Vừng đen có phải “thuốc chữa bách bệnh”? Hướng dẫn sử dụng và ăn hạt vừng đúng cách

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có câu: “Một đống thuốc bổ không bằng một nắm hạt vừng”. Khả năng bảo vệ sức khỏe và bổ sung dinh dưỡng của vừng đen được đánh giá là vượt trội. Tuy nhiên, vừng đen có xứng với những “danh hiệu” mà người ta gán ghép cho nó hay không?

Thực tế, còn có rất nhiều câu nói khác liên quan đến lợi ích của vừng đen, chẳng hạn như:

  • “Vừng đen có thể bổ sung canxi, hàm lượng canxi cao hơn cả sữa”;
  • “Vừng đen có chứa chất anthocyanins, không chỉ chống ung thư mà còn ngăn ngừa lão hóa”;
  • "Vừng đen chữa được bệnh rụng tóc"...

Tuy nhiên, ngoài vừng đen, chúng ta còn có vừng trắng, vậy loại nào có giá trị dinh dưỡng cao hơn và nên sử dụng ra sao để đạt hiệu quả tốt nhất?

Hạt vừng có thể chống ung thư?

Cuốn “Thần Nông bản thảo kinh” chép rằng: “Vừng đen bổ ngũ tạng, bổ sung năng lượng, phát triển cơ bắp, bổ não”.

Thật vậy, vừng đen rất giàu dinh dưỡng với protein, khoáng chất, axit linoleic, vitamin, chất xơ, sesamin, sesamol và các chất dinh dưỡng khác. Đặc biệt là canxi, phải nói rằng, hàm lượng canxi trong vừng đen thực sự rất cao.

So sánh cho thấy, hàm lượng canxi trong vừng đen cao gấp 7-8 lần so với sữa (vừng đen: 780 mg/100g và sữa nguyên chất: 107 mg/100g). Nói một cách logic, nó có thể hỗ trợ bổ sung canxi.

Tuy nhiên, thực phẩm chức năng không chỉ nên quan tâm đến hàm lượng canxi mà còn phải quan tâm đến tốc độ tiêu thụ và hấp thụ của thực phẩm.

Giả sử, lấy 400g sữa nguyên chất (tương đương với 400mg canxi) chuyển đổi thành vừng đen, tức bạn phải ăn khoảng 50g hạt vừng. Tuy nhiên, hàm lượng dầu trong vừng đen rất cao, ăn quá nhiều dầu sẽ không tốt cho sức khỏe.

Vậy có đáng tin cậy khi nói rằng vừng đen có thể chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa?

Sở dĩ nói rằng vừng đen có thể chống lão hóa và ung thư là do chất anthocyanin trong nó có tác dụng ức chế tế bào ung thư.

Nhưng cần nhấn mạnh rằng, những thí nghiệm “chống ung thư” này không tương đương với thí nghiệm trên người, nên tạm thời chưa thể kết luận tác dụng chống ung thư của vừng đen.

Tóm lại, đối với công hiệu của loại hạt này, chúng ta vẫn phải nhìn nhận một cách lý trí.

Vừng đen có thể làm đen tóc không?

Khả năng làm đen tóc của mè đen được cho là nhờ màu đen của loại hạt này. Tuy nhiên, câu trả lời hoàn toàn ngược lại.

Mặc dù cả hai đều đen, nhưng chúng đều khác nhau về bản chất. Ví dụ, vừng có màu đen là do nó chứa các flavonoid tương tự như anthocyanins.

Màu đen của tóc là một loại melanin được tổng hợp bởi các tế bào hắc tố. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự tổng hợp của nó; chẳng hạn như di truyền, tuổi tác, bệnh tật, dinh dưỡng, căng thẳng tinh thần, v.v.

Những yếu tố nói trên có thể dẫn đến giảm hoặc biến mất các hạt melanin trong nang tóc, khiến chúng không thể vận chuyển vào chân tóc một cách bình thường. Đó là lý do tại sao tóc chuyển sang màu trắng.

Vì vậy, màu đen của hạt vừng hiển nhiên không thể “truyền” vào tóc, nên đương nhiên không thể có tác dụng làm đen tóc.

Tuy rằng chưa thể chứng minh khả năng chống ung thư và làm đen tóc, nhưng vừng đen cũng có rất nhiều lợi ích như:

  • Giữ ẩm cho ruột, chống táo bón

Vừng đen rất giàu cellulose và dầu, có thể thúc đẩy tốc độ nhu động ruột và bôi trơn ruột, từ đó hỗ trợ quá trình đại tiện và ngăn ngừa táo bón.

  • Giúp làm đẹp da

Vừng đen chứa rất nhiều chất chống oxy hóa như vitamin E và xylan, có thể giúp chống lại tình trạng khô da và nếp nhăn.

Ngoài ra, nó còn chứa axit linoleic, là một loại axit béo không thể thiếu đối với cơ thể con người. Một khi thiếu hụt, tình trạng da cũng bị ảnh hưởng, trở nên khô ráp.

Nói chung, công dụng của vừng đen tương đối giới hạn, nhưng nắm được một số tác dụng mà loại hạt này có thể mang lại sẽ giúp bạn biết cách chăm sóc cơ thể của mình tốt hơn.

Vừng đen với vừng trắng, cái nào tốt hơn?

Cả vừng đen và vừng trắng đều được sử dụng rộng rãi trong đời sống, danh y Lý Thời Trân đã từng nói: “Vừng trắng dùng để chiết xuất dầu là tốt nhất, còn vừng đen dùng để ăn sẽ tốt hơn”.

Điều này có nghĩa là hạt vừng đen và vừng trắng đều có những ưu điểm riêng. Xét về tác dụng giữ gìn sức khỏe thì vừng đen tốt hơn, còn dùng để ép lấy dầu thì vừng trắng sẽ tốt hơn. Vậy sự khác biệt giữa hai loại này là gì?

  • Dinh dưỡng: Về hàm lượng protein, vitamin E, canxi... thì vừng đen cao hơn vừng trắng một chút;
  • Mùi vị: Vừng trắng giòn hơn vừng đen;
  • Công dụng: Từ góc độ bổ dưỡng và mục đích chữa bệnh thì vừng đen tốt hơn.

Thực tế, sự khác biệt giữa hai hạt này không lớn, mỗi loại đều có đặc điểm riêng, bạn có thể lựa chọn tùy theo nhu cầu của mình.

Ăn vừng như thế nào để tốt cho sức khỏe?

1. Nghiền và chiên để có dinh dưỡng tốt hơn

Hạt vừng chứa nhiều dinh dưỡng, tất cả đều được bọc trong lớp màng cứng bên ngoài, nên chỉ sau khi nghiền nhỏ và chiên trước khi ăn thì chất dinh dưỡng mới có thể tiết ra nhiều hơn, có lợi cho cơ thể hấp thụ.

2. Kiểm soát lượng tiêu thụ

Vừng tuy tốt nhưng lại chứa nhiều chất béo và không dễ tiêu nên bạn không được ăn quá nhiều, tốt nhất nên ăn kèm với các nguyên liệu khác, thường thì 10-15g mỗi ngày là cùng.

3. Bốn kiểu người ăn ít hơn

Hạt vừng tuy tốt nhưng không phải ai cũng thích hợp; chẳng hạn những người béo phì hay thừa cân, dễ sinh sỏi, viêm ruột mãn tính và tiêu chảy… nhằm tránh làm bệnh nặng thêm.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Vừng đen có phải “thuốc chữa bách bệnh”? Hướng dẫn sử dụng và ăn hạt vừng đúng cách