Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam chưa nhận được tín hiệu từ mặt đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đến ngày 02/12 trạm mặt đất vẫn chưa thu được tín hiệu từ vệ tinh NanoDragon do Việt Nam sản xuất, được phóng lên quỹ đạo từ ngày 09/11 tại Cơ quan Hàng không – Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).

Theo thông tin từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vệ tinh đã được phóng lên quỹ đạo trên thân tên lửa Epsilon-5 sau 3 lần bị hoãn vào các ngày 1/10/2021, 7/10/2021 và 7/11/2021.

Vệ tinh NanoDragon có 3 đường truyền thông: Đường truyền dữ liệu đo xa (thông tin về trạng thái của vệ tinh) từ vệ tinh phát xuống mặt đất ở dải tần UHF; đường phát lệnh điều khiển từ mặt đất lên ở dải tần VHF; và đường truyền dữ liệu nhiệm vụ từ vệ tinh xuống mặt đất ở băng tần S.

Hiện trạm mặt đất chưa thu được thông tin ở đường truyền dữ liệu đo xa ở dải UHF do đó các thông số trạng thái chi tiết của vệ tinh là chưa xác định được.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam hiện theo dõi trạm mặt đất ở Khu công nghệ cao Hoà Lạc 2 lần mỗi ngày vào khoảng 9h30 sáng và 9h30 tối và gửi các lệnh điều khiển vệ tinh ở băng tần VHF để dò tìm tín hiệu ở băng S.

Đồng thời, Trung tâm cũng phối hợp với cộng đồng (Satnogs) để thu tín hiệu vệ tinh, trong đó có 2 trạm có khả năng gửi lệnh lên vệ tinh NanoDragon và thu tín hiệu ở băng S.

Trong quá trình chuẩn bị phóng, vệ tinh NanoDragon đã vượt qua 4 vòng kiểm tra an toàn phóng của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) với nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Vệ tinh cũng đã vượt qua các vòng kiểm tra tại Việt Nam và được phép gửi sang Nhật Bản tham gia phóng theo kế hoạch của JAXA từ ngày 06/8/2021.

Tên lửa rời bệ phóng đưa 9 vệ tinh bay vào vũ trụ.

Vệ tinh NanoDragon là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020”.

Vệ tinh NanoDragon được thiết kế dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm).

Sau khi được phóng lên vũ trụ, vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời độ cao khoảng 560 km.

Vệ tinh này được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.

Trước vệ tinh NanoDragon, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) để phóng lên quỹ đạo và thu được tín hiệu vào năm 2013; vệ tinh MicroDragon (50kg) phóng lên quỹ đạo vào tháng 1/2019 và gửi được ảnh về trạm mặt đất tại Nhật Bản.

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam chưa nhận được tín hiệu từ mặt đất