Uống nước đá trong thời tiết nắng nóng: Tưởng không sao nhưng hoá ra hại cực kỳ!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nước đá tạo cảm giác mát lạnh và sảng khoái trong những ngày hè nóng nực, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe doạ cho sức khoẻ. Uống nước đá thường xuyên có thể gây hỏng răng, viêm họng, tăng cân, giảm sức đề kháng…

Dưới cái nóng “đổ lửa” vào buổi trưa hè, anh Sơn (24 tuổi, ngụ ở Quận 8, TP.HCM), ghé vào một quán nước giải khát bên đường khi đang chạy xe ôm công nghệ. Anh mua một cốc nước đá cỡ lớn để uống và tận hưởng cảm giác mát lạnh mà nó mang lại.

Anh cho biết mỗi ngày đều uống 3-4 cốc nước đá, “trời nắng nóng mà uống một cốc như vậy thì không còn gì sánh bằng”.

Không chỉ anh Sơn, nước đá đã trở thành thức uống phổ biến của mọi lứa tuổi, từ gia đình đến công sở, từ các quán nước ven đường đến những quán cà phê sang trọng… Tuy nhiên, ít ai biết rằng hành động này đã ảnh hưởng ít nhiều đến sức khoẻ của họ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Huyền, Trưởng khoa dinh dưỡng lâm sàng tiết chế - Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng TP.HCM, cho biết phần lớn người dân cho rằng nước đá lạnh có thể giúp hạ nhiệt cơ thể, nhưng thực tế thì ngược lại.

Việc uống đồ lạnh ngay khi đi nắng về có thể làm co các mao mạch và niêm mạc đường tiêu hoá, dẫn đến khó hấp thụ các chất và sự thẩm thấu của nước vào cơ thể. Do đó, cơn khát vẫn không được giải quyết. Hơn nữa, uống nước lạnh lúc cơ thể đang nóng sẽ làm lạnh toàn thân đột ngột, dẫn đến rối loạn điểm trung tâm vùng nhiệt.

Bác sĩ Huyền giải thích, khi nước lạnh tiếp xúc với yết hầu, họng gần hệ thần kinh sẽ khiến điểm trung tâm vùng nhiệt rối loạn. Cơ thể bắt đầu đóng các tuyến mồ hôi, ngưng thoát mồ hôi, tim đang đập nhanh đột ngột chậm lại, trong khi thân nhiệt cơ thể còn chưa giảm thực sự. Lúc này, cơ thể có khả năng bị rối loạn điện giải thậm chí là sốc nhiệt và ngất xỉu.

Mặt khác, uống nước đá giữa thời tiết nắng nóng gây co thắt dạ dày và ruột, làm tăng nguy cơ đau bụng cấp tính. Ngoài ra, thói quen xấu này còn dễ khiến bạn mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, cảm sốt, viêm phổi khi bạn uống phải loại đá lạnh không vệ sinh, hoặc các loại nước không đảm bảo, nhiễm khuẩn, theo nữ bác sĩ.

Ngoài ra, uống nước đá lạnh thường xuyên có thể dẫn đến những tác hại sau:

1. Viêm họng

Uống nước đá khi nắng nóng làm tăng khả năng bị đau họng và nghẹt mũi. Nguyên nhân là do nước lạnh sẽ làm khô lớp nhầy bảo vệ niêm mạc cổ họng gây ra hiện tượng bỏng lạnh, khiến cổ họng bị đau rát và tổn thương.

2. Chậm nhịp tim

Nước lạnh có thể làm nhịp tim chậm lại, bởi nó tác động và kích thích dây thần kinh phế vị - một phần quan trọng trong hệ thống thần kinh tự trị của cơ thể. Khi hệ thống bị ức chế, nhịp tim của sẽ bị suy giảm, thậm chí tăng huyết áp.

3. Tăng cân do tích tụ chất béo

Uống nước đá sau bữa ăn sẽ làm đông cứng chất béo từ thực phẩm vừa tiêu thụ, khiến cơ thể khó phân hủy các chất béo không mong muốn trong cơ thể.

4. Hỏng răng

Nước đá có thể làm răng sâu bị ê buốt đồng thời ảnh hưởng tới men răng, khiến sức đề kháng của răng bị giảm, phát sinh ra các bệnh về răng miệng.

Bên cạnh đó, nước đá có thể làm hỏng men răng, thậm chí nứt to và mẻ vì bị sốc nhiệt (do nhiệt độ thay đổi đột ngột). Nhai đá còn có thể làm răng yếu và dễ gãy.

5. Giảm sức đề kháng

Nước đá thường chứa khá nhiều vi khuẩn, đặc biệt là loại mua từ bên ngoài. Khi nước đá tan hết trong cơ thể, vi khuẩn sẽ bắt đầu tấn công, có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm. Theo thời gian, sức đề kháng có thể suy giảm.

6. Gây táo bón

Nước đá lạnh khiến ruột co lại, khả năng co bóp bị ảnh hưởng dẫn đến việc tiêu hóa thức ăn của dạ dày và ruột cũng trở nên không tốt, gây ra táo bón.

Các chuyên gia cho rằng, nước lạnh và thậm chí đồ uống lạnh có thể làm co mạch máu, do đó hạn chế tiêu hóa. Nó cũng cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng khi tiêu hóa.

7. Sốc nhiệt

Khi tập luyện cường độ cao, rất nhiều nhiệt được sinh ra. Nếu uống nước đá lạnh, nhiệt độ trong cơ thể sẽ bị thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, có khả năng gây đau dạ dày hoặc sốc nhiệt.

Sau khi ăn no hoặc ăn lẩu: Quá trình bơm máu để thực hiện chức năng tiêu hóa của cơ thể bị giảm xuống do nước lạnh, dẫn tới cảm giác đầy bụng, thậm chí là đau bụng. Đặc biệt khi ăn lẩu, việc kết hợp giữa đồ ăn nóng và đồ uống lạnh rất có hại cho dạ dày và đường ruột.

Ngay sau khi tập thể dục: Các mạch máu cũng như lỗ chân lông trên cơ thể giãn rộng. Lúc này, bạn không nên vội vàng uống nước đá hoặc vào phòng điều hoà có nhiệt độ thấp. Chỉ dùng nước nguội hoặc nước ấm vừa đủ để bổ sung lượng nước đã mất. Sau khi nhịp tim, nhiệt độ, cơ thể trở lại bình thường, lau sạch mồ hôi, hãy sử dụng nước mát để sảng khoái hơn.

Bác sĩ Huyền cho rằng thói quen uống nước đầy đủ, thường xuyên ngay cả khi không khát sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Nếu chỉ uống nước khi khát, hay để khát lâu mới uống sẽ khiến người nhanh mệt mỏi.

Nữ bác sĩ chia sẻ, sau khi đi nắng về, bạn cần nghỉ ngơi tại nơi thoáng mát trước khi uống nước. Nếu muốn uống lạnh thì nên để đồ uống giảm độ lạnh rồi mới sử dụng. Bạn nên tạo thói quen uống đủ nước hằng ngày (từ 2-2,5 lít tùy vào tình trạng thoát mồ hôi trong công việc, tập luyện, môi trường) đừng đợi tới khi thấy quá khát rồi mới uống nước. Song, nguồn nước uống phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Không uống nước lã. Không uống quá nhiều nước không có nguồn gốc. Mỗi lần chỉ uống một lượng nước vừa phải. Tốt nhất là bạn nên rót nước ra cốc để uống.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Uống nước đá trong thời tiết nắng nóng: Tưởng không sao nhưng hoá ra hại cực kỳ!