Vi khuẩn miệng gây ra ung thư đại tràng ác tính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới cho thấy, một loại vi khuẩn miệng phổ biến liên quan đến một dạng ung thư đại tràng ác tính có thể thúc đẩy sự phát triển của khối u.

Phát hiện này được công bố trong một nghiên cứu trên tạp chí Nature vào ngày 20 tháng 3.

Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson đã thực hiện một loạt các xét nghiệm trên mẫu phân của người và chuột để ghi nhận sự di chuyển của vi khuẩn Fusobacterium nucleatum - xuất hiện ở khoảng 50% khối u được cắt bỏ từ 200 bệnh nhân ung thư đại tràng.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, số ca tử vong ở người trưởng thành do ung thư đại tràng gây ra cao thứ hai trong danh sách các bệnh ung thư hàng đầu tại nước này. Trong năm 2024, dự kiến bệnh này sẽ cướp đi sinh mạng của hơn 53.000 người.

Tầm quan trọng của phát hiện

Fusobacterium nucleatum được quan tâm đặc biệt vì những bệnh nhân ung thư có vi khuẩn này thường có tiên lượng và tỷ lệ sống sót thấp hơn, Susan Bullman, nhà nghiên cứu về vi sinh vật ung thư tại Fred Hutch và đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích trong một bản tin.

Bà nói:

"Bây giờ chúng tôi phát hiện ra một phân nhóm cụ thể của vi khuẩn này chịu trách nhiệm cho sự phát triển của khối u. Điều này gợi ý rằng các phương pháp điều trị và sàng lọc nhắm vào nhóm phụ này trong hệ vi sinh vật đường ruột sẽ giúp ích cho những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng ác tính".

Phân nhóm cụ thể của Fusobacterium (Fna C2) có trong 50% khối u được nghiên cứu. Ở một phân tích riêng biệt, người ta phát hiện rằng so với 619 người khoẻ mạnh, số lượng của vi khuẩn này trong mẫu phân của 627 bệnh nhân ung thư đại tràng cũng cao hơn.

Fna C2 là một trong hai dòng riêng biệt của Fusobacterium nucleatum được ghi nhận trong các khối u đại tràng, với 195 điểm khác biệt về di truyền so với nhánh khác, hoặc nhóm các sinh vật có đặc điểm di truyền tương tự, được gọi là Fna C1.

Đặc điểm của Fna C2 cho thấy nó có thể đi qua axit dạ dày và phát triển ở đại tràng.

Axit dạ dày thường ức chế sự phát triển của các vi khuẩn không có ở ruột già. Nhưng một vài yếu tố cũng có thể can thiệp vào cơ chế bảo vệ này, bao gồm vi khuẩn thích nghi với axit dạ dày, chẳng hạn như Helicobacter pylori (H. Pylori), và tình trạng axit dạ dày thấp, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Hy vọng cho việc phòng ngừa, sàng lọc và điều trị

“Chúng tôi đã xác định chính xác dòng vi khuẩn có liên quan đến ung thư đại tràng, và kiến thức đó rất quan trọng để phát triển các phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả”, đồng tác giả Christopher D. Johnston, nhà vi sinh vật học phân tử tại Fred Hutch, cho biết trong bản tin.

Tuy nhiên, sẽ phải mất một thời gian trước khi những công cụ đó được phát triển, chủ yếu là vì cần có thêm nghiên cứu, Bác sĩ Marty Makary, một bác sĩ phẫu thuật ung thư tại Johns Hopkins nói với The Epoch Times.

Ông nói:

"Người ta có thể nghĩ rằng việc ngăn ngừa ung thư đại tràng có thể đơn giản như loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn Fusobacterium cụ thể đó khỏi ruột. Nhưng đường ruột sống trong trạng thái cân bằng, và khi bạn tác động đến tự nhiên, bạn có thể gặp phải vấn đề mà bạn không lường trước được".

Rối loạn đường ruột

Vi sinh vật đường ruột là tập hợp của hàng nghìn tỷ vi khuẩn, virus, nấm và các vi sinh vật khác. Cho đến vài thập kỷ gần đây, sự chú ý đã tập trung vào các vi sinh vật gây bệnh và thuốc kháng sinh, thứ thường tiêu diệt toàn bộ hệ vi sinh vật.

Các nghiên cứu mới hơn đang tìm thấy mối liên quan giữa thành phần của hệ vi sinh vật và nhiều bệnh tật.

Tiến sĩ Makary, tác giả của cuốn sách mới có tựa đề "Blind Spots: When Medicine Gets It Wrong, and What It Means for Our Health" (Điểm mù: Khi Y học sai lầm và ý nghĩa của nó đối với sức khỏe của chúng ta):

"Chúng tôi không biết mình đang làm gì với hệ vi sinh vật. Có thể thuốc kháng sinh và những thứ khác mà chúng ta dùng có thể cho phép vi khuẩn gây viêm nhiều hơn, và viêm được cho là một yếu tố góp phần gây ung thư. Có điều gì đó đang diễn ra.

Thật không may, ngành y tế chưa coi trọng loại nghiên cứu này và đã thiếu kinh phí nghiêm trọng cho vai trò của hệ vi sinh vật trong ung thư và bệnh mãn tính".

Vai trò của thuốc kháng sinh

Trên thực tế, chính các can thiệp của y học hiện đại có thể là nguyên nhân gây ra sự gián đoạn ngay từ đầu.

Tiến sĩ Makary lưu ý nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa việc sử dụng kháng sinh - có thể tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột - và polyp đại tràng, một yếu tố tiềm ẩn dẫn đến ung thư đại tràng.

Trong một nghiên cứu về phụ nữ ở độ tuổi 40 và 50 sử dụng thuốc kháng sinh được công bố vào năm 2017 trên tạp chí Gut, tần suất polyp đại tràng xuất hiện trong nội soi phản ánh thời gian sử dụng kháng sinh của họ.

Những người dùng thuốc kháng sinh hơn hai tháng có nguy cơ mắc polyp tăng 1,69 lần.

Đánh giá việc sử dụng thuốc kháng sinh trong giai đoạn hai năm, một nghiên cứu khác cho thấy những người có từ sáu đơn thuốc kháng sinh trở lên trong độ tuổi từ 30-79 có nguy cơ mắc ung thư đại tràng tăng 15%.

Được công bố vào năm 2008 trên Tạp chí Ung thư Quốc tế, nghiên cứu kết luận việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể dự đoán "nguy cơ mắc ung thư tăng lên".

Theo bài viết của Tiến sĩ Robert Ashley, bác sĩ nội trú và trợ lý giáo sư y khoa tại Đại học California, Los Angeles:

"Một giả thuyết có thể về lý do tại sao thuốc kháng sinh có thể dẫn đến sự hình thành polyp đại tràng, và sau đó là ung thư, có thể là do chúng tiêu diệt bừa bãi các vi khuẩn đường ruột có lợi.

Khi điều này xảy ra, các vi khuẩn không lành mạnh sẽ thống trị ở đại tràng, điều này có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch ở đại tràng, dẫn đến sự gián đoạn trong niêm mạc và sự hình thành polyp"

Bài học từ lịch sử

Mặc dù nghiên cứu mới cho thấy rõ ràng có mối liên quan giữa hệ vi sinh vật và ung thư đại tràng, tiến sĩ Makary cho biết có thể có nhiều vi khuẩn liên quan.

Trong tương lai, ông nói rằng điều quan trọng là phải thừa nhận giáo điều y tế và cởi mở tư duy để nghiên cứu toàn bộ hệ vi sinh vật.

Ông nói:

"Chúng ta đang chỉ thấy phần nổi của tảng băng chìm khi nói đến những hiểu biết về hệ vi sinh vật. Chừng nào chúng ta chỉ nghiên cứu về hóa trị liệu chứ không nghiên cứu các tác nhân gây ung thư thì chúng ta sẽ không bao giờ hiểu rõ hơn về vai trò của hệ vi sinh vật trong ung thư và bệnh mãn tính".

Mối liên quan có thể giữa vi khuẩn với ung thư đại tràng được nêu ra trong nghiên cứu này không khác gì việc phát hiện ra vi khuẩn H. pylori có thể gây loét dạ dày, tiến sĩ Makary lưu ý.

Helicobacter pylori, một loại vi khuẩn phổ biến mà hầu hết mọi người đều có, đôi khi có thể gây hại cho các mô dạ dày và ruột non, gây ra tình trạng viêm loét quá mức có thể dẫn đến loét peptic ở đường tiêu hóa trên.

Tiến sĩ Makary nói:

"Ngành y tế đã chế giễu ý tưởng do các nhà nghiên cứu đưa ra và nói, 'Chúng tôi chắc chắn đó là do căng thẳng, không phải do một loại vi khuẩn nào trong hệ vi sinh vật', nhưng đã có bằng chứng cho thấy mối liên quan trực tiếp.

Nếu chúng ta dám thừa nhận rằng có những điểm mù xứng đáng được nghiên cứu với phương pháp thực hiện nghiêm ngặt tương tự cách mà chúng ta áp dụng cho nghiên cứu dược phẩm, thì chúng ta sẽ bắt đầu tìm ra những điều mới mẻ để giải quyết tỷ lệ ung thư gia tăng ở những người trẻ tuổi".

Theo Amy Denney - The Epoch Times
Nhật Duy

Amy Denney là phóng viên sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã giành được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô thường viết các bài đề cập đến hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.



BÀI CHỌN LỌC

Vi khuẩn miệng gây ra ung thư đại tràng ác tính