Khủng hoảng niềm tin, ông Tập lên tiếng gay gắt vì chính lệnh không ra khỏi Trung Nam Hải

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bài phát biểu gần đây tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã đề cập đến nhiều vấn đề như các cấp không tuân theo mệnh lệnh của chính phủ, v.v. Ông cũng đưa ra tuyên bố nghiêm khắc, rằng phải áp đặt kỷ luật thép, trừng phạt "những kẻ hành động liều lĩnh".

Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, bài phát biểu cho thấy ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin trong nội bộ ĐCSTQ. Ông chỉ có thể thắt chặt kỷ luật đảng hơn nữa để răn đe trấn áp. Tuy nhiên, ĐCSTQ cũng đang phải đối mặt với số phận tan rã và sụp đổ.

Vào ngày 9/1, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ hai và ông Tập Cận Bình có bài phát biểu như thường lệ. Ông đề cập rằng "cần tiếp tục duy trì tư tưởng nghiêm ngặt, biện pháp nghiêm ngặt và bầu không khí nghiêm ngặt trong thời gian dài", phải đảm bảo rằng "luôn có sự thống nhất về tư tưởng, thống nhất về ý chí và thống nhất về hành động".

Ông Tập Cận Bình còn đề cập đến cái gọi là "những vấn đề khó khăn độc nhất của đảng lớn". Đặc biệt, ông nói “cần phát hiện kịp thời, chính xác những vấn đề nổi cộm như có mệnh lệnh mà không thi hành, có lệnh cấm mà không dừng lại, làm việc có lựa chọn, hành động vô nguyên tắc, không theo quy định, bất chấp đại cục, che ô dù cho nhau, rập khuôn sao chép, từ trên xuống dưới cẩu thả qua quýt, v.v., phải thực sự quán triệt đánh thông các điểm nghẽn, điểm trì trệ, điểm vướng mắc”.

Quyền uy của ông Tập đang suy yếu?

Giáo sư Tống Quốc Thành (Song Guo-cheng) tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Chính trị Quốc lập (National Chengchi University) Đài Loan nói với The Epoch Times vào ngày 11/1 rằng, ông Tập Cận Bình hiện phải đối mặt với một danh sách dài các cuộc khủng hoảng. Chắc chắn rằng trong ĐCSTQ có rất nhiều ý kiến ​​​​về ông ta.

Ông Tống cho rằng, điểm quan trọng nhất trong bài phát biểu của ông Tập là nhấn mạnh vào sự thống nhất, đồng thời nói rằng cần kịp thời phát hiện các trường hợp có mệnh lệnh mà không thi hành, có lệnh cấm mà không dừng lại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok, Thái Lan vào ngày 19/11/2022. (JACK TAYLOR/AFP via Getty Images)

"Có thể nói, các mệnh lệnh của ông ấy không còn được thực hiện trên toàn quốc, do đó ông ấy kết luận rằng nhất định phải thống nhất việc lãnh đạo. Việc nhấn mạnh vào thống nhất có nghĩa là toàn bộ Trung Quốc đại lục đã không còn sự thống nhất, đã xuất hiện tình huống Tập Cận Bình hạ lệnh nhưng chính quyền các địa phương chống lại, thậm chí là theo cách tiêu cực.

"Nói cách khác, chính quyền hoặc cán bộ địa phương không còn quá e sợ quyền uy của Tập Cận Bình. Ông ấy đã mất khả năng lãnh đạo thống nhất toàn quốc, quyền lực của lãnh đạo tối cao đã bị suy yếu ở một mức độ nào đó.

"Nếu địa vị và quyền lực của Tập Cận Bình bị suy yếu, bản thân ĐCSTQ cũng sẽ bị suy yếu, thậm chí đối mặt với số phận tan rã và sụp đổ. Bởi vì, suy cho cùng, đó là một hệ thống lãnh đạo độc tài", ông Tống nói.

Chính sách Zero Covid bị đảo ngược đột ngột, quan chức nhiều nơi ‘nằm thẳng’

Giáo sư Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả luật tại Úc, nói với The Epoch Times vào ngày 11/1 rằng, việc thay đổi đột ngột chính sách phòng chống dịch bệnh Zero Covid đã dẫn đến hậu quả thảm khốc, thi thể chồng chất như núi, và nó giáng một đòn mạnh vào uy tín trị quốc của ông Tập Cận Bình.

Ông nói rằng, quyết định quay đầu đột ngột của Tập Cận Bình cũng khiến sự bất mãn lan rộng trong hệ thống quan trường ĐCSTQ. Quan chức các cấp càng nằm thẳng và bỏ bê công việc, càng đi xuống cơ sở, hiện tượng chểnh mảng chính sự càng nghiêm trọng. Họ dùng cách này để bày tỏ sự bất mãn trước động thái quay ngoắt 180 độ của chính quyền trung ương. Ông Tập đang nói rằng phải ngăn chặn hiện tượng chính lệnh không ra khỏi Trung Nam Hải, cũng chính là để giải quyết cuộc khủng hoảng “nằm thẳng” trong giới quan chức.

Một người đàn ông đứng trước khu vực phong tỏa, nơi các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nằm trên giường bệnh đặt tại sảnh của Bệnh viện Nhân dân số 5 Trùng Khánh ở thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 23/12/2022. (NOEL CELIS/AFP via Getty Images)

Vào đầu tháng 12 năm ngoái, chế độ Bắc Kinh bất ngờ từ bỏ chính sách Zero Covid sau ba năm và bắt đầu tự do hóa hoàn toàn công tác phòng chống dịch bệnh. Chính phủ đã không có bất kỳ sự chuẩn bị nào, và chỉ nằm im để làn sóng lây nhiễm bùng phát. Song hành cùng nó là tình trạng thuốc men khan hiếm, bệnh viện quá tải, nhiều người tử vong và hàng dài người xếp hàng chờ hỏa thiêu tại các lò hỏa táng.

Nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc, ông Ngô Kính Liễn (Wu Jinglian), đã cảnh báo chính quyền ĐCSTQ trong một cuộc phỏng vấn với tờ Caixin vào ngày 19/12/2022 rằng, “phải tránh đi từ cực đoan này sang cực đoan khác”.

Nguyên nhân sâu xa của ‘nằm thẳng’: Trung ương bỏ mặc nợ địa phương

Giáo sư Viên nói rằng, đằng sau hành vi chểnh mảng chính sự của các quan chức địa phương là một vấn đề lớn hơn, đó là tài chính địa phương các nơi đang lâm vào cảnh giật gấu vá vai.

Ông cho hay, một số nguồn tin đáng tin cậy trong ĐCSTQ tiết lộ rằng, “công chức cấp quận, huyện trở xuống ở một số nơi chỉ có thể nhận được nửa tháng lương. Trong hoàn cảnh như vậy, hiện tượng công chức nằm thẳng, bỏ bê công tác càng phổ biến, nguy cơ chính trị của ĐCSTQ lại càng lớn”.

Cuối tuần này Trung Quốc lộ diện Ban chấp hành Trung ương khóa mới
Các đại biểu ĐCSTQ vỗ tay khi ông Tập Cận Bình bước vào Đại lễ đường Nhân dân, nơi tổ chức lễ khai mạc Đại hội 20 hôm 16/10/2022. (Lintao Zhang/Getty Images)

Sau 3 năm thi hành Zero Covid, công chức nhiều nơi đăng tin nói rằng họ bị cắt giảm lương và không được trả lương. Bloomberg phân tích cho thấy, trong 11 tháng đầu năm ngoái, thâm hụt tài khóa của chính quyền ĐCSTQ các cấp lên tới gần 7 nghìn tỷ nhân dân tệ (1.044 tỷ USD), đạt mức cao kỷ lục.

Ngoài ra còn có một số liệu khác được tiết lộ hôm 4/1. Tài khoản WeChat công khai "Bingchuan Sixianghao" đăng một bài viết có tiêu đề "Xây dựng cơ bản ở địa phương đã nợ hơn 60 nghìn tỷ nhân dân tệ, cần một phép màu để hoàn trả". Trong đó tiết lộ, dư nợ tài chính đầu tư đô thị trong tháng cuối năm của các chính quyền địa phương Trung Quốc đã lên tới hơn 60 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 8.951 tỷ USD), tiềm ẩn rủi ro nợ khổng lồ cho hệ thống tài chính Trung Quốc.

Nhưng chính quyền trung ương đã từ chối giúp đỡ các địa phương. Tờ Tin tức Kinh tế Hàng ngày (National Business Daily) ngày 8/1 đưa tin, Bộ Tài chính Trung Quốc đã có công văn trả lời đề xuất của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Trong đó nhấn mạnh về “nguyên tắc trung ương không cứu trợ” rủi ro nợ địa phương và sẽ thực hiện “con ai nhà nấy lo”.

Giáo sư Tống Quốc Thành nói với The Epoch Times: "Bây giờ chính quyền địa phương đang thâm hụt tài chính, chính quyền trung ương không quan tâm và còn nói rằng con ai nhà nấy lo. Mà tài chính của trung ương vốn là do chính quyền địa phương nộp lên. Ngân khố các địa phương đã trống rỗng sau khi phải tiếp nhận chính sách Zero Covid sai lầm của trung ương, và giờ chính quyền trung ương nói rằng chúng tôi không quản, các anh hãy tự mình giải quyết.

“Vậy các địa phương cũng có thể nói rằng, chúng tôi nộp thuế lên cho các ông, bao giờ chính quyền trung ương gặp khủng hoảng tài chính thì các ông cũng tự mình lấp đầy lỗ hổng nhé! Trò chơi tài chính giữa trung ương và địa phương là một tín hiệu rất nguy hiểm. Chính quyền trung ương và địa phương vốn chung một thuyền, không phải chơi chung một bàn cờ trên toàn quốc sao? Bây giờ nó đã trở thành một bàn cờ hỗn loạn”.

Zero Covid đã khiến tài chính của các địa phương ở Trung Quốc trở nên cạn kiện, nay họ lại bị chính quyền trung ương bỏ rơi. (The Epoch Times)

Để giải quyết khủng hoảng niềm tin, ông Tập siết chặt dây cương

Cơ quan ngôn luận Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đã đăng tải 8 đoạn trong bài phát biểu của ông Tập, nhưng chỉ có một đoạn liên quan đến chống tham nhũng, trong khi phần còn lại nhấn mạnh vào "giám sát chính trị". Ông Tập nói, "giám sát chính trị" là một biện pháp mạnh mẽ để đốc thúc toàn đảng tuân thủ sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Ủy ban Trung ương Đảng.

Ông Tập cũng nhấn mạnh rằng sẽ trừng phạt "những kẻ hành động liều lĩnh". Đồng thời, phải điều tra, xử lý hành vi tham nhũng đan xen giữa vấn đề chính trị và kinh tế, ngăn chặn cán bộ lãnh đạo trở thành kẻ đại diện của các nhóm lợi ích và nhóm quyền lực, ngăn chặn quan chức và thương nhân cấu kết hay để tư bản thâm nhập vào lĩnh vực chính trị, v.v. Ông cũng nói rằng "những kẻ lừa đảo chính trị" "có hậu thuẫn” cũng nên bị trấn áp.

Học giả luật Viên Hồng Băng cho biết, trước đây mọi người nghĩ rằng Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ chủ yếu tập trung vào chống tham nhũng, nhưng trên thực tế, nó đã chuyển mũi tấn công sang các vấn đề chính trị. Mục đích của việc chuyển đổi này là để giải quyết cuộc khủng hoảng niềm tin trong đảng của ông Tập Cận Bình.

Ông Viên nói, để đối phó với các cuộc khủng hoảng niềm tin khác trong bộ máy quan liêu, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật và quy tắc trong đảng.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng niềm tin, ông Tập lên tiếng gay gắt vì chính lệnh không ra khỏi Trung Nam Hải