20 quốc gia đã thông qua luật chống lại nạn thu hoạch nội tạng sống ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ khi nạn mổ cướp nội tạng sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị phơi bày vào năm 2006, nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới đã thông qua luật ngăn chặn công dân của họ tham gia vào hoạt động du lịch ghép tạng, qua đó chống lại tội ác của ĐCSTQ.

1. Israel

Năm 2008, Israel đã thông qua “Luật Cấy ghép Nội tạng” để cấm mua bán và giao dịch nội tạng ở Israel và nước ngoài.

Luật này cũng cấm cung cấp tiền bảo hiểm trong hệ thống y tế cho các công dân Israel đến Trung Quốc để ghép tạng.

2. Tây Ban Nha

Năm 2010, Tây Ban Nha đã sửa đổi bộ luật hình sự nhằm chống du lịch ghép tạng và buôn bán nội tạng.

3. Đài Loan

Ngày 12/6/2015, Đài Loan đã sửa đổi và ban hành “Đạo luật Cấy ghép tạng người”. Theo đó, nghiêm cấm sử dụng nội tạng từ tử tù, hay thông qua buôn bán và trung gian; nghiêm cấm du lịch ghép tạng. Ngoài ra, các bác sĩ tham gia vào hoạt động cấy ghép nội tạng bất hợp pháp có thể bị thu hồi giấy phép hành nghề.

4. Ý

Vào tháng 12/2016, Quốc hội Ý đã thông qua luật để áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và phạt tù nghiêm khắc đối với bất kỳ ai bán trái phép nội tạng người sống. Luật này có hiệu lực từ ngày 7/1/2017.

Theo luật định này, bất kỳ ai tham gia vào việc giao dịch, mua bán bất hợp pháp, hoặc bằng bất kỳ hình thức nào và với bất kỳ danh tính nào mà có được hoặc xử lý các nội tạng hay một bộ phận nội tạng lấy từ cơ thể người sống đều sẽ bị phạt tù từ 3 đến 12 năm và phạt tiền từ 50.000 đến 300.000 euro (khoảng 1,25 đến 7,5 tỷ VND) mỗi người. Nếu hành vi được thực hiện bởi người làm trong ngành y tế, họ sẽ bị cấm hoạt động trong ngành vĩnh viễn sau khi có phán quyết.

5. Na Uy

Na Uy đã ký “Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người” vào ngày 25/3/2015; phê chuẩn thực thi vào ngày 12/9/2017; và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3/2018 tại nước này.

Vào ngày 8/6/2017, chính phủ Na Uy đã cập nhật “Đạo luật Cấy ghép Nội tạng Quốc gia”.

Trước đó vào ngày 9/7/2014, Hội đồng Châu Âu đã thông qua Công ước trên và nhận định rằng buôn bán nội tạng người là một hành vi phạm tội và cần phải trừng phạt những người phạm tội đó.

6. Bỉ

Vào ngày 2/4/2019, Ủy ban Y tế Công cộng của Bỉ và Quốc hội Liên bang đã nhất trí thông qua dự luật, đưa hành vi buôn bán nội tạng và du lịch ghép tạng vào danh sách hành vi phạm tội.

Ngoài ra, vào ngày 25/3/2015, Bỉ cũng đã ký "Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người"; nó đã được phê chuẩn thực thi vào ngày 22/2/2022; và luật có hiệu lực từ ngày 1/6/2022.

7. Vương quốc Anh

Vào năm 2022, Vương quốc Anh đã thông qua một sửa đổi đối với Đạo luật Chăm sóc và Sức khỏe, qua đó cấm công dân du lịch đến Trung Quốc và các quốc gia khác vì mục đích ghép tạng thương mại.

8. Canada

Năm 2022, Canada đã sửa đổi luật hình sự và coi hoạt động cấy ghép nội tạng trái phép ở nước ngoài là một tội hình sự. Nước này cũng sửa đổi “Đạo luật Bảo vệ Người nhập cư và Tị nạn”, cụ thể là những người tham gia buôn bán nội tạng bất hợp pháp sẽ không được chấp nhận vào Canada với tư cách là người nhập cư hoặc người tị nạn.

9. Albania

Albania đã ký "Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người" vào ngày 25/3/2015; phê chuẩn thực thi vào ngày 6/6/2016; luật có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.

10. Costa Rica

Costa Rica ngày 16/4/2018 đã ký "Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người"; ngày 24/11/2021, công ước trên được phê chuẩn thực thi tại nước này và có hiệu lực từ ngày 1/3/2022.

11. Croatia

Croatia đã ký "Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người" vào ngày 29/11/2018; phê chuẩn thực thi vào ngày 16/5/2019; có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.

12. Cộng hòa Séc

Cộng hòa Séc đã ký "Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người" vào ngày 25/3/2015; phê chuẩn thực thi vào ngày 21/9/2017; có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.

13. Pháp

Pháp ký "Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người" vào ngày 25/11/2019; phê chuẩn thực thi vào ngày 18/1/2023; luật có hiệu lực từ ngày 1/5/2023.

14. Montenegro

Montenegro đã ký "Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người" vào ngày 16/2/2018; phê chuẩn thực thi vào ngày 5/2/2019; luật có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.

15. Latvia

Latvia vào ngày 30/3/2017 đã ký "Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người"; vào ngày 9/7/2019, nó đã được phê chuẩn thực thi; có hiệu lực từ ngày 1/11/2019.

16. Malta

Malta đã ký "Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người" vào ngày 7/11/2017; phê chuẩn vào ngày 7/11/2017; có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.

17. Bồ Đào Nha

Bồ Đào Nha đã ký "Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người" vào ngày 25/3/2015; phê chuẩn thực thi vào ngày 8/11/2018; luật có hiệu lực từ ngày 1/3/2019.

18. Moldova

Cộng hòa Moldova đã ký "Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người" vào ngày 25/3/2015; phê chuẩn thực thi vào ngày 21/6/2017; luật có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.

19. Slovenia

Slovenia, vào ngày 6/12/2018 đã ký "Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người"; phê chuẩn thực thi vào ngày 3/5/2022; luật có hiệu lực từ ngày 1/9/2022.

20. Thụy Sĩ

Thụy Sĩ đã ký "Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người" vào ngày 10/11/2016; phê chuẩn thực thi vào ngày 21/10/2020; luật có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.

Tổng cộng có 15 quốc gia đã ký kết “Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán Nội tạng người”. Trên đây là dữ liệu mới nhất do Ủy ban Châu Âu cung cấp, tính đến ngày 6/4/2023. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng tham khảo đường link này.

Luật cấm lạm dụng cấy ghép nội tạng bên ngoài lãnh thổ

Luật sư nhân quyền người Canada – ông David Matas cho biết, 20 quốc gia kể trên đều đã thông qua "luật cấm lạm dụng cấy ghép nội tạng bên ngoài lãnh thổ (extraterritorial)".

Ông giải thích thêm: "Có hai hình thức tài phán hình sự trên thế giới. Đối với một số quốc gia hoặc khu vực, quyền tài phán hình sự được căn cứ theo lãnh thổ. Tức là tòa án ở các quốc gia đó chỉ có quyền tài phán đối với các tội phạm được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ của mình nhưng không có quyền tài phán [đối với các công dân nước mình phạm tội] ở bên ngoài quốc gia. Đối với những quốc gia này, việc thiết lập luật pháp một cách rõ ràng bên ngoài lãnh thổ là điều cần thiết để luật được áp dụng đối với tội phạm được thực hiện bên ngoài quốc gia đó”.

Vào ngày 6/3/2020, Hàn Quốc đã sửa đổi "Đạo luật Cấy ghép Nội tạng", yêu cầu những người được cấy ghép nội tạng ở nước ngoài phải nộp hồ sơ cấy ghép và thông tin theo quy định cho Bộ Y tế và Phúc lợi trong vòng 30 ngày sau khi về nước.

Về đạo luật ở Hàn Quốc, luật sư Matas nói với phóng viên The Epoch Times rằng: “Mặc dù Hàn Quốc không có luật rõ ràng về buôn bán nội tạng bên ngoài lãnh thổ, nhưng họ không cần phải làm như vậy mà vẫn có thể thực thi quyền tài phán đối với công dân của mình phạm tội ở nước ngoài. Điều đáng lưu ý là luật pháp Hàn Quốc yêu cầu báo cáo bắt buộc, yêu cầu những người đã được cấy ghép ở nước ngoài báo cáo việc cấy ghép của họ cho các cơ quan được pháp luật chỉ định”.

Ông cho biết: "Để chế định luật hình sự bên ngoài lãnh thổ nhằm chống du lịch ghép tạng, cần phải đáp ứng hai điều kiện. Một là tòa án địa phương có thẩm quyền tài phán đối với tội phạm. Hai là cơ quan thực thi pháp luật có bằng chứng [người đó] phạm tội ở nước ngoài. Nếu không có báo cáo bắt buộc, do sức khỏe của bệnh nhân được bảo mật nên sẽ khiến việc thu thập bằng chứng trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể". Do đó, “Luật báo cáo bắt buộc của Hàn Quốc khiến cho việc áp dụng luật cấy ghép nội tạng ở nước ngoài trở nên khả thi”.

Luật sư Matas là đồng điều tra viên và đồng tác giả của các ấn phẩm phát hành năm 2006 và 2016 có tên "Báo cáo về Cuộc điều tra các cáo buộc Trung Quốc mổ cướp tạng sống của các học viên Pháp Luân Công""Thu hoạch Đẫm máu/Đại thảm sát: Bản cập nhật". Báo cáo này xác nhận rằng ĐCSTQ đã mổ cướp nội tạng trên quy mô lớn từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.

Sau khi điều tra, ông Matas kết luận rằng hoạt động thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống của ĐCSTQ là một “tội ác chưa từng có trên hành tinh này”.

Những phát hiện trên đã được xác nhận bởi nhiều cuộc điều tra độc lập. Vào tháng 3/2020, Tòa án Trung Quốc (China Tribunal), một tòa án nhân dân độc lập được thành lập bởi Liên minh quốc tế về Chấm dứt nạn lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc (ETAC), đã đưa ra phán quyết cuối cùng bằng văn bản. Trong đó kết luận rằng: “Việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng người (từ người còn sống) đã và đang xảy ra trên quy mô lớn trên khắp Trung Quốc trong nhiều năm, các học viên Pháp Luân Công là một nguồn – và có lẽ là nguồn chính – cung cấp nội tạng người”.

Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là môn tu luyện tuân theo tiêu chuẩn “Chân - Thiện - Nhẫn”, và kết hợp với năm bài công pháp, có thể mang lại lợi ích cho con người về thể chất và tinh thần. Môn này đã trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1990. Trước khi bị chính quyền Trung Quốc bức hại, ước tính có khoảng 70 - 100 triệu người Trung Quốc đang tập Pháp Luân Công. ĐCSTQ cho rằng môn tu luyện phổ biến này đang đe dọa sự kiểm soát của đảng nên đã phát động chiến dịch "tiêu diệt Pháp Luân Công" kể từ năm 1999 cho tới nay.

Phán quyết trên còn cho biết: "Một tình huống [xuất hiện] khá gần đây là [ĐCSTQ] tập trung đàn áp và xét nghiệm y tế đối với người Duy Ngô Nhĩ". Cũng có nghĩa là, các mục tiêu bị thu hoạch nội tạng sống cũng đang được mở rộng sang các nhóm dễ bị tổn thương và các đối tượng bị đàn áp khác.

Để chống lại nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ, Hoa Kỳ cũng đang trong quá trình lập pháp. Vào ngày 27/3/2023, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua "Đạo luật Chấm dứt Mổ cướp Nội tạng năm 2023". Dự luật này hiện đang chờ Thượng viện thông qua và chữ ký của Tổng thống thì mới bắt đầu có hiệu lực.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

20 quốc gia đã thông qua luật chống lại nạn thu hoạch nội tạng sống ở Trung Quốc