Trí tuệ truyền thống: Góc nhìn của Trung y về bệnh tật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hệ thống y học cổ đại này có một số quan điểm rất sâu sắc và bất ngờ về nguyên nhân gây ra bệnh tật của con người.

Theo quan điểm của người phương Đông, chúng ta khỏe mạnh khi cơ thể cân bằng và hài hòa. Sự cân bằng này là giữa âm (năng lượng lạnh/nước) và dương (năng lượng nóng/lửa), giữa các cơ quan nội tạng của chúng ta và mối quan hệ của chúng ta với môi trường bên ngoài.

Sự hài hòa này ở trạng thái thay đổi liên tục do các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cách chúng ta quản lý cảm xúc, cách chúng ta đối xử với cơ thể, thời tiết thay đổi, căng thẳng, các yếu tố môi trường và sự không thể đoán trước của chính cuộc sống.

Trong mô hình phương Đông, những thứ khiến cơ thể mất thăng bằng là nguyên nhân gây ra bệnh tật.

Con người luôn phải vật lộn với các mối đe dọa từ bên ngoài và bên trong đối với sức khỏe của họ. Các yếu tố bên ngoài như thời tiết thường không gây bệnh, nhưng khi cơ thể suy nhược hoặc thời tiết thay đổi quá nhanh khiến chúng ta không kịp điều chỉnh cũng có thể khiến chúng ta mắc bệnh. Ví dụ, chúng ta từ ngoài trời mưa rồi đi vào một cửa hàng có điều hòa nhiệt độ có thể khiến cơ thể bị lạnh “xâm nhập”, khiến chúng ta không khỏe. Ngày hôm sau, chúng ta có thể thức dậy với cảm giác đau nhức và nghẹt mũi và biết rằng chúng ta đang gặp phải vấn đề gì đó.

Các bệnh khác do các yếu tố bên trong mang lại, chẳng hạn như rối loạn cảm xúc và hoạt động tình dục quá mức. Nhưng trước hết, hãy nói về cách Đông y mô tả về cơ thể, sức khỏe và bệnh tật.

Y học Trung Quốc là một triết lý được đúc kết từ cái nhìn sâu sắc về bản chất của cuộc sống và tạo vật. Nó sử dụng ngôn ngữ của tự nhiên để mô tả các nguyên nhân gây bệnh và chẩn đoán: nhiệt độ quá nóng của mùa hè, gió bên ngoài, hoặc ẩm ướt bên trong. Những thuật ngữ này nghe có vẻ xa lạ với đôi tai của chúng ta, nhưng chúng mô tả nguyên nhân của những căn bệnh phổ biến theo quan điểm phương Đông. Nó chỉ đơn giản là ngôn ngữ được sử dụng để mô tả những gì đã được quan sát trong hàng nghìn năm.

Yếu tố cảm xúc

Có vẻ lạ khi coi cảm xúc của chúng ta là nguyên nhân tiềm ẩn của bệnh tật. Ở phương Tây, cảm xúc không được xem xét khi đánh giá căn nguyên của bệnh tật, nhưng điều đó dường như đang thay đổi khi sự cô đơn, căng thẳng và trầm cảm đang ngày càng lan rộng và được coi là những yếu tố chính gây ra bệnh tật.

Còn theo quan điểm phương Đông, cảm xúc và cơ thể có mối liên hệ sâu sắc, ảnh hưởng lẫn nhau. Trong mô hình phương Đông, mỗi cơ quan của cơ thể có một cảm xúc tương ứng. Mỗi cảm xúc ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, nhưng cũng ảnh hưởng đến cơ quan tương ứng của nó nói riêng.

Các cơ quan và cảm xúc tương ứng

Niềm vui liên quan đến trái tim, trong khi tức giận và thất vọng liên quan đến gan, buồn bã và đau buồn liên quan đến phổi, lo lắng và suy nghĩ quá mức liên quan đến lá lách, và sợ hãi liên quan đến thận.

Ví dụ như ai đó đột nhiên mất đi một người thân yêu. Sự đau buồn của họ có thể biểu hiện ở phổi như khó thở, hen suyễn và ho. Nó cũng hoạt động theo chiều ngược lại. Những người bị ho mãn tính có thể cảm thấy mình u uất hơn bình thường. Cơn ho đã làm suy yếu phổi, khiến chúng dễ bị đau buồn. Đó là một chu kỳ tương tác liên tục.

Một ví dụ khác là một người nào đó dễ bị lo lắng, họ lại càng căng thẳng hơn khi sắp tham gia nói trước công chúng. Những cảm giác này có thể biểu hiện thông qua các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy. Và một lần nữa, điều ngược lại là đúng. Khi chúng ta gặp các vấn đề về tiêu hóa kéo dài, nó có thể khiến chúng ta dễ lo lắng và suy nghĩ quá mức.

Chế độ ăn uống và thói quen ăn uống

Ăn nhiều loại thực phẩm sạch, giàu chất dinh dưỡng là điều cần thiết để duy trì một cơ thể, trí óc và tinh thần khỏe mạnh. Nó cũng hỗ trợ các chức năng thiết yếu của các cơ quan nội tạng của chúng ta và tất cả các quá trình sinh lý của cơ thể. Những gì chúng ta ăn thực sự là một phần quan trọng của việc điều trị bệnh tật trong triết học phương Đông.

Lượng thức ăn và tần suất chúng ta ăn cũng đóng vai trò quan trọng. Các bữa ăn nhỏ và thường xuyên sẽ tốt hơn cho bạn và dễ tiêu hóa hơn một hoặc hai bữa lớn. Tất nhiên, mọi người đều khác nhau, nhưng chúng ta đang sống trong một nền văn hóa với khẩu phần lớn hơn mức cần thiết và không bao giờ có đủ thời gian để ngồi xuống và ăn một bữa đúng cách, điều này giải thích tại sao các vấn đề về tiêu hóa lại phổ biến như vậy. Chỉ cần nhớ, cơ thể yêu thích sự nhất quán và điều độ là chìa khóa.

Một điểm đặc biệt trong Trung y về vấn đề ăn uống, đó là sự chú tâm. Văn hóa phương Tây coi trọng năng suất và tính đa nhiệm (điều này không tốt cho chúng ta), trong khi quan điểm phương Đông ủng hộ làm từng việc một, điều này có lợi đáng kể cho hệ tiêu hóa. Chuẩn bị và ăn một bữa ăn một cách cẩn thận sẽ gia tăng lợi ích sức khỏe, vì nó cho phép cơ thể tập trung vào quá trình tiêu hóa các chất dinh dưỡng.

Căng thẳng

Căng thẳng, như tất cả chúng ta đều nhận thức sâu sắc, là một phần của cuộc sống. Nhiều chuyên gia y tế tin rằng nó là gốc rễ của vô số bệnh tật. Một trong những lý do khiến căng thẳng có thể gây bất lợi cho sức khỏe của chúng ta không phải do tự bản thân nó mà là cách chúng ta đối phó với nó.

Những tình huống khó chịu là không thể tránh khỏi, nhưng cách chúng ta xử lý chúng là chìa khóa để kiểm soát căng thẳng một cách lành mạnh. Khi căng thẳng lấn át chúng ta, đặc biệt là liên tục, nó có thể tàn phá hệ thống miễn dịch, khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn. Rất may, Trung y cung cấp một số công cụ giúp chúng ta kiểm soát căng thẳng trong cuộc sống.

Thiền. Nói một cách đơn giản, thiền định kéo chúng ta ra khỏi những bộn bề của cuộc sống và cho phép tâm trí chúng ta trở nên tĩnh lặng. Có một số cách mà chúng ta có thể thực hiện: đi dạo trong thiên nhiên, ngồi yên tĩnh hoặc nằm xuống. Thật không thể tin được việc dành 20 phút để ngồi yên tĩnh có thể mang lại lợi ích như thế nào đối với cơ thể, tâm trí và tinh thần. Thiền là một cách đơn giản nhưng mạnh mẽ để kiểm soát căng thẳng nếu bạn có một ngày khó khăn hoặc cảm thấy không có động lực.

Thái cực quyền. Thái cực quyền là một bài tập tuyệt vời khác và là một cách để làm dịu tâm trí, cơ thể và tinh thần với các động tác chuyển động duyên dáng, nhấn mạnh vào hơi thở. Nên tập thái cực quyền và khí công ở bên ngoài, vì thiên nhiên có tác dụng xoa dịu cơ thể, tâm trí và tinh thần.

Khí công. Khí công là một hệ thống tập luyện nhẹ nhàng tương tự như thái cực quyền. Một số hình thức được coi là võ thuật nội công, trong khi những hình thức khác mang tính chất tâm linh hơn. Khí công đã được thực hành hàng nghìn năm ở Trung Quốc, và đó là một cách lý tưởng để làm dịu tâm trí và cơ thể bằng các chuyển động uyển chuyển và nhấn mạnh vào hơi thở.

Mệt mỏi

Mệt mỏi là một vấn đề phổ biến trong thế giới hiện đại. Quá nhiều người trong chúng ta đang làm việc quá sức, quá căng thẳng và thiếu hiệu quả. Ngủ là cách cơ thể chúng ta chữa lành, giải độc và sửa chữa. Ngủ ngon là điều quan trọng để có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và nhận thức rõ ràng. Sự căng thẳng trong lối sống của chúng ta khiến chứng mất ngủ trở thành một vấn đề phổ biến. Ngủ trong phòng tối không có thiết bị điện tử, không ăn ít nhất bốn giờ trước khi đi ngủ và không kìm nén cảm xúc là một số cách tuyệt vời để đảm bảo một đêm ngon giấc.

Hoạt động tình dục quá mức

Điều này luôn khiến mọi người mất cảnh giác. Vâng, bạn đã đọc đúng — hoạt động tình dục quá mức có thể gây ra bệnh. Nhưng, trước khi cơn hoảng loạn bắt đầu, hãy để tôi giải thích cách hoạt động của nó.

Tất cả chúng ta đều được sinh ra với "tinh khí" mà cha mẹ ban cho khi chúng ta mới sinh. Chúng ta chỉ có một số lượng tinh khí hữu hạn, vì vậy việc bảo quản nó là điều cần thiết để khỏe mạnh trong suốt cuộc đời. Có nhiều cách giúp chúng ta bổ sung và hỗ trợ tinh khí của mình, ví dụ như sống tốt và chăm sóc bản thân.

Có nhiều cách chúng ta “tiêu” tinh khí của mình, giống như tiền trong tài khoản ngân hàng vậy, và có mối tương quan trực tiếp giữa việc “tiêu” tinh khí và sự già đi của chúng ta. Đối với nam giới, hoạt động tình dục thường kết thúc bằng xuất tinh - đây chính là tinh khí của họ. Xuất tinh được coi là làm mất tinh khí nhưng chỉ khi thực hiện quá mức, không để cơ thể kịp hồi phục. Tinh khí được tiêu thụ khi phụ nữ có con (điều này là bình thường), nhưng sinh nở quá nhiều mà không có thời gian để nghỉ ngơi và lấy lại sức sẽ làm giảm tinh khí và đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Trọng tâm của ý tưởng này là cần có nhiều thời gian giữa các hoạt động gây mất sức (hoạt động tình dục đối với nam giới và sinh đẻ đối với nữ giới) để cơ thể có thể phục hồi và duy trì tinh khí. Cơ thể chúng ta có khả năng chữa lành và tái tạo bẩm sinh, nhưng phải có thời gian và nguồn lực để làm điều đó.

Ký sinh trùng

Ký sinh trùng lâu đời như thời gian, và hầu hết chúng ta đều mắc phải chúng. Ước tính khoảng 80% cả người lớn và trẻ em đều có ký sinh trùng trong ruột. Mặc dù nhiều người tin rằng chúng là một vấn đề ở nhiều nơi trên thế giới với điều kiện vệ sinh kém và không có đủ nước sạch, nhưng ký sinh trùng vẫn tồn tại trên toàn thế giới. Các triệu chứng của ký sinh trùng là đau bụng, kém ăn, tiêu chảy, đầy hơi, ngứa hậu môn (đặc biệt vào ban đêm), chướng bụng, hốc hác và kiệt sức. Ký sinh trùng có ảnh hưởng sâu sắc đến cơ thể, hút hết dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến thiếu hụt và sụt cân.

Có nhiều yếu tố khác nhau góp phần vào bệnh tật, bên trong và bên ngoài. Trong cách tiếp cận phương Đông, một số yếu tố có thể khá mới lạ đối với chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ rằng sức khỏe đại diện cho một trạng thái cân bằng, thì bất cứ điều gì khiến nó không ổn định đều có thể góp phần gây ra bệnh tật. Trung y dạy chúng ta cách lắng nghe cơ thể của mình, để biết khi nào mọi thứ mất cân bằng. Sau đó, chúng ta có thể thực hiện những thay đổi nhỏ để đưa chúng ta trở lại trạng thái khỏe mạnh. Sự điều độ cũng là một điều cần thiết.

Điều độ trong công việc, vui chơi, thức ăn, đồ uống và cảm xúc là tất cả những cách để chúng ta có thể giữ gìn sức khỏe lâu dài cả trong hiện tại và tương lai.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trí tuệ truyền thống: Góc nhìn của Trung y về bệnh tật