Sự trỗi dậy và suy tàn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trỗi dậy, hưng thịnh hay suy tàn? Có nhiều tín hiệu và nguồn tin trái ngược nhau, cũng như không ít vọng tưởng theo nhiều chiều hướng về vấn đề này. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải trong năm 2023.

Kể từ khi cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon mở cửa với Trung Quốc vào năm 1972, chính quyền Trung Quốc đã có những phát triển vượt bậc. Phần I - Sự trỗi dậy của loạt bài này đã kể đến một số những thành tựu mà Trung Quốc đạt được nhờ nguồn viện trợ nước ngoài trong nhiều năm qua.

Vào hồi tháng 12/2022, ông Tập Cận Bình đã đột ngột tuyên bố bãi bỏ chính sách “zero-COVID". Quyết định này cho thấy sự yếu kém và những lỗ hổng về phương diện địa chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Sau sự điều chỉnh nói trên, tình trạng lây nhiễm và số ca tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc tăng lên đột biến. Điều này khiến người dân Trung quốc cũng như toàn thế giới nảy sinh nhiều nghi ngờ về “tư cách thống trị thế giới của Trung Quốc”.

Không chỉ vậy, ĐCSTQ cũng đang tự mình gặt quả đắng khi một mặt phải tìm cách khôi phục một nền kinh tế đang suy sụp, mặt khác phải xoa dịu những chỉ trích từ phía cộng đồng quốc tế vì động thái “khiêu chiến" trước đó với Đài Loan, Ấn Độ, và nhiều quốc gia khác.

Có nhiều ngờ vực cho rằng “sự trỗi dậy của Trung Quốc" đã đạt trạng thái bão hoà, cộng thêm chính quyền Trung Quốc đang phải đau đầu với quá nhiều vấn đề nan giải (mà hai trong số đó là quản lý yếu kém và tham nhũng có hệ thống), thì việc Trung Quốc suy thoái chỉ là vấn đề thời gian.

Vậy thì Trung Quốc vẫn đang trỗi dậy, đã bão hoà, hay là đang suy thoái? Giả sử Trung Quốc thật sự đang suy thoái, thì vận mệnh của Trung Quốc trong tương lai sẽ đi về đâu? Hãy cùng tác giả Stu Cvrk - một Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ - phân tích khả năng này trong phần II mang tên "Sự suy tàn".

Bối cảnh

Như đã bàn luận ở phần I, tham vọng của ĐCSTQ là soán ngôi vương của Mỹ, trở thành đại cường quốc kinh tế - quân sự. Song song với việc đưa ông Tập lên làm nhà lãnh đạo thế giới, ĐCSTQ cũng có kế hoạch xây dựng một thế giới đa cực, thay thế “chế độ dân chủ kiểu Mỹ” bằng “trật tự thế giới mới kiểu Trung Quốc”, và giải quyết các vấn đề toàn cầu bằng những giải pháp đa phương.

Ngoài ra, Trung Quốc đang theo đuổi rất nhiều mục tiêu khác như kiểm soát thương mại quốc tế; thúc đẩy xuất khẩu; thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu; khai thác “ngoại giao bẫy nợ” nhằm chiếm đoạt lợi ích địa chính trị chiến lược; phô trương thế lực… Theo những tuyên truyền được các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục nhắc lại, ông Tập khẳng định bản thân “muốn vực dậy nền kinh tế thế giới đang suy thoái thông qua một sự thống nhất ‘mơ hồ’ kiểu Trung Quốc”.

Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu nhất định như đã nêu ở phần I. Tuy nhiên có rất nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy “phép màu Trung Hoa” đang sắp lụi tàn, mà chính sách kinh tế sai lầm và sự thất bại của zero-COVID chỉ là hai trong số đó.

Suy thoái kinh tế

Trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX đã diễn ra vào hồi tháng 10/2022, các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục đưa ra các dự đoán khả quan về tình hình kinh tế nước này. Tuy nhiên theo con số thực tế được công khai vào cuối năm 2022, mức độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 chỉ đạt chưa tới 3%, kém xa so với mục tiêu ban đầu của ĐCSTQ là 5,5%. Đây cũng là một cú trượt dài nếu so với 8,1% tăng trưởng của năm 2021. Có thể thấy, những quyết định thiếu sáng suốt từ phía ĐCSTQ đã gây ra những suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Những tác động của chính sách zero-COVID và những cuộc bạo loạn biểu tình chống lại chính sách này đã ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc, dẫn đến những hậu quả kinh tế khôn lường.

Theo tạp chí Fortune, thời kỳ bùng nổ kinh tế của Trung Quốc đã chạm đỉnh vào năm 2021, và Ngân hàng Thế giới dự đoán mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm 2023 sẽ không vượt quá 4,3%.

Một đoàn đưa tang đang cầm di ảnh và tro cốt của người thân đã mất ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh Kevin Frayer/Getty Images)

Ngoài ra, một số ngành hàng của nước này cũng có dấu hiệu giảm rõ rệt trong năm 2022. Doanh số bán lẻ giảm 1,8% so với năm 2021, tiếp đó là doanh số bán nhà ở giảm 24,3%, và doanh số bất động sản nói chung giảm 26,8%. Theo trang Zerohedge, Trung Quốc còn đang ôm một “quả bom nổ chậm” mang tên “khoản nợ chính quyền địa phương không công khai” trị giá 7 nghìn tỷ USD. Theo hãng tin Reuters, tỷ lệ lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng mạnh vào tháng 12/2022 và dự đoán lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2023.

Tình hình ngày càng u ám. Theo tờ Bloomberg, “chỉ số hạnh phúc của nhân viên” làm việc tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trong quý III năm 2022 là 35,4. Trong quý IV năm 2022, chỉ số này giảm xuống còn 33,1 (Chỉ số hạnh phúc của nhân viên là thước đo thái độ và cách nhìn nhận tích cực của nhân viên đối với công việc mà họ đang làm).

Ngoài ra, cũng theo trang Zerohedge, tổ chức Kinh tế Thế giới (World Economics) đã thực hiện một cuộc khảo sát với các giám đốc bán hàng của hơn 2.300 công ty tại Trung Quốc. Kết quả cho thấy, “‘chỉ số niềm tin kinh doanh’ của các doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm từ 51,8 trong tháng 11/2022 xuống 48,1 trong tháng 12/2022”. Đây là mức thấp nhất kể từ khi World Economics bắt đầu khảo sát số liệu vào năm 2013.

Dựa trên thông tin từ các nguồn uy tín như công ty Eurasia Group, công ty Control Risks, báo The Economist, và trang tin The China Project, Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) đã tổng hợp và đưa ra dự đoán về tình hình kinh tế Trung Quốc hậu zero-COVID như sau:

“Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn dài hạn về cơ cấu, từ khủng hoảng bất động sản cho đến mức nợ cao kỷ lục. Việc chỉ khôi phục chi tiêu tiêu dùng của người dân Trung Quốc sẽ là không đủ để giải quyết những khó khăn này”. Đây là hệ quả đến từ những đường lối kinh tế sai lệch kéo dài của chính phủ Trung Quốc.

Suy thoái dân số

Bên cạnh suy thoái kinh tế, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với vấn đề suy giảm dân số. Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), trong năm 2022, ở Trung Quốc có 10,41 triệu người qua đời, và chỉ có 9,56 triệu em bé được sinh ra; dân số suy giảm 850.000 người.

Đây là lần đầu tiên dân số Trung Quốc suy giảm mạnh, tính từ nạn đói năm 1961 dưới thời cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông.

Phụ nữ tìm kiếm sự bù đắp cho những đau khổ do Chính sách Một con của Trung Quốc gây ra
Bức ảnh được chụp vào ngày 06/09/2012 này cho thấy ba người phụ nữ Trung Quốc với đứa con của mình khi họ ngồi trên một chiếc ghế dài dọc một con phố ở Bắc Kinh. (Ảnh: WANG ZHAO / AFP via GettyImages)

Tuy nhiên, 10,41 triệu người chết kể trên có thể chưa phải là tất cả. Tháng 12/2022, khi chính sách zero-COVID được bãi bỏ, ở Trung Quốc đã phát sinh thêm vô số ca tử vong do COVID-19 chưa được chính thức thống kê.

Báo cáo mới nhất của NBS đã chỉ ra tổng tỷ suất sinh (TFR) của Trung Quốc năm 2020 là 1,3. Đây là một vấn đề lớn, bởi để một quốc gia có thể duy trì quy mô và chất lượng dân số ổn định, thì TFR quốc gia đó cần phải đạt 2,1. Năm 2021, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc chạm mức thấp kỷ lục, số ca sinh bình quân trên 1.000 người chỉ có 6,77; trong khi ở Mỹ, con số này là 11,06.

Đồng thời, 2022 cũng đánh dấu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc chạm mốc thấp nhất trong suốt gần 4 thập kỷ trở lại đây. Theo tờ The Australian, năm 2022, ở Trung Quốc chỉ có 11,6 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn lần đầu, giảm 708.000 trường hợp so với năm trước đó.

Tỷ lệ kết hôn và sinh con giảm đồng nghĩa với tỷ số phụ thuộc dân số già tăng. Tỷ số này được thể hiện bằng tỷ số dân số già (người lớn hơn 65 tuổi) so với 100 người trong độ tuổi lao động. Nói cách khác, dân số Trung Quốc đang có xu hướng già hóa, từ đó gây căng thẳng cho hệ thống lương hưu và gia tăng gánh nặng thuế cho những người lao động trẻ.

Theo báo cáo của tờ Statista, tỷ số phụ thuộc dân số già của Trung Quốc năm 2021 là 46,1 trên 100 người lao động. Trong 10 năm trở lại đây, tỷ số này đã liên tục tăng. Nghiên cứu dân số toàn cầu năm 2020 của tuần san The Lancet cũng chỉ ra rằng, tỷ số này của Trung Quốc sẽ vượt xa Mỹ, Vương Quốc Anh, Đức, và Úc vào năm 2050.

Trong 3 thập kỷ qua, Trung Quốc đã tận dụng nguồn lao động giá rẻ, tạo ra nhiều “lợi tức dân số”, thúc đẩy nền kinh tế phát triển vượt bậc… nhờ đó chuyển mình trở thành một cường quốc. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu trên, dân số Trung Quốc đang thu hẹp một cách nhanh chóng. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ sớm phải đối mặt với vấn nạn thiếu hụt lao động trầm trọng. Lực lượng lao động cưỡng bức ở nhóm người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác sẽ là không đủ để bù đắp cho sự suy thoái dân số của quốc gia này.

Đây chính là hậu quả nặng nề đến từ “chính sách một con” kéo dài 40 năm của ĐCSTQ. Tương tự như chính sách zero-COVID, đây là một chính sách thất bại, và ĐCSTQ đang phải chật vật “chữa cháy" những thiệt hại do chính mình gây ra. Kể từ khi xóa bỏ “chính sách một con” vào năm 2016, Trung Quốc đi theo hướng gần như trái ngược với thời kỳ trước đó, chuyển sang đóng cửa các cơ sở phá thai và không ngừng mở rộng dịch vụ giúp các cặp vợ chồng sinh thêm con (Quý vị có thể tìm hiểu thêm trong các bài báo của tờ China Daily ở đâyở đây).

Hình ảnh các cụ già ở vùng nông thôn ở Thái An, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc chụp ngày 7/1/2023. (Ảnh Noel CELIS/ Getty Images)

Áp lực trên trường quốc tế

Các quốc gia trên toàn thế giới đang dần tỉnh ngộ trước chủ nghĩa trọng thương, những hiểm họa, và sự hiếu chiến đến từ ĐCSTQ. Đây sẽ là chướng ngại to lớn trên con đường biến Trung Quốc thành bá chủ thế giới của ông Tập Cận Bình.

Việc huỷ bỏ chính sách zero-COVID đã cho thấy nhiều lỗ hổng nghiêm trọng trong đường lối của chính quyền Trung Quốc. Còn đâu những chính sách “ngoại giao khẩu trang” và “ngoại giao vaccine” vụ lợi. Còn đâu hình ảnh một Trung Quốc “thượng đẳng" trên mặt trận chống COVID-19. Giờ đây, những thông tin sốt dẻo đang được các hãng thông tấn phương Tây thi nhau tuyên truyền về Trung Quốc chỉ có: “Riêng tháng 12/2022, Trung Quốc thêm 60.000 ca tử vong do COVID-19”, “80% người dân Trung Quốc đã dương tính với COVID-19”.

Rất nhiều nước trên thế giới cũng đã có động thái cứng rắn trong việc đẩy lùi sự xâm lược kinh tế và quân sự của Trung Quốc, họ dần tách mình ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị Trung Quốc thống trị, và thoát khỏi những âm mưu “ngầm” mà Trung Quốc đang lợi dụng “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” (BRI) để thực hiện.

Hạ Viện Hoa Kỳ (với sự ủng hộ của lưỡng đảng) đã thành lập một ủy ban mới có tên “Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ”. Theo hãng tin Fox News, Ủy ban này có nhiệm vụ “điều tra và đệ trình các khuyến nghị chính sách liên quan đến tình trạng tiến bộ về kinh tế, công nghệ và an ninh của ĐCSTQ, cũng như mức độ cạnh tranh của ĐCSTQ với Hoa Kỳ”. Đòn “tấn công” của Ủy ban này chính là trừng phạt các ngành công nghiệp Trung Quốc đang sử dụng lao động cưỡng bức, điển hình là ngành công nghiệp pin mặt trời.

Ngoài ra, để cân bằng sân chơi kinh tế, các nghị sĩ Cộng Hòa của lưỡng viện Hoa Kỳ đã đệ trình dự luật thu hồi quy chế “Tối huệ quốc" (MFN) của Trung Quốc. Hãng Vision Times đưa tin, kể từ năm 2001, đãi ngộ “Tối huệ quốc” đã đem lại cho Trung Quốc không ít những lợi ích kinh tế to lớn như: mức thuế thấp nhất, ít rào cản thương mại nhất, và hạn ngạch nhập khẩu cao nhất. Nếu dự luật chính thức được thông qua, Hoa Kỳ sẽ cùng với ít nhất “32 quốc gia khác" đồng loạt xoá bỏ đãi ngộ ‘Tối huệ quốc’ của Trung Quốc tính từ thời điểm năm 2020. Các quốc gia đó bao gồm Liên minh Châu Âu, Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein.

Trang Zerohedge cho biết, vào cuối tháng 1/2023, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Nhật Bản và Hà Lan về việc kiềm tỏa Trung Quốc tiếp cận với công nghệ bán dẫn tân tiến. Cụ thể, ba nước sẽ hạn chế xuất khẩu một số công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc, đồng thời siết chặt các thương vụ liên quan đến thiết bị bán dẫn. Thỏa thuận này được đưa ra ba tháng sau khi Washington đơn phương áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip, cấm các công ty Trung quốc mua chip và thiết bị sản xuất chip mà không có giấy phép.

Một nhân viên sản xuất chip tại nhà máy của Công ty bán dẫn Jiejie ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 17/3/2021. (STR/AFP via Getty Images)

Tờ The Wall Street Journal đưa tin, kế hoạch “Vành đai và Con đường” của chính quyền ông Tập Cận Bình cũng đang có dấu hiệu “vỡ vụn”. Rất nhiều quốc gia đang cân nhắc rút lui khỏi kế hoạch này của Trung Quốc vì chất lượng công trình và cơ sở hạ tầng không đạt chuẩn. Một số ví dụ có thể kể đến như:

  • Nhà máy thuỷ điện Coca Codo Sinclair. Đây là nhà máy thuỷ điện lớn nhất Ecuador, trị giá 2,7 tỷ USD, do tập đoàn cơ khí Sinohydro của Trung Quốc xây dựng. Chỉ sau 7 năm khánh thành, bên trong nhà máy này đã xuất hiện hàng nghìn vết nứt. Nguyên nhân được cho là do “vật tư kém chất lượng”.
  • Dự án thuỷ điện Neelum-Jhelum ở Nosari, Pakistan. Hiện dự án này đã bị giới chức Pakistan huỷ bỏ sau khi phát hiện trong hầm vận chuyển nước qua núi của công trình này xuất hiện rất nhiều vết nứt.
  • Nhà máy thuỷ điện 183 megawatt ở Uganda. Công ty TNHH Phát điện Uganda (UEGC) cho biết, họ phát hiện công trình do Trung Quốc thi công này có tới hơn 500 lỗi xây dựng.
  • Theo giới chức Uganda, dự án thuỷ điện Karuma 600 megawatt cũng đang bị chậm tiến độ 3 năm do có quá nhiều lỗi xây dựng khác nhau, một trong số đó là các vết rạn trên tường công trình.

Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Uganda cũng đã hủy hợp đồng đường sắt trị giá hơn 2,2 tỷ USD với nhà thầu CHEC (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật Cảng) của Trung Quốc. Tuyến đường sắt này cũng là một phần của kế hoạch BRI, và có lộ trình kéo dài từ thủ đô Kampala của Uganda đến biên giới nước láng giềng Kenya.

Có vẻ như chính quyền Trung Quốc sắp phải nhìn 1 nghìn tỷ USD mà mình đã “nướng" vào kế hoạch BRI tan theo làn khói. Và đương nhiên, khi đã nhận thức rõ về những rủi ro, sẽ chẳng còn quốc gia nào trên thế giới muốn mạo hiểm hợp tác với Trung Quốc nữa.

Ngoài ra, các hành vi khiêu khích bằng quân sự của Trung Quốc cũng đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt. Sự “hiếu chiến" của Trung Quốc đang góp phần đẩy các nước như Đài Loan, Philippines, Nhật Bản, và Ấn Độ vào “vòng tay” của Hoa Kỳ, khiến cho Trung Quốc ngày càng đơn độc trên trường quốc tế.

Toàn thế giới đang thức tỉnh trước những hiểm hoạ đa chiều tới từ ĐCSTQ.

Lời kết

Những chính sách chính trị và kinh tế chính là “hỏa công" của ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến thống trị thế giới. Nhưng “gió Đông" chẳng thấy, ĐCSTQ lại chỉ mượn được “gió Tây Bắc”, tự thiêu chính mình. Số liệu thực tế cho thấy Trung Quốc đã, đang, và sẽ phải đối mặt với những suy thoái dài hạn nghiêm trọng. Dường như “sự trỗi dậy của Trung Quốc” đang càng ngày càng trở nên hư cấu, và không hề “là tất yếu" như ĐCSTQ vẫn đồn thổi hàng thập kỷ qua.

Từ xưa đến nay, ĐCSTQ vẫn luôn muốn chiếm vị trí độc tôn chính trị và thâu tóm quyền lực tối đa. Tuy nhiên, càng chuyên quyền, càng muốn triệt tiêu đối thủ, thì ắt sẽ càng tạo ra nhiều kẻ thù. Lịch sử đã chứng minh chẳng có cường quốc nào tồn tại mãi mãi.

Phải chăng “sự suy tàn của Trung Quốc" sẽ là tương lai tất yếu?

Bài viết là quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch

Mời đọc Phần I tại đây.

Tác giả Stu Cvrk là một Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông từng giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm khi làm Nhà Phân tích hệ thống kiêm Nhà Hải Dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do. Tất cả những yếu tố này đã đóng vai trò nền tảng cho các bài bình luận chính trị của ông.



BÀI CHỌN LỌC

Sự trỗi dậy và suy tàn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Phần 2)