Trái đất đã quay quanh Mặt trời bao nhiêu vòng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi đứng trên bề mặt Trái đất, chúng ta sẽ dễ dàng quên rằng hành tinh của chúng ta đang quay quanh Mặt trời với tốc độ hơn 107.800 km/h. Và càng dễ quên rằng có bảy hành tinh khác cũng đang di chuyển nhanh như vậy quanh ngôi sao chủ của chúng ta, hoặc rằng cả tám hành tinh đã liên tục quay quanh Mặt trời trong hàng tỷ năm. Nhưng điều có thể khiến bạn kinh ngạc là việc tìm hiểu xem mỗi hành tinh đã đi vòng quanh Mặt trời được bao nhiêu vòng. 

Theo Livescience, có vẻ như đó và một tính toán khó khăn, nhưng vì quỹ đạo của các hành tinh hầu như không thay đổi trong suốt thời gian tồn tại nên hầu như chúng ta chỉ cần sử dụng một chút toán học cơ bản.

Hệ Mặt trời ra đời khoảng 4,6 tỷ năm trước từ đám mây bụi để lại bởi các vụ nổ sao trước đó. Khoảng 4,59 tỷ năm trước, các hành tinh khổng lồ - sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương - đã ra đời. Và khoảng 4,5 tỷ năm trước, các hành tinh đất đá nhỏ hơn - sao Thủy, sao Kim, Trái Đất và sao Hỏa - ​​đã hình thành, theo The Planetary Society.

Nhưng khi các hành tinh ra đời, quỹ đạo của chúng quanh Mặt trời không giống như ngày nay (đặc biệt là các hành tinh khổng lồ). Trong khoảng 100 triệu năm sau khi các hành tinh đầu tiên hình thành, một sự giằng co hấp dẫn giữa các vật thể lớn này đã xảy ra và khiến cho phần còn lại của vật chất hành tinh nằm bên ngoài hệ Mặt trời, và thậm chí một số hành tinh mới hình thành bị đẩy ra khỏi hệ Mặt trời, theo email gửi tới Live Science của Sean Raymond, nhà thiên văn học tại Phòng thí nghiệm Vật lý thiên văn Bordeaux ở Pháp và là chuyên gia về các hệ hành tinh.

Tuy nhiên, một khi tất cả các hành tinh đã xuất hiện và chấm dứt việc tranh chấp để giành vị trí, chúng đi vào những quỹ đạo nhất quán, ổn định và không thay đổi nhiều kể từ đó.

Raymond nói: “Trong 98% đến 99% thời gian tồn tại của hệ Mặt trời, quỹ đạo của các hành tinh đã ổn định và đẹp đẽ”. Kết quả là, bạn có thể sử dụng động lực học quỹ đạo hiện tại của các hành tinh để đưa ra dự đoán khá chính xác về số lần chúng đã quay quanh Mặt trời, ông nói thêm.

Lấy Trái đất làm ví dụ. Hành tinh của chúng ta mất một năm để quay quanh Mặt trời và đã tồn tại trong 4,5 tỷ năm, do đó, nó đã thực hiện được khoảng 4,5 tỷ chuyến đi quanh hệ Mặt trời.

Tuy nhiên, số lần quay quanh Mặt trời của các hành tinh còn lại sẽ khác vì một năm của chúng ngắn hơn hoặc dài hơn Trái đất.

Sao Thủy, hành tinh gần Mặt trời nhất, chỉ mất 88 ngày để quay một vòng quanh Mặt trời. Vì vậy, trong 4,5 tỷ năm qua, nó đã hoàn thành khoảng 18,7 tỷ chuyến đi quanh Mặt trời. Nhưng Sao Hải Vương, hành tinh xa Mặt trời nhất, mất khoảng 60.190 ngày (hoặc 164,7 năm) để hoàn thành một quỹ đạo, điều đó có nghĩa là nó chỉ thực hiện được khoảng 27,9 triệu chuyến đi quanh Mặt trời trong suốt 4,59 tỷ năm qua. Điều này có nghĩa là sao Thủy đã quay quanh Mặt trời nhiều hơn sao Hải Vương khoảng 18,7 tỷ lần.

Dưới đây là danh sách đầy đủ các hành tinh, độ dài năm và tổng số chuyến đi quanh Mặt trời của chúng:

Hành tinh Tuổi (tính bằng tỷ năm) Chu kỳ quỹ đạo (ngày) Tổng số quỹ đạo
Sao Thủy 4,5 88 18,7 tỷ
Sao Kim 4,5 225 7,3 tỷ
Trái đất 4,5 365,25 4,5 tỷ
Sao Hoả 4,5 687 2,4 tỷ
Sao Mộc 4,59 4.333 386,9 triệu
Sao Thổ 4,59 10,759 155,8 triệu
Sao Thiên Vương 4,59 30.687 54,6 triệu
Sao Hải vương 4,59 60.190 27,9 triệu

Những con số này nghe có vẻ ấn tượng nhưng hầu hết các hành tinh đều có khả năng tăng gấp đôi số lần quay quanh Mặt trời do ngôi sao chủ của chúng ta có thể tồn tại thêm khoảng 4,5 tỷ năm nữa. Sau đó, trong quá trình chuyển thành một ngôi sao lùn đỏ, Mặt trời sẽ phồng lên để chạm tới quỹ đạo Trái đất và sẽ phá hủy sao Thủy, sao Kim và Trái Đất. Các hành tinh khác có thể tiếp tục tồn tại một thời gian nếu chúng không bị đốt cháy nhưng quỹ đạo của chúng có thể sẽ bị thay đổi đáng kể.

Theo Livescience



BÀI CHỌN LỌC

Trái đất đã quay quanh Mặt trời bao nhiêu vòng?