Liên Xô sụp đổ đã biến đổi Trung Đông như thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 1991, Liên Xô tan rã. "Sự sụp đổ của đế chế Liên Xô dẫn đến sự kết thúc của chế độ chuyên chế toàn trị, và một khả năng sắp xếp lại trật tự thế giới, nơi chủ quyền của các quốc gia nhỏ trở nên quan trọng. Thời điểm lịch sử này chắc chắn ảnh hưởng đến Trung Đông", Tiến sĩ Anna Borshchevskaya là thành viên cấp cao tại Viện Washington, người chuyên về chính sách của Nga đối với Trung Đông viết trong bài phân tích dưới tiều đề "Liên Xô sụp đổ đã biến đổi Trung Đông như thế nào" đăng trên tạp chí 19fortyfive.

Một trong những cuộc đối đầu lớn giữa Mỹ và Liên Xô bùng lên không phải ở châu Âu mà là ở Trung Đông. Vào mùa xuân năm 1946, trong động thái vi phạm các thỏa thuận đã có từ trước, Josef Stalin đã từ chối rút Hồng quân khỏi Iran. Cuộc khủng hoảng là một thử thách lớn đối với trật tự thế giới sau Thế chiến thứ hai và đặt ra mục tiêu xâm lược và bành trướng của Liên Xô. Sau đó, Trung Đông nổi lên như một đấu trường quan trọng của cuộc đối đầu giữa các siêu cường toàn cầu. Sự sụp đổ của đế chế Liên Xô dẫn đến sự kết thúc của chế độ chuyên chế toàn trị, và một khả năng sắp xếp lại trật tự thế giới, nơi chủ quyền của các quốc gia nhỏ trở nên quan trọng. Thời điểm lịch sử này chắc chắn ảnh hưởng đến Trung Đông.

Thật vậy, nước Nga thời hậu Xô Viết, đã nhanh chóng triệt thoái một phần quân đội khỏi Trung Đông. Đây là một sai lầm lịch sử, vì nói chung, Nga có nhiều lợi ích trong khu vực này trong mọi khía cạnh, do phần lớn thời gian Nga tồn tại như một tổ chức xã hội độc lập. Nhiều lợi ích trong số này là di sản của Liên Xô. Tuy nhiên, tác động đối với Trung Đông sau khi Liên Xô sụp đổ không thể tách rời khỏi tình hình trong nước của Nga và mối quan hệ của nước này với phương Tây. Mặc dù sự sụp đổ của Liên Xô là một sự kiện lịch sử và duy nhất, nó cũng là một quá trình tan rã vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Điện Kremlin chỉ trích trật tự toàn cầu "dựa trên luật lệ" và tuyên bố rằng các cường quốc đòi hỏi những phạm vi ảnh hưởng đặc quyền.

Boris Yeltsin, tổng thống dân chủ đầu tiên của Nga, ưu tiên các cân nhắc trong nước và quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây, đặc biệt là vào đầu những năm 1990, nhưng nhìn chung, chính sách đối ngoại của Nga không mạch lạc. Cách tiếp cận của Điện Kremlin với Trung Đông là thực dụng nhưng rời rạc, tập trung chủ yếu vào thương mại và ngoại giao. Mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vẫn giữ nguyên tầm quan trọng. Moscow cũng giữ lại các mối liên hệ với các khách hàng truyền thống như Iraq, Syria và Hezbollah ngay cả khi những mối quan hệ này suy giảm đáng kể và Moscow không còn khả năng cung cấp viện trợ. Nga cũng bắt đầu cải thiện quan hệ với Israel, quốc gia được Moscow thiết lập lại quan hệ ngoại giao chỉ hai tháng trước khi Liên Xô sụp đổ. Đồng thời, Nga tiếp tục hỗ trợ chương trình hạt nhân của Iran và bán vũ khí cho nước cộng hòa Hồi giáo này.

Nhưng những ưu tiên của Nga dành cho Trung Đông không phải là hàng đầu. Trong thập kỷ này, mối quan tâm chính của Nga được cho là khẳng định bản sắc của nước này và xác định một ý tưởng quốc gia mới. Các tài liệu lưu trữ của Tổng thống Bill Clinton được giải mật gần đây khẳng định rằng, Nga nhận thức sâu sắc về vị thế yếu kém của mình so với phương Tây và tập trung tìm kiếm sự bình đẳng. Bằng cách này hay cách khác, Nga trở lại sân khấu toàn cầu. Ngay từ tháng 10/1992, Bộ trưởng Ngoại giao thân phương Tây của Nga Andrei Kozyrev đã viết trên tờ Moskovskiye Novosti rằng Nga kết cục sẽ trở thành một cường quốc, một điểm mà ông nhắc lại khoảng hai năm sau khi lập luận trên các trang Ngoại giao cho một quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Nga trong bối cảnh thế giới “đa cực”.

Thay đổi cách tiếp cận

Những tiếng nói thân phương Tây theo khuynh hướng tự do cuối cùng đã trở nên mất uy tín khi ủng hộ những người thích lập trường cứng rắn hơn đối với phương Tây và quan hệ chặt chẽ hơn với phương Đông. Do đó, đến năm 1996, Yevgeniy Primakov đã thay thế Kozyrev. Ông Primakov chính thức trình bày tầm nhìn về một thế giới đa cực. Khi ông Kozyrev tìm kiếm một mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với phương Tây, Primakov đã hình dung ra một tam giác Nga-Ấn-Trung để làm đối trọng với nó. Ông Primakov, một người am hiểu về Ả Rập, đặc biệt nhận thức được việc Nga mất ảnh hưởng ở Trung Đông và tìm cách đưa Nga trở lại. Thông điệp gây được tiếng vang đối với nhiều người vốn than thở về sự mất mát này. Hơn nữa, tầm nhìn rộng lớn hơn của Primakov đã mang lại cho Nga sự chú ý mà nước này thiếu trong nửa đầu những năm 1990, và ông Putin đã tán thành.

Trong khi đó, quan hệ của Nga với phương Tây tiếp tục xấu đi. Vào tháng 3/1999, ông Primakov bay đến Washington nhưng đã quay đầu chuyến bay giữa chừng để phản đối việc NATO ném bom vào vị trí quân sự của Serbia ở Kosovo nhằm đáp trả cuộc thanh trừng sắc tộc của họ chống lại người Albania ở Kosovar. Ngay sau đó, Moscow đã phản đối quyết liệt cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Hoa Kỳ lãnh đạo. “Cuộc xung đột Mỹ-Iraq dường như đã làm sáng tỏ yêu cầu của công chúng Nga rằng chúng ta phải lấy lại vị thế cường quốc của mình”, như một nhà phân tích người Nga đưa ra hồi tháng 4 năm đó. Sau ngày 11/9/2001, ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ chuyển sang chống khủng bố. Nhưng đối với Điện Kremlin, địa chính trị vẫn là một đặc điểm vĩnh cửu của trật tự toàn cầu.

Kỷ nguyên Putin

Kể từ khi lên nắm quyền, Putin đã làm việc chậm rãi nhưng kiên định để đưa Nga trở lại Trung Đông. Phù hợp với tầm nhìn của Primakov, ông Putin theo đuổi các mối quan hệ thực dụng với tất cả các tác nhân lớn trong khu vực, thậm chí ông Putin cuối cùng nghiêng về phía các bên chống phương Tây. Đó là một cách tiếp cận chống phương Tây có tổng bằng không. Điều này có nghĩa là khi Nga thắng thì Mỹ phải thua. Nó cũng thực dụng và linh hoạt hơn nhiều so với ý thức hệ cứng nhắc của Liên Xô và nó đã thể hiện thành công hơn. Các đồng minh và đối thủ của Mỹ cũng sẵn sàng làm việc với nước Nga của Putin hơn; Họ nhận thấy ít mâu thuẫn hơn trong việc hợp tác đồng thời với Moscow và Washington.

Trong những năm sau đó, sự rạn nứt giữa phương Tây và Nga ngày càng lớn. Trong một bài phát biểu nổi tiếng mà ông Putin đưa ra sau cuộc vây hãm khủng bố năm 2004 tại một trường học ở Beslan, Bắc Ossetia, ông đã gián tiếp đổ lỗi cho phương Tây đang cố gắng làm suy yếu nước Nga. Ông nói: “Nga vẫn là một trong những cường quốc hạt nhân lớn trên thế giới, và do đó, Nga vẫn là một mối đe dọa đối với họ. Và vì vậy, họ muốn loại bỏ mối đe dọa này. Tất nhiên, chủ nghĩa khủng bố chỉ là một công cụ để đạt được những mục đích này”. Mọi người đều hiểu rằng “họ” có nghĩa là Hoa Kỳ và phương Tây. Tương tự như vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhiều năm sau cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng không phải ai cũng thích một nước Nga mạnh mẽ, tự tin”.

Nga trở lại sân khấu thế giới

Vài năm sau đó, làn sóng phản đối xuất hiện bên trong nước Nga, bao gồm các cuộc cách mạng màu trong không gian hậu Xô Viết và cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập. Điện Kremlin tiếp tục chứng kiến ​​bàn tay của phương Tây trong mọi ngóc ngách. Chiến dịch Libya của NATO là chiến dịch cuối cùng trong chuỗi dài những bất bình của Mỹ chống lại sự độc đoán của Putin. Sự can thiệp của Putin vào Syria về cơ bản là để đưa ra lập trường chống lại trật tự toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo và ngăn chặn Hoa Kỳ lật đổ một nhà độc tài khác. Nga đã trở lại sân khấu toàn cầu và hành động theo những gì họ cần làm.

Sự can thiệp chính thức đưa Nga trở lại Trung Đông. Theo nghĩa đó, Nga chắc chắn là người thay đổi cuộc chơi, nhưng cũng là một kết cục hợp lý của nhiều năm xây dựng ảnh hưởng trong khu vực và phương Tây không thấy được ý nghĩa đầy đủ của những phát triển này. Thật vậy, đã từ lâu phương Tây nghĩ rằng Nga có thể là một phần giải pháp ở Syria và các nơi khác trong khu vực, cũng như sự cạnh tranh địa chính trị hậu Chiến tranh Lạnh của Nga ở Trung Đông là đơn phương. Bản thân khu vực này trong những năm qua ngày càng có thiện cảm với Nga, khi họ chứng kiến ​​sự đi lên của nước này và sự mâu thuẫn trong tư tưởng của phương Tây, cùng với việc phương Tây chuyển dịch các ưu tiên chính sách đối ngoại tổng thể ra khỏi khu vực.

Nga hiện diện lại ở Trung Đông

Ba mươi năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga lại đến Trung Đông, duy trì thành quả của mình và làm việc ở những nơi có thể để gia tăng ảnh hưởng mà không cần cam kết quá mức. Khi Mỹ tiếp tục thay đổi các ưu tiên của mình, Nga sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hơn để giành được chỗ đứng và sự hiện diện của Moscow sẽ ngày càng vững chắc. Sự vắng mặt của phương Tây cho phép Nga lấp đầy khoảng trống và hỗ trợ các nhà độc tài tự do hành động mà không sợ phải trả giá. Điều này chỉ có thể gây thêm bất ổn và bạo lực. Lịch sử vẫn chưa kết thúc, sự cạnh tranh quyền lực lớn không chờ đợi một ai, và Liên Xô vẫn đang sụp đổ.

Tiến sĩ Anna Borshchevskaya là thành viên cấp cao tại Viện Washington, người chuyên về chính sách của Nga đối với Trung Đông. Ngoài ra, cô còn là người đóng góp cho Oxford Analytica và là thành viên của Tổ chức Dân chủ Châu Âu. Trước đây cô đã từng làm việc cho Hội đồng Đại Tây Dương và Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Từng là nhà phân tích cho một nhà thầu quân sự của Hoa Kỳ ở Afghanistan, cô cũng từng là giám đốc truyền thông tại Đại hội Hồi giáo Hoa Kỳ. Bài phân tích của cô được xuất bản rộng rãi trên các ấn phẩm như Foreign Affairs, The Hill, The New Criterion và Middle East Quarterly. Cô là tác giả của cuốn sách năm 2021, Cuộc chiến của Putin ở Syria: Chính sách đối ngoại của Nga và cái giá của sự vắng mặt của nước Mỹ (I.B. Tauris, một ấn phẩm của Nhà xuất bản Bloomsbury). Cho đến nay, cô làm phiên dịch và thực hiện các phân tích cho Văn phòng Nghiên cứu Quân sự Nước ngoài của Quân đội Hoa Kỳ và ấn phẩm hàng đầu của nó, là người giám sát Môi trường Hoạt động, và là cây chuyên mục đối ngoại cho Forbes. Cô là tác giả của cuốn sách chuyên khảo của Viện tháng Hai năm 2016 ‘Nga ở Trung Đông’. Cô có bằng tiến sĩ tại Đại học George Mason.

Nguyên Hương

Theo 19fortyfive

Quan điểm của tác giả trong bài viết là của riêng tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của NTD Vietnam



BÀI CHỌN LỌC

Liên Xô sụp đổ đã biến đổi Trung Đông như thế nào