Từ Lục Tứ, Phong trào ô dù tới Cách mạng giấy trắng: Trung Quốc đang thức tỉnh nhờ Zero-Covid

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi điều tồi tệ nhất xảy ra với cuộc sống, người yếu nhược sẽ lựa chọn buông xuôi, người có khát vọng sống sẽ đi tìm nguyên nhân, chấp nhận rằng mình đã sai và cần phải thay đổi để tiến lên phía trước. Sự tồi tệ mà chính sách Zero-Covid mang lại cho tất cả người Trung Quốc đã đánh thức hơn một tỷ người bị tẩy não hàng ngày. Thì ra, điều xấu nhất đến chưa hẳn là điều tệ nhất….

"Đối với những người nhảy lầu, tôi không nói gì; sau đó với những người chết trong tai nạn xe buýt...tôi không nói gì...và rồi đến lượt tôi, và không ai có thể nói thay tôi". Đây là dòng trạng thái được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội tại Trung Quốc trong thời gian gần đây. Trước đây, khi đối mặt với an nguy của người khác, người Trung Quốc chọn ‘không liên quan đến mình’. Nhưng khi sống với chính sách Zero-COVID khắc nghiệt trong 2 năm vừa qua, họ mới chợt hiểu ra, dưới chế độ Bắc Kinh, họ chỉ có chọn lựa ‘hoặc là tự do hoặc là chết’.

Sự kiện Lục Tứ

Vào năm 1989, sinh viên Đại lục đã có cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ. Sinh viên Trung Quốc với hoài bão về một đất nước tự do, dân chủ đã tiếp lửa cho họ để yêu cầu chính quyền ĐCSTQ giải quyết tham nhũng, mở rộng quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận. Trong khi đó, biểu tình ở Hồng Kông là của những con người đã được sống và hiểu giá trị của dân chủ, tự do và họ trân trọng sự tự do này hơn cả mạng sống của mình.

ĐCSTQ đàn áp người dân, đàn áp sinh viên năm 89
Tội ác kinh hoàng của ĐCSTQ trong cuộc thảm sát sinh viên tại Thiên An Môn. (Ảnh qua Tinhhoa.net)

Cùng với việc mở cửa kinh tế thập niên 1980, những người Trung Quốc đã từng “nhẹ dạ” cả tin rằng Trung Quốc sẽ chuyển mình hòa nhập vào xã hội dân chủ, tự do cởi mở và từ bỏ chủ nghĩa độc tài toàn trị. Họ dần dần phát hiện ra “sự thật không phải là mơ”, sự phồn vinh của đất nước, sự giàu có cho con người chỉ dành cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Khi ấy, họ đã đứng lên yêu cầu quyền công dân cho mình.

Phong trào này đã thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ trong công chúng. Đỉnh điểm có đến 1 triệu người đã xuống đường biểu tình và tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn.

Ngoài ra, phong trào này cũng dẫn đến hàng trăm cuộc biểu tình khác trên toàn đất nước Trung Quốc. Nhưng ĐCSTQ vì muốn “ổn định áp đảo hết thảy”, đã quyết định trấn áp, những người tham gia sự kiện Lục Tứ bị “xử lý” trong một đêm. Đến ngày hôm sau, quảng trường lại ‘sạch’ như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Cách mạng ô dù của người Hồng Kông

Về phía người dân Hồng Kông, hầu hết trong số họ được coi là hậu duệ của những người Hoa đã chạy trốn khỏi Trung Quốc Đại lục năm 1949 - khi ĐCSTQ cướp chính quyền. Hồng Kông cũng là nơi tiếp nhận làn sóng người nhập cư chạy trốn khỏi sự thanh trừng, hỗn loạn và biến động của ĐCSTQ trong suốt thế kỷ 20.

Trong cùng một khoảng thời gian, khi hàng chục triệu người dân Trung Quốc chết trong Nạn đói lớn, chết trong CMVH; thì nền kinh tế của Hồng Kông thực sự đã cất cánh dưới sự cai quản của quốc gia ‘tư bản giãy chết’.

Trong khi người dân Đại Lục chỉ có thể mua quyền sử dụng đất vì ĐCSTQ công hữu toàn bộ đất đai, thì công dân Hồng Kông lại được hưởng quyền sở hữu bất động sản.

Trong khi người dân Đại Lục chỉ có thể biết những thông tin mà ĐCSTQ muốn họ được biết, hay muốn vào Internet cần phải dùng VPN hay phải dùng Weibo, Wechat do nhà nước quản lý; thì người Hồng Kông có thể đọc được những gì họ muốn qua báo đài, Internet, muốn dùng ứng dụng gì thì có thể có vô vàn sự lựa chọn.

Trên hết, trong khi người dân Đại Lục phải quên đi Thảm sát Thiên An Môn, quên những người đồng bào của mình đã bị ĐCSTQ sát hại thê thảm thế nào; thì ở Hồng Kông có ngày tưởng niệm Thảm sát Thiên An Môn, ngày mà cư dân của vùng đất này tự nhắc nhở mình về “cái giá của sự tự do”.

Mọi người cầm nến trước Nhà tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, còn được gọi là Quảng trường Tự do, để kỷ niệm 31 năm cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989 tại Đài Bắc vào ngày 4/6/2020. (Nguồn ảnh: Sam Yeh / AFP / Getty Images)

Trước khi Hồng Kông về Trung Quốc Đại lục năm 1997, đã thành lập Uỷ ban soạn thảo Luật Cơ bản để soạn thảo Luật Cơ bản Hồng Kông – tương đương với ‘Hiến pháp nhỏ’ của Hồng Kông sau khi được trao trả. Điều 23 trong ‘Luật Cơ bản Hồng Kông’ tương đương với các điều lệ (quy định) về an ninh quốc gia, tránh cho Hồng Kông trở thành căn cứ địa lật đổ ĐCSTQ ở Đại lục.

Nhưng điều luật này lại không có bất cứ quy định cụ thể nào. ĐCSTQ bèn quy định chi tiết điều luật 23 rằng: Phàm là chống ĐCSTQ, cảnh sát Hồng Kông có thể vào nhà khám xét, bắt giữ, phán xét…

Năm 2003, Bộ trưởng An ninh Hồng Kông là bà Diệp Lưu Thục Nghi thúc đẩy lập pháp cho Điều luật 23. Kết quả vào ngày 1/7/2003, 500 nghìn người Hồng Kông xuống đường tuần hành. Ý dân hùng dũng, họ kiên quyết phản đối Điều luật 23. Khi ấy chủ tịch của Đảng Tự do là Điền Bắc Tuấn tuyên bố đảng này không ủng hộ Điều luật 23, bằng cách này Điều luật 23 không có đủ số phiếu trong Hội đồng Lập pháp, do đó luật được gác lại. Nhưng ĐCSTQ vẫn canh cánh trong lòng, nhất định phải thông qua pháp luật như thế, nếu không sẽ là uy hiếp cực lớn đối với tổ chức này.

Trên thực tế vào ngày 30/6/2020, ĐCSTQ đã thông qua được ‘Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông’ mang tính chất của Điều luật 23 nhưng cực đoan hơn, không chỉ trấn áp tiếng nói của người dân Hồng Kông, mà còn ‘bịt miệng’ được người dân thế giới.

Do đó ‘Điều luật 23’ trước đây và ‘Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông’ sau này được xem là xâm phạm quyền công đối với người dân Hồng Kông.

Nhiều người dân Hồng Kông nói rằng: "Nếu "Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông" được thông qua, Hồng Kông sẽ trở thành là “một quốc gia, một chế độ”, nền dân chủ và tự do của Hồng Kông sẽ chết hoàn toàn, bây giờ không phản kháng thì sau này sẽ không còn cơ hội. Người dân Hồng Kông không có đường lui, phản kháng là lối thoát duy nhất".

Nhìn vào hoàn cảnh của người dân Đại lục, người Hồng Kông - vốn được hưởng dân chủ - hiểu được hậu quả nếu xứ Cảng Thơm rơi vào sự cai trị của ĐCSTQ. Cho nên người Hồng Kông: trong tuần đi làm, cuối tuần xuống phố biểu tình. Họ hành xử rất lịch thiệp, hòa bình, hoàn toàn không có hiện tượng đập phá, hôi của, xả rác, thậm chí họ còn ở lại dọn dẹp vào cuối ngày… Báo Slate magazine cho họ là "những người biểu tình lịch sự nhất thế giới".

Năm 2017, thủ lĩnh của phong trào “Ô dù” Hoàng Chi Phong cho biết: “Cho dù hình phạt chúng tôi nhận được có như thế nào, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại sự đàn áp của chính phủ".

Một người trẻ đầy đủ hiểu biết và bản lĩnh như Hoàng Chi Phong, sẽ biết phân tích và nhận định đúng sai. Học hỏi cách thức vận hành của thế giới hiện tại và tìm thấy con đường, mục tiêu cho cuộc đời mình.
Nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi Hoàng Chi Phong (Nguồn ảnh: Getty images)

Trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, giới trẻ chiếm số đông và là lực lượng chính duy trì sức mạnh tinh thần cho khát vọng tự do của người Hồng Kông.

Đến năm 2019, trong phong trào “Phản Tống Trung”, hàng triệu người đã xuống đường biểu tình. Đỉnh điểm là có đến 2 triệu người tham gia biểu tình, trong khi Hồng Kông chỉ có 7 triệu dân, nghĩa là chiếm đến gần ⅓ dân số của đất nước này.

Cũng trong năm đó, khi hắc cảnh bao vây Đại học Bách Khoa Hồng Kông (PolyU), có sinh viên đã viết sẵn di chúc cho gia đình rằng:

Khi ba mẹ thấy bức thư này, có lẽ con đã bị bắt, hoặc đã chết. Con luôn cố gắng hết sức để xứng đáng với kỳ vọng của ba mẹ trong học hành và trong công việc. Nhưng trên tất cả, con muốn trở thành một người có lương tri, không đớn hèn, không sống nhục. Sẽ là lời nói dối nếu bảo rằng chúng con không sợ, nhưng chúng con sẽ không bỏ cuộc…”.

Ngày 19/11/2019 cũng là ngày thứ ba liên tiếp cảnh sát bao vây trường Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU), kiểm soát mọi lối ra vào, nơi còn khoảng 100-200 sinh viên bị mắc kẹt.
Ngày 19/11/2019 cũng là ngày thứ ba liên tiếp cảnh sát bao vây trường Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU), kiểm soát mọi lối ra vào, nơi còn khoảng 100-200 sinh viên bị mắc kẹt. (Getty)

Những người trẻ ở Hồng Kông, mang trong mình trái tim đầy nhiệt huyết, đã không tiếc sinh mạng của mình để đòi quyền dân chủ, không phải họ chỉ đòi quyền công dân cho chính họ, mà họ đòi điều này cho cả con cháu của họ, cho những thế hệ tương lai. Hoặc là bây giờ phản kháng, hoặc là sau này mãi mãi sống trong chế độ độc tài toàn trị. Người Hồng Kông chỉ có một cách tiến về phía trước.

Mặc dù phong trào “Ô dù” và các cuộc biểu tình sinh viên đã thất bại, nhưng ít nhất, họ dám nói lên tiếng nói yêu tự do, yêu dân chủ.

Trong thời gian bị phong tỏa bởi COVID-19, người dân Trung Quốc đã có khoảng thời gian ngẫm nghĩ lại về những điều trong quá khứ, từ đó, nhìn ra bài học cho tương lai. Tâm thái của sinh viên trong sự kiện Lục Tứ và biểu tình của người Hồng Kông sẽ là sự khuyến khích, động viên cho không chỉ người dân Đại Lục đòi quyền tự do, mà cho cả người dân trên toàn thế giới lên tiếng vì chính nghĩa. Để ngày hôm nay, cư dân Trung Quốc dám đứng lên, thông qua phong trào Giấy trắng, không một lời, mà nói rất nhiều lời với ĐCSTQ và người lãnh đạo Tập Cận Bình.

Zero-COVID: Thứ xấu nhất đôi khi cũng là điều tốt nhất

Rất nhiều người dân Trung Quốc trong khoảng thời gian bùng dịch từ 2020 phải rơi vào tình trạng bị mất thân nhân của mình. Trên mạng xã hội tràn lan những dòng trạng thái thể hiện thái độ tức giận của người dân, trong đó, họ yêu cầu ĐCSTQ công bố thông tin về đợt bùng phát COVID-19, tiết lộ nguồn gốc của virus, đồng thời yêu cầu các quan chức tại Vũ Hán phải chịu trách nhiệm vì đã che đậy thông tin về dịch bệnh ở Vũ Hán vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, họ đều không nhận được phản hồi. Tiếng nói của họ hầu như không được lắng nghe vì ĐCSTQ cũng đã thắt chặt kiểm soát Internet. Các tài khoản trên mạng xã hội của những người muốn nói đều bị chế độ kiểm duyệt.

Mặc cho Trung Quốc có thực hiện chiến dịch Zero-COVID trong một thời gian dài và gây ra nhiều bức xúc cho người dân thì dịch bệnh vẫn lan tràn. Người dân không thể đi làm, không có tiền lương trong một thời gian dài dẫn đến thiếu lương thực, thực phẩm, trong khi giá thức ăn lại tăng rất cao.

Các công nhân làm việc trong trang phục bảo hộ, trong một khu vực có rào chắn để đóng các đường phố xung quanh một số khu vực bị phong tỏa, sau khi các ca nhiễm COVID-19 mới được phát hiện ở Thượng Hải, 15/03/2022. (Hector Retamal / AFP qua Getty Images)

Chưa kể, ở một số trường đại học Trung Quốc, sinh viên đã rơi nước mắt khi một số sinh viên khác bị phong tỏa trong ký túc xá của họ mà không có nước hoặc nhà vệ sinh.

Ở một số căn hộ cho thuê khác, những người thuê nhà đã bị sốc khi biết rằng họ phải dọn đồ chuyển đi trong vòng vài giờ, bởi vì nhà họ đang thuê sẽ được chuyển thành cơ sở cách ly. Điều này đồng nghĩa với việc nhà ở của họ bị tịch thu, đồ vật trong nhà cũng bị vơ vét, trở thành của chung, còn bản thân họ phải tự sinh tự diệt. Vì nhà là đi thuê, còn họ không có nhà ở, mà tiền đã trả rồi.

Không những thế, việc đóng cửa khắc nghiệt cả một thành phố trong nhiều tháng đã tạo ra nạn đói, tự tử hàng loạt và những cái chết do không được chăm sóc y tế kịp thời. Các tổn thất này lớn hơn nhiều so với tổn thất do đại dịch gây ra.

Sự cô độc, u uất do trong thời gian dài không được tiếp xúc với ai cũng gây ra nhiều vấn đề tâm lý cho người dân. Đính kèm dưới đây là 1 đoạn tweet được đăng sau 1 tuần phong tỏa ở Thượng Hải, ngày 10/04/2022: “Sau một tuần bị phong tỏa hoàn toàn ở Thượng Hải, nhiều người trong số 26 triệu cư dân của thành phố đã đói khát và lo lắng, họ đang hét ra khỏi cửa sổ để được cứu trợ...”.

Đây là cách người dân Thượng Hải thể hiện thái độ chỉ sau 1 tuần đóng cửa, vậy trong thời gian 2 năm qua, những cư dân ở vùng khác của Trung Quốc đã trải qua việc phong tỏa như thế nào?

Sự việc không chỉ dừng lại ở đó, quan chức thành phố Tân Cương đã xác nhận được với chính quyền địa phương: Vào ngày 15/09/2022, có ít nhất 22 người chết (theo thông tin Đài Á Châu Tự do). Đáng lưu ý là con số 22 người này là chỉ trong ngày 15/09 thôi. Điều này đã gây ra sự phẫn nộ leo thang trong dân chúng.

Ngay cả sau khi mở ra phong tỏa, người đi du lịch nội địa ở Trung Quốc để giải tỏa căng thẳng cũng bị cách ly. Tháng 8/2022, hơn 150.000 khách du lịch Trung Quốc bị mắc kẹt ở đảo Hải Nam. Họ bị trễ lịch làm việc, thiếu thức ăn, nhà ở. Các chi phí đều bị đội lên nhiều lần nhưng không hề có chính sách hỗ trợ nào từ nhà nước cả. Tuy nhiên, khi họ biểu tình yêu cầu được về nhà thì lại bị chính quyền đàn áp.

Với chủng biến thể Omicron mới, phần lớn những ca nhiễm bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không xuất hiện triệu chứng, nhưng chế độ Bắc Kinh vẫn tiếp tục chính sách “Zero-COVID” không khoan nhượng của mình. Trong khi đó, các nước khác dường như đã hoàn toàn gỡ phong tỏa và mọi người được đi làm, đi học bình thường.

Cực đoan hơn, để đảm bảo rằng tất cả người dân tham gia xét nghiệm, chính quyền đã chuyển tất cả các mã sức khỏe thành màu cam, hạn chế các hoạt động của họ ở các địa điểm công cộng. Mã sức khỏe của họ sẽ chỉ chuyển sang màu xanh sau khi họ tham gia xét nghiệm axit nucleic.

Bắc Kinh bắt giữ 1,43 triệu người trong chiến dịch an ninh 100 ngày trước kỳ họp quốc gia
Mọi người xếp hàng để được thử axit nucleic để phát hiện COVID-19 tại một bãi thử tạm ở quận Triều Dương vào ngày 25/04/2022 ở Bắc Kinh. (Hình ảnh Kevin Frayer / Getty)

Nếu sự việc này chỉ xảy ra một lần, hai lần thì không đáng kể gì. Tuy nhiên, việc phong tỏa rồi mở cửa, mở cửa rồi lại phong tỏa đã diễn ra nhiều lần, lặp đi lặp lại, liên tục, người ta không biết khi nào bắt đầu cũng như không biết được khi nào kết thúc. Mà sự bất định là điều khiến người ta lo lắng, bởi vì không biết ngày mai sẽ ra sao.

Đỉnh điểm là vụ cháy chung cư ở Tân Cương vào tối ngày 24/11 khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Dồn nén đến đỉnh điểm khiến họ nhận ra họ cần nói lên tiếng nói của mình để chính quyền PHẢI nghe thấy.

Các cuộc biểu tình trước đây thường là xảy ra theo địa điểm hoặc vấn đề cụ thể như: yêu cầu tăng lương, giải quyết khi mua nhà chậm tiến độ, không rút được tiền ngân hàng... Nhưng trên thực tế là khi nào có biểu tình, thì chính quyền sẽ đưa cảnh sát đến trấn áp, còn nhanh hơn cả cứu người trong thiên tai.

Cuộc biểu tình khởi đầu từ Tân Cương rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh, thành khác của Trung Quốc như một làn sóng, chính quyền không cách nào xác minh được bao nhiêu người dân Trung Quốc đã tham gia. Mặc dù người biểu tình bị bắt giữ, bị đánh đập, nhưng số lượng các cuộc biểu tình vẫn tăng lên, và đã lan đến thủ đô Bắc Kinh cũng như các thành phố lớn như Thượng Hải. Người dân đã dám kêu gọi Tập Cận Bình và ĐCSTQ hãy hạ đài.

Những các cuộc biểu tình gần đây cho thấy mọi người vô cùng phẫn uất với tình hình hiện tại và tin rằng mọi thứ phải thay đổi.

Điều này làm người ta liên tưởng đến cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2003 và cách mạng “Ô dù” 2014. Những cuộc biểu tình này đã khiến người ở Đại Lục có một cái nhìn rất khác về con người Hồng Kông mạnh mẽ, kiên cường.

Năm xưa, người Đại Lục cười nhạo giới trẻ Hồng Kông sao mà rảnh rỗi, nông nỗi quá nhưng đến hôm nay khi đụng phải cú đấm sắt của chủ nghĩa cực quyền, họ mới hiểu ra cú đấm sắt liên quan đến mình và đồng thời nhận rõ “tự do hay là chết”.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Minh Đăng

Chú thích:
* Phong trào “Ô dù”: Tên của phong trào này phát sinh từ việc sử dụng ô dù như một công cụ chống lại một cách thụ động đối với việc sử dụng bình xịt hơi cay của Cảnh sát Hồng Kông để giải tán đám đông trong một cuộc chiếm đóng thành phố 79 ngày nhằm đòi hỏi bầu cử minh bạch hơn, được đưa ra bởi quyết định Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Quốc gia (NPCSC) ngày 31/08/2014 đã quy định sàng lọc trước các ứng cử viên cho cuộc bầu cử năm 2017 của Đặc khu trưởng Hồng Kông.

 



BÀI CHỌN LỌC

Từ Lục Tứ, Phong trào ô dù tới Cách mạng giấy trắng: Trung Quốc đang thức tỉnh nhờ Zero-Covid