng hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thậm chí ông này còn có ý tưởng bán đứng Đài Loan cho TQ với giá 1.000 tỷ USD khi đề nghị Hoa Kỳ không can thiệp trong trường hợp ĐCSTQ xâm lược Đài Loan.

Một ĐCSTQ nhu mì và ngoan ngoãn dưới thời ông Trump

Hãy so sánh Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump. Khi ông mới nhậm chức và đến thăm Trung Quốc ông đã được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp đón long trọng.

Qua 4 năm làm ông chủ Nhà Trắng, ông Trump đã khiến chính quyền Bắc Kinh điêu đứng. Chúng ta có thể kể ra một số ít bài học chính mà ông Trump đã dạy cho chính quyền Trung Quốc như sau:

  • Đánh thuế và hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ để giảm thâm hụt thương mại. Điều này khiến các các công ty nước ngoài tại Trung Quốc chuyển dây chuyển khỏi Trung Quốc sang những quốc gia láng giềng như Việt Nam để tránh bị rủi ro đánh thuế từ Hoa Kỳ.
  • Buộc chính quyền Trung Quốc phải tham gia thỏa thuận thương mại, và qua đó họ phải mua sản phẩm của Mỹ. Tấn công vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc khiến gã khổng lồ công nghệ và là niềm tự hào của Trung Quốc là Huawei trượt dốc không phanh.
  • Từng bước loại Viện Khổng Tử, một hình thức tuyên truyền và có tính do thám của ĐCSTQ ra khỏi các trường Đại học Mỹ.

Tuy bị Hoa Kỳ dồn ép như vậy nhưng chính quyền Trung Quốc luôn lép vế hoàn toàn và không dám phản kháng dưới thời ông Trump.

Một ĐCSTQ yên ắng dưới thời ông Trump

Thử hỏi tại sao nước Mỹ dưới thời ông Trump hoàn toàn có thể làm được như vậy. Đơn giản là nước Mỹ nắm nhiều lợi thế trước Trung Quốc. Và ông Trump đã sử dụng các lợi thế đó để đương đầu với chính quyền Trung Quốc.

Ông Trump biết rõ rằng Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc. Ví dụ đơn giản nhất là thặng dư thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khoảng 500 tỷ USD/năm. Nghĩa là hàng năm Mỹ nhập khẩu nhiều hàng từ Trung Quốc hơn là Trung Quốc mua từ Mỹ với số tiền khổng lồ 500 tỷ USD. Ngoài ra nước Mỹ nắm đồng đô la trong thanh toán thương mại quốc tế. Nếu họ loại một quốc gia nào khỏi hệ thống thanh toán đồng USD, thương mại của quốc gia đó sẽ hoàn toàn tê liệt. Ngoài ra, nước Mỹ còn có vô vàn phát minh sáng chế từ các công ty tư nhân mà các công ty trên thế giới phải trả phí khi muốn sử dụng. Hãy nêu một ví dụ về gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, Huawei. Công ty này đã bị điêu đứng trong thời ông Trump nắm quyền. Từ vị trí nhà sản xuất điện thoại di động nhiều nhất thế giới, chỉ sau 1 năm, công ty này đã tụt xuống vị trí thứ 4, do bị cấm nguồn cung cấp chip từ các công ty Hoa Kỳ.

Liệu Dương Khiết Trì có dám lên giọng ngay tại nước Mỹ khi đó là dưới chính quyền Tổng thống Trump. Chắc hẳn chúng ta đã có câu trả lời.

Phản ứng của Tổng thống Trump

Được biết, ông Trump đã rất tức giận về việc phái đoàn Hoa Kỳ bị chế độ Bắc Kinh nhục mạ ngay trên nước Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox News gần đây, Tổng thống Trump đã chỉ trích thậm tệ chính quyền Biden về cuộc họp tại Alaska.

“Người Trung Quốc có bao giờ rao giảng cho ngài hoặc người của ngài về vấn đề phân biệt chủng tộc của Mỹ không?” người dẫn chương trình, cô Laura Ingraham hỏi ông Trump.

Ông Trump nói: “Chúng tôi chưa bao giờ gặp bất cứ điều gì tương tự xảy ra. Đó là một sự sỉ nhục… Đó hoàn toàn là một sự sỉ nhục với đất nước của chúng ta. Tôi không thể tin được”.

“Chúng ta lẽ ra nên đi ra ngoài. Không ai từng nói chuyện với nhóm người của tôi theo cách đó. Không ai từng nói chuyện với tôi theo cách như vậy. Tôi có thể nói với bạn điều đó và nếu họ làm vậy, tôi sẽ tăng gấp đôi thuế quan. Đây là điều mà lẽ ra chúng ta đã nên làm”.

“Tôi đã thu về hàng tỷ đô la từ Trung Quốc. Chúng tôi đã mang các doanh nghiệp trở lại [nước Mỹ]. Nó thực sự diễn ra tốt đẹp và Trung Quốc tôn trọng chúng tôi. Họ không bao giờ nói chuyện với chúng tôi như cách họ nói chuyện với chính quyền này”.

Biden bị ngã vào ngày đàm phán giữa hai phái đoàn, ông ngã tận ba lần khi lên cầu thang của chiếc Chuyên cơ Không lực Một. Và đó cũng là cú ngã ngoại giao của Mỹ, cái ngã của vị thế của một cường quốc, thể hiện sự yếu nhược trước một chính quyền độc tài toàn trị. Nước Mỹ có trong tay nhiều con bài để hoàn toàn có thể chiến thắng ĐCSTQ, cái quan trọng là họ có dám sử dụng chúng hay không. Hoặc biết đâu, họ không dám vì còn có liên quan đến một số điều khó nói khác từ bên trong giới chóp bu Hoa Kỳ?

Để đối phó với ĐCSTQ, có lẽ câu nói của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo trên Twitter ngay sau cuộc họp tại Alaska là đầy đủ nhất: "Sức mạnh ngăn cản kẻ xấu, sự mềm yếu chỉ chiêu mời chiến tranh". Câu nói này chính là chính sách đối phó với ĐCSTQ của chính quyền ông Trump trong 4 năm qua và đây cũng là lời khuyên hữu ích không chỉ cho chính quyền Biden, mà cho cả cộng đồng quốc tế.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Minh Dũng



BÀI CHỌN LỌC

Dư âm cuộc họp Mỹ - Trung tại Alaska: Một nước Mỹ yếu nhược dưới thời Biden