Triều đại nhà Thanh của Trung Quốc sụp đổ vì những lý do quen thuộc đến kỳ lạ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù có những thành tựu chính trị-xã hội đáng kinh ngạc trong suốt hai thế kỷ, triều đại nhà Thanh của Trung Quốc đã sụp đổ hoàn toàn vào năm 1912. Nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của triều đại này đã được tranh luận từ lâu và một nghiên cứu mới nêu bật ba yếu tố đóng vai trò quan trọng – mỗi yếu tố trong đó đều quen thuộc một cách đáng sợ với chúng ta ngày nay.

Dưới sự lãnh đạo bởi người Mãn Châu, nhà Thanh đã nắm quyền kiểm soát Bắc Kinh vào năm 1644 và đạt đến đỉnh cao về diện tích vào năm 1760. Năm 1820, triều đại này đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng những rắc rối đã bắt đầu nảy sinh.

Trong công trình mới, các nhà nghiên cứu từ Đại học Osaka ở Nhật Bản, Đại học Sư phạm Thượng Hải ở Trung Quốc, Viện Tiến hóa và Đại học Washington ở Hoa Kỳ và Trung tâm Khoa học Phức tạp Vienna ở Áo, đã sử dụng lý thuyết cấu trúc-nhân khẩu học (SDT) để phân tích về sự sụp đổ của nhà Thanh.

Lý thuyết này dựa trên các mô hình toán học chia xã hội thành bốn phần: nhà nước, tầng lớp thượng lưu, dân số thế hệ và một thành phần bổ sung đo lường sự bất ổn chính trị. Mỗi phần ảnh hưởng đến những phần khác một cách linh động.

“Chúng tôi lập luận rằng sự bùng nổ dân số, tăng gấp bốn lần và lên đến đỉnh điểm vào thế kỷ 19, sự cạnh tranh ngày càng tăng để giành lấy một vị trí trong giới tinh hoa có số lượng không tăng và tình trạng tài chính của nhà nước ngày càng căng thẳng đã kết hợp lại để tạo ra một tầng lớp dân chúng và giới thượng lưu ngày càng bất mãn, dẫn đến các cuộc nổi dậy đáng kể trong nước”, các nhà nghiên cứu viết trong bài báo đã xuất bản của họ.

Các nhà nghiên cứu cho biết, sự gia tăng dân số dẫn đến tình trạng quá tải, nghèo đói, và sự dư thừa các quan chức có trình độ không thể thăng tiến. Chi phí để duy trì trật tự cộng với gánh nặng liên quan đến việc cạn kiệt nguồn dự trữ bạc và nhập khẩu thuốc phiện, càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Có vẻ như nhà Thanh đã hoàn toàn nhận ra những vấn đề này - họ chỉ không hành động đủ thông minh và nhanh chóng mà thôi. Sự kết hợp giữa các cuộc nổi dậy bên trong và những thách thức địa chính trị bên ngoài cuối cùng đã định đoạt số phận của triều đại.

Georg Orlandi, từ Đại học Osaka, cho biết: “Điều này chứng tỏ rõ ràng rằng bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải cảnh giác vì hoàn cảnh có thể thay đổi và đôi khi rất nhanh chóng”.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra những điểm tương đồng giữa hoàn cảnh sụp đổ của nhà Thanh với một số vấn đề cũng như sự bất ổn trong xã hội ngày nay, bao gồm sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng và cơ hội tiến bộ giảm đi - những vấn đề mà các chính phủ nên khôn ngoan trong việc giải quyết.

Tuy nhiên, nói thì dễ hơn làm. Những căng thẳng này thường xuất hiện trong dài hạn, trong khi các chính phủ thường thay đổi và phát triển trong ngắn hạn, và điều đó có nghĩa là số phận giống như của triều đại nhà Thanh có thể sẽ tái diễn ở những nơi khác.

Peter Turchin, từ Trung tâm khoa học phức hợp ở Vienna, Áo, cho biết: “Điều quan trọng là phải hiểu được nguồn gốc của những sự bất ổn như vậy. Sẽ là một sai lầm nếu cho rằng đó là chuyện quá khứ và không thể tái diễn”.

Nghiên cứu đã được công bố trên PLOS ONE.

Theo Science Alert



BÀI CHỌN LỌC

Triều đại nhà Thanh của Trung Quốc sụp đổ vì những lý do quen thuộc đến kỳ lạ