Thời xưa xử án không có máy phát hiện nói dối, làm sao để phát hiện lời khai giả?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời xưa không có máy phát hiện nói dối. Làm thế nào để các quan chức vạch trần những lời khai giả và đưa ra phán quyết công bằng? 

Ở Châu Âu, có một tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch nổi tiếng ở Rome, Ý có từ thời Trung cổ tên là "Miệng của Sự thật" (Mouth of Truth hay Bocca della verità). Tác phẩm điêu khắc này có hình dạng độc đáo, người ta tin rằng nếu kẻ nói dối đưa tay vào miệng của bức điêu khắc, bàn tay của y sẽ bị cắn đứt, nên nó còn được gọi là máy phát hiện nói dối thời cổ đại. Tác phẩm này đã xuất hiện trong nhiều bộ phim, đặc biệt là bộ phim “Roman Holiday” (Kỳ nghỉ Hè ở Rome).

“Miệng của Sự thật” là một tác phẩm điêu khắc bằng đá nằm trên mái hiên của Nhà thờ Santa Maria Maggiore ở Rome, Ý. (Shutterstock)

Còn ở Châu Á, quốc gia có những ghi chép lịch sử đầy đủ nhất là Trung Quốc. Dưới đây là một số câu chuyện về cách xử án phát hiện nói dối của các vị quan trong thời Bắc Tống, nhà Đường và nhà Thanh.

Sờ chuông đoán trộm

Sách “Tống Sử” quyển 321 có ghi lại câu chuyện như sau:

Trần Tương (1017-1080) làm tri huyện ở huyện Phố Thành, tỉnh Phúc Kiến vào thời Bắc Tống. Một năm nọ, nơi ông quản lý đã xảy ra một vụ trộm. Mặc dù sai nha đã bắt được một số nghi phạm, nhưng không ai chịu nhận tội, họ đều nói rằng bản thân vô tội. Rốt cuộc thì ai đang nói dối, ai mới là kẻ trộm thực sự, quan phủ nhất thời không thể xác định.

Trần Tương suy nghĩ và vạch ra một kế hoạch. Ông nói với dân chúng rằng chiếc chuông trong chùa vô cùng linh nghiệm, có khả năng nhận diện kẻ trộm. Hễ kẻ trộm chạm vào, chuông sẽ lập tức vang lên, như một hồi chuông báo động cho mọi người.

Trần tri huyện sai người đặt chiếc chuông lớn ở phía sau sở quan rồi gọi nhóm nghi phạm đến và nói: "Nếu không phải là kẻ trộm, dù có chạm vào nó cũng không phát ra âm thanh; nếu là kẻ trộm, hễ chạm vào nó sẽ phát ra âm thanh”.

Sau khi Trần tri huyện nói những lời này, ông còn đích thân dẫn đầu các quan viên và nha dịch lớn nhỏ trong huyện nghiêm trang kính bái chiếc chuông lớn. Sau khi tế lễ, ông ra lệnh lắp màn che vây quanh chuông. Ông yêu cầu các nghi phạm cùng thò tay vào rèm để sờ chuông.

Khi các nghi phạm chạm vào xong, Trần tri huyện lệnh cho họ đưa tay ra. Tất cả mọi người đều có vết mực trên tay, chỉ có một người là không có. Hóa ra, Trần tri huyện đã yêu cầu nha môn bôi mực lên chuông từ trước. Kẻ trộm không dám đụng vào vì sợ chuông kêu, cho nên tay hắn không dính mực.

Trần Tương đã dùng chuông làm đạo cụ và dùng trí để tìm ra tên trộm thực sự.

Đối chiếu đơn kiện, lật tẩy lời nói dối

Sách “Đại Đường tân ngữ” quyển 6 có viết:

Vào cuối triều đại nhà Tùy, do Dương Đế vô đạo, dẫn đến tình trạng dân chúng phẫn nộ, quần hùng khởi nghĩa. Đường Cao Tổ Lý Uyên đã nổi dậy ở Thái Nguyên để chống lại nhà Tùy. Khi đó, Lý Tĩnh và Vệ Văn Thăng là quan chức của nhà Tùy, phụ trách trấn thủ Trường An. Sau khi Lý Uyên bình định Quan Trung, đã giết Vệ Văn Thăng trước, sau đó sẽ giết Lý Tĩnh.

Lý Tĩnh nghiêm nghị nói: "Công định Quan Trung, vi phục tư thù; nhược vi thiên hạ, vị đắc sát Tĩnh". Nghĩa là: Lý Uyên ông bỏ công bỏ sức, ra quân ồ ạt để bình định Quan Trung, chỉ vì báo thù cá nhân sao? Nếu ông muốn có được thiên hạ thì không thể giết Lý Tĩnh ta.

Lý Uyên vừa nghe thì thấy rất có lý, lại có Lý Thế Dân ở bên xin tha cho Lý Tĩnh. Vì vậy mà Lý Uyên đã miễn xá và còn cho Lý Tĩnh làm Thứ sử Kỳ Châu.

Sau đó, có người bí mật tâu rằng Lý Tĩnh mưu phản. Lý Uyên đã phái một vị ngự sử đi điều tra sự việc.

Ngự sử phụng chỉ đến Kỳ Châu gặp người tố cáo và đưa ông ta đi theo. Họ cùng dừng chân ở một số trạm dịch. Thời xưa, đây là nơi đổi ngựa, nghỉ ngơi hoặc ngủ lại dành cho những người đưa thư và giấy tờ nói chung cho quan phủ.

Có lẽ từ nhiều dấu vết, ngự sử biết rằng có người đã cố ý vu cáo Lý Tĩnh. Trong lòng ông cũng nghi ngờ người mật tấu, nhưng nhất thời không biết làm cách nào để vạch trần lời nói dối của đối phương.

Ngự sử nghĩ ra cách, ông giả vờ rằng đã làm mất đơn tố cáo, tỏ vẻ kinh hoàng sợ hãi rồi cố tình trách mắng, phạt roi thuộc hạ. Ngự sử còn cầu xin người tố cáo viết lại một đơn kiện khác.

Người tố cáo đó đã thực sự viết một đơn khác cho ngự sử. Sau khi đối chiếu hai bản, ngự sử phát hiện có rất nhiều sơ hở, nhờ đó ông đã điều tra ra người mật tấu kia đang nói dối, cố ý hãm hại Lý Tĩnh. Sau khi trở về Trường An, quan ngự sử đã bẩm báo sự thật, Lý Uyên cũng vô cùng kinh ngạc.

Nhờ đối chiếu đơn kiện, quan ngự sử nhà Đường đã vạch trần được lời nói dối của kẻ mật tấu và trả lại sự trong sạch cho Lý Tĩnh.

Tán gẫu chuyện nhà, định tội kết án

Bị ảnh hưởng bởi các bộ phim truyền hình cổ trang, có không ít người nghĩ rằng thẩm vấn nghi phạm trong thời Trung Quốc cổ đại luôn dùng gậy gộc và cực hình tra tấn. Nhưng thực tế có phải đều như vậy?

Ảnh một buổi xử án thời nhà Thanh. (Miền công cộng)

Cuốn “Thanh bại loại sao” quyển 26 có kể câu chuyện về vị quan Trương Thuyền San sống vào những năm Càn Long (1736–1796) và Gia Khánh (1796–1820) của triều đại nhà Thanh. Nhờ đối chiếu ghi chép về những chuyện phiếm hàng ngày mà ông đã phá được vụ án khó.

Khi đang làm quan ở hàn lâm viện, Trương Thuyền San được cử đến phủ Lai Châu, tỉnh Sơn Đông nhậm chức tri phủ. Vì tính cậy tài khinh người, ông đã rất vô lễ với Bạch đại nhân – Tuần phủ Sơn Đông. Bạch đại nhân trong lòng oán hận, cho rằng Trương Thuyền San chỉ là kẻ thư sinh, sao có thể giữ trọng trách lớn.

Trưởng quan địa phương nói: “Trương thủ tuy thư sinh, thượng bất ngộ dân sự”. Tức là, tên tiểu tử này tuy kiêu ngạo nhưng lại có thực tài, thực học, sẽ không làm chậm trễ việc của bách tính. Bạch đại nhân không tin, ông đã giao một vụ án khó cho Trương Thuyền Sơn, nếu phá được án thì cho Trương đi nhậm chức, nếu không thì đừng đi.

Đây là một vụ trộm cắp. Phủ Lai Châu đã bắt được một tên cướp từ Giang Dương, nhưng tên này rất xảo quyệt. Hắn ta nói dối nhiều lần và nhiều lần sửa lời khai. Kết quả là phán quan không thể tìm ra sự thật và không thể định tội.

Trương Thuyền San đến sở quan thẩm vấn tên trộm, mọi người hỏi ông cần dụng cụ tra tấn gì? Ông nói, khi nào cần thì sẽ nói sau, giờ ông chỉ cần một đĩa thịt bò khô Kim Hoa lớn và một vò rượu Thiệu Hưng lớn.

Sau khi chuẩn bị xong rượu và thịt, Trương Thuyền San gọi hai thư đồng tới làm ấm rượu và rót rượu, và kêu một thư lại (người ghi chép) ghi lại cuộc nói chuyện. Khi triệu tập nghi phạm tới, tay trái ông cầm chén, tay phải lật hồ sơ vụ án, vừa uống rượu ăn thịt, vừa tán gẫu chuyện nhà với nghi phạm.

Trương Thuyền San hỏi những câu rất đơn giản, chẳng hạn như tên gì, bao nhiêu tuổi, hoàn cảnh gia đình thế nào… Cùng lúc đó, trưởng quan địa phương và liêm phóng sứ (chức quan ngày xưa để tra xét các quan lại) ngồi sau bức bình phong để nghe ông thẩm tra nghi phạm. Trương trò chuyện như vậy trong ba ngày, thư lại cũng ghi lại cuộc trò chuyện trong ba ngày.

Vào giờ Thân (từ 3 - 5 giờ chiều) ngày thứ ba, Trương Thuyền San nghiêm mặt, ngồi thẳng lưng, đổi ngữ khí nói chuyện lúc sáng, nghiêm nghị nói: "Tôi đã nói chuyện với anh ba ngày rồi, đều nói về việc nhà. Những điều anh nói trong ba ngày nay, trước sau đều không khớp. Những việc vặt vãnh còn như vậy, huống chi là vụ án nghiêm trọng?”.

Ông nhắc nhở phạm nhân, nếu có thể nói ra sự thật, còn được coi là một hảo hán, nếu tiếp tục nói láo nói bừa, xảo trá cãi cố, dù có xử tử cũng không quá. Tên trộm nhanh chóng quỳ lạy xin tha, đồng ý nói ra sự thật và thề rằng không dám sửa lại lời khai nữa. Bằng cách này, một vụ án hóc búa đã được phá giải thành công.

Nam Phương
Theo The Epoch Times

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thời xưa xử án không có máy phát hiện nói dối, làm sao để phát hiện lời khai giả?