Từ vụ bắt bà Mạnh Vãn Chu đến trục xuất nhà ngoại giao, quan hệ Canada - Trung Quốc khó có thể quay đầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Canada và Trung Quốc đã trục xuất các nhà ngoại giao của nhau trong những ngày gần đây. Đây là một cột mốc mới trong căng thẳng kéo dài nhiều năm giữa hai nước. Kể từ khi bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), con gái của người sáng lập Huawei, bị bắt ở Canada tới nay, quan hệ Canada - Trung Quốc ngày càng xấu hơn và khó có thể quay đầu lại.

‘Chúng tôi biết sẽ có sự trả đũa, nhưng chúng tôi sẽ không để bị đe dọa’

Vào ngày 8/5, ông Triệu Nguy (Zhao Wei), một nhà ngoại giao tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Toronto, đã bị trục xuất. Ông bị cáo buộc giúp Trung Quốc thu thập thông tin về một nghị sĩ Đảng Bảo thủ Canada và gia đình của ông này.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly nói rằng, bất kỳ hình thức can thiệp nào của nước ngoài cũng sẽ không được dung thứ.

Tới ngày 9/5, phía Trung Quốc đã trả đũa bằng cách yêu cầu bà Jennifer Lalonde, Lãnh sự của Tổng lãnh sự quán Canada tại Thượng Hải, rời khỏi nước này trước ngày 13/5.

Trước sự trả đũa của Trung Quốc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đáp rằng: “Chúng tôi biết sẽ có sự trả đũa, nhưng chúng tôi sẽ không để bị đe dọa”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân Canada khỏi sự can thiệp của nước ngoài”.

Ông Trudeau nói: “Cho dù họ (Trung Quốc) chọn làm gì tiếp theo, chúng tôi cũng sẽ không bị đe dọa và chúng tôi đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục thấy được điều đó, đối với các quốc gia khác đang can thiệp nước ngoài cũng vậy, chúng tôi sẽ rất nghiêm túc về vấn đề này”.

Quan hệ Canada - Trung Quốc xấu đi sau vụ bắt bà Mạnh Vãn Chu

Mối quan hệ Canada - Trung Quốc xấu đi bắt đầu từ vụ việc hồi tháng 12/2018 của bà Mạnh Vãn Chu. Khi đó, theo yêu cầu tương trợ tư pháp của Hoa Kỳ, cảnh sát Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei, khi bà đang quá cảnh ở Vancouver. Bà Mạnh bị buộc tội lừa đảo các ngân hàng để giao dịch với các công ty Iran bị Hoa Kỳ trừng phạt.

Trong khi bà Mạnh Vãn Chu bị quản thúc tại nhà riêng ở Vancouver, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện “ngoại giao con tin” và bắt giữ hai công dân Canada tại Trung Quốc để buộc chính phủ Canada phải thả bà Mạnh Vãn Chu.

Cho đến tháng 9/2021, bà Mạnh Vãn Chu mới đạt được thỏa thuận với các công tố viên Hoa Kỳ và được phép trở lại Trung Quốc. Cùng lúc đó, hai công dân Canada đã ngồi tù gần 3 năm cũng được bí mật đưa lên máy bay về nước.

Vào tháng 12/2022, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã hủy bỏ mọi cáo buộc đối với bà Mạnh Vãn Chu.

Canada lên án chế độ Bắc Kinh vi phạm nhân quyền

Sau sự kiện bà Mạnh Vãn Chu, Canada đã công khai lên án các hành vi xâm phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và mối quan hệ giữa hai nước lại càng xấu đi.

Vào tháng 2/2021, các nghị viên Quốc hội Canada đã thông qua một kiến ​​nghị và lên án việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là "hành vi diệt chủng".

Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Canada Michael Chong đã dẫn đầu kiến nghị ​​này. Sự việc này khiến ông và người thân ở Hong Kong trở thành mục tiêu của gián điệp Trung Quốc.

Vào tháng 2 năm nay, Quốc hội Canada đã nhất trí thông qua đề xuất chấp nhận 10.000 người Duy Ngô Nhĩ tị nạn chạy trốn khỏi Trung Quốc và đang phải đối mặt với áp lực hồi hương.

Canada cấm Huawei, ZTE

Trong lĩnh vực công nghệ, Canada đã theo chân đồng minh Mỹ trong việc cấm các công ty viễn thông Trung Quốc. Vào tháng 5 năm ngoái, Canada tuyên bố rằng dựa trên những lo ngại về an ninh quốc gia, họ đã cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G của Canada và ZTE cũng bị đưa vào danh sách đen.

Để ngăn chặn sự thâm nhập của ĐCSTQ, vào ngày 3/5, Đại học Waterloo ở Canada đã tuyên bố chấm dứt mọi quan hệ hợp tác nghiên cứu với Huawei.

Tiếp sau đó, các trường đại học hàng đầu của Canada như Đại học McGill, Đại học Toronto, Đại học Montreal… cũng đưa ra quyết định tương tự.

Vào tháng 2 năm nay, Canada đã noi gương Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu trong việc cấm sử dụng ứng dụng video TikTok của Trung Quốc trên thiết bị công, qua đó ngăn chặn việc thông tin người dùng bị đánh cắp và gửi đến Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình cáo buộc ông Trudeau ‘làm lộ bí mật' trước công chúng

Tháng 11 năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ông Tập Cận Bình đã công khai cáo buộc ông Trudeau là "làm lộ bí mật" và một lần nữa thể hiện sự thù địch giữa hai bên.

Phóng viên đài CTV của Canada đã quay lại cảnh này và đăng video lên Twitter. Vào cuối hội nghị thượng đỉnh G20, ông Tập Cận Bình nói với ông Trudeau bên lề cuộc họp rằng nội dung thảo luận của họ một ngày trước đó đã được truyền thông đưa tin, “việc này không phù hợp".

Ông Tập Cận Bình đe dọa ông Trudeau: “Nếu có lòng thành, chúng ta nên kết nối trao đổi với thái độ tôn trọng lẫn nhau, nếu không kết quả sẽ khó nói trước”.

Ông Trudeau đáp lại bằng một nụ cười: "Ở Canada, điều chúng tôi tin tưởng là đối thoại tự do, cởi mở và thẳng thắn, trước nay chúng tôi luôn như vậy".

Trung Quốc bị tố can thiệp bầu cử Canada

Vào tháng 3 năm nay, ông Trudeau đã bổ nhiệm cựu Toàn quyền David Johnston làm điều tra viên đặc biệt để điều tra việc ĐCSTQ “can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử gần đây của Canada”.

Trước đó, tờ The Globe and Mail của Canada đã trích dẫn các tài liệu và nguồn tin mật cho biết, ĐCSTQ đã nỗ lực để đánh bại các chính trị gia bảo thủ, những người bị coi là không thân thiện với Bắc Kinh; nghị sĩ Michael Chong và gia đình của ông ở Hong Kong đã bị cơ quan tình báo của ĐCSTQ nhắm đến.

Vụ việc các nghị sĩ Canada và các thành viên gia đình của họ bị ĐCSTQ đe dọa đã trực tiếp dẫn đến việc một nhà ngoại giao Trung Quốc có liên quan bị trục xuất khỏi Canada. Hành vi trả đũa của Bắc Kinh đã đẩy căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc lên một mức mới.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Từ vụ bắt bà Mạnh Vãn Chu đến trục xuất nhà ngoại giao, quan hệ Canada - Trung Quốc khó có thể quay đầu