Đưa quân tới Kazakhstan: Nga vận động cơ bắp trước cuộc đàm phán với Mỹ về số phận Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đây là ngày thứ sáu kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu ở Kazakhstan trở thành bạo lực. Chính phủ Kazakhstan cáo buộc cuộc nổi loạn trong nước là 'có yếu tố nước ngoài'; một cái cớ hoàn hảo để yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu gửi quân tới đàn áp. Nga đang được trao cơ hội tuyệt vời để nâng cao vị thế của CSTO trước NATO cũng như tăng thêm lợi thế trước cuộc đàm phán với Mỹ về Ukraine. Trung Quốc, chế độ độc tài sát sườn Kazakhstan cũng ủng hộ chính phủ này. Số phận của Kazakhstan, đáng tiếc, có lẽ đã có đáp án...

Các cuộc biểu tình bùng phát từ ngày 2/1 ở thị trấn Zhanaozen, tỉnh Mangystau, miền tây Kazakhstan và nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Mức độ bạo lực ngày càng tăng khi các tòa nhà chính phủ bốc cháy, hàng chục người biểu tình và hơn một chục nhân viên thực thi pháp luật thiệt mạng.

Chính phủ Kazakhstan kêu gọi sự hỗ trợ của Nga và liên minh quân sự CSTO

Đối phó với biểu tình và hỗn loạn, tổng thống Kazakhstan đưa ra lời kêu gọi sự giúp đỡ từ liên minh quân sự do Nga dẫn đầu.

Nằm giữa Nga và Trung Quốc, Kazakhstan là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới nhưng dân số chỉ có 19 triệu người. Do đó, Nga luôn xem Kazakhstan là một đồng minh quan trọng.

Liên minh, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu, bao gồm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, Belarus, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan, đã bắt đầu triển khai quân đội tới Kazakhstan để thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình.

CSTO được thành lập từ năm 1992, sau khi Liên Xô tan rã, NATO bội ước, mở rộng đồng minh về phía đông nước Nga. Dưới sẽ dẫn dắt của Nga, CSTO được thành lập như một đối trọng với NATO; một liên minh quân sự chống lại phương tây. Nếu Nga muốn đặt căn cứ quân sự ở lãnh thổ các quốc gia thành viên CSTO, Nga cần có sự đồng ý của các thành viên còn lại. CSTO cũng áp dụng cơ chế "chủ tịch luân phiên" giữa các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, không như NATO, CSTO khá mờ nhạt. Điểm nổi bật nhất của CSTO là các bên tham gia vào tổ chức này sẽ không được tham gia vào tổ chức, liên minh quân sự khác [ám chỉ NATO]. Cuộc tập trận lớn nhất được nhắc tới của CSTO được tổ chức ở miền Nam nước Nga và Trung Á vào năm 2011, bao gồm hơn 10.000 quân và 70 máy bay chiến đấu. Trang Diplomat coi đây là công cụ để Nga thiết kế các cuộc chơi chiến tranh theo ý mình.

Láng giềng tố cáo 'CSTO là để bảo vệ các chế độ độc tài'

Trang Diplomat đăng tải bài viết về góc nhìn từ người dân nước láng giếng của Kazakhstan là Kyrgyzstan; một quốc gia cũng là thành viên của CSTO do Nga dẫn đầu.

Người dân Kyrgyzstan đã rất lo lắng cho sự bất ổn của nước láng giềng, một lá đơn thỉnh nguyện đang được thu nhập chữ ký. Theo đó, lá đơn kêu gọi Tổng thống và Quốc hội không cử binh lính Kyrgyzstan tham gia liên minh CSTO tới ủng hộ 'chế độ độc tài Kazakhstan' (như cách nói trong đơn) chống lại người dân.

Những người dân láng giềng của Kazakhstan [những người ký vào đơn thỉnh nguyện] coi CSTO là vũ khí của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Họ tin rằng CSTO là vũ khí để Nga có được quyền uỷ nhiệm tiến hành các cuộc chiến tranh, triển khai quân sự để cũng cố các chế độ độc tài ở các quốc gia vệ tinh thuộc Liên Xô cũ.

Để bảo vệ luận điểm này, người Kyrgyzstan nhắc lại lịch sử rằng CSTO từng từ chối yêu cầu hỗ trợ của Bishkek khi các cuộc đụng độ sắc tộc diễn ra năm 2010 và khi quân đội Tajik tấn công thường dân Kyrgyzstan ở các làng giáp biên giới năm ngoái. Họ cho rằng đó là hành động xâm lược của ngoại bang, nhưng CSTO của Putin đã phớt lờ. Trong khi những gì đang xảy ra ở Kazakhstan không phải là an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ mà là cuộc đấu tranh chống lại chính phủ độc tài. CSTO có cần can thiệp để bảo vệ chế độ độc tài trong khi lờ đi các vấn đề xâm lược biên giới quốc gia hay không?

Tuy nhiên, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã đưa ra yêu cầu can thiệp của CSTO, tuyên bố rằng đất nước không chỉ trải qua bất ổn xã hội trong nước mà là một hành động xâm lược của “những kẻ khủng bố nước ngoài”.

Nga vận động cơ bắp ở Kazakhstan trước cuộc đàm phán về Ukraine

Vào ngày 7/1, Quốc hội Kyrgyzstan đã thông qua đề xuất của Tổng thống Sadyr Japarov về việc gửi quân đội Kyrgyzstan như một phần của liên minh CSTO tới Kazakhstan. Các cuộc biểu tình đã lật đổ ba tổng thống Kyrgyzstan trong vòng 30 năm và Japarov phải biết rằng mình có thể sẽ phải đối mặt với số phận tương tự (trang Diplomat viết).

Không chỉ Nga thông qua CSTO để đưa quân vào ủng hộ chính quyền Kazakhstan, Trung Quốc cũng lớn tiếng tuyên bố ủng hộ chính quyền mà người dân cho là độc tài này. Một quốc gia nhỏ bé bị kẹp giữa hai ông lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu là Trung Quốc và Nga; đặc biệt hai ông lớn này đều phát triển quốc gia theo chế độ chuyên chế, độc tài, khả năng Kazakhstan đi theo con đường dân chủ theo mong muốn của người dân là rất khó khăn. Có quá nhiều lợi ích của Trung Quốc ở các dự án Vành đai - Con đường ở Kyzakhstan. Có quá nhiều lợi ích địa chính trị, quân sự của Nga ở Kyzakhstan. Người dân một quốc gia tiểu nhược khó có thể lựa chọn trong bối cảnh này.

Không chỉ vậy, đối với Nga, khủng hoảng Kazakhstan là cơ hội để vận động cơ bắp trước cuộc đàm phán về Ukraine vào tuần tới với các nhà lãnh đạo phương Tây. Hơn thế nữa, đây cũng là cơ hội để củng cố vai trò của CSTO; biến nó thực sự trở thành đối trọng với NATO như chiến lược của Nga. Việc can thiệp vào Kazakhstan sẽ là cuộc can thiệp quân sự đầu tiên của tổ chức quân sự này. Cho tới lúc này, CSTO hầu như chỉ là một tổ chức mang tính biểu tượng chống phương Tây mà không có nhiều trọng lượng trên trường quốc tế. Nga và Putin cần cuộc chiến này; đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang suy yếu trong mắt Nga và Trung Quốc.

Thanh Đoàn

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.



BÀI CHỌN LỌC

Đưa quân tới Kazakhstan: Nga vận động cơ bắp trước cuộc đàm phán với Mỹ về số phận Ukraine