Bắc Kinh sẽ đá Tesla ra khỏi Trung Quốc sau khi hút hết chất xám

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nokia và Ericsson của châu Âu từng chiếm thị phần lớn tại Trung Quốc, nhưng cuối cùng cũng bị các công ty nội địa đoạt ngôi.

Ông Robert Atkinson chủ tịch Quỹ Đổi mới và Công nghệ thông tin có trụ sở tại Washington cho biết, chiến lược quốc gia về cưỡng bức chuyển giao công nghệ của Bắc Kinh có nghĩa là, Tesla cuối cùng sẽ bị hất khỏi thị trường Trung Quốc, giống như số phận của các công ty từ phương Tây khác trong quá khứ.

"Rốt cuộc thì, chiến lược này khá rõ ràng. Đó là họ sẽ lợi dụng bạn và sau đó hất bạn sang một bên", ông Atkinson chia sẻ.

"Tôi tin rằng, chiến lược của Trung Quốc đối với Tesla là: Này, chúng ta sẽ thu được một số lợi ích từ Tesla. Nhưng rốt cuộc thì, chúng ta muốn các công ty của Trung Quốc chúng ta như là Geely và các nhà sản xuất xe điện khác thống trị không chỉ thị trường Trung Quốc, mà còn rất nhiều thị trường trên thế giới", ông cho biết thêm.

Chính quyền Trung Quốc nổi tiếng với việc yêu cầu các công ty nước ngoài liên doanh với các công ty Trung Quốc để lấy được bí quyết, công nghệ có giá trị, và tài sản trí tuệ của họ. Rất nhiều những công ty Trung Quốc đó đều được hậu thuẫn bởi chính quyền.

Tesla dường như đã tránh được rủi ro như vậy khi vào năm 2018, hãng này trở thành nhà sản xuất ô tô nước ngoài đầu tiên thành lập nhà máy thuộc sở hữu hoàn toàn của mình tại Trung Quốc, mà không có công ty Trung Quốc làm đối tác. Nhà máy đặt tại Thượng Hải này bắt đầu sản xuất Tesla Model 3 vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, ông Atkinson cho biết, Bắc Kinh nhận được "chuyển giao công nghệ trực tiếp hoặc gián tiếp" từ Tesla. Hơn nữa, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc cũng được hưởng lợi vì một số công nhân hiện tại của Tesla cuối cùng cũng sẽ chuyển việc, và làm việc cho các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc, ông nói thêm.

Ví dụ, ông Atkinson nói đến hai công ty viễn thông châu Âu là Nokia và Ericsson, chỉ ra rằng hai công ty này từng chiếm thị phần lớn tại Trung Quốc, trước khi nhường chỗ cho các đối thủ chủ nhà là ZTE và Huawei.

"Tôi nghĩ đó là những gì chúng ta sẽ thấy [xảy ra với Tesla] vào một lúc nào đó. Câu hỏi thực sự là, [nó sẽ xảy ra sau] bao lâu?", ông Atkinson nói.

Ông Atkinson cho biết, có lẽ điều quan trọng hơn đối với tất cả các công ty nước ngoài là, Trung Quốc không hề từ bỏ các phương pháp tiếp cận công nghệ phương Tây của mình hiện nay.

Ông cảnh báo: "Chuyển giao công nghệ cưỡng bức, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, thu thập kiến ​​thức, dù bạn muốn gọi nó là gì, vẫn sẽ là một phần cốt lõi của nền kinh tế Trung Quốc trong ít nhất một hoặc hai thập kỷ nữa".

Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên tinh vi hơn, nhanh chóng đuổi sát Mỹ trong 20 năm qua, theo xếp hạng toàn cầu về mức độ phức tạp kinh tế của Phòng Thực nghiệm Tăng trưởng của Đại học Harvard. Thứ hạng cao hơn trên Chỉ số mức độ phức tạp kinh tế (ECI) cho thấy, một quốc gia xuất khẩu hàng hóa đa dạng và phức tạp hơn.

Năm 2000, Trung Quốc đạt vị trí thứ 39 theo Chỉ số mức độ phức tạp kinh tế (ECI), trong khi Mỹ là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới. Năm 2019, Trung Quốc thăng lên vị trí thứ 16, trong khi Mỹ rơi xuống vị trí thứ 11. Nhật Bản luôn đứng đầu từ năm 2000 đến 2019.

Để đảo ngược xu hướng này, ông Atkinson cho biết, Đạo luật Đổi mới và Cạnh tranh của Mỹ (USICA) một dự luật được Thượng viện thông qua vào tháng 6 năm ngoái là một phần quan trọng để tăng cường năng lực của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Nếu được ban hành, dự luật sẽ cho phép khoảng 190 tỉ USD được chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển khoa học, và 52 tỉ USD tài trợ nhằm thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ - những con chip bé tí mà là nguồn sống cho mọi thứ từ điện thoại thông minh, xe ô tô điện, cho đến tên lửa.

Dự luật này vẫn cần được Hạ viện thông qua. Tháng 11/2021, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer đã đưa ra một tuyên bố chung, công bố một thỏa thuận lưỡng viện về việc bàn bạc Đạo luật Đổi mới và Cạnh tranh của Mỹ (USICA).

Theo ông Atkinson, có thể sẽ có một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào tháng tới.

Chính phủ Mỹ có thể làm nhiều hơn nữa, chẳng hạn như, không cho phép một số công ty tiếp cận thị trường Mỹ — những công ty Trung Quốc mà được cho là đã hưởng lợi từ hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, hoặc hưởng các khoản trợ cấp lớn từ chính phủ [Trung Quốc].

Năm 2018, một cuộc điều tra của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) theo "Điều 301" (Tiêu đề III của Đạo luật Thương mại năm 1974, 19 U.S.C. §§2411-2420) cho thấy, các khoản trợ cấp quá mức của chính phủ Trung Quốc, và hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ là hai trong số những hành vi buôn bán bất hợp pháp của Trung Quốc.

Điều đó đã thúc đẩy chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, và việc ký kết một thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng 01/2020. Theo thỏa thuận, Trung Quốc đồng ý mua thêm ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong giai đoạn 2020 và 2021, và chấm dứt cưỡng bức chuyển giao công nghệ.

Ông Atkinson nói: "Tôi nghĩ rằng tóm lại là, những gì chúng ta phải làm ở Mỹ là, phải bắt đầu chạy nhanh hơn". "Nếu chúng tä không làm thế, thì tôi nghĩ về cơ bản, chúng ta xong phim rồi".

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh sẽ đá Tesla ra khỏi Trung Quốc sau khi hút hết chất xám