Hơn 5.300 học viên Pháp Luân Công Trung Quốc bị bức hại trong nửa đầu năm 2020

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một báo cáo từ trang Minghui.org, chỉ trong nửa đầu năm 2020, đã có 5.313 học viên Pháp Luân Công bị giam giữ và quấy nhiễu ở Trung Quốc.

Minghui.org là trang web cung cấp đầy đủ thông tin tài liệu về chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cổ xưa của Trung Quốc, bao gồm các bài tập khí công và tĩnh tọa, tập trung vào việc đề cao mỗi cá nhân dựa trên việc áp dụng nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày.

Kể từ khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, pháp môn này đã lan rộng khắp Trung Quốc với khoảng 70 triệu người tu luyện vào cuối thập kỷ 90, theo ước tính của chính phủ vào thời điểm đó. Cảm thấy bị đe dọa bởi sự phổ biến của Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã ra lệnh cấm người dân thực hành theo pháp môn này vào ngày 20/7/1999, đồng thời phát động một chiến dịch đàn áp mở rộng toàn diện đối với Pháp Luân Công.

Từ đó đến nay, rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ hoặc bị giam cầm do đức tin của họ. Theo ước tính của Trung Tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu học viên đã bị bắt giữ, và hàng trăm ngàn người đã bị tra tấn dã man.

Chỉ trong nửa đầu năm 2020, 2.654 người đã bị bắt giữ trái phép, trong đó 1.408 người đã trở về nhà còn 2 người thì trốn thoát; 2.659 học viên bị quấy rối, 77 người bị gửi đến các lớp học “tẩy não”, 1.687 học viên bị đột kích tại nhà và bị tịch thu vật dụng cá nhân, và 48 học viên bị buộc phải rời khỏi nhà, theo Minghui.org.

Trong số đó có 48 giáo viên và giáo sư. Ngoài ra còn có những người thuộc giới tinh anh của xã hội như một giám đốc chính phủ, kỹ sư, trưởng khoa bệnh viện, bác sĩ, cựu chiến binh cấp trung đoàn, kế toán, cán bộ ngân hàng và doanh nhân.

Các học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) tái hiện một cảnh các học viên Trung Quốc bị tra tấn, ngược đãi trong một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ở Đài Bắc vào ngày 20/7/2014 chống lại cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Pháp Luân Công. (Ảnh của Mandy Cheng / AFP qua Getty Images)
Các học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) tái hiện một cảnh các học viên Trung Quốc bị tra tấn, ngược đãi trong một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ở Đài Bắc vào ngày 20/7/2014 chống lại cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Pháp Luân Công. (Ảnh của Mandy Cheng / AFP qua Getty Images)

540 người trong số họ đã trên 65 tuổi, trong đó bao gồm:

  • 6 học viên trên 90 tuổi,
  • 140 học viên từ 80 đến 90 tuổi,
  • 278 học viên từ 70 đến 80 tuổi
  • và 116 học viên từ 65 đến 70 tuổi.

ĐCSTQ đã tịch thu trái phép tổng cộng hơn 2,8 triệu nhân dân tệ (khoảng 9,27 tỷ VNĐ) từ những nạn nhân này, trong đó cảnh sát đã tịch thu 2,47 triệu nhân dân tệ (khoảng 8,176 tỷ VNĐ)) từ các học viên và tòa án đã phạt họ 385.000 nhân dân tệ (khoảng 1,274 tỷ VNĐ).

Sau đây là một số ví dụ.

Một nữ học viên Pháp Luân Công tử vong khi bị bắt giữ

Sáng sớm ngày 18/6, hơn 30 học viên Pháp Luân Công đã bị cảnh sát địa phương tại thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc bắt cóc. Bà Han Yuqin 68 tuổi, là một trong số các nạn nhân.

Sau 6 giờ chiều hôm đó, gia đình nhận được thông báo từ phía cảnh sát về cái chết của bà Han. Khi các thành viên trong gia đình nhận được thi thể của bà Han, tóc bà rối tung và mũi bà có dính máu.

Theo Minghui.org, bà bị còng chặt trên ghế sắt trong nhiều giờ liền. Cảnh sát buộc bà phải ký một lá thư xác nhận từ bỏ đức tin của mình, nhưng bà từ chối làm theo yêu cầu này.

Vào buổi chiều, bà đi vào một phòng vệ sinh và ngất ngay tại chỗ. Bà đã qua đời khi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Quấy nhiễu học viên Pháp Luân Công

Học viên Xia Mingjin, 55 tuổi, là cư dân của thành phố Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây - một tỉnh không giáp biển ở phía đông Trung Quốc.

Các học viên Pháp Luân Công tham gia một buổi thắp nến cầu nguyện, kỷ niệm 20 năm bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, trên bãi cỏ phía Tây của Capitol Hill vào ngày 18/7/2019. (Samira Bouaou / The Epoch Times)
Các học viên Pháp Luân Công tham gia một buổi thắp nến cầu nguyện, kỷ niệm 20 năm bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, trên bãi cỏ phía Tây của Capitol Hill vào ngày 18/7/2019. (Samira Bouaou / The Epoch Times)

Vào tối ngày 3/4/2018, học viên Xia Mingjin đã bị cảnh sát địa phương dùng vũ lực bắt cóc khi bà đang giương cao một biểu ngữ của Pháp Luân Công. Bà bị kết án 2 năm tù giam. Sau khi trở về nhà vào ngày 3/4/2020, cảnh sát địa phương và cán bộ ĐCSTQ liên tục đến “thăm hỏi”, nhưng thực tế là để quấy nhiễu bà. Hàng tháng, bà bị yêu cầu phải đến trình diện với cảnh sát, lấy dấu vân tay, viết báo cáo về suy nghĩ của bản thân và cung cấp cỡ giày của bà. Bất cứ khi nào bà từ chối hợp tác, một cảnh sát tên là Tu sẽ gọi điện và quấy nhiễu chồng bà.

Tước quỹ hưu trí của học viên Pháp Luân Công

Tại thành phố Nam Xương, học viên Liu Yongying bị đánh và bị sa thải.

Học viên Liu Yongying là một giảng viên lâu năm tại một trường cao đẳng công tác xã hội tỉnh Giang Tây. Cô đã bị giam cầm liên tục trong 5 năm vì đức tin kiên định vào Pháp Luân Công. Vào ngày 3/4/2018, giảng viên Liu lại bị cảnh sát bắt cóc và bị kết án 2 năm tù giam. Do đó, cô đã bị sa thải khỏi vị trí giảng viên của mình và bị tước quỹ hưu trí.

Vào tháng 8/2020, Đại học Y khoa Tây Nam tại thành phố Lô Châu thuộc tỉnh Tứ Xuyên, đã giữ lại tiền hưu trí của học viên Tang Xuzhen, vốn là một giáo sư của trường đại học đã nghỉ hưu 9 năm. Nhà tế bào học 82 tuổi này trở thành mục tiêu bị chính quyền khủng bố chỉ vì đức tin của bà đối với Pháp Luân Công.

Vào ngày 3/6, bà Tang đã đến trường đại học để yêu cầu phục hồi quỹ hưu trí của mình. Tuy nhiên, trường đại học đã gọi cảnh sát tới và đuổi bà đi.

Vắt kiệt tài chính các học viên Pháp Luân Công

Vào tối ngày 26/6, học viên Ren Haifei đã bị cảnh sát địa phương bắt cóc tại thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh ở phía đông bắc Trung Quốc. Học viên Ren đã tập luyện Pháp Luân Công từ khi còn học đại học. Năm 2001, anh bị cảnh sát bắt cóc và bị kết án 7,5 năm tù giam. Anh cũng bị cưỡng chế thôi học đại học vì bị bức hại.

Gần đây nhất, cảnh sát đã cố tình đột nhập căn hộ của học viên Ren và lấy đi khoảng 500.000 nhân dân tệ (khoảng 1,65 tỷ VNĐ) tiền mặt từ nhà anh. Cảnh sát cũng cài đặt phần mềm định vị vào phương tiện cá nhân của Ren và cướp thêm 50.000 nhân dân tệ (khoảng 165 triệu VNĐ) tiền mặt mà anh cất giữ trong xe.

Cảnh sát đã giam giữ Ren trong trại giam Yaojia ở Đại Liên. Trung tâm giam giữ cấm học viên Ren gặp mặt luật sư của mình, viện cớ vì tình hình đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Học viên Pháp Luân Công mất tích

Tái dựng cảnh tra tấn đối với một học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công), thực hiện trong một sự kiện để kỷ niệm 6 năm bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công ngày 20/7/2005 tại Sydney Úc. (Ảnh của Ian Waldie / Getty Images)
Tái dựng cảnh tra tấn đối với một học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công), thực hiện trong một sự kiện để kỷ niệm 6 năm bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công ngày 20/7/2005 tại Sydney Úc. (Ảnh của Ian Waldie / Getty Images)

Học viên Yan Yixue bị bắt cóc vào năm 2018 và bị đưa đến một lớp tẩy não do trung tâm cai nghiện Thạch Hà Tử điều hành ở Tân Cương. Cô đã bị giam giữ gần một năm và phải chịu nhiều hình thức ngược đãi khác nhau như bị cảnh sát sỉ vả, xô đẩy và đánh đập, theo Minghui.org. Ngay khi cô tập luyện các bài tập Pháp Luân Công, chuông báo thức sẽ vang lên và một nhóm cảnh sát sẽ xông vào, tay cầm một thanh sắt để kéo cô ra và đánh cô.

Có một lần, học viên Yan bị còng chặt vào một chiếc ghế sắt trong gần nửa tháng, trong thời gian đó cô đã tuyệt thực để phản đối hình thức tra tấn dã man này.

Năm nay, Yan lại bị cảnh sát bắt cóc một lần nữa, ngay trước kỳ họp “Lưỡng Hội” của ĐCSTQ, diễn ra từ ngày 21/5 đến 22/5. Cô đã biệt tích kể từ đó.

Gần đây, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì liên quan đến hành vi vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương, nơi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác đang bị giam giữ và tra tấn.

Những quan chức thuộc ĐCSTQ đó bao gồm ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) - Bí thư Đảng Cộng sản khu vực Tân Cương, ông Chu Hải Luân (Zhu Hailun) - cựu Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp lý Tân Cương; ông Vương Minh Sơn (Wang Mingshan) - Bí thư Đảng ủy Cục Công an Tân Cương; và ông Huo Liujun, cựu Bí thư của Cục Công an Tân Cương. Văn phòng Công an Tân Cương cũng nằm trong danh sách trừng phạt.

Những quan chức này cũng tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hơn 5.300 học viên Pháp Luân Công Trung Quốc bị bức hại trong nửa đầu năm 2020