Truyền thông Anh: Ông Tập đã nắm chắc cán dao trước thềm Đại hội 20

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hãng truyền thông Anh "Financial Times" đưa tin ngày 8/8, trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nắm chắc cán dao trong tay, tức quyền chỉ huy công an và hệ thống chính trị pháp luật – hai lực lượng phụ trách duy trì ổn định.

Thông thường, để có được quyền lực tuyệt đối, nhà lãnh đạo ĐCSTQ phải làm chủ được quân đội (nòng súng), tuyên truyền (nòng bút), hệ thống chính trị và pháp luật (cán dao) và hệ thống tài chính (túi tiền). Đây cũng là những bộ phận dễ bị thay thế nhân sự nhất trong cuộc thanh trừng chính trị 5 năm một lần.

Bài viết trên Financial Times cho biết, việc bổ nhiệm ông Vương Tiểu Hồng vào vị trí Bộ trưởng Công an Trung Quốc hồi tháng 6 là một bước đột phá khác trong việc củng cố quyền lực của ông Tập.

Ông Tập Cận Bình đã toàn diện chỉnh đốn quân đội trong nhiệm kỳ đầu tiên; lực lượng nòng bút cũng định kỳ đăng bài để nịnh bợ ông.

Ông Tập và ông Vương Tiểu Hồng bắt đầu quen biết nhau vào giữa những năm 1990. Khi đó, ông Tập là người đứng đầu tỉnh Phúc Kiến, còn ông Vương là cảnh sát cấp cao ở thành phố Phúc Châu – tỉnh lỵ của tỉnh Phúc Kiến. Ngoại giới luôn cho rằng, mối quan hệ giữa ông Tập và ông Vương không hề đơn giản, liệu ông Vương có được đề bạt vào Bộ Chính trị ĐCSTQ tại Đại hội 20 hay không đang là vấn đề rất được quan tâm. Bộ Chính trị ĐCSTQ gồm 25 ủy viên.

Hai bộ trưởng công an tiền nhiệm của ông Vương Tiểu Hồng là ông Triệu Khắc Chí và ông Quách Thanh Côn đều được cho là có mối quan hệ không thực sự thân thiết với ông Tập. Trong thời gian hai người này tại chức dưới thời ông Tập, dường như họ không có tiếng nói chung với lãnh đạo cao nhất.

Chỉ một năm trước khi ông Vương được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an, có ít nhất ba đương kim hoặc cựu Thứ trưởng Bộ Công an đã ngã ngựa vì tội tham nhũng. Hai trong số họ là Phó Chính Hoa và Tôn Lập Quân. Hai người này bị cáo buộc "câu kết” với nhau, chỉ trích "các chính sách lớn của đảng" và có "dã tâm chính trị rất lớn", đều thuộc phe chống ông Tập.

Ngoài ra, ông Tập còn cài cắm đồng minh trong Ủy ban Chính trị và Pháp luật. Ủy ban này là cơ quan phụ trách việc giám sát cảnh sát, an ninh nhà nước và tòa án, có ngân sách dự toán còn lớn hơn chi tiêu quân sự. Mặc dù Ủy ban Chính trị và Pháp luật vẫn do ông Quách Thanh Côn (67 tuổi) đứng đầu, nhưng thân tín của ông Tập – ông Trần Nhất Tân – lại là Bí thư đảng tổ kiêm Tổng thư ký của Ủy ban Chính trị và Pháp luật kể từ năm 2018.

Ông Trần Nhất Tân đã hợp tác chặt chẽ với ông Tập Cận Bình từ 20 năm trước khi còn ở tỉnh Chiết Giang. Khi đó, ông Tập là Tỉnh trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy tỉnh Chiết Giang. Năm 2015, ông Trần được cất nhắc về Bắc Kinh. Tháng 2/2020, ông Trần được cử đến tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của đại dịch Covid-19, để giám sát đợt bùng phát tại địa phương.

Bà Li Ling, một chuyên gia về chính trị và luật pháp Trung Quốc tại Đại học Vienna, Áo, nói rằng, ông Trần Nhất Tân là ứng cử viên chính thay thế cho vị trí của ông Quách Thanh Côn ở Ủy ban Chính trị và Pháp luật tại Đại hội 20 năm nay.

"Ông Trần Nhất Tân đã phụ trách công việc thường ngày (các vấn đề an ninh nội bộ) trong một thời gian, không có dấu hiệu nào cho thấy quyền kiểm soát của (ông Tập Cận Bình) đối với hệ thống chính trị và pháp luật đang gặp trở ngại", bà Li Ling nói.

Ông Peter Mattis, một chuyên gia về cơ quan an ninh của Trung Quốc, nói với Financial Times rằng, là một trong ba trụ cột quyền lực chính trong ĐCSTQ, hệ thống chính trị và pháp luật luôn tương đối khó nắm giữ. Đây cũng là nguyên nhân tại sao ông Tập Cận Bình lại chỉnh đốn hệ thống này rất mạnh tay.

Một ví dụ là ông Chu Vĩnh Khang, cựu bí thư đã ngã ngựa của Ủy ban Chính trị và Pháp luật. Ông Chu là người ủng hộ Bạc Hy Lai – đối thủ của ông Tập trong cuộc bầu cử lãnh đạo ĐCSTQ cấp cao năm 2012. Ông này bị kết án tù chung thân vào năm 2015 vì tội tham nhũng. Cho đến nay, ông Chu Vĩnh Khang vẫn là quan chức có cấp bậc cao nhất bị ngã ngựa trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.

Tờ Financial Times trích dẫn một bình luận nói rằng, trong nền chính trị của ĐCSTQ, nếu một nhà lãnh đạo nắm chắc lực lượng ‘quân đội’ cũng như ‘chính trị và pháp luật’, người đó có thể nắm được cái gọi là "ổn định" về quyền lực.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông Anh: Ông Tập đã nắm chắc cán dao trước thềm Đại hội 20