Thú bông trong máy gắp thú tiềm ẩn hoá chất độc hại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người mang thú bông về nhà và đặt ở nhiều nơi khác nhau, thậm chí ôm nó khi ngủ. Tuy nhiên, bạn có biết rằng những thú bông này không đảm bảo an toàn và có thể chứa chất gây ung thư cấp độ 1 hay không?

Cơn sốt "gắp thú bông" trong những năm gần đây đã lan rộng khắp mọi nơi, biến nó thành một hoạt động giải trí vô cùng phổ biến tại các trung tâm thương mại, siêu thị và các khu vui chơi.

Với sự sáng tạo của nhà sản xuất, trò chơi đã thu hút mọi lứa tuổi, từ trẻ em, thanh thiếu niên cho đến người lớn tuổi. Niềm vui sướng khi tự tay gắp được thú bông yêu thích là điều không gì sánh được.

Sau khi chơi xong, nhiều người mang thú bông về nhà và đặt ở nhiều nơi như ghế sofa, đầu giường, thậm chí ôm nó khi ngủ. Tuy nhiên, bạn có biết rằng những thú bông này không đảm bảo an toàn và có thể chứa chất gây ung thư cấp độ 1 hay không?

Thú bông trong máy gắp thú chứa chất gây ung thư cấp 1?

Theo kết quả điều tra của cơ quan quản lý Trung Quốc, hầu hết các thú bông trong máy gắp thú đều không có chứng nhận 3C.

Chứng nhận 3C (CCC - China Compulsory Certification) là chứng nhận sản phẩm bắt buộc tại Trung Quốc, được đưa ra nhằm bảo vệ người tiêu dùng, an ninh và an toàn của quốc gia.

Ngoài ra, chứng nhận này còn giúp quản lý chất lượng của sản phẩm theo quy định pháp luật của Trung Quốc.

Nói một cách đơn giản, chứng nhận 3C liên quan đến độ an toàn, khả năng tương thích điện từ (EMC), mã số model, tên máy, nơi sản xuất, ngày có hiệu lực.

Để chứng nhận 3C, hai yếu tố được đánh giá quan trọng nhất là: thử nghiệm sản phẩm và kiểm toán nhà máy.

Trong đó thử nghiệm sản phẩm được tiến hành trong phòng thí nghiệm tại Trung Quốc, còn kiểm toán nhà máy là kiểm tra nơi sản xuất bởi kiểm toán Trung Quốc.

Quy định ở Trung Quốc cho thấy, tất cả đồ chơi trẻ em đều phải có mã chứng nhận 3C và có thể tra cứu được các quy định chi tiết về chứng nhận sản phẩm bắt buộc.

Tại một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải, các phóng viên đã tìm hiểu và phát hiện một số lượng lớn thú nhồi bông không đạt tiêu chuẩn nói trên.

Trong tổng số 55 máy gắp thú, có 21 máy chứa thú bông thiếu nhãn mác, một số bị làm nhái thương hiệu nổi tiếng, 9 máy có thú bông đạt nhãn chứng nhận hợp quy và 25 máy còn lại chứa thú bông có nhãn mác hoặc thông tin sản xuất đầy đủ.

Liên hệ với nhà máy sản xuất, phóng viên biết được rằng giá bán theo lô lớn rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm có đầy đủ nhãn mác. Theo đó, giá bán của thú nhồi bông kém chất lượng chỉ từ 2 NDT (khoảng hơn 6.000 đồng).

Hầu hết thú nhồi bông do Cục Giám sát thị trường quận Bảo Sơn (Thượng Hải) thu hồi đều không nhãn mác, thông tin sản xuất rất sơ sài và sản phẩm có mùi hôi lạ. Tổng cộng, đã có hơn 4.000 sản phẩm bị tịch thu từ các máy gắp.

Trước đó, một cậu bé ở Thiên Tân đột nhiên bị ho và khó thở, cơ thể nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy. Kiểm tra cho thấy, nguyên nhân là do trong nhà có quá nhiều chất formaldehyde, mà "thủ phạm" chính là từ thú nhồi bông.

Chất formaldehyde có trong đồ chơi chủ yếu từ vải và chất độn. Trong quá trình sản xuất, thuốc nhuộm, chất kết dính… được sử dụng có thể chứa formaldehyde.

Ngoài ra, có trường hợp nguyên liệu thô đạt chuẩn nhưng lượng formaldehyde vẫn tích lũy trong sản phẩm sau khi lắp ráp.

Formaldehyde không chỉ gây kích ứng mạnh cho mắt và mũi mà còn có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Nhiều người nghĩ rằng chỉ những thứ có mùi hắc mới chứa formaldehyde. Tuy nhiên, không khó để che lấp mùi của loại hoá chất này. Do vậy, thú bông không mùi cũng tiềm ẩn nguy cơ nhất định.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM, formaldehyde có mùi cay hăng rất đặc trưng, loại hoá chất này được sử dụng khá phổ biến trong công nghiệp như keo dán gỗ, sơn melamine sấy nóng, bột ép và tấm ép cách điện chống cháy.

Trong ngành công nghiệp dệt, nó thường được dùng để xử lý vải, giúp làm mềm, chống nhăn và chống co rút các sợi vải nhân tạo. Hơn nữa, formaldehyde cũng có khả năng kháng nấm, kháng khuẩn. Trong y học, formaldehyde được dùng để ướp xác.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa formaldehyde vào danh sách các loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe, có khả năng gây hại cho da và hệ hô hấp dù chỉ với một hàm lượng rất thấp, cũng như các bệnh về bạch cầu, ung thư phổi.

Năm 2004, Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về ung thư đã chuyển formaldehyde từ nhóm 2A (nhóm chất có khả năng gây ung thư) sang nhóm 1 (nhóm chất gây ung thư).

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Vĩnh Diệu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polyme (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), cho biết, các loại đồ chơi nhập lậu từ những cơ sở sản xuất gia công thường không đảm bảo về mặt an toàn, vì rất khó để xác định nguồn gốc các tạp chất trong sơn hoặc màu phủ lên sơn, có thể chất lượng không tốt, chưa được kiểm tra đầy đủ về độc tính, công thức pha màu không đúng dễ sản sinh ra các hoá chất phụ, có thể gây nhiễm độc.

Đồ chơi (kể cả thú nhồi bông) mua về nên ngâm xà phòng qua một đêm, sau đó rửa sạch bằng nước lã, lau khô mới cho trẻ chơi. Sau khi chơi xong, trẻ nên được rửa tay sạch sẽ. Phụ huynh khi trông coi trẻ cũng tránh để con em ngậm đồ chơi vì chúng không tốt cho sức khoẻ. Ngoài ra, các loại quần áo, rèm cửa và chăn ga… cũng nên giặt sạch khi mới mua về, theo giáo sư Diệu.

Theo Song Yun - Aboluowang
Chấn Hưng



BÀI CHỌN LỌC

Thú bông trong máy gắp thú tiềm ẩn hoá chất độc hại?