Bộ Công an Trung Quốc thí điểm 'thẻ căn cước công dân Internet’ ở Quảng Đông và Phúc Kiến

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Thẻ căn cước công dân (CCCD) Internet” được công bố tại Hội chợ triển lãm Ánh sáng Internet 2020 (Light of the Internet Expo) ở Ô Trấn, Trung Quốc, đã gây ra nhiều tranh cãi. Nhà cầm quyền Trung Quốc cho rằng phương thức này sẽ giúp bảo vệ quyền riêng tư, nhưng dư luận ở nước ngoài lo ngại rằng chính quyền sẽ lợi dụng điều này để tăng cường giám sát và hạn chế trên Internet.

Từ ngày 22-24/11 theo giờ địa phương, Hội chợ triển lãm Ánh sáng Internet đã được tổ chức tại trấn Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang. Các kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố rằng, Hội chợ triển lãm này trưng bày nhiều công nghệ kỹ thuật số mới, cùng các sản phẩm mới và ứng dụng mới, bao gồm cả "Thẻ CCCD Internet”.

Theo truyền thông Đại lục, "thẻ CCCD Internet” là một "chứng chỉ nhận dạng uy tín trên mạng Internet", do một viện nghiên cứu thuộc Bộ Công an Trung Quốc phát triển. Những người đăng ký loại thẻ công dân Internet này cần cung cấp cho cơ quan công an dữ liệu sinh học và dữ liệu cá nhân như khuôn mặt, dấu vân tay và chip thẻ CCCD. Sau khi cơ quan công an xác minh xong sẽ phát cho công dân qua nền tảng xác thực danh tính đáng tin cậy “Internet +” (nền tảng CTID). Khi cư dân mạng mở hoặc sử dụng các dịch vụ trực tuyến như ứng dụng di động (app)..., họ có thể sử dụng “thẻ CCCD Internet” thay vì nhập thông tin nhận dạng để xác thực. Hiện tại, “thẻ CCCD Internet” đã chính thức được thí điểm tại một số nơi như Phúc Kiến, Quảng Đông...

Thẻ CCCD (trái) và thẻ CCCD Internet (phải). (Ảnh chụp màn hình Weibo)
Thẻ CCCD (trái) và thẻ CCCD Internet (phải). (Ảnh chụp màn hình Weibo)

Các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ nói rằng, “thẻ CCCD Internet” có thể "bảo vệ quyền riêng tư cá nhân" và ngăn chặn rò rỉ thông tin cá nhân trên mạng.

Tuy nhiên, đại đa số cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ về mục đích thực sự của loại thẻ này. Một số cư dân mạng lo lắng rằng “thẻ CCCD Internet” có khả năng sẽ trở thành "Giấy chứng nhận công dân tốt bản điện tử” để chính phủ tăng cường giám sát ngôn luận của cư dân mạng. Trong tương lai rất có thể chính quyền sẽ căn cứ vào ngôn hành của cư dân mạng để xét duyệt tư cách dùng mạng Internet của họ.

Nhà quan sát Internet Cổ Hà (Gu He) nói với Epoch Times rằng, ĐCSTQ đang thúc đẩy để áp dụng phương thức quản lý đối với các quán Internet lên mọi người dân trong toàn xã hội. Mục tiêu của chính quyền là tăng cường kiểm soát luồng thông tin hơn nữa.

"Ở Trung Quốc, bạn phải có thẻ căn cước và thẻ internet để truy cập mạng tại bất kỳ quán Internet nào. Thẻ Internet phải là loại thẻ được cơ quan công an phê duyệt. Khi lên mạng, bạn phải đăng nhập, quét mã và sau đó truy cập mạng trên số máy được chỉ định. Thẻ CCCD Internet đang được thử nghiệm chính là áp dụng biện pháp quản lý đối với quán Internet vào gia đình hoặc mỗi cá nhân”, ông Cổ cho biết.

Ông Cổ Hà nói rằng: “Thực tế, bây giờ muốn kiểm tra tình hình lên mạng của một gia đình hay một cá nhân thì chỉ cần tra địa chỉ IP là biết, chỉ có điều làm như vậy thì hơi phiền phức một chút. Nhưng sử dụng thẻ CCCD Internet thì không cần căn cứ vào địa chỉ IP nữa, quét mã QR trên thẻ là nắm được toàn bộ hành tung trên mạng của một người. Bạn có thể nhanh chóng tìm ra nơi họ truy cập Internet và sử dụng địa chỉ IP nào, tra rất nhanh".

Về vấn đề này, một số cư dân mạng cho rằng: "Xã hội loài người sẽ bước vào kỷ nguyên toàn trị kỹ thuật số, kỷ nguyên này đáng sợ hơn nhiều so với ‘1984'!". (“1984” là tên một tiểu thuyết phát hành năm 1949 của nhà văn người Anh George Orwell. Bối cảnh trong tiểu thuyết được đặt ở miền đất Airstrip One của siêu nhà nước Oceania. Trong thế giới hư cấu này, chiến tranh xảy ra liên miên, chính phủ theo dõi và dò xét sát sao, việc tẩy não diễn ra công khai.)

Cũng có cư dân mạng nói: “Đây có lẽ là cách để công an đẩy nhanh việc thu thập thông tin, chẳng khác gì trại tập trung số hóa”; hay “Có vẻ như ĐCSTQ muốn biến Trung Quốc thành nhà tù Internet, không những muốn bồi cao tường lửa, mà còn nâng cao về mặt vật lý. Điều này có thể là để đối phó với ý định lật đổ tường lửa trong tương lai của Mỹ!".

Ông Đổng Quảng Bình (Dong Guangping), một nhà hoạt động công ích dân chủ ở Đại lục, nói với Epoch Times rằng, biện pháp này là nhằm kiểm soát quyền truy cập vào Internet của mọi người, “đó là để nắm bắt thông tin nhận dạng của bạn, vì khi đăng ký ứng dụng của nó (ĐCSTQ), bạn phải đăng ký bằng tên thật của mình. Chính phủ tuyên truyền rằng phương thức này sẽ không tiết lộ thông tin danh tính, thực ra chỉ là một cách nói che mắt nhằm chuyển dịch sự chú ý của mọi người, (trên thực tế) mục đích chính của nó là theo dõi tất cả mọi người".

Điều này giống như đang xây một "bức tường" khác, “chỉ cần bạn truy cập mạng, bạn sẽ phải đăng ký ứng dụng (của nó) và phải thông qua ứng dụng của nó mới có thể lên mạng, nếu không, sẽ không kết nối Internet được. Vậy bạn là ai? Dùng mạng gì? Vị trí của bạn ở đâu? v.v., bạn bị kiểm soát rất kỹ càng. Dù bạn ở đâu trên toàn quốc, nó đều có thể kiểm soát việc lên mạng một cách toàn diện và nghiêm ngặt mọi lúc mọi nơi. Thủ đoạn này của ĐCSTQ là vô cùng tà ác".

Mục đích của ĐCSTQ là kiểm soát thông tin gắt gao hơn nữa. Ông Đổng Quảng Bình cho biết: “Nếu mọi người có thể tiếp cận nhiều thông tin nước ngoài hơn. Sau khi biết sự thật, họ chắc chắn sẽ phẫn nộ và phản đối ĐCSTQ. Vì vậy, nó sẽ không cho phép bạn nhìn thấy sự thật. (Sau này) nó sẽ không cần phải đến tận nhà để tìm bạn, mà sẽ khống chế trực tiếp trên ứng dụng và bạn sẽ bị hạn chế, bị ngắt kết nối hoặc bị trừng phạt không cho phép lướt Internet trong vài ngày, quả là xấu xa".

Ông Đổng nói rằng, mọi người cũng không cần phải lo lắng, ĐCSTQ có phong tỏa thế nào chăng nữa, thì “cũng sẽ có cách, trước kia là dùng phần mềm vượt tường lửa VPN, sau đây rồi sẽ lại xuất hiện phần mềm khác đối kháng lại ứng dụng này. Ngoài ra, còn có nhiều công ty nước ngoài ở Trung Quốc, họ sẽ phải sử dụng VPN để vượt tường lửa, ĐCSTQ làm như vậy cũng sẽ khiến các công ty này không hài lòng và phản đối, thậm chí là bỏ đi".

Nhà quan sát Internet Cổ Hà cũng nhận định rằng, hiện tượng này cho thấy ĐCSTQ rất sợ các luồng thông tin trên Internet, “bởi vì thông tin tự do có nghĩa là những tội ác trong quá khứ, hiện tại và dự định sẽ làm trong tương lai của ĐCSTQ đều sẽ bị phơi bày, sức mạnh của sự thật là vô cùng lớn mạnh, vì vậy ĐCSTQ phải kiểm soát hành vi trên mạng của mọi người, đây cũng là một biểu hiện cụ thể cho thấy nó đang tiến đến suy tàn".

Đài Á Châu Tự Do (RFA) trích dẫn phân tích cho biết, trong những năm gần đây, ĐCSTQ liên tục tăng cường giám sát thông tin mạng và truyền thông quốc gia, ngay trong năm nay, Bộ Công an Trung Quốc đã vi phạm quyền tự do liên lạc của mọi người với lý do "chống tội phạm viễn thông". Hệ thống công an của nước này với lực lượng cảnh sát Internet làm trung tâm cũng không ngừng phình to. Ngoại giới tin rằng, tình trạng chính quyền hạn chế công dân lên mạng Internet ở Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên toàn quốc hóa, bình thường hóa và thể chế hóa.

Có phân tích cũng chỉ ra rằng, các công nghệ liên quan đến việc thu thập các đặc điểm sinh học của công dân tồn tại những tranh cãi về mặt luân lý và cũng tiềm ẩn những rủi ro lớn về bảo mật, khó có thể đảm bảo rằng những cơ sở dữ liệu nhạy cảm này sẽ không bị tin tặc xâm nhập.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Bộ Công an Trung Quốc thí điểm 'thẻ căn cước công dân Internet’ ở Quảng Đông và Phúc Kiến