Trung Quốc 'dập lửa khẩn cấp' sau phát ngôn của Đại sứ tại Pháp về Crimea và Liên Xô cũ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Pháp - ‘chiến lang’ Lô Sa Dã (Lu Shaye) - đưa ra phát ngôn về chủ quyền của các nước thuộc Liên Xô cũ, Bộ ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán tại Pháp đã phải "dập lửa khẩn cấp" và lặng lẽ gỡ bỏ toàn văn cuộc phỏng vấn phiên bản tiếng Trung và tiếng Pháp của ông Lô.

Hôm 21/4, ông Lô Sa Dã cho biết trong một cuộc phỏng vấn với mạng truyền hình LCI của Pháp rằng: "Ngay từ đầu Crimea đã thuộc về Nga"; “Trong luật pháp quốc tế, các quốc gia Liên Xô cũ không có địa vị thực chất, bởi vì không có thỏa thuận quốc tế nào hiện thực hóa địa vị chủ quyền của họ".

Tuyên bố này đã gây chấn động dư luận Châu Âu, không chỉ khiến Ukraine và 3 nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania tức giận mà còn gây bất bình trong giới chính trị Pháp và Liên minh Châu Âu. Các nước này đã lên án việc ông Lô “phủ nhận sự tồn tại của 14 quốc gia độc lập khỏi Liên Xô” và triệu tập Đại sứ Trung Quốc để giải thích về phát ngôn này.

Hôm 23/4, 80 nước thành viên của Nghị viện Châu Âu đã đăng một bức thư ngỏ trên tờ Le Monde của Pháp, kêu gọi chính phủ Pháp có hành động trước phát ngôn của ông Lô Sa Dã về các nước thuộc Liên Xô cũ; yêu cầu Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố ông Lô Sa Dã là "người không được hoan nghênh" và trục xuất ông ta.

Trước sự phẫn nộ của dư luận, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã liên tiếp đứng ra “làm rõ” nhằm dập tắt cuộc khủng hoảng ngoại giao đang leo thang này.

Vào ngày 24/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng, Bắc Kinh tôn trọng địa vị ‘quốc gia có chủ quyền’ của các nước thuộc Liên Xô cũ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Khi được hỏi liệu những tuyên bố của ông Lô Sa Dã có đại diện cho quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hay không, bà Mao Ninh nói rằng về vấn đề chủ quyền của Liên Xô cũ, tuyên bố của bà (chứ không phải của Đại sứ Lô) mới có thể đại diện cho quan điểm của chính phủ Trung Quốc.

Hôm 25/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp cũng đăng một bài viết trên trang web chính thức nói rằng, những nhận xét của ông Lô Sa Dã về vấn đề Ukraine không phải là tuyên bố chính trị, mà là quan điểm cá nhân được thể hiện trong một cuộc tranh luận trên truyền hình. Lập trường của Trung Quốc về các vấn đề liên quan không thay đổi.

Theo Bloomberg, vào sáng ngày 24/4, trên tài khoản WeChat chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp, vẫn có thể đọc được phiên bản tiếng Trung và tiếng Pháp của toàn văn cuộc phỏng vấn ông Lô Sa Dã, nhưng chúng đã bị gỡ xuống vào khoảng giữa trưa hôm đó. Khi ấn vào đường link thì hiện dòng chữ: "Nội dung này đã bị người đăng xóa bỏ”.

Hiện không rõ tại sao Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp lại gỡ bỏ bài đăng. Bà Mao Ninh đã được hỏi về điều này trong một cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 24/4, nhưng bà trả lời rằng: "Tôi không hiểu tình huống mà bạn nhắc tới".

CNN đưa tin, trong khi ĐCSTQ tìm cách tách rời lập trường với ông Lô Sa Dã, ông Jean-Pierre Cabestan - Giáo sư khoa học chính trị của Đại học Baptist Hong Kong - nói rằng, ông Lô Sa Dã là “một nhà ngoại giao đại diện cho chính phủ của ông ấy, vì vậy nó phản ánh một số suy nghĩ của nội bộ Trung Quốc về vấn đề này”.

Ông Cabestan nói thêm rằng, bây giờ không phải là lúc để Trung Quốc mạo hiểm mối quan hệ với Pháp.

Về phát ngôn của ông Lô Sa Dã, nhà bình luận thời sự thâm niên Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) nói với NTDTV rằng, phát ngôn của ông Lô Sa Dã giống như một phép thử của ĐCSTQ về thái độ của Châu Âu.

Ông Đường Tịnh Viễn cho rằng, trên thực tế, lập trường của ông Lô Sa Dã chính là lập trường của ĐCSTQ, chẳng qua là do áp lực dư luận quá lớn nên chính quyền này mới phải đứng ra làm rõ. Ông nói: “Ở một mức độ nào đó, nó thực sự phản ánh rằng, đây là một phần của cái gọi là trật tự thế giới mới của ông Tập Cận Bình”.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc 'dập lửa khẩn cấp' sau phát ngôn của Đại sứ tại Pháp về Crimea và Liên Xô cũ