Giới trẻ Trung Quốc đang hướng về Thần Phật, nhưng lại bị chính quyền chỉ trích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những năm gần đây, chùa chiền ở Trung Quốc dần trở thành điểm đến yêu thích vào cuối tuần của những người trẻ tuổi. Cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc đã đăng bài chỉ trích rằng giới trẻ không phấn đấu mà lại vào chùa cầu Thần khấn Phật. Nhưng lời chỉ trích này đã bị cư dân mạng phản bác.

Gần đây, theo dữ liệu từ Ctrip, một nền tảng bán vé trực tuyến ở Trung Quốc, kể từ tháng Hai năm nay, thế hệ 9x và 2000 đã chiếm gần 50% số người đặt vé tới các danh lam thắng cảnh chùa chiền. Những người trẻ tuổi đang trở thành lực lượng chính trong các chuyến du lịch tới chùa.

Không giống như những người về hưu có quỹ thời gian linh hoạt hơn, người trẻ tuổi thường chọn dịp cuối tuần để đi chùa. Dữ liệu từ Ctrip cho thấy kể từ đầu năm nay, lượng đặt vé tới các danh lam thắng cảnh liên quan đến chùa chiền đã tăng 310% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về vấn đề này, tờ Tân Kinh Báo (The Beijing News) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng một bài bình luận vào ngày 21/3 nói rằng, những người trẻ tuổi ngày nay cũng đang phải đối mặt với không ít áp lực, chẳng hạn như tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học, tìm một công việc tốt, hay thoát khỏi tình trạng độc thân… Trước những áp lực này, giới trẻ đang tìm kiếm một cách khác để giải tỏa căng thẳng và chuyển rời sự lo lắng, họ đã chọn những ngôi chùa mờ mịt nhang khói và trang nghiêm.

Tuy nhiên, bài báo lại viết rằng: "Dù sao thì cầu Thần khấn Phật cũng không đáng tin cậy”. "Nếu người trẻ tuổi quá sa đà, coi lực lượng siêu tự nhiên là lời giải đáp, mà từ bỏ nỗ lực tự thân, từ bỏ những phấn đấu trong thế giới hiện thực, e rằng sẽ thành được cái nhỏ mà mất cái lớn”.

Bài bình luận trên The Beijing News đã bị nhiều cư dân mạng phản bác lại:

"Giá cả sinh hoạt không ngừng tăng, nỗ lực phấn đấu mà tiền lương mãi cũng không tăng, liệu phấn đấu rồi cuộc sống có tốt đẹp hơn chăng? Nếu tiết kiệm được 5.000 tệ mà sinh hoạt hết 50.000, nếu tằn tiện tích được 10.000 tệ mà phải chi tới 100.000, liệu phấn đấu rồi cuộc sống có tốt đẹp hơn không?".

"Khi niềm tin đã tan vỡ, chỉ có thể thay một tín ngưỡng khác. Không thể bắt người khác mãi tin vào các ông phải không? [Các ông] thực sự tưởng rằng có thể kiểm soát suy nghĩ của mọi người sao?".

"Bởi vì những người trẻ tuổi đã hiểu ra từ sớm, ban bệ (ý chỉ có người chống đỡ) quan trọng hơn nỗ lực tự thân, việc được đầu thai vào nhà nào quan trọng hơn phấn đấu cá nhân, vận may quan trọng hơn thực lực".

"Kẻ ăn no kễnh lại bảo với người đói bụng rằng đừng ăn nhiều quá, nhưng người ta còn chưa được ăn mà? Cơ quan ngôn luận lấy quyền gì mà chỉ tay năm ngón vào niềm tin, tín ngưỡng và hành vi của người khác?"

"Nếu đi học, đi làm, nỗ lực vươn lên mà thật sự hữu dụng thì người ta còn phải đi thắp hương làm gì? Thay vì nghĩ xem tại sao người trẻ lại nằm thẳng, lại hướng tới Thần Phật, họ lại chỉ trích một cách trịch thượng".

"Nằm thẳng" là một thuật ngữ phổ biến trên Internet Trung Quốc từ năm 2021. Trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh thi hành chính sách Zero Covid cực đoan khiến nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, người dân bị cùm chân không thể đi lại làm ăn, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao… “nằm thẳng” là cách để những người trẻ tuổi thuộc thế hệ 9x và 2000 bày tỏ thái độ thất vọng với hiện thực, thay vì kiên trì phấn đấu và chạy theo kỳ vọng của xã hội.

"Nằm thẳng" được coi là một cách để chống lại vòng xoáy của xã hội, cụ thể là họ không mua nhà, không mua xe, không yêu đương, không kết hôn, không sinh con, tiêu dùng ở mức thấp, duy trì mức sống tối thiểu, và từ chối làm cỗ máy kiếm tiền cho giới tư bản Trung Quốc, từ chối làm nô lệ bị tư bản Trung Quốc bóc lột.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giới trẻ Trung Quốc đang hướng về Thần Phật, nhưng lại bị chính quyền chỉ trích