Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo giữa xung đột Nga-Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Triều Tiên được cho là đã phóng một tên lửa đạn đạo vào sáng Chủ nhật (27/2), theo các quan chức quân sự Hàn Quốc và Nhật Bản. Washington lên án vụ việc này, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng không thực hiện các hành động làm gia tăng bất ổn.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói với báo chí rằng, "vật thể không xác định" được báo cáo trước đó là một tên lửa đạn đạo đã rơi xuống ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, sau khi bay khoảng 300km và đạt độ cao 600km. Hiện chưa có báo cáo nào về thiệt hại do vụ phóng này.

Trước đó, cùng ngày, Hội đồng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã nhóm họp khẩn cấp ngay sau khi Triều Tiên phóng một vật thể không xác định về phía Đông bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết vật thể này có thể là một tên lửa đạn đạo được phóng từ địa điểm gần thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào hồi 7h52 (theo giờ địa phương).

Động thái này đã bị giới chức Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ trích.

Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết: “Các vụ phóng thường xuyên kể từ đầu năm đến nay và Triều Tiên đang tiếp tục phát triển nhanh chóng công nghệ tên lửa đạn đạo".

Ông Kishi cũng đề cập đến việc Nga xâm lược Ukraine. Tuần trước, một quan chức Triều Tiên đã đưa ra một tuyên bố có vẻ như ủng hộ Nga.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ cũng lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng.

Theo phân tích của các phương tiện truyền thông, kể từ đầu năm 2022, Triều Tiên đã phóng ít nhất 8 tên lửa. Vụ thử trước đó của Triều Tiên là vào ngày 30/1 là một tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12.

Vụ thử hôm 27/2 góp phần xác nhận mức độ hoạt động chính xác của hệ thống chụp ảnh độ nét cao, hệ thống truyền dữ liệu và các thiết bị điều khiển định hướng. Những camera này sẽ được vệ tinh do thám mang theo, đài KCNA cho biết.

Phát triển vệ tinh do thám quân sự nằm trong số những thành tựu được Chủ tịch Kim Jong-un công bố năm ngoái. Một trong những thành tựu khác là vũ khí bội siêu thanh.

Bình Nhưỡng công bố nỗ lực phát triển công nghệ trên vào thời điểm Hàn Quốc cũng lên kế hoạch trong tháng 3 sẽ thử nghiệm phương tiện phóng không gian sử dụng nhiên liệu rắn. Chính quyền Seoul đang thúc đẩy phát triển vệ tinh do thám nội địa, phục vụ cho việc theo dõi miền Bắc, theo Yonhap.

Vụ phóng đối mặt sự phản đối của Mỹ, Anh, Pháp và ba thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc này dự kiến sẽ đề cập đến vụ phóng mới của Triều Tiên trong phiên họp kín vào ngày 28/2.

Theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Triều Tiên bị cấm phát triển tên lửa đạn đạo.

Một số nhà phân tích lưu ý rằng, Triều Tiên đã tăng cường số vụ phóng tên lửa ngay cả trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine.

"Chiến tranh của [Nga] đã định hình lại gần như toàn bộ cấu trúc địa chính trị, và nên có yếu tố nào đó trong [điển tích] của ông Kim để 'tận dụng sự phân tâm' này, vì (Triều Tiên) đã tích cực thử nghiệm vũ khí hạt nhân ngay cả trước khi cuộc chiến này nổ ra", ông John Delury, một giáo sư tại Đại học Yonsei của Hàn Quốc, viết trên Twitter.

Trong bối cảnh đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ rơi vào bế tắc, Bình Nhưỡng cho biết có thể sẽ nối lại thử nghiệm tên lửa tầm xa hơn, thậm chí là cả vũ khí hạt nhân.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên không đưa ra tuyên bố nào sau vụ thử tên lửa rõ ràng.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo giữa xung đột Nga-Ukraine