Bác sĩ Trung Quốc: Dữ liệu Covid-19 bị hủy, lãnh đạo bệnh viện cảnh báo ‘Nếu muốn sống thì hãy ngậm miệng lại’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bác sĩ tham gia vào việc tiêu hủy tài liệu về dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc đã tiết lộ thông tin chi tiết cho The Epoch Times vào ngày 10/3 vừa qua.

Bác sĩ này làm việc tại một bệnh viện ở một thành phố thuộc phía bắc Trung Quốc, ông yêu cầu được giấu tên vì lý do an toàn cá nhân. Ông nói rằng việc tiêu hủy dữ liệu của các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 đã bắt đầu từ ngay sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào đầu năm ngoái (2023).

Vào tháng 12/2022, chính quyền Trung Quốc bất ngờ thông báo dỡ bỏ chính sách Zero Covid kéo dài suốt 3 năm, khiến dịch bệnh bùng phát khắp nước này, các bệnh viện đông nghịt bệnh nhân, hàng dài người xếp hàng tại các nhà tang lễ để đăng ký sử dụng dịch vụ.

Quy trình và nơi tiêu hủy tài liệu về Covid-19 bị giám sát nghiêm ngặt

Bác sĩ trên nói rằng, bệnh viện nơi ông làm việc thường hủy dữ liệu khoảng một hoặc hai lần một tháng.

Ông này cho biết: "Vì bệnh viện là nơi lưu giữ thông tin chi tiết nhất. Người chết phải có được chữ ký xác nhận nguyên nhân tử vong của bác sĩ điều trị chính và 2 bác sĩ khác thì mới có thể được hỏa táng".

Bác sĩ này tiết lộ, những thông tin bị tiêu hủy bao gồm “đăng ký khám bệnh, tiêm chủng, nhập viện cấp cứu, các triệu chứng vào thời điểm đó, giấy chứng tử có chữ ký, thảo luận về nguyên nhân tử vong, thuốc men, v.v. Còn cả giấy tờ có chữ ký của các nhân viên liên quan trong cơ quan công an, trong đó chứng minh người chết tử vong vì dịch bệnh và được phép hỏa táng”.

Ông cũng cho biết, hoạt động tiêu hủy mỗi tháng đều được ủy viên chính trị của cơ quan công an địa phương phê duyệt và có chữ ký của phó huyện trưởng, sau đó được thiêu hủy ở một nơi đặc biệt dưới sự giám sát của 6 người, trong đó có cả cảnh sát.

"Thông thường, bác sĩ chịu trách nhiệm về những thông tin liên quan sẽ bị đánh thức vào lúc nửa đêm, đến bệnh viện lấy tài liệu rồi chất lên xe mang đi thiêu hủy. Không được phép mang theo điện thoại di động”.

"Có lúc thì [hủy] 2 lần một tháng, đều là thông báo bằng lời nói. Một lần tiêu hủy khoảng hơn 100 bản [tài liệu], vì quy mô của các bệnh viện khác nhau nên số lượng [tài liệu bị tiêu hủy] cũng khác nhau".

Bác sĩ này nói: “Khi tôi đến đó, cửa sổ ô tô bị che kín, tôi không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì khác xung quanh nơi đó, cũng không thể phân biệt được đông, tây, nam, bắc”. “Có lúc dường như xe đã đi rất xa rồi, có lúc lại đi quanh co, cũng có khi đi thẳng”.

Theo mô tả của ông, nơi hủy tài liệu được phòng bị nghiêm ngặt, có cảnh sát và cán bộ chuyên trách trấn giữ, còn có một trung đội cảnh sát vũ trang của địa phương cầm súng canh gác.

“Có một cái hố rất lớn, có thang, độ sâu 7 - 8 tầng. Sau khi đổ sáp trắng nóng, xăng, cồn [lên tài liệu], mọi người [tại hiện trường] cũng tản ra”.

“Trong số những người tham gia, có người mặc quần áo trắng, cũng có người mặc quần áo đen”. “[Họ] đều không nói chuyện, nên không dễ mà phân biệt được ai với ai”.

Ông cho biết, những người mặc quần áo đen là cảnh sát.

Ông nói, trong bệnh viện không ai dám nói về vấn đề này: "Dữ liệu lớn bị kiểm soát chặt chẽ như vậy, ai dám nói gì. [Các bác sĩ] đều thở dài và nói rằng xã hội này không dễ sống". Bác sĩ này cho biết, lãnh đạo bệnh viện đã cảnh báo họ: “Nếu muốn sống thì hãy ngậm miệng lại”.

Một nguồn tin ở Trung Quốc gần đây đã nói với The Epoch Times rằng: "Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu không được lưu giữ tất cả các loại thông tin, kể cả tài liệu giấy hay trong máy tính. Hồ sơ tiêm chủng phải bị xóa. Hồ sơ xét nghiệm axit nucleic và một số thứ làm chính quyền mất mặt trong quá trình chống dịch cũng phải tiêu hủy hết”.

Vào tháng 3 năm ngoái, thành phố Vô Tích ở tỉnh Giang Tô đã tiêu hủy lô dữ liệu cá nhân đầu tiên liên quan đến dịch bệnh. Theo báo chí đưa tin vào thời điểm đó, "Hôm 2/3 (năm ngoái), thành phố Vô Tích đã tổ chức buổi tiêu hủy dữ liệu cá nhân có liên quan đến dịch bệnh. Lô 1 tỷ dữ liệu cá nhân này nặng 1,7 terabyte và đã được tiêu hủy thành công”.

Vị bác sĩ giấu tên trên cho rằng, chính quyền Trung Quốc tiêu hủy thông tin "vì sợ rò rỉ bí mật, chính là để tăng cường bảo mật, vì sợ người dân ở Trung Quốc sẽ loan truyền sự việc này ra quốc tế. Đây là để dọn đường cho kế hoạch tiếp theo của [chính quyền] Trung Quốc".

Ông không cho biết kế hoạch tiếp theo của chính quyền Trung Quốc là gì.

Khu vực nông thôn Trung Quốc thời Covid: Có nơi chết cả làng

Do công việc nên vị bác sĩ này thường xuyên phải về nông thôn, ông cũng đã tiết lộ tình hình dịch bệnh ở nông thôn Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh. Dịch bệnh bùng phát sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, do nghèo khó và hệ thống y tế yếu kém, rất nhiều gia đình ở nông thôn đã bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề.

Ông nói: "Người dân ở các vùng nông thôn không đủ tiền mua thuốc, có người bị nhiễm Covid-19 và chờ chết tại nhà. Thậm chí có nơi cả làng đã chết".

"Người dân địa phương cử người đi phun xăng và dầu diesel rồi dùng súng phun lửa đốt, cả ngôi làng không còn gì. Sau đó, nó bị phá bỏ. Chỉ trong vài ngày, đã không còn thấy bóng dáng của ngôi làng đó nữa, nó đã biến mất. Ngoài ra còn có rất nhiều trẻ em cũng đã tử vong”.

"Nhưng khi báo cáo dân số thì họ vẫn giữ nguyên, như thể [những người chết kia] vẫn còn sống. Bởi vì nếu người đó chết rồi, bị hủy hộ khẩu rồi thì ở trên cũng sẽ hủy các khoản trợ cấp xuống dưới”.

Ông nói rằng, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc buộc tất cả người dân phải tiêm vaccine, “[ở nông thôn] có những trường hợp mà 1 người tiêm lượng vaccine của 4 người, vì phải tiêm cả phần vaccine của những người đã chết”.

"Cứ mỗi một người dân tiêm vaccine thì bí thư chi bộ thôn kiếm được 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu VND). Nếu hủy hộ khẩu [của người chết] thì chẳng phải sẽ không nhận được số tiền này sao?”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bác sĩ Trung Quốc: Dữ liệu Covid-19 bị hủy, lãnh đạo bệnh viện cảnh báo ‘Nếu muốn sống thì hãy ngậm miệng lại’