Tóc bết dầu: 9 cách chăm sóc cho da đầu nhờn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sở dĩ mái tóc của bạn thường bị nhờn rít là do bên dưới lớp da đầu có các lỗ chân lông nhỏ, được gọi là tuyến bã nhờn. Trong trạng thái hoạt động bình thường và ổn định, bã nhờn là loại dầu tự nhiên quan trọng, đóng vai trò bảo vệ sức khỏe của da đầu và mái tóc.

Nguyên nhân sinh ra nhiều dầu trên da đầu

Tình trạng tiết bã nhờn quá mức xảy ra khi có một số tác động từ bên ngoài hoặc bên trong, chúng bao gồm:

  • Di truyền: Nếu các thành viên trong gia đình bị nhờn da đầu, thì bạn cũng có nguy cơ cao gặp tình trạng này.
  • Chà xát da đầu quá mạnh hoặc gội đầu quá nhiều có thể làm mất hàng rào bảo vệ tóc. Để đảm bảo độ ẩm cho da đầu, các tuyến bã nhờn phải hoạt động mạnh hơn, dẫn đến dầu nhờn trên da đầu và mái tóc.
  • Ít gội đầu hoặc ngủ trên giường bẩn có thể khiến da đầu dính nhiều bụi bẩn. Mặt khác, các dụng cụ làm tóc cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng dầu nhờn trên mái tóc nếu không được vệ sinh cẩn thận.
  • Ăn quá nhiều đồ cay, dầu mỡ và thực phẩm giàu tinh bột có thể làm tăng tiết bã nhờn trên da đầu.
  • Ngoài ra, tâm lý căng thẳng cũng góp phần đẩy nhanh mức hoạt động của các tuyến bã nhờn, khiến da đầu và mái tóc trở nên bết rít đáng kể.
  • Sự thay đổi nội tiết tố cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều bã nhờn trên da đầu. Tình trạng này cũng xuất hiện ở phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ mang thai hoặc trong thời kỳ kinh nguyệt.
  • Tuổi tác: Khi một người càng lớn tuổi, cơ thể sẽ tạo ra ít dầu hơn. Lúc này, các tuyến bã nhờn sẽ hoạt động mạnh hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt độ ẩm và nước trên da đầu cũng như mái tóc.
  • Cấu tạo tóc thẳng cho phép bã nhờn di chuyển dễ dàng đến ngọn hơn so với tóc xoăn. Nếu bạn là người có tóc thẳng và mỏng, sẽ thường gặp tình trạng nhờn tóc.
  • Các sản phẩm chăm sóc tóc kém chất lượng hoặc không phù hợp với tình trạng da đầu có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ, kích thích tuyến bã nhờn hoạt động quá mức.
  • Quá nhiều bã nhờn có thể làm viêm da, lúc này, các mảng da đỏ đóng vảy sẽ xuất hiện, gây bong tróc và ngứa. Viêm da tiết bã có thể là triệu chứng của tình trạng tự miễn dịch, hoặc là kết quả của phản ứng dị ứng.

Cách chăm sóc tóc cho da đầu nhờn

1. Gội đầu thường xuyên

Gội đầu quá ít hay quá nhiều đều có thể khiến mái tóc bị bết dầu.

Do đó, nếu là người có mái tóc nhờn, bạn nên gội hàng ngày. Lưu ý, bạn không nên gội nhiều hơn một lần vì có thể kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn.

Lựa chọn loại dầu gội phù hợp cũng rất quan trọng. Để có hiệu quả tối ưu, bạn nên chọn các sản phẩm làm sạch da đầu và mái tóc mà không cần bổ sung độ ẩm.

Nếu bạn bị viêm da tiết bã hoặc nhiều gàu, hãy tìm sản phẩm có chứa kẽm pyrithione.

2. Gội đầu nhẹ nhàng

Dùng lực quá mạnh khi gội đầu có thể kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, từ đó sinh ra nhiều dầu nhờn.

3. Dùng thêm dầu xả

Dầu xả có tác dụng bổ sung độ ẩm cho tóc, nhưng khi sử dụng, bạn nên cho dầu xả vào ngọn để giúp tóc suôn mượt hơn. Không nên cho dầu xả trực tiếp lên da đầu, chúng có thể làm tắc lỗ chân lông, khiến tóc nhờn hơn và thậm chí bị gàu.

Điều này cũng tương tự với các sản phẩm dưỡng tóc hoặc tinh dầu.

4. Tránh chạm vào tóc thường xuyên

Chải tóc quá thường xuyên sẽ kích thích các tuyến bã nhờn hoạt động.

Như đã nói, bã nhờn dễ dàng di chuyển từ chân tóc thẳng đến ngọn, do đó thói quen vuốt tóc có thể đẩy nhanh quá trình này, khiến tóc nhanh bết hơn.

Mặt khác, việc chạm tay vào mặt rồi đưa lên tóc có thể làm lây lan bã nhờn và vi khuẩn.

Ngoài ra, bạn cũng tránh buộc tóc hoặc búi tóc quá chặt, có thể làm căng da đầu và kích thích tuyến bã nhờn.

5. Dầu gội làm sạch sâu

Các sản phẩm chăm sóc tóc có thể lưu lại một lớp màng trên da đầu. Theo thời gian, chúng khiến tóc và da đầu trở nên bóng nhờn.

Do đó, trung bình khoảng 1-2 lần mỗi tháng, bạn nên dùng dầu gội làm sạch sâu để loại bỏ cặn bám trên da đầu.

6. Tránh dùng các sản phẩm bổ sung độ ẩm

Nếu da đầu của bạn đã sinh ra rất nhiều dầu, thì nên hạn chế sử dụng sản phẩm bổ sung độ ẩm.

7. Giải tỏa căng thẳng và không thức khuya

Tâm lý căng thẳng kéo dài và thức khuya có thể gây rối loạn nội tiết, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của các tuyến bã nhờn trên da đầu, trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây rụng tóc.

Do đó, bạn nên học cách giải tỏa căng thẳng, phân chia thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, cho phép cơ thể và đầu óc được thư giãn.

8. Chế độ dinh dưỡng cân bằng

Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B như thịt, cá, ngô, đậu trắng, trái cây có múi, rau xanh và các sản phẩm từ sữa…

Hạn chế các sản phẩm nhiều chất béo, đồ chiên rán.

9. Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để làm sạch da đầu

Khi bị tóc bết, bạn có thể sử dụng một số phương pháp sau đây để làm sạch:

  • Tinh dầu tràm trà: Pha loãng với các loại tinh dầu khác như dầu dừa hoặc dầu ô liu. Thoa một vài giọt lên vùng da đầu bị ảnh hưởng, mát xa tóc khoảng 5-7 phút rồi gội sạch.
  • Giấm táo: Thoa một vài giọt lên da đầu và ủ trong vài phút trước khi rửa sạch. Phương pháp này không phù hợp với người mắc bệnh chàm.
  • Cây phỉ: Dùng miếng bông chấm vào hỗn hợp và thoa lên da đầu. Ủ trong vòng 20 phút, sau đó làm sạch bằng nước ấm.
  • Trà xanh: Bạn có thể thoa nước trà xanh tại chỗ hoặc dùng để xả tóc sau khi gội đầu.
  • Baking soda: Trộn với nước, thoa đều lên tóc và da đầu. Ủ khoảng 20 phút và rửa sạch.
  • Nước chanh: Trộn 2 thìa nước cốt chanh vào một cốc nước, gội sạch kết hợp với mát xa nhẹ trong vòng vài phút trước khi xả lại tóc.
  • Lòng đỏ trứng: Chuẩn bị mặt nạ dưỡng tóc với 1 lòng đỏ trứng gà + 1 muỗng cà phê dầu dừa + 1 vài giọt nước cốt chanh. Thoa đều hỗn hợp này lên da đầu và giữ trong khoảng 20-25 phút. Sau đó, rửa lại tóc thật sạch bằng nước lạnh.

Nhật Duy tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Tóc bết dầu: 9 cách chăm sóc cho da đầu nhờn