Sau nhiều vụ ‘lùm xùm’, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành 'Quy tắc ứng xử dành cho giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành "Quy tắc ứng xử dành cho giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh". Trước đây, Trung Quốc đã xảy ra nhiều vụ nghiên cứu sinh tự tử, và hầu hết đều liên quan đến giáo viên hướng dẫn của họ.

Vào ngày 11/11, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành "Quy tắc ứng xử dành cho giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh", nêu rõ không được phép có các hành vi sau:

  • Không được tổ chức hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động nào có thể làm suy giảm tính công bằng công chính của công tác khảo thí và tuyển sinh;
  • Không được sơ sài, tắc trách trong việc giám sát và hướng dẫn nghiên cứu và các vấn đề bài vở mà nghiên cứu sinh gặp phải;
  • Không được yêu cầu nghiên cứu sinh làm những công việc không liên quan đến học tập, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng;
  • Không được tự ý lùi thời gian tốt nghiệp của nghiên cứu sinh;
  • Không được có các hành vi vi phạm tiêu chuẩn học thuật, làm tổn hại đến quyền và lợi ích của nghiên cứu sinh trong nghiên cứu học tập...;
  • Không được đưa các luận văn không phù hợp với tiêu chuẩn học thuật và không đạt yêu cầu chất lượng lên hội đồng thẩm định và bảo vệ luận văn;
  • Không được mạo danh các nghiên cứu sinh để lĩnh nhận, chiếm dụng kinh phí dành cho việc nghiên cứu khoa học hoặc các chi phí khác ;
  • Không được xúc phạm nhân cách của nghiên cứu sinh và không được có quan hệ bất chính với nghiên cứu sinh.

Trong số các quy định trên, cư dân mạng đặc biệt chú ý đến mục "không được có quan hệ bất chính với nghiên cứu sinh" và bình luận như sau:

"Việc không được quan hệ tình dục cũng được đưa vào quy định... Thực sự là nằm ngoài sức tưởng tượng".

“Đây đều là đạo đức cơ bản của các giáo viên, vậy mà Đảng Cộng sản Trung Quốc lại phải viết thành ‘Quy tắc’, có thể tưởng tượng được nền giáo dục của họ hủ bại đến mức độ nào”.

Luật sư Lưu Hiểu Nguyên (Liu Xiaoyuan) cũng bình luận như sau: "Dấu hiệu biến chất của giáo dục? Đây vốn là những yêu cầu đạo đức cơ bản đối với giáo viên, ấy vậy mà Bộ Giáo dục lại phải ra văn bản quy định. Có thể hiểu được mức độ phổ biến và tầm nghiêm trọng của các vấn đề này!".

Trước khi Quy tắc này được ban hành, có rất nhiều vụ nghiên cứu sinh tự tử đã xảy ra ở Trung Quốc đại lục, và hầu hết đều liên quan đến giảng viên hướng dẫn của họ. Ví dụ, một nghiên cứu sinh của Đại học Công nghệ Đại Liên đã treo cổ tự tử trong phòng thí nghiệm vào ngày 13/10. Trong thư tuyệt mệnh, nghiên cứu sinh này nói rằng đã gặp phải một người hướng dẫn vô trách nhiệm, khiến bản thân lãng phí thời gian trong suốt khoảng thời gian học cao học và bị căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.

Vào ngày 21/9, một nghiên cứu sinh tiến sĩ (nữ) của Đại học Nam Kinh đã nhảy lầu tự tử ở ký túc xá vì người hướng dẫn đã cướp mất một luận án của cô và gạt cô ra khỏi nhóm.

Vào ngày 1/5, một nữ thạc sĩ họ Hoàng đang theo học tại Học viện Nghệ thuật thuộc Đại học Truyền thông Trung Quốc đã nhảy lầu và tử vong. Cư dân mạng tự xưng là người nhà của cô Hoàng đã cáo buộc giảng viên hướng dẫn họ Tiết nhiều lần gây khó dễ cho khóa luận tốt nghiệp của cô Hoàng, khiến cô suy sụp tinh thần nên tự tử.

Vào tối ngày 25/12/2019, một nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu thuộc Đại học Bưu chính Viễn thông Nam Kinh, bị nghi là do không chịu nổi sự bóc lột của giảng viên hướng dẫn nên đã tự thiêu và tử vong trong phòng thí nghiệm. Sau đó, một số người tự xưng là sinh viên của trường này tiết lộ rằng, do người giảng viên hướng dẫn họ Trương đã chửi rủa áp bức, sỉ nhục nhân cách của người nghiên cứu sinh đó trong một khoảng thời gian dài, lại còn ép buộc anh này phải ký vào bản cam kết lùi thời gian tốt nghiệp, đồng thời phải đền bù 3.200 nhân dân tệ (khoảng 11,3 triệu VNĐ) cho chi phí thí nghiệm khí nitơ, cuối cùng dẫn đến việc nghiên cứu sinh này tự thiêu và mất mạng trong phòng thí nghiệm. Có sinh viên cũng chỉ ra rằng, người hướng dẫn họ Trương này coi sinh viên như lao động rẻ mạt và bắt họ phải làm việc cho công ty của mình, người này còn biến phòng thí nghiệm của trường thành nhà kho công ty, lưu trữ rất nhiều dung môi dễ cháy, cuối cùng đã dẫn đến bi kịch.

Vào ngày 5/4/2019, bà Lý Du Du (Li Youyou), Thạc sĩ truyền thông tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, đang định cư ở Canada, đã dùng tên thật để tố cáo ông Thẩm Dương (Shen Yang) - cựu Giáo sư Khoa Trung văn tại Đại học Bắc Kinh (người có biệt hiệu là "Học giả Trường Giang"), đã tấn công tình dục bạn của bà là Cao Nham (Gao Yan) 22 năm trước và cuối cùng khiến bà Cao Nham tự tử.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Sau nhiều vụ ‘lùm xùm’, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành 'Quy tắc ứng xử dành cho giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh’