Cựu quân nhân Trung Quốc kể về việc bị lừa dối trở thành người ủng hộ Thảm sát Thiên An Môn 1989

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một người đàn ông từng thuộc Lực lượng Cứu hỏa Cảnh sát Vũ trang Bắc Kinh trong vụ Thảm sát Thiên An Môn đẫm máu ngày 04/06/1989 đang rất hối hận về những gì ông đã làm. Ông hiện là một nhà hoạt động nhân quyền.

Cuộc biểu tình và thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 được gọi là sự kiện Lục Tứ. Quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nổ súng vào sinh viên và dân thường - những người ủng hộ dân chủ không vũ trang - tại Quảng trường Thiên An Môn và các con đường lớn ở Bắc Kinh. Hàng chục nghìn người, theo các con số ước tính chưa đầy đủ, đã mất đi mạng sống sau 2 tháng biểu tình rầm rộ đòi quyền dân chủ và chống lại chế độ tham nhũng.

Ông Lý Minh (hóa danh) cho biết ông từng phục vụ trong Đội số 31 thuộc Đơn vị 14 của Lực lượng Cứu hỏa Cảnh sát vũ trang Bắc Kinh. Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc là một phần của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

“Vào thời điểm đó, Quân ủy Trung ương đã huy động một số đơn vị quân đội, bao gồm cả những đơn vị đóng quân ở Bắc Kinh, và lực lượng cảnh sát vũ trang chúng tôi”, ông Lý kể lại. “Chúng tôi nhận được lệnh sẵn sàng tham gia hành động quân sự để 'bình định bạo loạn' bất cứ lúc nào”.

Cựu quân nhân Trung Quốc hối hận vì đã ủng hộ Bắc Kinh thảm sát Thiên An Môn năm 1989
Một xe bọc thép chở quân đang bốc cháy gần Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/06/1989. (Ảnh: Tommy Cheng/AFP/Getty Images)

“Lệnh đưa ra cho Lực lượng Cứu hỏa của chúng tôi là chúng tôi được phép ứng phó với các đám cháy dân sự, nhưng bị cấm xử lý các phương tiện quân sự bốc cháy, chẳng hạn như xe quân sự bọc thép”.

Ông Lý cho biết vào sáng ngày 04/06, đội của ông nhận được thông báo về một vụ hỏa hoạn khẩn cấp. Một chiếc xe bọc thép của quân đội đã bốc cháy ở quận Môn Đầu Câu (Mentougou) của Bắc Kinh, với một người chết, một người bị thương nặng và 4 người bị thương nhẹ. Khi Lực lượng Cứu hỏa bắt đầu xuất phát, “chiếc xe cứu hỏa đã bị người quản lý chặn lại ngay khi nó vừa ra khỏi ga-ra”, ông nói.

Các phương tiện truyền thông của nhà cầm quyền Trung Quốc đã sử dụng các đoạn video quay cảnh phương tiện quân sự bốc cháy để biện minh cho việc chế độ này giết hại dân thường không có vũ khí và để bào chữa cho tuyên bố “bình định bạo loạn” của họ.

Khi biết được sự thật này, dù muộn màng, ông Lý nói rằng ông thật may mắn vì đã không bị cử tham gia cuộc tấn công dân thường tại Quảng trường Thiên An Môn.

Bị tẩy não bởi chiến dịch tuyên truyền

“Ban đầu, chúng tôi ủng hộ các sinh viên và công nhân biểu tình, nhưng trong khoảng thời gian từ ngày 23-26/05 năm đó, quan điểm của chúng tôi đã thay đổi”.

Ông Lý nói rằng đài truyền hình Bắc Kinh đã phát một đoạn video cho thấy một tân binh thuộc Quân đoàn Cảnh sát Vũ trang Bắc Kinh, khi đi từ Đại lộ Trường An đến khu Tây Đơn, đã bị những người biểu tình tách ra khỏi đội của tân binh này và bị đánh gục xuống đường.

“Sau khi xem đoạn video này, tất cả chúng tôi đều phẫn nộ, điều này đã thay đổi suy nghĩ của chúng tôi”. Ông Lý nói rằng đây là lý do tại sao họ tuân theo mệnh lệnh của cấp trên.

“Lúc đó, tôi kiên quyết ủng hộ Trung ương Đảng và chính phủ”.

Cựu quân nhân Trung Quốc hối hận vì đã ủng hộ Bắc Kinh thảm sát Thiên An Môn năm 1989
Xe tăng xuất hiện trên đường phố Bắc Kinh, 2 ngày sau vụ chính quyền Trung Quốc thảm sát sinh viên và dân thường ở Quảng trường Thiên An Môn, ngày 06/06/1989. (Ảnh: David Turnley/Getty Images)

Ông Lý cũng nói rằng sau ngày 04/06, tất cả các khóa đào tạo đã bị đình chỉ trong 3 tháng và quân đội phải trải qua “giáo dục hệ tư tưởng” cho đến tháng 9 năm đó.

“Chúng tôi, những đơn vị tuyến đầu không được phép cảm thông với sinh viên. Là quân nhân, chúng tôi phải thi hành kỷ luật”, ông nói. “Đó là lý do tại sao chúng tôi phải ‘chỉnh đốn’ để đạt được sự thống nhất về hệ tư tưởng”.

Năm 1990, sau 3 năm phục vụ, ông Lý quyết định giải ngũ.

“Sau khi giải ngũ, tôi không thể thích nghi với xã hội vì những gì chúng tôi được dạy trong quân đội hoàn toàn xa lạ với thực tế xã hội”, ông nói.

Hoạt động nhân quyền

Năm 2004, làng của ông Lý bị chính quyền cưỡng chế phá dỡ để xây dựng đường sắt; mức bồi thường người dân nhận được là cực kỳ vô lý. Kể từ đó, ông dấn thân vào hành trình khiếu kiện; ông nộp đơn lên chính quyền cấp trên về những việc làm sai trái của chính quyền địa phương; ông cất tiếng nói bảo vệ quyền lợi của bản thân và dân làng. Ông Lý trở thành một “nhân vật nhạy cảm” trong con mắt của chính quyền.

Cựu quân nhân Trung Quốc hối hận vì đã ủng hộ Bắc Kinh thảm sát Thiên An Môn năm 1989
Cựu chiến binh Trung Quốc ở Côn Minh kháng cáo trước văn phòng tỉnh, ở Vân Nam, Trung Quốc, ngày 28/06/2011. (Ảnh: Civil Rights and Livelihood Watch)

Ông Lý cho biết kinh nghiệm 10 năm đấu tranh cho quyền lợi của dân làng đã cho ông thấy được nhiều sự thật. Ông hoàn toàn vỡ mộng với ĐCSTQ; chính điều này đã khiến ông suy ngẫm về vụ Thảm sát Thiên An Môn.

Ông nói: “Khi tôi nhìn lại tấm huân chương ‘dẹp loạn phản cách mạng’ và nghe người ta nói rằng tôi có công trong vụ việc đó, tôi đã nói rằng tôi có tội, vì tôi đã chống lại nhân dân”.

“Vào thời điểm đó, tôi đã kiên quyết ủng hộ Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và chính quyền. Nhưng hôm nay, 30 năm sau, tôi có thể thấy rằng các sinh viên và công nhân đã đúng, và tôi đã sai”.

Theo ông Lý, những thông tin về vụ Thảm sát Thiên An Môn cần được làm cho đúng lại. “Điều gì sai là sai; điều gì đúng là đúng. Trong hoàn cảnh lúc đó, chúng tôi từng không biết hành động của mình là đúng hay sai”.

Ông Lý hiện đang đấu tranh để bảo vệ phúc lợi cho những cựu quân nhân như ông.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cựu quân nhân Trung Quốc kể về việc bị lừa dối trở thành người ủng hộ Thảm sát Thiên An Môn 1989