Hé lộ mưu đồ đằng sau các động thái gần đây của ĐCS Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các khoản đầu tư tại nước ngoài của Trung Quốc sẽ bị phong tỏa nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết định thực hiện một tội ác quốc tế, như giúp Moscow hay xâm lược Đài Loan. Do vậy, ĐCSTQ đã sớm hành động để đề phòng các biện pháp trừng phạt.

Trong khi cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn đang diễn ra gay gắt, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất quan tâm đến các diễn biến của cuộc chiến, đặc biệt là việc hủy bỏ quyền tiếp cận các khoản đầu tư nước ngoài của Nga, gồm cả khoản ngoại tệ mạnh - được xem là có thể dùng để hỗ trợ cuộc xâm lược.

Trung Quốc cũng đầu tư vào các tài sản ở nước ngoài, bao gồm 3,2 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối mà họ đã cố gắng bán ra trong vài tháng qua.

Việc sử dụng các loại tiền này cần có sự hợp tác của các cơ quan quản lý ngân hàng tại các quốc gia sở tại. Các khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ bị mất mát nếu ĐCSTQ quyết định thực hiện một tội ác quốc tế, như giúp Moscow nhiều hơn hay tiến hành xâm lược Đài Loan.

Rõ ràng là, vì mục tiêu đó, ĐCSTQ đang tích trữ các mặt hàng như dầu và ngũ cốc; cố gắng khiến nền kinh tế trong nước tự chủ bằng cách giữ chuỗi cung ứng ở phạm vi trong nước và ở các quốc gia mà nước này tin tưởng; tách hệ thống tài chính của mình khỏi các nền dân chủ lớn, phát triển chiến lược kinh tế thông qua bắt chước mô hình của các nước khác và thực hiện các ‘bài kiểm tra đối mặt với áp lực’; cũng như hợp pháp hóa các khả năng chống lại các lệnh trừng phạt.

Bài báo vào ngày 03/05 của Financial Times chỉ ra rằng các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc đang làm suy yếu các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga thông qua việc ngấm ngầm mua dầu với mức chiết khấu cao. Theo Financial Times, đối tượng đứng ra thực hiện giao dịch mua của Trung Quốc đang chuyển từ các công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước sang các nhà máy lọc dầu độc lập nhỏ hơn “để tránh sự giám sát và khả năng trừng phạt của Mỹ”.

Vào ngày 04/05, cổ đông lớn nhất của ngân hàng HSBC đã kêu gọi tách các chi nhánh sinh lợi quan trọng nhất của hệ thống ở châu Á ra khỏi trụ sở chính ở Vương quốc Anh. Cổ đông ấy - một công ty bảo hiểm Trung Quốc - đã được bảo vệ khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Bắc Kinh đã trợ cấp hàng tỷ USD cho việc sản xuất chip máy tính, và đang thúc đẩy việc sản xuất ngũ cốc trong nước. Vào tháng 12, ông Tập nói: “Bát cơm của người Trung Quốc phải luôn được cầm chắc trong tay của họ, và chiếc bát ấy phải đựng ngũ cốc sản xuất ở Trung Quốc”.

Đây là tâm lý phòng thủ của một người có ý định phạm tội và chờ đợi việc có thể bị trừng phạt. Xét đến sự thật rằng ông Tập là nhà độc tài diệt chủng và quyền lực nhất thế giới, cùng với những nhân vật như Vladimir Putin của Nga và Kim Jong Un của Triều Tiên, các tội ác của họ thường được tính toán kỹ lưỡng và là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nhân loại.

ĐCSTQ không hề ăn năn về tội ác diệt chủng của họ. Sự ủng hộ của ĐCSTQ đối với Nga và Triều Tiên, và việc cổ súy đầy đạo đức giả đối với “kiểu quan hệ quốc tế mới” - mặc dù được che đậy bằng những lời hoa mỹ - đã phớt lờ các chuẩn mực dân chủ và nhân quyền của phương Tây để ủng hộ một thế giới xoay quanh Bắc Kinh. ĐCSTQ muốn phát triển quyền lực thông qua sự giúp đỡ của bất kỳ quốc gia nào đủ liều lĩnh tham gia.

Biện pháp đáp trả của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ có thể khiến nền kinh tế toàn cầu bị chia rẽ.

Chẳng hạn như trước vấn đề diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, Mỹ đang gia tăng sức ép lên Hikvision của Trung Quốc, nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới. Mặc dù Hikvision đã nằm trong "danh sách” có khả năng bị các công ty Hoa Kỳ từ chối mua hàng, Mỹ còn có thể áp đặt hình thức trừng phạt mới với hiệu lực trên phạm vi toàn cầu. Bất kỳ quốc gia nào trong số hơn 180 quốc gia hiện đang sử dụng camera của Hikvision đều có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ nếu họ tiếp tục mua hàng.

Tuy nhiên, các quốc gia và khu vực tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc của châu Âu có thể vi phạm "Luật chống trừng phạt của nước ngoài năm 2021" của Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Biden trước đây cho biết họ không yêu cầu các quốc gia khác đứng về phe nào, nhưng việc gia tăng các biện pháp trừng phạt và phản trừng phạt sẽ tạo ra một cú hích buộc họ phải ra tay.

Các hành động của ĐCSTQ đang hướng tới việc tách nền kinh tế nước này ra khỏi nền kinh tế thế giới một cách tốn kém. Bắc Kinh đang đặt chính quyền độc tài của mình vào một lộ trình đối đầu với các nền dân chủ. Sự bất tín lẫn nhau có thể dễ dàng vượt ra ngoài tầm kiểm soát và dẫn đến xung đột về mặt quân sự.

Cho Bắc Kinh thêm thời gian để chuẩn bị phòng thủ kinh tế là điều không nên xảy ra. Tốt hơn là chúng ta cần giảm thiểu rủi ro ngay từ bây giờ, trong khi chúng ta vẫn có sức mạnh với các biện pháp kinh tế cứng rắn hơn. ĐCSTQ đã phạm tội và đáng bị trừng phạt. Thay vì trì hoãn đối mặt, hãy hành động để giảm thiểu sức mạnh của ĐCSTQ, tránh để họ phạm nhiều tội ác quốc tế hơn nữa.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).

Thùy Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hé lộ mưu đồ đằng sau các động thái gần đây của ĐCS Trung Quốc