Lưỡng Hội Trung Quốc điểm danh 3 'đại hổ', nhưng còn giấu một tội danh khác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo của Tòa án và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc tại kỳ họp Lưỡng Hội vừa điểm danh lại ba con hổ lớn đã ngã ngựa. Đây đều là các quan chức trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngoài tội danh tham nhũng, họ còn có chung một tội ác khác ít được biết đến, nhưng vẫn luôn bị ĐCSTQ che giấu.

Vào ngày 8/3, báo cáo công tác của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết đã xử lý 23.000 vụ án tham nhũng, hối lộ, mua quan bán chức và 27.000 người đã bị đưa ra xét xử. Trong đó có 14 cựu quan chức trực thuộc quản lý của trung ương, bao gồm ông Vương Phú Ngọc (Wang Fuyu) – cựu Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh Quý Châu, ông Tần Quang Vinh (Qin Guangrong) – cựu Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, v.v.

Ngoài ra, báo cáo công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc cũng cho biết, năm ngoái có 20.754 người bị Ủy ban giám sát các cấp điều tra và 16.693 người đã bị truy tố. Trong đó có 23 cựu quan chức cấp tỉnh và cấp bộ, bao gồm ông Vương Lập Khoa (Wang Like) – cựu Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiêm cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của tỉnh Giang Tô, v.v.

Ngoài ông Tần Quang Vinh và ông Vương Phú Ngọc, 12 quan chức còn lại bị đưa ra xét xử bao gồm:

  1. Vương Dũng (Wang Yong), cựu Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh Hải Nam (chung thân, nhận hối lộ 90,47 triệu nhân dân tệ);
  2. Vu Chí Cương (Yu Zhigang), cựu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (nhận hối lộ hơn 6,91 triệu nhân dân tệ);
  3. Tạ Trường Quân (Xie Changjun), Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Quốc điện Trung Quốc (nhận hối lộ hơn 60,42 triệu nhân dân tệ);
  4. Bành Ba (Peng Bo), cựu Phó giám đốc Văn phòng "610" (nhận hối lộ hơn 54,64 triệu nhân dân tệ);
  5. Mông Vĩnh Sơn (Meng Yongshan), cựu Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Thanh Hải (nhận hối lộ hơn 21,12 triệu nhân dân tệ);
  6. Văn Quốc Đông (Wen Guodong), cựu Phó tỉnh trưởng tỉnh Thanh Hải (nhận hơn 19,91 triệu nhân dân tệ);

Trong đó, có một nửa số "hổ" bị xét xử đã nhận hối lộ hơn 100 triệu nhân dân tệ (hơn 360 tỷ VNĐ), bao gồm:

  1. Trần Cương (Chen Gang), cựu thành viên đảng tổ của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (bị kết án 15 năm, nhận gần 129 triệu nhân dân tệ tiền hối lộ);
  2. Triệu Cảnh Văn (Zhao Jingwen), cựu Giám đốc điều hành của Tập đoàn CITIC (18 năm tù, nhận hơn 191 triệu nhân dân tệ);
  3. Vân Công Dân (Yun Gongmin), cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Hoa Điện Trung Quốc (nhận hơn 469 triệu nhân dân tệ);
  4. Mã Minh (Ma Ming), cựu Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nội Mông (chung thân, nhận gần 160 triệu nhân dân tệ);
  5. Lưu Quốc Cường (Liu Guoqiang), cựu Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh Liêu Ninh (nhận hơn 350 triệu nhân dân tệ);
  6. Đổng Hồng (Dong Hong), cựu Phó Trưởng đoàn Kiểm tra Trung ương (nhận hơn 460 triệu nhân dân tệ);

Những tình tiết tham nhũng của ba "con hổ lớn"

Cả 3 “đại hổ” Vương Phú Ngọc, Tần Quang Vinh và Vương Lập Khoa đều xuất hiện trong bộ phim chuyên đề chống tham nhũng mang tên "Sám Hối" do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ phát hành vào giữa tháng Một năm nay.

Về Vương Phú Ngọc

Bộ phim chống tham nhũng đề cập đến việc, khi đang trong nhiệm kỳ, ông Vương Phú Ngọc đã sắp xếp để em trai và con trai ra mặt "hợp tác" với những người khác để kiếm tiền, còn bản thân thì chỉ đạo ở sau hậu trường. Vương cũng thu xếp để các chủ doanh nghiệp mua nhà và sắm nội thất cho ông ta ở Tam Á, Thâm Quyến và Quý Dương.

Quan chức Trung Quốc ngã ngựa: Vương Phú Ngọc. (Ảnh The Epoch Times tổng hợp)
Quan chức Trung Quốc ngã ngựa: Vương Phú Ngọc. (Ảnh The Epoch Times tổng hợp)

Bộ phim còn cho biết, Vương Phú Ngọc vẫn nhận tiền từ các chủ doanh nghiệp tư nhân cho đến vài ngày trước khi ông ta bị giam giữ. Vương có một biệt thự sang trọng lâu năm ở Quý Dương, nội thất cao cấp đều do một chủ doanh nghiệp có quan hệ thân thiết tài trợ. Trong biệt thự còn có phòng chiếu phim, phòng tập thể dục, trang trí nội thất đều tinh xảo.

Bộ phim nói rằng, Vương Phú Ngọc chơi golf từ khi nhậm chức cho đến khi nghỉ hưu. Vương thậm chí còn yêu cầu các chủ doanh nghiệp tư nhân thu xếp để ông ta đi máy bay riêng bay đi chơi golf khắp Trung Quốc.

Vào ngày 17/1/2022, Vương Phú Ngọc lĩnh án tử hình treo. Ông ta bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 450 triệu nhân dân tệ.

Về Tần Quang Vinh

Tần Quang Vinh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, bị kết án 7 năm tù vào ngày 19/1/2021. Ông ta bị cáo buộc đã nhận hơn 23,89 triệu nhân dân tệ tiền hối lộ từ năm 2000 đến năm 2018.

Bộ phim chống tham nhũng của ĐCSTQ nói rằng, sau khi Tần Quang Vinh lên nắm vị trí lãnh đạo, ông ta không ngừng nhận phong bì, bao gồm tiền mừng năm mới, tiền mừng thọ, “tiền trợ cấp” khi ra nước ngoài, và cả tiền mừng khi lên nhà mới hay có con trai, v.v.

Quan chức Trung Quốc ngã ngựa: Tần Quang Vinh. (Kho dữ liệu The Epoch Times)
Quan chức Trung Quốc ngã ngựa: Tần Quang Vinh. (Kho dữ liệu The Epoch Times)

Về cuộc sống, biệt thự của Tần Quang Vinh ở quận Thông Châu, Bắc Kinh có diện tích khoảng 1.200 mét vuông. Ông ta còn cho xây dựng "Tần gia Đại viện" ở quê nhà Vĩnh Châu, Hồ Nam, với tổng diện tích kiến trúc chính là 1.600 mét vuông.

Trước khi Tần Quang Vinh đầu thú, con trai duy nhất của ông ta là Tần Lĩnh (Qin Ling) đã bị điều tra. Tần Lĩnh từng là Giám đốc điều hành của một công ty niêm yết thuộc China Huarong. Sau khi cựu Chủ tịch China Huarong Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin) ngã ngựa, Tần Lĩnh cũng bị điều tra vào cuối năm 2018. Ngày 29/1/2021, Lại Tiểu Dân bị hành quyết, ông ta bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 1,788 tỷ nhân dân tệ và tham ô hơn 25,13 triệu nhân dân tệ.

Về Vương Lập Khoa

Vương Lập Khoa, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiêm cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của tỉnh Giang Tô, bị điều tra vào ngày 24/10/2020. Ngoài ra, vợ cũ của Vương là bà Hạ Quyên (Xia Juan), con gái, em trai Vương Lập Duy (Wang Liwei) và nhiều người thân khác của ông ta cũng bị điều tra.

Quan chức Trung Quốc ngã ngựa: Vương Lập Khoa. (Ảnh The Epoch Times tổng hợp)
Quan chức Trung Quốc ngã ngựa: Vương Lập Khoa. (Ảnh The Epoch Times tổng hợp)

Bộ phim truyện chống tham nhũng của ĐCSTQ tiết lộ rằng, "băng đảng chính trị" của cựu Thứ trưởng Công an Tôn Lực Quân (Sun Lijun) là các "con hổ lớn trong hệ thống chính trị và pháp luật", bao gồm:

  • Vương Lập Khoa, cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Giang Tô;
  • Đặng Khôi Lâm (Deng Huilin), cựu Giám đốc Công an thành phố Trùng Khánh;
  • Lưu Tân Vân (Liu Xinyun), cựu Giám đốc Công an tỉnh Sơn Tây;
  • Cung Đạo An (Gong Daoan), cựu Giám đốc Công an thành phố Thượng Hải.

Phim có đề cập đến việc Tôn Lực Quân nhận được khối tài sản hối lộ kếch xù. Kể từ năm 2011, Vương Lập Khoa đã có nhiều chuyến đi đặc biệt đến Bắc Kinh và những nơi khác để "vấn an" Tôn Lực Quân và tặng số quà lên đến hơn 90 triệu nhân dân tệ, bao gồm thẻ ngân hàng, đô-la Mỹ và cổ phiếu công ty.

Tôn Lực Quân nói rằng mỗi năm đều được Vương Lập Khoa tặng cho rất nhiều tiền của: “Ông ta đến Bắc Kinh khoảng 4-5 lần mỗi năm, và mỗi lần đều đưa tôi 300.000 USD, chúng được đặt trong một hộp hải sản nhỏ”.

Ba "con hổ lớn" còn một tội danh khác mà ĐCSTQ luôn che giấu

Ngoài tội tham nhũng, Tần Quang Vinh, Vương Phú Ngọc và Vương Lập Khoa còn có chung một tội danh khác. Đó là tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công là gì?

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cổ xưa của Trung Quốc, bao gồm các bài tập khí công và tĩnh tọa; tập trung vào việc đề cao mỗi cá nhân dựa trên việc áp dụng nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày.

Kể từ khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, môn tu luyện này đã lan rộng khắp Trung Quốc với khoảng 70-100 triệu người tu luyện vào cuối thập kỷ 90, theo ước tính của chính phủ Trung Quốc vào thời điểm đó. Cảm thấy bị đe dọa bởi sự phổ biến của Pháp Luân Công, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cấm người dân thực hành theo pháp môn này từ ngày 20/7/1999, đồng thời phát động một chiến dịch đàn áp toàn diện đối với Pháp Luân Công.

Từ đó đến nay, rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ hoặc bị giam cầm do đức tin của họ. Theo ước tính của Trung Tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu học viên đã bị bắt giữ, và hàng trăm ngàn người đã bị tra tấn dã man. Không chỉ ở Trung Quốc đại lục, cuộc bức hại còn được mở rộng ra nước ngoài.

Tần Quang Vinh tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Vân Nam

Ngay từ thời đâu, Tần Quang Vinh đã tích cực tham gia vào cuộc đàn áp do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động vào năm 1999. Ông ta đã bị Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) điều tra.

Theo báo cáo từ Minghui – kênh chuyên đưa tin về cuộc đàn áp, Tần Quang Vinh đã được thăng chức cao ở tỉnh Vân Nam vì nhiệt tình tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Báo cáo nói rằng, vào đêm ngày 22/7/1999, Tần Quang Vinh đã phối hợp với viện kiểm sát, công an và tòa án để “bắt cóc” (báo cáo dùng cụm từ này để chỉ hành vi bắt giữ phi pháp) và khám xét nhà của tất cả những người phụ trách điểm hướng dẫn tu luyện Pháp Luân Công trên toàn tỉnh.

Sáng ngày 3/11/1999, Tần Quang Vinh đã chủ trì một cuộc họp với sự tham dự của hơn 200 người bao gồm lãnh đạo cấp tỉnh, châu tự trị, thành phố, bí thư đảng ủy các trường cao đẳng và đại học ở tỉnh Vân Nam. Ông ta yêu cầu các cấp tổ chức “thống nhất nhận thức, giành được thắng lợi triệt để trong cuộc đấu tranh với Pháp Luân Công".

Chỉ riêng trong năm 1999, hàng trăm học viên Pháp Luân Công ở Vân Nam đã bị bắt cóc và bị lục soát nhà bất hợp pháp; 10 người bị đưa vào trại lao động và 2 người bị kết án tù. Trong năm 2000, tiếp tục có hàng trăm học viên khác bị bắt cóc và 120 người bị đưa vào các trại lao động phi pháp, hàng chục người bị kết án bất hợp pháp. Nhiều học viên Pháp Luân Công, bao gồm cả ông Khổng Khánh Hoàng (Kong Qinghuang) – Phó chủ tịch thị trấn Lâm An thuộc huyện Kiến Thủy, tỉnh Vân Nam, đã bị tra tấn đến chết.

Đến trước khi Tần Quang Vinh rời nhiệm sở, theo thống kê chưa đầy đủ từ Minghui, hàng nghìn học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Vân Nam đã bị bắt cóc, khám xét tư gia, giam giữ và cưỡng bức đưa đến các "lớp học chuyển hóa" để tẩy não và bức hại (nhằm buộc các học viên từ bỏ tu luyện); có gần 500 học viên Pháp Luân Công đã bị buộc cải tạo lao động phi pháp và hơn 300 người bị kết án. Ít nhất 44 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, và nhiều người khác bị bức hại tới mức tàn tật.

Vương Lập Khoa tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Liêu Ninh và Giang Tô

Vương Lập Khoa từng làm việc trong hệ thống công an của tỉnh Liêu Ninh và thành phố Đại Liên – sào huyệt của Bạc Hy Lai – trong một thời gian dài. Ông ta đã liên tiếp giữ chức vụ Giám đốc công an của các thành phố Bắc Ninh, Cẩm Châu, Hồ Lô Đảo và Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh. Vào tháng 11/2015, Vương nhậm chức Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật kiêm Giám đốc Công an của tỉnh Giang Tô.

Minghui đưa tin rằng, trong nhiệm kỳ Vương Lập Khoa ở Liêu Ninh và Giang Tô, có ít nhất 99 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, hơn 3.000 người bị bắt cóc và hàng trăm người bị kết án bất hợp pháp. Vì tham gia tích cực vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công, ông ta đã hai lần được tiếp kiến Giang Trạch Dân, thủ phạm chính của cuộc bức hại Pháp Luân Công, và đã được đề bạt trọng dụng.

Vương Lập Khoa đã bị liệt vào "Danh sách những kẻ hành ác" của Minghui và bị các học viên Pháp Luân Công báo cáo với chính phủ Hoa Kỳ là "kẻ ác bức hại nhân quyền" vào tháng 9/2019.

Vương Phú Ngọc tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Quý Châu

Trong nhiệm kỳ ở tỉnh Quý Châu, Vương Phú Ngọc đã tích cực đi theo tập đoàn Giang Trạch Dân.

Theo Minghui, Vương Phú Ngọc bị tình nghi tham gia vào cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Quý Châu. Ông ta phải chịu trách nhiệm về cái chết của một số học viên Pháp Luân Công tại tỉnh này, họ đã bị bức hại đến chết. Bao gồm:

  • Bà Bao Lệ Quần (Bao Liqun), cảnh đốc cấp 2 của đồn công an Trung Nam thuộc quận Nam Minh, thành phố Quý Dương;
  • Bà Lưu Viễn Trân (Liu Yuanzhen), cư dân quận Tiểu Hà, thành phố Quý Dương;
  • Bà Thạch Thông Văn (Shi Tongwen), công chức nghỉ hưu của Bệnh viện Đa khoa Cục Khoáng vụ Lâm Đông, quận Ô Đang, thành phố Quý Dương;
  • Ông Cao Kỳ Anh (Gao Qiying), một người tàn tật ở thành phố Tuân Nghĩa.

Phải chăng cái kết của các quan chức Trung Quốc phải vào trại giam là quả báo cho việc họ tham gia đàn áp Pháp Luân Công, đàn áp những người có tín ngưỡng vào Phật Pháp?

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Lưỡng Hội Trung Quốc điểm danh 3 'đại hổ', nhưng còn giấu một tội danh khác