Mỹ phản ứng trước động thái hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Trung Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Biden đã gây áp lực buộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ngừng xây dựng một dự án cảng của Trung Quốc gần Abu Dhabi vì nghi ngờ dự án này có mục đích quân sự, Wall Street Journal đưa tin mới đây.

Trong thập kỷ qua, trong khi Hoa Kỳ và các cường quốc khác trên thế can dự vào Trung Đông, thì Trung Quốc chủ yếu giữa thế trung lập về mặt ngoại giao và không can dự quân sự.

Nhưng vào mùa xuân năm nay, Hoa Kỳ phát hiện rằng Trung Quốc đang xây dựng một cảng cơ sở quân sự ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE, The Wall Street Journal đưa tin mới đây.

Theo tờ báo, các cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện một cái hố khổng lồ được đào để chứa một tòa nhà nhiều tầng ở cảng Khalifa, cách Abu Dhabi khoảng 80 km về phía Bắc và là nơi tập đoàn vận tải biển COSCO khổng lồ của Trung Quốc đã xây dựng một bến container thương mại hiện đang hoạt động.

Vào một thời điểm nào đó vào đầu năm nay, vị trí này được che đậy để ngăn chặn sự giám sát. Điều này khiến Mỹ lo ngại Trung Quốc đang cố gắng thiết lập sự hiện diện quân sự ở quốc gia giàu dầu mỏ trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực giành ảnh hưởng toàn cầu thông qua các thỏa thuận thương mại và ngoại giao vắc xin.

UAE là một trong những đồng minh Trung Đông thân cận nhất của Hoa Kỳ, vì vậy khi hành động này của Trung Quốc bị phát hiện, chính quyền Biden đã cảnh báo UAE rằng điều này có thể đe dọa đến mối quan hệ giữa UAE và Hoa Kỳ.

Sau các cuộc họp và các chuyến thăm của các quan chức Hoa Kỳ, Tiểu vương quốc Ả rập đã đình chỉ công trình xây dựng, theo các nguồn tin của Wall Street Journal.

Theo The Western Journal, trong những năm qua, đã có nhiều nghi ngờ rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ cố gắng khẳng định quyền lực ở khu vực Trung Đông. Nhiều người phán đoán, điều này sẽ xảy ra ở Vịnh Ba Tư.

“Trong nửa thế kỷ qua, Hoa Kỳ về cơ bản đã thống trị các vùng biển quốc tế trong Vịnh Ba Tư mà không bị bất kỳ cường quốc nào thách thức. Tuy nhiên, cũng như ở Biển Đông và ở eo biển Mandab, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có tham vọng thách thức Hoa Kỳ và khẳng định ảnh hưởng quân sự của nước này đối với một vị trí án ngữ chiến lược khác”, Viện chiến lược Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) cho biết vào năm 2020.

Hoa Kỳ cũng thường đưa ra giả định rằng Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh sẽ đi theo sự lãnh đạo của mình, vì Hoa Kỳ đã dựa vào liên minh chặt chẽ của Hoa Kỳ và Hội đồng Hợp tác các nước Ả Rập Vùng Vịnh (GCC).

“Thông thường, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho rằng, các thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh sẽ tuân theo sự lãnh đạo của Mỹ. Các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập có thể thất vọng với Washington, nhưng họ hiểu mối đe dọa từ Tehran đồng nghĩa với việc họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mỉm cười và cam chịu sự kiêu ngạo của Mỹ”, AEI cho biết.

Nhưng trong năm qua, căng thẳng đã nảy sinh giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Xê-út, một cường quốc và là quốc gia lãnh đạo GCC cũng như phần lớn thế giới Ả Rập.

Khi Tổng thống Biden nhậm chức, ông đã có những lời lẽ gay gắt đối với Ả Rập Xê Út, đặc biệt là về cuộc khủng hoảng ở Yemen và vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Vì vậy, vào thời điểm cơ hội này, Trung Quốc dường như đang vươn mình vào khu vực.

Các nguồn tin nói với The Wall Street Journal rằng chính phủ Tiểu vương quốc dường như không nhận thức được bản chất quân sự của hoạt động xây dựng của Trung Quốc. Nhưng các hành động của Trung Quốc vẫn đang được quan tâm.

”Nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập thứ mà các quan chức Mỹ tin rằng sẽ là chỗ đứng quân sự ở UAE — và nỗ lực của chính quyền Biden trong việc thuyết phục Tiểu vương quốc Ả Rập Saudi ngừng xây dựng căn cứ — phản ánh những thách thức mà chính quyền phải đối mặt trong nỗ lực cạnh tranh với Bắc Kinh trên toàn cầu”, tờ Wall Street Journal cho hay.

Nhiều người dự đoán rằng đây chỉ là một động thái nữa trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Đông hiện là sân khấu khu vực diễn ra cuộc đọ sức này, The Western Journal nhận định.

Việc tạm dừng xây dựng ở UAE dường như đã đặt mối quan hệ Mỹ-Tiểu vương quốc Ả rập trở lại tốt đẹp, nhưng người dân nơi đây đang lo lắng vì thực tế là họ đang bị cuốn vào giữa mối căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tại một hội nghị diễn ra ngày 2/10, ông Anwar Gargash, cố vấn của Tổng thống UAE, cho biết: “Tất cả chúng tôi đều rất lo lắng về một cuộc Chiến tranh Lạnh đang bùng phát. Đó là tin xấu cho tất cả chúng tôi vì ý tưởng lựa chọn của chúng tôi có vấn đề trong hệ thống quốc tế”, theo Wall Street Journal.

Tờ Middle East Eye cho hay, trong khi Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Trung Đông, với xuất khẩu vũ khí tăng 28% từ năm 2016 đến năm 2020, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đã tăng lên trong khu vực chủ yếu nhờ các khoản đầu tư và dự án xây dựng thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Trung Quốc cũng tự coi mình là đối tác của gần như mọi quốc gia trong khu vực, theo đuổi các dự án cơ sở hạ tầng ở Ai Cập và Ả Rập Xê-út và phát triển mối quan hệ bền chặt với Iran.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ phản ứng trước động thái hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Trung Đông