Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tạo ra một loại virus corona, toàn bộ số chuột bị thí nghiệm đều tử vong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các học giả đến từ hai trường đại học ở Bắc Kinh, Nam Kinh và Bệnh viện Đa khoa Quân đội 301 của Trung Quốc đã cùng nhau công bố một bài viết cho biết, họ đã sử dụng virus corona từ con tê tê để tạo ra một loại virus biến thể tên là “GX_P2V C7”. Sau khi thí nghiệm trên loài chuột có mang thụ thể ACE2 của người, tất cả những con chuột này đều đã chết. Truyền thông nước ngoài bình luận rằng thật "sởn gai ốc".

Vào ngày 3/1, nền tảng lưu trữ bioRxiv đã đăng tải một bài viết có tiêu đề "Lethal Infection of Human ACE2-Transgenic Mice Caused by SARS-CoV-2-related Pangolin Coronavirus GX_P2V(short_3UTR)” (tạm dịch: Virus corona GX_P2V(short_3UTR) từ tê tê có liên quan đến SARS-CoV-2 đã gây ra lây nhiễm làm chết loài chuột mang thụ thể ACE2 của người).

bioRxiv là kho lưu trữ bản thảo preprint dành cho khoa học sinh học do hai Tiến sĩ John Inglis và Richard Sever đồng sáng lập vào tháng 11/2013. Không giống như các sản phẩm được đăng trên tạp chí hàn lâm, preprint là các bản thảo chưa qua bình duyệt (peer review). Các bài viết được lưu trữ trên bioRxiv đang chờ kết quả bình duyệt và vẫn chưa được xác định liệu có thể xuất bản chính thức hay không, nhưng đã trải qua sàng lọc cơ bản và kiểm tra chống đạo văn.

Trong số 10 đồng tác giả của bài viết này, có:

  • 7 người đến từ “Trung tâm Đổi mới Tiên tiến về Kỹ thuật và Khoa học Vật chất Mềm” thuộc Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh (BUCT);
  • 2 người đến từ “Trung tâm Nghiên cứu Y học Lâm sàng” thuộc Trung tâm Y tế số 5 của Bệnh viện Đa khoa Quân đội 301 Bắc Kinh;
  • 1 người đến từ “Phòng thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Công nghệ Sinh học Y tế” thuộc Đại học Nam Kinh.
Bài viết được đăng trên nền tảng bioRxiv. (Ảnh chụp màn hình)

Bài viết này nêu rõ, trong năm 2017 và 2020, các học giả Trung Quốc đã sử dụng virus corona từ tê tê có liên quan đến SARS-CoV-2 để nuôi cấy ra hai chủng phân lập là GX_P2V và pCoV14 GD01. Trong đó, chủng phân lập pCoV-GD01 có tính tương đồng cao với SARS-CoV-2, có thể lây nhiễm sang chuột bạch có mang thụ thể ACE2 của người và chuột hamster vàng, sau đó gây bệnh. Còn chủng GX_P2V cũng có thể lây nhiễm cho cả hai loài chuột trên nhưng dường như không gây bệnh rõ ràng.

Sau đó, nhóm nghiên cứu trên đã sử dụng phương thức nhân bản, và sau khi thêm đột biến vào chủng đột biến GX_P2V (short_3UTR) của GX_P2V, họ tạo ra một chủng đột biến mới và đặt tên là GX_P2V C7.

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu này đã lây nhiễm GX_P2V C7 cho 4 con chuột bạch có mang thụ thể ACE2 của người và kết quả là cả 4 con chuột này đều chết trong vòng 7 - 8 ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Bắt đầu từ ngày thứ 5 chuột bị giảm cân, đến ngày thứ 7 chuột xuất hiện các triệu chứng như dựng lông, gù lưng, cử động chậm chạp và mắt bắt đầu trắng bệch.

Sau đó, những nhà nghiên cứu này lại lây nhiễm GX_P2V C7 cho 8 con chuột bạch khác có mang thụ thể ACE2 của người. Vào ngày lây nhiễm thứ 3 và thứ 6, mỗi ngày họ giải phẫu 4 con. Cả hai lần giải phẫu đều phát hiện một lượng lớn RNA virus (viral RNA) trong não, phổi, cuốn mũi, mắt và khí quản của những con chuột bị nhiễm bệnh, nhưng có rất ít hoặc không có RNA virus ở các cơ quan khác.

Ngoài ra, trong ngày giải phẫu thứ 3, RNA virus được phát hiện trong não của cả 4 con chuột. Trong ngày giải phẫu thứ 6, phát hiện được mức độ RNA virus cao bất thường trong não của 4 con chuột.

Theo bài viết trên, các học giả Trung Quốc này đã biến GX_P2V - một chủng phân lập không gây bệnh rõ ràng - thành một loại virus có khả năng gây tử vong cho chuột bạch có mang thụ thể ACE2 của người. Hơn nữa, loại virus này còn tấn công đại não của tất cả những con chuột bị nhiễm bệnh.

Thụ thể ACE2

Trong thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã sử dụng loại chuột bạch có mang thụ thể ACE2 của người. Mà ACE2 là một loại protein đóng vai trò “cầu nối” trong quá trình virus lây nhiễm cho cơ thể con người. GX_P2V C7 có thể gây ra cái chết nhanh chóng cho tất cả những chuột bạch có mang thụ thể ACE2 của người, vậy điều này có nghĩa là nó cũng gây ra mối đe dọa tiềm tàng rất lớn đối với con người.

Nhóm nghiên cứu này viết rằng “Đây là kết quả nghiên cứu đầu tiên chứng minh rằng loại virus mới có liên quan đến coronavirus [này] gây ra cái chết 100% cho chuột thí nghiệm” và rằng “tỷ lệ tử vong nhanh đến mức đáng kinh ngạc”, “có nguy cơ virus này lây truyền sang người", v.v.

Bài viết trên cũng đề cập rằng, nhóm của bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) - nhà virus học hàng đầu Trung Quốc thuộc Phòng thí nghiệm Virus P4 Vũ Hán - trước đây cũng từng nghiên cứu chủng đột biến GX_P2V (short_3UTR), nhưng không nghiên cứu “sự tiến hóa thích nghi trong quá trình nuôi cấy trong phòng thí nghiệm” của chủng đột biến này và không thu được chủng đột biến mới như nhóm 10 học giả trên đã tạo ra.

Nhà virus học người Trung Quốc Thạch Chính Lệ bên trong phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 23/2/2017. (Johannes Eisele / AFP qua Getty Images)
Nhà virus học người Trung Quốc Thạch Chính Lệ bên trong phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 23/2/2017. (Johannes Eisele / AFP via Getty Images)

Bài viết này đã được báo chí Anh, Mỹ… đưa tin và gây lo ngại trong giới học thuật. Có phương tiện truyền thông bình luận rằng, việc virus khiến mắt chuột trắng bệch “là điều khiến người ta sởn tóc gáy nhất”.

Một kênh truyền thông Mỹ đã dẫn lời một số chuyên gia y tế chỉ ra rằng, loại nghiên cứu này "vô nghĩa về mặt khoa học" và nhất định phải “chấm dứt hành vi điên rồ này".

Đại dịch SARS-CoV-2 hoành hành suốt 4 năm qua đã gây ra thảm họa lớn cho thế giới. Hiện vẫn có một luồng ý kiến cho rằng, đây có thể là sự cố rò rỉ một loại virus gây chết người do nhóm của bà Thạch Chính Lệ tạo ra.

Tài liệu nêu trên cho thấy, các học giả trong hệ thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn không ngừng tạo ra những loại virus khủng khiếp gây chết người.

Trong nhiều thập kỷ qua, các cơ quan nghiên cứu sinh học của Trung Quốc đã tiến hành nhiều loại nghiên cứu nhằm phân tách và tạo ra các loại virus gây tử vong cho con người từ các loại virus của động vật trong tự nhiên. Lý do họ đưa ra là để nghiên cứu “các biến thể có thể có và khả năng lây nhiễm sang người” của những loại virus trên động vật, để “đề phòng tai họa từ trong trứng nước”, v.v.

Tuy nhiên, nhiều học giả nước ngoài đã chỉ trích rằng, loại nghiên cứu này không có giá trị thực tiễn nào ngoài việc gây hại cho con người. Giới quan sát nghi ngờ rằng, “phòng ngừa và kiểm soát” chỉ là cái cớ, mục đích thực sự của chính quyền Trung Quốc là tạo ra vũ khí sinh học để đối đầu với Âu - Mỹ.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tạo ra một loại virus corona, toàn bộ số chuột bị thí nghiệm đều tử vong