Trung Quốc công bố thu nhập khả dụng bình quân đầu người, bị cư dân mạng trong nước tố là 'giả'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cục Thống kê Trung Quốc gần đây đã công bố thu nhập khả dụng bình quân đầu người năm 2022, cho biết thu nhập của 31 tỉnh (khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương) có mức tăng trưởng dương, thu nhập của Thượng Hải và Bắc Kinh là gần 80.000 nhân dân tệ (khoảng 11.800 USD). Tuy vậy, cư dân mạng nước này lại chế giễu đó là số liệu "Giả!".

Theo dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Trung Quốc công bố, thu nhập khả dụng bình quân đầu người năm 2022 ở 31 tỉnh của nước này là 36.883 nhân dân tệ (CNY), tương đương với 127 triệu VND hay 5.443 USD, trên danh nghĩa đã tăng 5,0% so với năm 2021 nhưng thực tế chỉ tăng 2,9% sau khi loại trừ yếu tố giá cả.

Trong đó, thu nhập khả dụng bình quân đầu người năm ngoái ở Thượng Hải là 79.610 CNY (275 triệu VND), đứng đầu danh sách. Bắc Kinh theo sát với 77.415 CNY (267 triệu VND), tiếp theo là Chiết Giang với 60.302 CNY (209 triệu VND), Giang Tô với 49.862 CNY (173 triệu VND), Thiên Tân với 48.976 CNY (169 triệu VND), Quảng Đông với 47.065 CNY (163 triệu VND), Phúc Kiến với 43.118 CNY (149 triệu VND) và Sơn Đông với 37.560 CNY (130 triệu VND).

Tại 8 tỉnh kể trên, thu nhập khả dụng bình quân đầu người trong năm 2022 cao hơn mức trung bình của cả nước. Đây hầu như là các vùng ven biển phía đông Trung Quốc.

Trong số 31 tỉnh, 7 tỉnh đứng đầu đều vượt mức 40.000 CNY (138 triệu VND); có tới 12 tỉnh có thu nhập khả dụng bình quân trên 30.000 CNY (103 triệu VND) và dưới 40.000 CNY.

5 tỉnh xếp cuối bảng là Cam Túc, Quý Châu, Ninh Hạ, Tây Tạng và Vân Nam. Thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở các tỉnh này đều chỉ hơn 20.000 CNY (69 triệu VND).

Cư dân mạng Trung Quốc đại lục: Là giả!

Về vấn đề này, nhiều cư dân mạng đại lục bày tỏ:

  • "Giả dối!".
  • "Lại bị bình quân rồi".
  • "Sa thải nhân viên, cắt giảm lương khắp nơi, thu nhập tăng ở đâu? Thất nghiệp làm sao có thu nhập?".
  • "Cảm ơn những người có lương hàng năm cả triệu tệ đã kéo chúng ta lên”.
  • "Một triệu phú, chín người nghèo. Nếu mọi người đều bình quân thì đều là triệu phú rồi".
  • "Năm 2022 phòng dịch tới 11 tháng. Các nơi đều bị phong tỏa trên phạm vi lớn và trong một thời gian dài. Hóa ra không đi làm mà vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng thu nhập dương".
  • “Mấy con số đẹp đẽ này là để cho lãnh đạo xem”.
  • “Trừ đi phí thuê nhà, ăn uống, đi lại, [mỗi tháng] tôi chỉ còn 214 tệ để chi tiêu".

Bà Trương Tinh (Zhang Jing), người sáng lập "Women’s Rights in China” (Quyền lợi của người phụ nữ ở Trung Quốc) – một tổ chức phi chính phủ được đăng ký ở tiểu bang New York, Mỹ đã nhận lời phỏng vấn của The Epoch Times cách đây vài ngày. Bà nói rằng các số liệu thống kê của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều vô nghĩa.

Bà Trương chỉ ra rằng, Trung Quốc đã bị đóng cửa trong ba năm, một lượng lớn công ty bị phá sản và đóng cửa, một lượng lớn người bị mất việc, không thể trả tiền mua xe, mua nhà, có những người thậm chí còn không đủ tiền ăn uống. Nhưng dữ liệu năm 2022 mà ĐCSTQ vừa công bố lại vẽ ra bức tranh: người dân tăng mức tiêu dùng, tăng thu nhập, sản xuất lương thực tăng, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm, thu nhập của nông dân tăng nhanh hơn thành thị, v.v.

"Ngay cả khi không có tăng trưởng, họ (ĐCSTQ) vẫn phải thêm một câu ở phía trước, chẳng hạn như việc làm nói chung là ổn định, rồi sau đó mới nói là đã giảm một chút. Tại sao chúng ta không thể tin vào số liệu của ĐCSTQ? Trong 3 năm phong tỏa này, các ngành các nghề chắc chắn đều bị ảnh hưởng, vậy làm thế nào đạt được tăng trưởng dương? Họ dựa vào đâu mà tăng trưởng dương? Họ làm số liệu giả quá rõ ràng", bà Trương nói.

Tài khoản WeChat công chúng tiết lộ: Một lượng lớn người dân Trung Quốc thất nghiệp và phá sản

Trong ba năm xảy ra dịch bệnh vừa qua, ĐCSTQ đã áp dụng nhiều biện pháp hà khắc khiến sinh kế của người dân trở nên khó khăn.

Vào ngày 24/11/2022, tài khoản công chúng “Weizhi” trên WeChat – mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc – đã đăng một bài viết mô tả thực trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc và cuộc sống khó khăn của người dân:

Trong Lễ hội mua sắm 11/11 năm 2022, lượng giao dịch toàn mạng Internet giảm 73% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân cơ bản là người tiêu dùng không có tiền, sức mua giảm sút. Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, nhất là ngành du lịch, khách sạn, giáo dục đào tạo, ăn uống, cửa hàng nhỏ, siêu thị…, “Hết tốp này tới tốp kia đổ vỡ, ông/bà chủ phá sản, nhân viên thất nghiệp”.

Đối với những người dân thường, do thu nhập giảm, thất nghiệp, không tìm được việc làm, nên họ chi tiêu phải thắt lưng buộc bụng. Ngoài ra còn các khoản thế chấp và khoản vay mua ô tô, mua nhà lại phải được hoàn trả đúng hạn, nếu không sẽ bị tịch thu nhà. Người dân ngày càng cảm thấy thất vọng.

Đối với doanh nghiệp, phòng chống dịch bệnh trường kỳ đồng nghĩa với việc sản xuất có lúc bị ngưng trệ, đơn hàng không giao được, mất khách hàng, đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản.

Đối với đất nước, điều đó có nghĩa là thuế giảm, tăng trưởng kinh tế chậm lại, GDP giảm.

Reuters: GDP năm 2022 của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 2,8%

Vào ngày 7/12 năm ngoái, ĐCSTQ đã nới lỏng và gỡ bỏ chính sách phong tỏa mà không có bất kỳ cảnh báo hay chuẩn bị nào trước. Sau đó, dịch bệnh bùng phát và gây tác động lên nền kinh tế cũng như hoạt động sản xuất. Nghiên cứu dự báo từ nhiều cơ quan tổ chức đã một lần nữa đánh giá thấp số liệu kinh tế của Trung Quốc.

Theo ‘Báo cáo thường niên năm 2022 - 2023 về phân tích và dự báo tình hình kinh tế vĩ mô của Trung Quốc’ do Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải công bố, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2022 là 2,7%.

Ông Ôn Bân (Wen Bin), nhà kinh tế trưởng của China Minsheng Bank (Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc), cũng đưa ra dự báo là khoảng 2,7%.

Một báo cáo khác do Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh công bố đã dự đoán rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 sẽ là 2,9%, cao hơn một chút so với các dự báo trên, nhưng vẫn dưới 3%.

Vào giữa tháng Một năm nay, một cuộc thăm dò của Reuters với hàng chục nhà kinh tế cho thấy tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2022 có thể chỉ là 2,8%, giảm so với mức dự báo tăng trưởng 3,2% hồi tháng 10 năm ngoái.

Bài báo cho biết, nếu loại trừ mức tăng trưởng 2,2% vào năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 mới xuất hiện, thì con số tăng trưởng của năm 2022 sẽ là kết quả kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi Trung Quốc kết thúc Cách mạng Văn hóa. Cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm (1966 - 1976) đã gần như làm sụp đổ nền kinh tế quốc dân của Trung Quốc.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc công bố thu nhập khả dụng bình quân đầu người, bị cư dân mạng trong nước tố là 'giả'