Trung Quốc không có nền kinh tế chiến tranh tương xứng với tham vọng thôn tính Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc đang mang tâm lý hướng tới một cuộc chiến với Đài Loan. Tuy nhiên, nước này lại không có một “nền kinh tế chiến tranh” tương xứng để làm nền tảng cho các tham vọng của nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc.

Việc thiếu vắng một "nền kinh tế chiến tranh" tương xứng là một tín hiệu sâu sắc để chỉ ra thực tế rằng, mặc dù ông Tập có thể khơi mào một cuộc chiến chống lại Đài Loan, nhưng ông ấy đã không chuẩn bị để Trung Quốc tiến hành cuộc chiến đó.

Sự thiếu vắng căn bản một chiến lược mạch lạc của ông Tập đã dẫn đến việc ông đưa ra một loạt các biện pháp khắc phục rời rạc mang tính phản ứng, ngắn hạn - và thường tự mâu thuẫn - trước sự sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc đại lục và sự gắn kết xã hội cũng như việc xuất hiện các các nước láng giềng thù địch đối với Trung Quốc.

Những thất bại chồng chất của ông đã dẫn đến bầu không khí tuyệt vọng ngày càng gia tăng. Đáng chú ý tại Trung Quốc đã xảy ra một loạt các thảm họa thiên nhiên trong những năm gần đây - đặc biệt là vào tháng 7 và tháng 8. Chúng được coi là dấu hiệu báo trước cho việc người dân từ chối vai trò lãnh đạo của ông Tập.

Ông Tập và các cộng sự của mình đã thực hiện các sáng kiến tạm thời để ngăn chặn sự suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, đây là những kích thích kinh tế kiểu phương Tây trong một khuôn khổ không phải là thị trường tự do cũng như không thực sự do người tiêu dùng dẫn dắt. Chúng là quá ít và quá muộn để đối phó với thực tế rằng tăng trưởng của Trung Quốc được xây dựng trên nền tảng yếu kém. Các biện pháp “băng bó” cũng không chạm tới cốt lõi của thực tế của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng hoặc quân sự của Trung Quốc.

Thật vậy, trong nỗ lực thể hiện rằng thị trường kinh tế Trung Quốc có cấu trúc tương tự như các nền kinh tế thị trường phương Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện các nỗ lực thúc đẩy đầu cơ trên thị trường chứng khoán và thị trường tiêu dùng. Chúng dường như được thiết kế theo các quy tắc của Phố Wall chứ không phải của Trung Quốc.

Kết quả là sự sụp đổ kinh tế của đất nước diễn ra ngày càng sâu sắc hơn và đi cùng với đó là sự tuyệt vọng và bất ổn tương xứng trong công chúng. Ông Tập không thể đưa ra những biện pháp sâu sắc và có ý nghĩa trong nỗ lực ngăn chặn việc các thất bại chính trị và thiên tai được công chúng trong nước và người nước ngoài biết đến.

Ông Tập có vẻ đã đánh mất "thiên mệnh", điều đang diễn ra song song với việc ông đánh mất uy tín quốc tế và uy tín chiến lược.

Câu châm ngôn của Henry Kissinger - “Nếu bạn không biết mình đang đi đâu, mọi con đường sẽ chẳng đưa bạn đến đâu cả” - đã được tác giả này sửa đổi trong nghiên cứu năm 2006, "Nghệ thuật của Chiến thắng", để nói rằng, "Nếu bạn không biết mình đang đi đâu, con đường nào cũng dẫn đến thảm họa”. Ông Tập hiện đang đi trên con đường không tên đó để đi đến hư không.

Trung Quốc không có nền kinh tế chiến tranh tương xứng với tham vọng thôn tính Đài Loan
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn nút bỏ phiếu trong khi khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ năm của cơ quan lập pháp của Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 12/03/2023. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Một đợt đại dịch mới?

Ông Tập hiện đang chuẩn bị tạo ra một đợt “đại dịch sợ hãi” COVID-19 mới như một cách thức để hợp pháp hóa các biện pháp kiểm soát dân số rộng rãi. Chiến dịch “zero-COVID” gần đây đã cho phép công chúng đổ lỗi sự sụp đổ kinh tế là do “cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe”.

Làn sóng mới của các biện pháp kiểm soát dân số COVID-19 sẽ, giống như sự sụp đổ kinh tế của Trung Quốc đại lục, tác động đáng kể đến cộng đồng quốc tế. Thật vậy, “làn sóng mới” của COVID-19 được thiết kế để kích động sự hoảng loạn toàn cầu, nó cũng được thiết kế để buộc người dân Trung Quốc phải tuân lệnh.

Trung Quốc không có nền kinh tế chiến tranh tương xứng với tham vọng thôn tính Đài Loan
Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm từ người dân để xét nghiệm COVID-19 trên một con phố ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 15/5/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Những mơ hồ

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã không hiểu rõ ông cần một nền kinh tế như thế nào để cứu vớt ĐCSTQ. Ông thậm chí còn không chắc chắn về những gì ông được kế thừa từ thời đại mở cửa của Đặng Tiểu Bình sau những tàn phá thời Mao.

Do đó, ông Tập đang cố gắng xử lý sự đổ vỡ kinh tế của Trung Quốc bằng các sáng kiến kích thích kinh tế thị trường mới trong khi điều ông cần là quay trở lại, ít nhất là trong một thời gian, với loại hình kinh tế chiến tranh cổ điển mà cả Trung Quốc và Liên Xô đã vận hành trong phần lớn thời gian tồn tại. Nhưng tình hình có thể là quá muộn cho điều đó.

Nền kinh tế chiến tranh

Một nền kinh tế chiến tranh như vậy sẽ không mang lại cho Trung Quốc loại tăng trưởng kinh tế mà họ tuyên bố đã đạt được trong vài thập kỷ qua, nhưng nó sẽ đưa toàn bộ xã hội Trung Quốc vào chế độ sinh tồn. Hiện tại, Trung Quốc đang mất kiểm soát.

Các nền kinh tế thời chiến không trực tiếp dẫn đến tăng trưởng kinh tế bền vững nhưng được thiết kế để ngăn chặn sự sụp đổ và thất bại khi đối mặt với mối đe dọa trước mắt. Ông Tập đã cố gắng đối phó với khu vực tư nhân, khu vực đã mang lại sự tăng trưởng ở Trung Quốc như thể nó là một phần của nền kinh tế chỉ huy. Nhưng sau thời Đặng Tiểu Bình, nền kinh tế đó đã trở thành một “nền kinh tế chỉ huy với các đặc điểm thị trường,” giống như nền kinh tế của Đức trong thập kỷ trước Thế chiến thứ hai.

Việc chuyển đổi thành một thị trường đã mang lại lợi ích cho người mua, người bán hàng hóa và nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc và tạo ra cảm giác lạc quan trong phần lớn dân chúng.

Trong thập kỷ qua, ông Tập đã nói một cách rời rạc về việc quay trở lại “nền kinh tế tuần hoàn, nội tại” của Trung Quốc, giống như điều Mao Trạch Đông đã cố gắng (và không thành công) thực hiện. Điều này có nghĩa là Trung Quốc không cần đầu tư, nguồn cung hoặc thị trường bên ngoài. Điều đó một phần sẽ giống với “nền kinh tế chiến tranh”. Tuy nhiên, điều đó cũng là phi thực tế không kém, vì Trung Quốc không thể tồn tại nếu không có nguồn cung cấp lương thực và năng lượng từ thị trường toàn cầu vì nước này không sản xuất đủ các yếu tố quan trọng này trong nước.

Một nền kinh tế chiến tranh cổ điển sẽ đảm bảo rằng nhà nước - hay trong trường hợp này là ĐCSTQ - sẽ kiểm soát tất cả các yếu tố sản xuất và nhu cầu. Quá trình sản xuất sẽ hướng đến việc chống lại mối đe dọa đối với sự tồn vong của quốc gia, và dân số sẽ được hướng vào hoạt động sản xuất đó, do đó tạo ra toàn dụng lao động.

Tuy nhiên, một nền kinh tế chiến tranh vĩnh viễn, chẳng hạn như đã được thử nghiệm ở Liên Xô, không thể duy trì vô thời hạn, giống như cách mà một cỗ máy chuyển động vĩnh cửu không thể tồn tại. Cần có một nguồn năng lượng dưới dạng này hay dạng khác để kích thích tăng trưởng bền vững.

Hầu hết các quốc gia Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo ra một nền kinh tế chiến tranh từ năm 1939 cho đến năm 1945 nhưng sau đó buộc phải tự hồi sinh nhờ một thị trường cởi mở hơn. Chỉ có Liên Xô, vào thời điểm đó, đã cố gắng tiếp tục một nền kinh tế chiến tranh hoặc chỉ huy và cuối cùng đã mất hết động lực vào năm 1990.

Khái niệm chiến tranh đã biến đổi

Ngày nay, khái niệm “nền kinh tế chiến tranh” phải được thay đổi trước thực tế rằng bản thân khái niệm chiến tranh đã biến đổi. Bản thân Trung Quốc đã chính thức dấn thân vào con đường “chiến tranh toàn diện mới” với tên gọi “chiến tranh không giới hạn” vào năm 1999. Nước này đã phát triển khái niệm mới về chiến tranh toàn diện ngay cả trước đó, nhận ra rằng bản thân mình, giống như Liên Xô, thiếu nguồn lực kinh tế và công nghệ để đánh bại nền kinh tế thị trường toàn cầu xoay quanh Mỹ sau Thế chiến II.

Theo học thuyết “chiến tranh toàn diện mới”, tất cả các yếu tố của cuộc sống con người và thiên nhiên đều có thể được vũ khí hóa để tiêu diệt đối thủ, và những yếu tố này được sử dụng phần lớn mà không cần dùng đến vũ lực (mặc dù đi kèm mối đe dọa vũ lực liên tục). Vì vậy, một “nền kinh tế chiến tranh mới” đòi hỏi nhiều loại vũ khí xã hội và phi quân sự - đặc biệt là trong lĩnh vực tâm lý, và còn trong các lĩnh vực sinh học, hóa học và mạng - để tiến hành chiến tranh chống lại kẻ thù, trong và ngoài nước.

Trung Quốc không có nền kinh tế chiến tranh tương xứng với tham vọng thôn tính Đài Loan
Tàu khu trục Hải Khẩu Type 052C của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia cuộc duyệt binh hải quân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải quân PLA của Trung Quốc tại vùng biển gần Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, vào ngày 23/04/2019. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AFP qua Getty Images)

Trung Quốc sẽ sụp đổ trước phương Tây

Không còn nghi ngờ gì nữa, ĐCSTQ luôn coi việc vũ khí hóa toàn xã hội là nền tảng cho học thuyết chiến lược của nó. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy ông Tập hiểu tất cả những điều này trong khuôn khổ chiến lược toàn diện. Có lẽ, ông nhận thức sắc sảo hơn về các yếu tố khác nhau nhưng lại không có cái nhìn hoặc học thuyết toàn diện để tạo ra một chiến lược quốc gia hiệu quả.

Bằng chứng của điều này là ở kết quả mà ông Tập đã đạt được: hỗn loạn và sụp đổ ở quê nhà; kẻ thù ở biên giới (bao gồm cả sự hồi sinh của sự thù địch cơ bản giữa Trung Quốc và Nga); và tồn tại bền bỉ phương Tây, mặc dù bản thân phương Tây đang ở đáy của sự gắn kết và thịnh vượng trong hơn một thế kỷ.

Vì vậy, ngay cả trong “cuộc đua xuống đáy” giữa Trung Quốc và phương Tây, có vẻ như rõ ràng là Trung Quốc sẽ sụp đổ trước phương Tây.

Thật vậy, có thể có hai lý do chính đáng để ông Tập tạm dừng kế hoạch cho một cuộc chiến chính thức (bằng vũ lực) lớn với phương Tây - đặc biệt là Mỹ - nếu ông ấy muốn tồn tại với tư cách là nhà lãnh đạo ĐCSTQ và nếu bản thân ĐCSTQ muốn tồn tại. Thứ nhất, việc ông khăng khăng công khai thách thức Mỹ và phương Tây về mặt quân sự đã kích động sự hồi sinh đáng kể của sự tập trung ở phương Tây trong việc xây dựng lại và thúc đẩy sự sẵn sàng quân sự trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Thứ hai, ông Tập cần tất cả các nguồn lực của mình - bao gồm cả sức mạnh quân sự - để ổn định, kiểm soát và bắt người dân Trung Quốc phục tùng.

Một chiến dịch chính trị mâu thuẫn

Tuy nhiên, ông Tập đã mặc nhiên công nhận rằng cuộc chiến để đánh bại Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) là quan trọng hơn bất cứ điều gì khác, bao gồm cả sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc và sự sống còn của người dân nước này. Trên thực tế, đó là thứ duy nhất mà ông Tập có để biện minh cho sự khốn khổ của người dân Trung Quốc.

Mặc dù vậy, ông Tập đang tiến hành một chiến dịch chính trị mang tính mâu thuẫn. Các phương tiện truyền thông nhà nước mô tả nền kinh tế Trung Quốc đang vững mạnh và đang phục hồi và sự tàn phá trên toàn quốc của các thị trấn và thành phố (thậm chí cả Bắc Kinh) do thiên tai là nhỏ và có thể kiểm soát được. Vì vậy, về bản chất, bằng cách kiểm soát truyền thông, ông Tập không thể đồng cảm với người dân Trung Quốc về những gì họ coi là thảm họa đang giáng xuống họ.

Những vấn đề mà họ nhìn thấy không tồn tại trên các phương tiện truyền thông chính thống, vì vậy ông Tập không thể đi ra với người dân để thể hiện tình đoàn kết với họ. Vì vậy, ông bị cô lập khỏi xã hội thậm chí còn hơn cả một nhà lãnh đạo ĐCSTQ bình thường.

Đồng thời, ông Tập miêu tả Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) là đã sẵn sàng cho cuộc chiến với Đài Loan, biết rằng điều đó sẽ gây ra xung đột thêm với Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam và Ấn Độ.

Trong khi đó, Trung Quốc vui mừng thể hiện với thế giới rằng họ có liên minh với Nga, vì điều này cho thấy Bắc Kinh không đơn độc. Nhưng liên minh này luôn luôn là một câu chuyện tưởng tượng. Vào thời điểm tốt đẹp nhất, giữa Moscow và Bắc Kinh luôn tồn tại sự ngờ vực lẫn nhau sâu sắc và tiềm ẩn, và bên này tin rằng bên kia chiếm đóng trái phép vùng đất của mình. Ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh đã có sự ngờ vực và thù địch sâu sắc với Liên Xô; và trước đó, Vương triều Trung Quốc không tin tưởng vào Đế quốc Nga. Và Moscow luôn không tin tưởng Bắc Kinh.

PLA biết rằng cuộc chiến với Đài Loan là một cuộc chiến mà họ chưa sẵn sàng, đặc biệt là xét về phạm vi địa lý rộng lớn của nó. Ban lãnh đạo PLA giờ đây dường như đã nói rõ rằng họ có thể không tuân theo mệnh lệnh tấn công Đài Loan.

Do đó, ông Tập đã bắt đầu mở rộng việc thanh trừng phủ đầu chống lại các nhà lãnh đạo PLA mặc dù ông đã từng coi PLA là cơ sở quyền lực của mình.

Ông Tập đã rơi vào một thế khó. Ông không thể lùi bước trong vấn đề Đài Loan bởi vì ông không thể tìm ra sự phân tâm hay lý do biện minh nào khác để đưa ra cho người dân để họ quên đi những nỗi thống khổ hiện tại. Ông Tập cũng không có bất kỳ cách thức nào để xây dựng lại lòng tin hai chiều với PLA. Ông Tập chỉ có thể tiếp tục đàn áp cả người dân và PLA trừ khi ông có thể viết lại toàn bộ câu chuyện tuyên truyền về quản trị để biện minh cho việc quay trở lại tình trạng nghèo đói và cô lập theo chủ nghĩa Mao.

Quá muộn cho sự sống còn của Bắc Kinh?

Và các sự kiện gần đây đã cho thấy rằng có một niềm tin phổ biến rằng ông Tập đã mất “thiên mệnh” và do đó, mất khả năng cai trị “thiên hạ”.

Trước tình hình đó, ông Tập không có chiến lược nào khác ngoài việc tiêu diệt các đối thủ của mình, nhìn các đối thủ quốc tế của mình bị bận tâm với những thảm họa mà ông ta cố gieo rắc, và đánh lạc hướng người dân trong nước.

Liệu có quá muộn để ông vạch ra một chiến lược cho sự sống còn của mình và Trung Quốc?

Nếu không, thì thế giới cần phải suy nghĩ về thời kỳ hậu Tập Cận Bình và thậm chí cả hậu ĐCSTQ và tất cả những bất ổn diễn ra trước thời kỳ đó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Gregory Copley là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington. Sinh ra tại Úc, ông Copley cũng là một thành viên của Order of Australia, là một doanh nhân, nhà văn, cố vấn chính phủ, và biên tập viên cho các xuất bản về quốc phòng. Cuốn sách mới nhất của ông là The New Total War of the 21st Century and the Trigger of the Fear Pandemic (Cuộc chiến toàn diện mới của Thế kỷ 21 và yếu tố kích hoạt đại dịch sợ hãi).



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc không có nền kinh tế chiến tranh tương xứng với tham vọng thôn tính Đài Loan